1. Dự thảo Thông tư quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra
Tại Khoản 3 Điều 5, UBDT đề nghị bổ sung trường hợp không có cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra thì giao bộ phận nghiệp vụ có trách nhiệm đề xuất người tham gia Đoàn thanh tra; giám sát các thành viên Đoàn thanh tra thuộc cơ quan, đơn vị mình; thực hiện các nhiệm vụ khác khi được người ra quyết định thanh tra giao.
UBDT cho rằng, Khoản 2 Điều 17 dự thảo Thông tư quy định, trước khi công bố quyết định thanh tra 05 ngày làm việc, Trưởng Đoàn thanh tra có văn bản gửi đối tượng thanh tra kèm theo đề cương báo cáo là chưa phù hợp. Do đó, đề nghị TTCP cân nhắc các yếu tố về nội dung, đối tượng, phạm vi cuộc thanh tra, cơ quan, tổ chức tiến hành thanh tra để quy định thời hạn tối đa yêu cầu báo cáo dài ngày hơn, kể từ ngày ban hành quyết định thanh tra.
Tại Điều 41, đề nghị nghiên cứu bổ sung trường hợp các tổ chức thanh tra không có các đơn vị trực thuộc được giao chủ trì cuộc thanh tra thì việc dự thảo Kết luận thanh tra do Trưởng Đoàn thanh tra trình người ra quyết định thanh tra xem xét.
Ngoài ra, UBDT đề nghị bổ sung quy định về thời hạn thẩm định và thời gian xử lý dự thảo Kết luận thanh tra tại Điều 44, Điều 45; bổ sung cụm từ “nếu có” đối với các văn bản, bảng biểu mẫu do Trưởng Đoàn thanh tra ký đóng dấu tại một số phụ biểu kèm theo thông tư.
2. Dự thảo Thông tư quy định về thẩm quyền, thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng
Đối với dự thảo Thông tư này, tại Khoản 2 Điều 5, UBDT đề nghị sửa từ “các bộ” thành “cấp bộ”. Cụ thể: “Trong quá trình tiến hành thanh tra trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ xem xét, đánh giá việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đối với cấp bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh…”.
“Việc tiếp nhận và xử lý đơn theo quy định tại Chương IX của Thông tư này” được quy định tại Khoản 3 Điều 12, UBDT đề nghị sửa thành “Việc tiếp nhận và xử lý đơn theo Thông tư số.../2021/TT-TTCP ngày…..của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh”.
Đề nghị bổ sung vào điểm b Khoản 1 Điều 15 từ “pháp luật” (“Việc tuyên truyền, phổ bien, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng”).
Tại điểm d Khoản 1 Điều 15, UBDT đề nghị sửa đổi cụm từ: “Việc xử lý và giải quyết phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng” thành “Việc xử lý và giải quyết phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng; bảo vệ người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng”.
Các ý kiến tham gia góp ý đối với một số dự thảo thông tư về công tác nghiệp vụ thanh tra của Ủy ban Dân tộc rất cụ thể, chi tiết, hợp lý. (Ảnh: Nguyên Khôi)
3. Dự thảo thông tư quy trình tiếp công dân
UBDT đề nghị bỏ từ “phải” trong Khoản 1 Điều 10, thay bằng cụm từ “có trách nhiệm” cho phù hợp với Điều 18 Luật Tiếp công dân: “Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân...”.
Khoản 2 Điều 11: “Cơ quan, đơn vị có liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có trách nhiệm” đề nghị sửa đổi thành: “Cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý có liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có trách nhiệm...”.
4. Dự thảo thông tư quy định về quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, đơn phản ánh
Đáng chú ý, UBDT cho rằng, để phù hợp với quy định của Điều 38 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, đề nghị sửa đổi Khoản 2 Điều 9 “...Người xử lý đơn phải báo cáo để người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị mình báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định” thành “...Người xử lý đơn phải báo cáo để người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị mình báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giải quyết”.
Điều 26: “...Người xử lý đơn hướng dẫn gửi đơn hoặc chuyển đơn đến đơn vị, doanh nghiệp đó để giải quyết theo quy định của pháp luật”, UBDT đề nghị sửa đổi thành “…Người xử lý đơn hướng dẫn gửi đơn hoặc báo cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị quyết định việc chuyển đơn đến đơn vị, doanh nghiệp đó để giải quyết theo quy định của pháp luật”...
Đối với nội dung xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh về những vụ việc có tính chất phức tạp quy định tại Điều 27, theo UBDT, để việc áp dụng quy định tại điều này được thống nhất, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cụ thể theo hướng: Các biện pháp xử lý theo thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan tổ chức đơn vị khi xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo về những vụ việc phức tạp; các biện pháp xử lý của cơ quan, tổ chức đơn vị có thẩm quyền khi nhận được đề nghị của cơ quan có thẩm quyền trong việc xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo về những vụ việc phức tạp./.
Nguyên Khôi