Những năm qua được sự quan tâm của Thanh tra chính phủ (TTCP), sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của ngành thanh tra Hưng Yên, công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng đã đạt được kết quả cao, hiệu quả rõ rệt góp phần giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Kết quả hoạt động thanh tra ngoài yếu tố về lực lượng thanh tra còn phụ thuộc rất nhiều vào tính chất, lĩnh vực của từng cuộc thanh tra. Việc xây dựng kế hoạch thanh tra do các cơ quan thanh tra chủ động tham mưu, đề xuất trên cơ sở định hướng của TTCP, hướng dẫn của cơ quan thanh tra cấp trên, yêu cầu về quản lý của thủ trưởng cơ quan… Do vậy, việc xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm có vai trò quan trọng trong hoạt động chung của ngành thanh tra.
Chánh Thanh tra tỉnh Hưng Yên - Đồng chí Nguyễn Văn Chín
Căn cứ quy đinh của Luật Thanh tra, Nghị định 85/2011/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 01/2014/TT-TTCP ngày 23/4/2014 của TTCP quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra, vào khoảng tháng 9 hàng năm UBND tỉnh Hưng Yên đã có văn bản chỉ đạo việc xây dựng Kế hoạch thanh tra của tỉnh cho năm sau. Trên cơ sở định hướng, hướng dẫn của TTCP, sự chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh tiến hành khảo sát xây dựng Dự thảo Kế hoạch thanh tra. Chánh thanh tra tỉnh ban hành quyết định phân công từng tổ, nhóm có trách nhiệm khảo sát từng lĩnh vực, nội dung, địa bàn. Sau khi có kết quả tổng hợp, lãnh đạo Thanh tra tỉnh cùng các tổ được giao nhiệm vụ, các cá nhân có liên quan tiến hành cuộc họp để thảo luận, tham gia ý kiến đưa đến bản dự thảo hoàn thiện nhất.
Kết quả theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra hàng năm và dự kiến kế hoạch thanh tra năm tiếp theo của các đơn vị, Thanh tra tỉnh chủ trì, điều phối kế hoạch thanh tra giữa các sở, ngành, huyện, thành phố để tránh sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng, có căn cứ, cơ sở để bảo vệ quan điểm, nội dung trong Kế hoạch thanh tra phải được hết sức chú trọng, hạn chế tối đa sự khác biệt giữa dự thảo và kế hoạch chính thức. Điều đó giúp cho cơ quan thanh tra nâng cao vai trò, vị trí của mình trong việc tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước, đồng thời tạo thế chủ động cho cơ quan thanh tra khi triển khai thực hiện kế hoạch.
Tuy nhiên vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng kế hoạch thanh tra. Việc xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra còn phụ thuộc quá nhiều vào phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc sở, UBND cấp huyện, điều này làm mất đi tính độc lập, chủ động và tự chịu trách nhiệm đối với công tác thanh tra của ngành thanh tra. Ngoài ra việc kiến nghị xử lý thu hồi về kinh tế, các cơ quan thanh tra không trực tiếp xử lý các cán bộ sai phạm mầ chỉ kiến nghị để Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện. Do vậy công tác xử lý cán bộ sai phạm chưa được thực hiện triệt để, kịp thời dẫn đến giảm hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra.
Hệ thống các văn bản pháp luật về thanh tra còn chưa thực sự hoàn chỉnh, nhiều điểm còn bộc lộ bất hợp lý, không phù hợp với tình hình và yêu cầu của thực tiễn dẫn đến sự chồng chéo về thẩm quyền và hoạt động ở một số lĩnh vực gây khó khăn, phiền hà cho các cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra. Quyền hạn và hiệu lực thanhh tra còn hạn chế. Các cơ quan thanh tra chỉ dừng lại ở quyền kiến nghị cho nên tính hiệu quả thường không cao và phụ thuộc vào thái độ tiếp thu và biện pháp thực hiện các kiến nghị của các cơ quan, đơn vị được các cơ quan thanh tra kiến nghị. Hoạt động thanh tra dựa trên cơ sở đảm bảo tính thống nhất của quyền lực nhà nước từ Trung ương đến địa phương nhưng do sự phân tán của nên hành chính nên các tổ chức thanh tra nhà nước ở các cấp, các ngành gần như lệ thuộc hoàn toàn vào cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, trong khi sự chỉ đạo của cơ quan thanh tra nhà nước cấp trên có phần trở thành hình thức, kém hiệu quả. Sự đối phó của các cơ quan, đơn vị được chọn để khảo sát, nắm tình hình xây dựng kế hoạc thành tra. Do hành làng pháp lý chưa vững chắc nên khó có thể đòi hỏi cơ quan, đơn vị được chọn khảo sát đáp ứng mọi yêu cầu của cuộc khảo sát. Trên thực tế, việc đoàn khảo sát tiêp cận với cơ quan đơn vị được chọn khảo sát gặp khó khăn xuất phát từ tư cách pháp lý của Đoàn và thành viên khảo sát, tâm lý không muốn sự xuất hiện của cơ quan thanh tra tại đơn vị mình…Với những tình huống như vậy, nhiều đoàn khảo sát không thể hoàn thành nhiệm vụ, không có quy định nào buộc họ phải hợp tác với đoàn khảo sát…
Hiện nay TTCP đã ban hành Thông tư số 01/2014/TT-TTCP ngày 23/4/2014 quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra. Tuy nhiên để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra cần nâng tầm Thông tư lên Nghị định trong đó quy định rõ trách nhiệm, chế tài xử lý vi phạm của Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng các đơn vị trong việc thự hiện xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra. Nghiên cứu đề xuất các biện pháp, chế tài cụ thể đối với trường hợp đối tượng thanh tra, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan không chấp hành, chấp hành không nghiêm túc, không đầy đủ các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, các văn bản chỉ đạo và quyết định xử lý sau thanh tra của thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động thanh tra./.
Dương Thái