    |
 |
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung phát biểu tại Hội nghị công bố quyết định và triển khai hoạt động kiểm toán trên địa bàn TP. Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Ly |
Kiểm toán ngân sách địa phương
Cuộc kiểm toán Ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2024 của TP. Hà Nội nhằm xác nhận tính trung thực, hợp lý của các thông tin tài chính NSĐP, báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán của các đơn vị kiểm toán; đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị và dự án được kiểm toán; kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện các cơ chế, chính sách còn bất cập; phát hiện kịp thời các sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Nội dung kiểm toán là việc quản lý, sử dụng các khoản thu, chi ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ quản lý tài chính, kế toán và chế độ đầu tư xây dựng của Nhà nước. Phạm vi kiểm toán là năm 2024 và các thời kỳ trước, sau có liên quan của các đơn vị được kiểm toán. Thời hạn kiểm toán là 60 ngày, kể từ ngày công bố Quyết định kiểm toán.
Được biết, Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực I đã xây dựng kế hoạch kiểm toán, trình lãnh đạo KTNN phê duyệt. Đây là cuộc kiểm toán thường niên, nội dung kiểm toán lớn nên Đoàn kiểm toán bố trí 64 thành viên, trong đó có 2 Phó Trưởng đoàn, 15 Tổ trưởng Tổ kiểm toán.
Đoàn kiểm toán sẽ thực hiện kiểm toán tại: Sở Tài chính (bao gồm nhiệm vụ của Sở Kế hoạch và Đầu tư); Kho bạc nhà nước khu vực I; Chi cục Thuế khu vực I; Chi cục Hải quan khu vực I (thành phố Hà Nội); kiểm toán chi tiết tại Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các dự án trên địa bàn huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thạch Thất, Thường Tín, Đông Anh, quận Đống Đa, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân; các dự án đầu tư do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP. Hà Nội và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP. Hà Nội thực hiện.
Về nội dung kiểm toán chi tiết, như thông lệ hằng năm, Đoàn kiểm toán sẽ kiểm toán báo cáo tài chính, thông tin tài chính được tổng hợp, quyết toán đến thời điểm hiện tại. Đối với thu ngân sách, kiểm toán từ khâu lập dự toán, thực hiện dự toán, kế toán quyết toán các khoản thu (thu tiền sử dụng đất, thuế đất, miễn, giãn hoàn, thu nợ thuế).
Đối với lĩnh vực đầu tư, kiểm toán từ khâu chuẩn bị, thực hiện, kết thúc đầu tư, bao gồm: phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư, khảo sát, dự toán, lựa chọn nhà thầu, tạm ứng, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành. Đối với ngân sách, kiểm toán từ khâu dự toán, lập, phân bổ giao dự toán, chấp hành kế toán, quyết toán, trong đó tập trung vào nợ chính quyền địa phương, sử dụng các nguồn tăng thu, dự phòng, tiết kiệm chi, cải cách tiền lương…
Tại Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung lưu ý, các Đoàn, Tổ kiểm toán xây dựng kế hoạch kiểm toán chi tiết, có danh mực các công việc cụ thể để trao đổi với đơn vị được kiểm toán. Trong quá trình thực hiện kiểm toán có sự phối hợp, giải trình kịp thời, nếu có vướng mắc, các Đoàn kiểm toán và đơn vị được kiểm toán báo cáo với lãnh đạo KTNN, UBND TP. Hà Nội để giải quyết, điều chỉnh các nội dung kiểm toán nếu cần thiết.
Kiểm toán chuyên đề Việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất
Ông Ngô Minh Kiểm, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I cho biết, năm 2024, KTNN đã nhận được đề nghị của UBND TP. Hà Nội về việc kiểm toán việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất của 27 dự án trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế, sau khi nghiên cứu, trình xin ý kiến lãnh đạo KTNN, năm 2025, KTNN khu vực I lựa chọn kiểm toán 12 dự án trên địa bàn 5 quận, huyện gồm: Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm. Đây là những địa bàn trọng điểm về bất động sản thời gian qua.
Mục tiêu kiểm toán là đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng đất; kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện các cơ chế, chính sách còn bất cập; phát hiện kịp thời các sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Nội dung kiểm toán gồm: Việc ban hành văn bản quản lý, hướng dẫn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; việc quản lý, sử dụng đất; việc quản lý quy hoạch xây dựng; việc quản lý tiền thu sử dụng đất, thuê đất; việc tuân thủ trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn, chuẩn mực trong xác định giá đất. Phạm vi kiểm toán là giai đoạn 2021-2024 và các thời kỳ trước, sau có liên quan của các đơn vị được kiểm toán.
    |
 |
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Ly |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh, trong bối cảnh Thành phố đang thực hiện tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại các đơn vị hành chính, thông tin của KTNN là cơ sở để Thành phố, đặc biệt là các quận, huyện rà soát, hoàn thiện các thủ tục, nhìn nhận lại công tác quản lý, điều hành.
Đối với riêng cuộc kiểm toán việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất, Thành phố đã đề xuất kiểm toán 27 dự án nhằm đánh giá quy trình, thủ tục, tính đúng, tính đủ tiền sử dụng đật, đặc biệt là các dự án như Dự án Thành phố thông minh, Dự án Khu đô thị mới (huyện Đông Anh)… Đây là các dự án quy mô lớn, là động lực phát triển của Thành phố và khu vực phía Bắc, vì vậy rất cần thông tin của KTNN để Thành phố đánh giá lại các nguồn lực, kịp thời khắc phục thiếu sót, tháo gỡ, giải quyết tồn đọng các dự án chậm triển khai và tránh lãng phí nguồn lực đất đai.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung khẳng định, việc triển khai cuộc kiểm toán chuyên đề việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất nhằm đáp ứng yêu cầu của Quốc hội cũng như đề xuất trực tiếp của TP. Hà Nội.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị, trong quá trình kiểm toán, các Đoàn, Tổ kiểm toán và đơn vị được kiểm toán phối hợp chặt chẽ, chia sẻ, hỗ trợ Thành phố tháo gỡ vướng mắc, giải quyết các tồn tại kéo dài từ giai đoạn trước.
KTNN sẽ nỗ lực, đến tháng 6/2025 hoàn thành các nội dung của 2 Đoàn kiểm toán, cung cấp thông tin để Thành phố rà soát trước khi triển khai bộ máy hành chính mới.
Ngoài ra, đơn vị được kiểm toán cũng phối hợp với KTNN để xây dựng kế hoạch kiểm toán các năm tiếp theo và triển khai việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, tránh tình trạng các kiến nghị của KTNN bị kéo dài, chậm thực hiện hoặc nếu có vướng mắc thì phối hợp để tìm giải pháp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh./.
M. Phương