Góp ý hoàn thiện đề cương đề tài khoa học “Đối tượng thanh tra – những vấn đề lý luận và thực tiễn”

Thứ sáu, 03/07/2020 13:43
(ThanhtraVietNam) – Sáng 3/7, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT) tổ chức hội thảo góp ý hoàn thiện đề cương đề tài Khoa học cơ sở “Đối tượng thanh tra – những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Đề tài do ThS. Lê Văn Đức, Phó trưởng phòng Thông tin, tư liệu và thư viện làm Chủ nhiệm đề tài.

Theo Ban Chủ nhiệm (BCN) đề tài, việc quy định và xác định rõ đối tượng thanh tra và ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra; xác định phạm vi, nội dung, thời hạn thanh tra; xác định phạm vi, nội dung, thời hạn thanh tra; thực hiện các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động thanh tra; việc thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra, việc kết luận thanh tra và đôn đốc, xử lý sau thanh tra...Tuy nhiên, trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, các vấn đề liên quan đến nội dung đối tượng thanh tra chưa được làm rõ, còn nhiều hạn chế, vướng mắc.

leftcenterrightdel
ThS. Lê Văn Đức, Phó Trưởng phòng Thông tin, Tư liệu và Thư viện, Chủ nhiệm đề tài. Ảnh: L.A

“Thực tiễn cho thấy, đối tượng mà các cơ quan thanh tra tác động tới rất đa dạng, phong phú. Bên cạnh chủ thể là đối tượng thanh tra trực tiếp, hoạt động thanh tra còn tác động lên những đối tượng có quyền và nghĩa vụ liên quan mà chủ thể tiến hành thanh tra cần xác minh làm rõ để chứng minh cho nhận định, đánh giá của mình. Những đối tượng này cũng có quyền và nghĩa vụ cụ thể được pháp luật quy định và có liên quan trực tiếp đến hoạt động thanh tra”, ông Lê Văn Đức chia sẻ.

Mục tiêu cụ thể của đề tài sẽ làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản về đối tượng thanh tra như quan niệm, đặc điểm, phân loại đối tượng thanh tra; tiêu chí xác định đối tượng thanh tra, quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra, ý nghĩa của việc xác định đối tượng thanh tra trong hoạt động thanh tra; đánh giá đúng đắn thực trạng pháp luật và thực tiễn thực hiện các quy định về đối tượng thanh tra; đề xuất các giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật về đối tượng thanh tra và nâng cao hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về đối tượng thanh tra.

Tham dự hội thảo, TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT đưa góp ý, đề tài mà BCN đưa ra có nhiều thứ để viết và nghiên cứu. Hiện ở phần mục tiêu đã có mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể, tuy nhiên về mục tiêu quyền và nghĩa vụ cần phải khai thác nhiều hơn. TS. Nguyễn Tuấn Khanh cho rằng, BCN cần làm nổi bật lên được 3 vấn đề: việc xây dựng kế hoạch thanh tra thì lựa chọn chủ thể nào trở thành đối tượng thanh tra; ở phần nội dung 2, BCN nên bổ sung thêm và nhấn mạnh thực tiễn nghiệp vụ thanh tra thời gian qua như thế nào, cần hướng tới đề tài mang tính cẩm nang để có tính thực tiễn hơn; cần nhấn mạnh các nghiệp vụ của từng loại đối tượng thanh tra; giải pháp bảo đảm thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành cho từng loại đối tượng để mang hiệu quả nhất.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: L.A

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, đề tài chuẩn bị công phu, tính cấp thiết, mục tiêu, đề cương nghiên cứu được trình bày rõ ràng; vấn đề xin ý kiến đã được lồng ghép cụ thể. Tuy nhiên, theo bà Hiền, ở nội dung 1, cần bổ sung thêm phần quan niệm liên quan hoạt động thanh tra như thế nào, bao gồm giai đoạn nào thì mới xác định được đối tượng thanh tra; bên cạnh đó, ở phần mục tiêu, có nội dung liên quan tới phân loại nhưng ở dưới chưa đề cập tới. Ngoài ra, ở phần nội dung 3, BCN cần bổ sung thêm 2 đề xuất về giải pháp: Khái niệm, quan niệm về đối tượng thanh tra như thế nào và giải pháp kiểm soát xung đột lợi ích có liên quan.

Cũng tại hội thảo, có ý kiến cho rằng, BCN cần xác định rõ vai trò, ý nghĩa của đối tượng thanh tra để đưa ra được giải pháp tránh chồng chéo, trùng lặp giữa các cơ quan thanh tra nói chung và chồng chéo ngay cả trong cơ quan Thanh tra Chính phủ nói riêng.

Bà Lê Thị Thúy, Trưởng phòng Quản lý khoa học nhấn mạnh, cách tiếp cận đề tài rất hay, ngay cả cái tên đã thấy hay, tuy nhiên hiện nay, chúng ta đang hay bị nhầm đối tượng thanh tra và khách thể thanh tra, vì vậy, trong phần lý luận, BCN cần xác định rõ được vấn đề này. Về phần nội dung nghiên cứu chi tiết thì cần phân loại nội dung, khách thể tương ứng dựa trên tiêu chí từng loại thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính.

Viện trưởng Viện CL&KHTT Nguyễn Quốc Văn trả lời câu hỏi của BCN đề tài đặt ra ngay đầu hội thảo, việc xác định cách tiếp cận mang tính lý thuyết về thế nào là đối tượng thanh tra. Theo quan điểm cá nhân của ông Văn, “đối tượng thanh tra chắc chắn không được mơ hồ, không được siêu hình mà được luật hóa, có quyền và nghĩa vụ pháp lý. Thanh tra là hành vi, kiểm toán là hành vi, giám sát cũng là hành vi; mà hành vi có chủ thể của hành vi, chính là cơ quan thanh tra. Khách thể là mục tiêu hướng tới là trình tự, thủ tục. Như vậy, đối tượng thanh tra chính là thực thể chứ chắc chắn không phải khách thể”.

Lan Anh

 

 

 

 

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra