Trình bày tại hội thảo, ThS. Lê Thị Thúy cho biết, xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong hành động giữa các cơ quan thanh tra nhà nước với nhau và với các cơ quan nhà nước khác, tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với các hoạt động kiểm soát khác của cơ quan nhà nước. Xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra cũng có ý nghĩa soát lại chính hoạt động của cơ quan thanh tra, giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra sai phạm, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện các quy định của pháp luật về vấn đề này có rất nhiều vướng mắc, bất cập lớn như: việc xây dựng kế hoạch thanh tra chưa có tiêu chí pháp lý - khoa học cụ thể; tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán, kiểm tra diễn ra phổ biến gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra - nhất là doanh nghiệp nhiều kế hoạch thanh tra không khả thi, bị phá vỡ hoặc bị điều cỉnh; chưa có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả, thường xuyên trong thực hiện chức năng kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.
ThS. Lê Thị Thúy, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Chủ nhiệm đề tài. Ảnh: L.A
ThS. Lê Thị Thúy chia sẻ, đề tài hướng tới mục tiêu nghiên cứu là làm rõ những vấn đề lý luận, đánh giá thực trạng và đề xuất quan điểm, giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra. Đề tài nghiên cứu việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra của các cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo Luật Thanh tra năm 2010 và các quy định của pháp luật có liên quan.
Góp ý tại hội thảo, TS. Lê Tiến Hào, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, nghiên cứu đề tài là cần thiết vì việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra đặt ra rất nhiều vấn đề trong thực tiễn. Tại Chương I, Ban Chủ nhiệm nên tập trung vào quan niệm, chủ thể, căn cứ, trình tự, thủ tục, vai trò, ý nghĩa… Ở Chương II, theo TS. Hào, Đề tài cần đánh giá được hai vấn đề: thực trạng quy định pháp luật và thực trạng xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra. Riêng trong Chương III cần tập trung hai nhóm giải pháp là nhóm giải pháp về xây dựng hệ thống kế hoạch thanh tra và kết quả thanh tra; nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: L.A
Cũng tại hội thảo, nguyên Phó Tổng Thanh tra, TS. Trần Đức Lượng cho rằng, cần có kế hoạch thanh tra để tránh chồng chéo giữa thanh tra với các cơ quan khác, phục vụ nhu cầu quản lý Nhà nước. Ở Chương II, Đề tài nên khuôn lại, các tiêu chí đánh giá kế hoạch nên sát hơn; nâng cao chất lượng chứ không nên nâng cao hiệu quả. Chương III, cần đưa giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài.
ThS. Lê Văn Đức, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra thì cho rằng, trong Chương I, Ban Chủ nhiệm nên bổ sung nội dung yêu cầu của việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, cụ thể là phải phù hợp với định hướng của cơ quan thanh tra cấp trên, phù hợp với nguồn lực, hạn chế chồng chéo. Về trình tự, thủ tục, xác định rõ thẩm quyền và nội dung quan trọng là việc bổ sung kế hoạch thanh tra. Ở Chương II, nên tách thành hai phần chính là thực trạng về mặt xây dựng và thực trạng về mặt tổ chức thực hiện…/.
Lan Anh