Trường Đại học Y Dược Hải Phòng là cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Y tế, được thành lập theo Quyết định số 06/1999/QĐ-TTg ngày 25/01/1999 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở nâng cấp từ phân hiệu của Trường Đại học Y Hà Nội tại Hải Phòng.
Hiện tại, trường có cơ cấu tổ chức gồm hội đồng trường, ban giám hiệu, 9 khoa, 11 phòng, 7 trung tâm phục vụ đào tạo, Tạp chí Khoa học sức khỏe, Trung tâm thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, và bệnh viện. Tổng số giảng viên cơ hữu của trường là 454 người. Trường được phép đào tạo 7 ngành trình độ đại học, 8 ngành trình độ thạc sĩ và 4 ngành trình độ tiến sĩ, với quy mô đào tạo tính đến tháng 11/2024 là 8.342 học viên, sinh viên.
    |
 |
Đại học Y Dược Hải Phòng tuyển sinh trình độ đại học chính quy vượt chỉ tiêu nhà trường tự xác định. Ảnh: ITN |
Theo kết quả kiểm tra, năm 2023, trường đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu ở hai ngành. Cụ thể, tuyển vượt chỉ tiêu liên thông chính quy trình độ đại học ngành Dược do trường tự xác định 6,7%, nhưng thực tế đạt tới 57% so với chỉ tiêu được xác định theo quy định tại khoản 1 điều 5 Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg. Trường cũng tuyển vượt chỉ tiêu liên thông vừa làm vừa học ngành Điều dưỡng do trường tự xác định 5%, nhưng thực tế đạt 55% so với chỉ tiêu quy định.
Tình trạng vi phạm tiếp tục diễn ra trong năm 2024, khi trường tuyển sinh trình độ đại học chính quy lĩnh vực sức khỏe vượt 10,4% so với chỉ tiêu tự xác định, đạt 64,2% so với quy định về xác định chỉ tiêu. Ngành Điều dưỡng liên thông vừa làm vừa học vượt 12,5% so với chỉ tiêu trường tự xác định, đạt 62% so với chỉ tiêu quy định.
Thanh tra Bộ GD&ĐT xác định trách nhiệm thuộc về phòng chuyên môn, phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo và hiệu trưởng nhà trường.
Ngoài vi phạm về tuyển sinh, thanh tra còn phát hiện một số thiếu sót trong chương trình đào tạo của trường. Cụ thể, nội dung môn Pháp luật của nhiều chương trình đào tạo đã bị lồng ghép vào chương trình học các môn giáo dục đại cương khi xây dựng chương trình đào tạo, bao gồm chương trình đào tạo cử nhân Điều dưỡng, Bác sĩ Y học Dự phòng, Dược sĩ, Xét nghiệm y học, và Bác sĩ Răng Hàm Mặt.
Trách nhiệm về thiếu sót này thuộc về khoa chuyên ngành, phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo và hiệu trưởng nhà trường.
Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ ra vi phạm trong biên soạn, lựa chọn giáo trình. Cụ thể, trường thiếu thành viên hội đồng thẩm định là các nhà khoa học ngoài cơ sở đào tạo đối với Hội đồng lựa chọn một số sách như Sách Dân số học, Sách quản lý các vấn đề sức khỏe thường gặp ở người cao tuổi tại cộng đồng, và Phương pháp dạy học y học cơ bản. Điều này vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư số 35/2021/TT-BGDĐT.
Từ kết quả thanh tra, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiến nghị nhiều biện pháp xử lý, chấn chỉnh công tác tuyển sinh, đào tạo đối với Trường Đại học Y Dược Hải Phòng.
Trước hết, trường cần rà soát các văn bản, quy định nội bộ, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền cho phù hợp với quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước và của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, thực hiện xác định chỉ tiêu, tổ chức tuyển sinh, tổ chức quản lý quá trình đào tạo theo đúng quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trường cũng cần rà soát, chỉnh sửa, bổ sung chương trình đào tạo các ngành bảo đảm kiến thức giáo dục đại cương bắt buộc bao gồm các môn lý luận chính trị, pháp luật, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh theo quy định hiện hành.
Thêm vào đó, nhà trường cần rà soát, xây dựng phương án, lộ trình bổ sung đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm bảo điều kiện chuẩn cơ sở đào tạo theo lộ trình quy định tại Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ngày 05/02/2024.
Một yêu cầu quan trọng khác là báo cáo Bộ Y tế đề xuất phương án xác định thời gian làm việc, khối lượng công việc đảm nhiệm chính/công việc kiêm nhiệm của giảng viên cơ hữu theo Nghị định số 111/2017/NĐ-CP làm cơ sở để xác định chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo và bảo đảm ngành đào tạo đối với các cơ sở đào tạo lĩnh vực sức khỏe.
Ngoài ra, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng cần tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của trường đã để xảy ra những thiếu sót nêu trên theo quy định pháp luật.
Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đưa ra kiến nghị đối với Bộ Y tế và Vụ Giáo dục Đại học. Đối với Bộ Y tế, cần tham mưu cơ quan có thẩm quyền quy định rõ thời gian làm việc, khối lượng công việc đảm nhiệm chính/công việc kiêm nhiệm của giảng viên cơ hữu theo Nghị định số 111/2017/NĐ-CP. Đối với Vụ Giáo dục Đại học, cần phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế tham mưu cơ quan có thẩm quyền quy định rõ vấn đề này.
Kết luận thanh tra này là một trong chuỗi các hoạt động thanh tra về công tác tuyển sinh, đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai. Đối với các cơ sở đào tạo thuộc lĩnh vực sức khỏe, việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tuyển sinh, đào tạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì đây là lĩnh vực đào tạo nhân lực trực tiếp tham gia vào công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.