Kết luận thanh tra - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Thứ bảy, 15/08/2020 16:00
(ThanhtraVietNam) - Đây là chủ đề Hội thảo đề tài khoa học cấp bộ do Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra tổ chức ngày 14.8, tại Hà Nội. TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng làm chủ nhiệm.

Theo chủ nhiệm đề tài, kết luận thanh tra (KLTT) về mặt lý luận và pháp lý, vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra nhưng chưa có câu trả lời rõ ràng: KLTT là gì; giá trị pháp lý của KLTT như thế nào; KLTT có giá trị thi hành trực tiếp hay không; KLTT là quyết định hành chính cá biệt trực tiếp làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra và các chủ thể khác hay không. Về phương diện thực tiễn, mặc dù Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành có quy định về nội dung KLTT nhưng thực tiễn còn một tồn tại một số bất cập: Về trách nhiệm của các chủ thể liên quan; về hình thức và việc xây dựng KLTT; về thực hiện KLTT…

Với thực tiễn đặt ra nêu trên, đề tài được nghiên cứu với mục tiêu làm rõ những vấn đề lý luận: Quan niệm, đặc điểm, giá trị pháp lý, thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể…; Phân tích và làm rõ thực trạng các quy định hiện hành về xây dựng và thực hiện KLTT. Trên cơ sở đó, đề tài đề xuất quan điểm, giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về KLTT nhằm đảm bảo xây dựng và thực hiện KLTT. Đối tượng nghiên cứu của đề tài nghiên cứu về lý thuyết, quy định của pháp luật có liên quan đến KLTT và việc xây dựng, thực hiện KLTT. Phạm vi nghiên cứu, đề tài nghiên cứu và thực hiện các KLTT của các cơ quan thanh tra (cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan được giao chức năng thanh tra). Về thời gian: đề tài nghiên cứu từ năm 2011 đến nay (thực hiện Luật Thanh tra năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành).

Theo TS. Trần Đức Lượng, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, hiện nay chưa có một văn bản nào quy định về giá trị của KLTT, do vậy KLTT không thể là văn bản pháp luật cũng như văn bản tố tụng. Nội dung chính của KLTT chủ yếu liên quan đến việc đánh giá việc thực hiện pháp luật và đưa ra những kết luận về từng hành vi đúng, sai. KLTT cũng mang một số đặc điểm khác:  Ví dụ, về quyết định thu hồi tài sản, về kiến nghị việc thực hiện chính sách pháp luật, về xử lý trách nhiệm của các thủ thể. Trong một số trường hợp, KLTT không mang tính bắt buộc.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Đề tài Nguyễn Tuấn Khanh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: L.A

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài cần sát với thực tế mang tính ứng dụng, do vậy các kiến nghị cần tập trung vào những vấn đề đang vướng mắc hiện nay: Trình tự, thủ tục,  thẩm quyền,  giá trị pháp lý , hình thức, nội dung của KLTT… nhằm đưa vào thực tiễn có thể thực hiện được ngay.

Bên cạnh đó,  đề tài cần lý giải về mặt khoa học cho vấn đề đang rất bất cập hiện nay: Một quyết định thanh tra có thể có nhiều KLTT được không; và Nhiều quyết định nhưng chỉ có một KLTT.

Về đối tượng nghiên cứu, đề tài cần tiếp cận trực tiếp về thực trạng của KLTT hiện nay. Nội dung các chuyên đề cần thu hẹp để lựa chọn những nội dung sát với thực trạng bất cập của KLTT hiện nay. Các giải pháp của đề tài cần hướng vào những giải pháp cụ thể về cơ chế, chính sách thực hiện KLTT: kiến nghị về mặt trình tự thủ tục, mẫu KLTT…

TS. Lê Tiến Hào, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, mục tiêu, đối tượng nghiên cứu  của đề tài cần thể hiện rõ hơn. Theo đó, cần tiếp cận vào hai nội dung chính : Xây dựng KLTT và việc thực hiện KLTT. Về mặt thực tiễn, cần hướng vào hai trụ cột: Đánh giá việc xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật thanh tra; Xây dựng KLTT và tổ chức thực hiện KLTT.  Trên cơ sở đó, các giải pháp, kiến nghị của đề tài cũng hướng vào việc giải quyết những bất cập về mặt thực trạng đã đặt ra.  

Về giá trị thực hiện KLTT, trong quá trình tiến hành thtanh tra cho thấy một thực trạng rất phổ biện hiện nay: Việc vi phạm thời hạn KLTT; KLTT có được khiếu nại không là những vấn đề tôi mong muốn Ban chủ nhiệm đề tài cần đề cập trong đề tài này.  

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: L.A

Theo ông Đặng Văn Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm toán Nhà nước, một trong những nội dung chính mà đề tài cần làm rõ: Xác đinh giá trị pháp lý của KLTT.  Theo đó đề tài cần trả lời câu hỏi KLTT là gì; Trách nhiệm của cơ quan thanh tra đối với KLTT; Trách nhiệm của đối tượng thanh tra với KLTT; nêu vấn đề có khiếu nại đối với KLTT hay không. Các giải cần đưa ra theo lộ trình: Giải pháp dài hạn và giải pháp trước mắt; đưa ra kiến nghị việc xây dựng mẫu biểu KLTT…

TS. Nguyễn Huy  Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra cho rằng, vấn đề nghiên cứu đặt ra của đề tài có tính cấp thiết khi nội dung nghiên cứu của đề tài bàn về hiệu lực, hiệu quả KLTT, về đổi mới tổ chức thực hiện KLTT. Do vậy, Ban chủ nhiệm đề tài cần đặt việc nghiên cứu trong bối cảnh hiện tại khi chúng ta chuẩn bị tiến hành sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010. Hướng đi của đề tài khá phù hợp với mục tiêu, yêu cầu nghiên cứu.

Về giá trị pháp lý của KLTT, ý kiến chuyên gia đồng tình cho rằng đề tài cần giải quyết được câu hỏi về giá trị pháp lý của KLTT, đây chính là vấn đề cốt lõi mà đề tài cần phải giải quyết, ông Hoàng nhấn mạnh. Ngoài ra, đối với vấn đề, Trưởng đoàn hay Người ra quyết định thanh tra ký KLTT là một trong những vấn đề bất cập có tính cấp thiết cần được làm rõ và đặt ra trong phần thực trạng của đề tài. Ngoài ra, Ban chủ nhiệm nên chọn đại diện tại một số địa phương và đại diện một số bộ nhằm tăng tính thực tiễn cho nội dung nghiên cứu của đề tài.

Theo TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện CL&KHTT, đề tài cần bổ sung vấn đề hậu quả pháp lý của KLTT. Đối với kiểm soát thực hiện KLTT, ngoài kiểm soát thực hiện KLTT bên trong, đề tài có thể kiến nghị việc giám sát kiểm soát việc thực hiện KLTT từ bên ngoài. Bổ sung nội dung phân biệt KLTT với văn bản KLTT vì giá trị của hai văn bản trên là khác nhau./.

Lan Anh

 

 

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra