Thanh tra Chính phủ nhận định, trong tháng 6/2020, bên cạnh những công việc đã làm được, một số việc còn chậm so với yêu cầu và chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ. Nguyên nhân khách quan chủ yếu là do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 và việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid- 19. Đồng thời, có nguyên nhân chủ quan từ công tác phối hợp và sự quyết liệt trong giải quyết công việc của một số đơn vị.
Tháng 7/2020, Thanh tra Chính phủ dự kiến triển khai 295 việc, trong đó có 122 việc tháng trước chuyển sang, 130 việc triển khai mới, 43 nhiệm vụ Tổng Thanh tra Chính phủ giao tại kết luận giao ban kỳ họp trước.
Cụ thể, về công tác thanh tra, đẩy nhanh tiến độ, sớm ban hành kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc thanh tra trực tiếp, nhất là các cuộc từ năm 2018 trở về trước và những cuộc thanh tra đột xuất Thủ tướng Chính phủ giao có thời hạn hoàn thành.
Các cục, vụ nghiên cứu, xem xét báo cáo lãnh đạo Thanh tra Chính phủ để triển khai Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020. Riêng đối với cuộc thanh tra chuyên đề về đất đai cần bám sát chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ và của Tổng Thanh tra Chính phủ để thực hiện. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tổng hợp rà soát việc triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong 6 tháng đầu năm, đề xuất điều chỉnh kế hoạch 6 tháng cuối năm 2020 (nếu có). Đặc biệt, bám sát nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động nắm bắt tình hình qua các phương tiện thông tin truyền thông, dư luận xã hội các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ để chuẩn bị cho việc xây dựng Định hướng công tác thanh tra năm 2021.
Các cục, vụ bám sát nhiệm vụ được giao; nắm bắt tình hình qua truyền thông, dư luận xã hội các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng và chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ để chuẩn bị cho việc xây dựng Định hướng công tác thanh tra năm 2021. (Ảnh minh họa, internet)
Mặt khác, đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra.
Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), Ban Tiếp công dân Trung ương có trách nhiệm phối hợp thực hiện Kế hoạch tiếp công dân, đảm bảo an ninh trật tự tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; tiếp tục triển khai thực hiện tốt Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết KNTC góp phần đảm bảo thành công Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đáng lưu ý, trong tháng 7/2020, các cục địa bàn tập trung lực lượng khẩn trương kiểm tra, rà soát các vụ KNTC Thủ tướng Chính phủ giao. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về KNTC, nhất là công tác nắm tình hình, tham mưu, phối hợp xử lý, giải quyết các vụ việc phức tạp, đông người ở địa phương. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 363/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ; chuẩn bị xây dựng Báo cáo công tác giải quyết KNTC của Chính phủ tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV.
Bên cạnh đó, Cục Phòng, chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục thực hiện Kế hoạch sơ kết Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; hoàn thiện báo cáo tổng kết công tác PCTN từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (ngày 01/02/2013) đến nay; Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tập trung hướng dẫn Thanh tra các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác PCTN, tiêu cực trong ngành; đánh giá thực trạng, dự báo tình hình và đề xuất giải pháp PCTN trong ngành Thanh tra. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch công tác PCTN năm theo Chương trình công tác năm 2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ với các cơ quan liên quan trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về các vụ việc tham nhũng…
Ngoài ra, trong tháng 7/2020, Thanh tra Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2012/NĐ-CP của Chính phủ; Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập; Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Ban hành Thông tư thay thế Thông tư 05/2014/TT-TTCP.
Riêng về công tác chuẩn bị kỷ niệm 75 năm ngày Truyền thống Thanh tra Việt Nam, các đơn vị bám sát kế hoạch và tăng cường phối hợp để triển khai, đảm bảo tiến độ, chất lượng, nhất là các nội dung cụ thể đã giao cho các đơn vị liên quan đến hoạt động tuyên truyền, hoạt động văn hoá thể thao, hội thảo, xây dựng Di tích Ban Thanh tra Chính phủ…/.
Minh Nguyệt