Lai Châu: Chưa có điểm mỏ nào phục hồi môi trường khi kết thúc khai thác

Chủ nhật, 26/07/2020 22:43
(ThanhtraVietNam) – Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lai Châu, được Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ rõ tại Thông báo Kết luận thanh tra số 1167/TB-TTCP ngày 16/7/2020.

Trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn còn 21 dự án không lập đề án cải tạo, phục hồi môi trường; 21 dự án không nộp, còn nợ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; 7 dự án nợ phí BVMT (BVMT) là vi phạm quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ.

Việc UBND tỉnh Lai Châu quá chậm thành lập Quỹ BVMT tỉnh, dẫn đến các đơn vị khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường tại tài khoản Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) mở tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Lai Châu là không đúng quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về nơi nhận tiền ký quỹ: “Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ tại Quỹ BVMT địa phương hoặc Quỹ BVMT Việt Nam”.

Điều đáng nói, trên địa bàn tỉnh Lai Châu, đến thời điểm hiện nay chưa có điểm mỏ nào chủ động thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường khi kết thúc khai thác, để được đóng cửa mỏ theo quy định, vi phạm quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 38 Luật BVMT 2014 và điểm b Khoản 5 Điều 10 Nghị định 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT.

Thông báo Kết luận thanh tra của TTCP nêu rõ: “Cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu chưa làm tốt công tác quản lý Nhà nước trong việc đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư các dự án khai thác Mỏ vàng khu vực Pắc Ta, huyện Tân Uyên thực hiện việc đóng cửa mỏ cải tạo, phục hồi môi trường khi giấy phép khai thác hết hạn, dẫn đến các hộ dân tự vào khai thác trái phép, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trật tự an ninh xã hội trên địa bàn; UBND tỉnh Lai Châu phải trích ngân sách để thực hiện nổ mìn phá sập các hầm lò tại các điểm mỏ vàng khu vực Pắc Ta, huyện Tân Uyên”.

Việc để các đơn vị không thực hiện nghĩa vụ tài chính trong hoạt động khai thác khoáng sản, như: Tiền cấp quyền khai thác, thuế tài nguyên, phí BVMT là vi phạm Điều 77 Luật Khoáng sản số 60/2010-QH12; Điều 16 Nghị định 203/2013/NĐ-CP ngày ngày 28/11/2013 của Chính phủ; Điều 55 Luật Khoáng sản 2010 và vi phạm Điều 6 Nghị định 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí BVMT với khai thác khoáng sản. Trong các dự án thanh tra trực tiếp, có 03 dự án không nộp và còn nợ tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường; 02 dự án còn nợ Phí BVMT.

TTCP đánh giá, công tác thanh tra, kiểm tra của bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Lai Châu chưa tiến hành được nhiều. Bộ TN&MT chưa thực hiện thanh tra về nội dung này tại địa phương; Thanh tra tỉnh chưa triển khai được cuộc thanh tra cụ thể nào. Từ 2011-2017, Sở TN&MT chủ yếu tiến hành thanh tra công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực môi trường tại UBND các huyện, thị xã. Đối với các dự án khai thác khoáng sản, Sở chỉ kết hợp khi thanh tra dự án khai thác khoáng sản, có nội dung về BVMT. Tuy nhiên, số dự án thanh tra quá ít so với số lượng dự án và yêu cầu công tác BVMT trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh (Sở TN&MT chỉ thực hiện thanh tra về BVMT tại 4/82 dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, chiếm 5%).

Các công trình BVMT của một số dự án được thanh tra chưa đảm bảo theo yêu cầu theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cam kết BVMT được phê duyệt, như: Hệ thống rãnh thoát nước mưa chảy tràn, các hố lắng, hố ga thu nước; hệ thống phun nước (phun sương), việc trồng cây xanh khu vực xung quanh moong khai thác, đường vận chuyển nội bộ, kho lưu giữ chất thải nguy hại, kho chứa vật liệu nổ… Có 03 dự án chưa được cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành nhưng đã khai thác.

Việc vẫn còn một số chủ đầu tư dự án không nghiêm túc thực hiện việc báo cáo định kỳ kết quả quan trắc, giám sát môi trường; báo cáo quản lý chất thải nguy hại gửi về Sở TN&MT theo quy định là vi phạm điểm a Khoản 1 Điều 21 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.

Đặc biệt, 08 đơn vị chưa đầy đủ thủ tục về đất đai (chưa có quyết định cho thuê đất, chưa có hợp đồng cho thuê đất) nhưng vẫn tiến hành khai thác, là vi phạm pháp luật về đất đai được quy định tại Điều 39 Luật Đất đai năm 2003; Điều 62 Luật Đất đai năm 2013; Khoản 1 Điều 31 Luật Khoáng sản 2010 và Khoản 1 Điều 31 Luật Khoáng sản năm 2013.

Trên cơ sở kết luận về công tác BVMT trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lai Châu nêu trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Lai Châu chú trọng ban hành các văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn để thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về BVMT trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng việc thẩm định, phê duyệt các báo cáo ĐTM, kế hoạch BVMT, bản cam kết BVMT, phương án cải tạo phục hồi môi trường đảm bảo nội dung, yêu cầu thực tế về BVMT.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm pháp luật về BVMT; tổ chức thực hiện nghiêm túc các kết luận thanh tra, kiểm tra có hiệu lực pháp luật.

Kiểm tra, xử lý đối với 21 dự án không thực hiện lập hồ sơ đề án đóng cửa mỏ theo quy định; 21 dự án nợ, không nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; 7 dự án nợ phí BVMT trên địa bàn tỉnh... theo đúng quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ. UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo xử lý theo quy định pháp luật, trường hợp cần thiết tạm dừng việc khai thác của các doanh nghiệp để yêu cầu chủ đầu tư khắc phục các sai phạm đã nêu trong kết luận thanh tra./.

Minh Nguyệt

 

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra