Thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/BCSĐ ngày 15/02/2022 của Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ về việc tăng cường lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành Thanh tra năm 2022, Bộ Tư pháp đã thực hiện tuyên truyền, quán triệt nội dung của Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn cơ quan, đơn vị bằng các hình thức như thông báo tại các buổi họp đơn vị, lồng ghép trong các buổi giao ban, sinh hoạt chi bộ; đồng thời. chủ động triển khai các nội dung của Nghị quyết trong công tác kiểm tra tại Chi bộ.
    |
 |
Tập thể thanh tra Bộ Tư pháp. Ảnh minh hoạ: thanhtra.com.vn |
Trong Quý I, Bộ đã tiến hành 11 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, đột xuất và thanh tra xác minh để giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC). Trong đó, có 02 đoàn thanh tra theo kế hoạch (01 đoàn thanh tra hành chính, 01 đoàn thanh tra chuyên ngành); 08 đoàn thanh tra đột xuất, thanh tra xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiến hành 01 cuộc kiểm tra sau thanh tra. Bộ cũng đã ban hành 04 Kết luận thanh tra (bao gồm kết luận của các cuộc thanh tra đã tiến hành năm 2021), 24 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 12 tổ chức, cá nhân có vi phạm với tổng số tiền xử phạt là 373,5 triệu đồng.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành Thanh tra năm 2022, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra theo đúng Kế hoạch thanh tra năm 2022 ban hành kèm theo Quyết định số 1768/QĐ-BTP ngày 25/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, tăng cường công tác thanh tra đột xuất. Chú trọng việc giám sát hoạt động của các Đoàn thanh tra thường xuyên kể từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra. Đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra, bảo đảm các cuộc thanh tra có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; thực hiện công khai kết luận thanh tra; tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý về thanh tra.
Bên cạnh đó, tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức và biên chế của Thanh tra Bộ, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ; đề nghị bổ nhiệm, chuyển ngạch, nâng ngạch cho cán bộ thanh tra theo quy định. Tạo điều kiện để công chức thanh tra thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ thanh tra. Tuyên truyền, quán triệt Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng và các văn bản pháp luật về công tác thanh tra, giải quyết KNTC, phòng, chống tham nhũng (PCTN).
Tăng cường thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về PCTN tại các đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ Tư pháp nhằm đánh giá, kết luận trách nhiệm của đơn vị và người đứng đầu đơn vị được thanh tra trong việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN; phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế và những vấn đề còn bất cập, vướng mắc; làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, kiến nghị biện pháp khắc phục, xử lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN.
Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như công tác tổ chức cán bộ; công tác quản lý, sử dụng ngân sách; công tác đầu tư xây dựng cơ bản; bán đấu giá tài sản; hộ tịch có yếu tố nước ngoài; tăng cường công tác thanh tra đột xuất, thanh tra các cơ quan, tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật và các vấn đề trong các lĩnh vực do Bộ Tư pháp quản lý được xã hội quan tâm. Xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi vi phạm pháp luật. Tăng cường chỉ đạo công tác tự kiểm tra của các cơ quan chuyên môn quản lý Nhà nước về từng lĩnh vực./.