Rủi ro khiến chất lượng hoạt động thanh tra chưa thực sự hiệu quả
Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT) chia sẻ tại Tọa đàm "Rủi ro trong hoạt động thanh tra", Luật Thanh tra 2010 đã xác định rất rõ mục đích hoạt động thanh tra là nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hoạt động thanh tra, những rủi ro có thể xuất hiện khiến chất lượng hoạt động thanh tra chưa thực sự hiệu quả, đạt mục đích.
“Rủi ro trong hoạt động thanh tra là những nguy cơ, bất trắc gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, tác động tiêu cực đến kết quả và mục đích của hoạt động thanh tra. Rủi ro trong hoạt động thanh tra có thể được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh khác nhau”, TS. Nguyễn Tuấn Khanh bày tỏ.
Cụ thể hơn, kể cả ở góc độ chủ thể (Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra…) hay ở góc độ hoạt động đều có thể xuất hiện rủi ro trong các giai đoạn khác nhau… Bên cạnh đó, rủi ro trong hoạt động thanh tra còn được nhìn nhận ở góc độ nguy cơ xảy ra tiêu cực, tham nhũng như lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra.
Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT. Ảnh: L.A
Theo lãnh đạo Viện CL&KHTT, những rủi ro này xuất hiện từ nhiều căn nguyên khác nhau như từ khía cạnh pháp lý; khía cạnh thực tiễn. Theo đó, ở khía cạnh pháp lý, đó là do khoảng trống, tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật hiện hành, tạo ra những kẽ hở, rủi ro khi tiến hành hoạt động thanh tra. Cụ thể như, sự phân định về phạm vi thanh tra không rõ ràng; quy định hiện hành về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra hiện nay gây khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là thanh tra cấp cơ sở do số lượng biên chế có hạn; chưa có quy định thống nhất, cụ thể về tổ chức thẩm định và quy định thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra (KLTT); thiếu các chế tài xử lý đối tượng có hành vi cản trở, chống đối…
Mặt khác, ở khía cạnh thực tiễn, rủi ro xuất phát từ phương pháp, cách thức chỉ đảo, điều hành hoạt động thanh tra như chưa chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng và kế hoạch cho từng cuộc thanh tra. Hay chưa xác định rõ thời gian, cách thức, nội dung, đề cương, biện pháp thực hiện và phân công trách nhiệm; từ khâu kiểm tra, giám sát hoạt động đoàn thanh tra; hoạt động thanh tra và KLTT có nguy cơ biểu hiện thiếu khách quan, minh bạch, rõ ràng; KLTT chưa cụ thể về mức độ thiệt hại, mức độ sai phạm và xác định trách nhiệm…
Cần xây dựng Bộ tiêu chí lựa chọn đối tượng thanh tra
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Trần Văn Dương, Trưởng phòng Vụ Tổ chức Cán bộ, Thanh tra Chính phủ cho rằng, khi bắt đầu bước ra đường là chúng ta đã có khả năng gặp rủi ro (môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông…). Quay trở lại rủi ro trong ngành thanh tra, ông Dương cho rằng, từ câu chuyện khảo sát, xây dựng kế hoạch thanh tra, thành lập đoàn thanh tra, thẩm định, kết luận, đôn đốc xử lý sau thanh tra… đều có nguy cơ xảy ra rủi ro rất nhiều. Vậy cần nhận diện rủi ro, rủi ro nào thường gặp, nguyên nhân (thể chế, con người, hoạt động chỉ đạo điều hành của người có trách nhiệm, vấn đề khách quan như thiên - tai - địch - họa...) để hạn chế rủi ro.
Đại biểu phát biểu. Ảnh: L.A
Là một trong những người thường xuyên trực tiếp tham gia các cuộc thanh tra, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ II, TTCP nhìn nhận, ở góc độ tổng thể, có thể thấy vô vàn rủi ro và xảy ra bất cứ lúc nào. Đồng tình với ông Nguyễn Tuấn Khanh, ông Hùng cho rằng, chúng ta cần tiếp cận theo hai hướng (đối với chủ thể và đối với đối tượng thanh tra). Rủi ro bắt nguồn từ lúc khảo sát nắm tình hình, thành lập đoàn thanh tra, ra quyết định thanh tra tới lúc ra KLTT. Bắt nguồn từ luật, tính chủ động của cơ quan thanh tra chưa thực hiện đúng trong các văn bản pháp lý, phụ thuộc vào “cấp trên”, vì vậy luôn luôn có nguy cơ xảy ra rủi ro trong hoạt động thanh tra. Ở phía đối tượng thanh tra, theo ông Hùng, ngành thanh tra rất cần xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn, thu thập thông tin, tài liệu liên quan tới đối tượng thanh tra, tìm ra những đối tượng có nguy cơ cao để đưa vào kế hoạch thanh tra.
Đại diện Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, rủi ro xảy ra ngay tới những người ký phê duyệt thanh tra vì trên thực tế họ không kiểm soát hết được các phát sinh trong quá trình thực hiện; cụ thể ở thanh tra ngành giáo dục, về trưởng đoàn thanh tra, nhiều đồng chí có nghiệp vụ nhưng không có chuyên môn hay có những đồng chí lại có chuyên môn nhưng không có nghiệp vụ. Bên cạnh đó, trong quá trình thanh tra, những đối tượng thanh tra đều nghĩ ra cách đối phó với đoàn thanh tra, thậm chí nhờ những người có “chức vụ” can thiệp vào quá trình thanh tra khiến Đoàn thanh tra rất khó làm việc, đây chính là thực tế vẫn diễn ra.
“Hay ngay tới khâu ban hành KLTT cũng có rủi ro liên quan tới bảo mật thông tin, đây là khâu rất khó khăn vì hiện nay nhiều thành viên còn không “ý thức” cao trong việc bảo mật là rất quan trọng”, vị đại diện này chia sẻ. Vì vậy, khi xây dựng Luật Thanh tra sửa đổi, Ban soạn thảo, Tổ Biên tập cần đặt ra tất cả các tình huống xảy ra trong thực tế để xây dựng Luật trong thời gian tới được hoàn chỉnh và đầy đủ nhất. Lấy ví dụ cụ thể, ngay cả thanh tra thi tốt nghiệp hiện nay, rủi ro rất cao, mỗi người làm rất nhiều nhiệm vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo điều động đến 6000 người, Thanh tra Chính phủ cũng phải vào cuộc để thanh tra kỳ thi để hạn chế rủi ro.
Rủi ro từ khoảng trống pháp lý
Ông Nguyễn Duy Đông, Vụ Giám sát và Thẩm định sau thanh tra, Thanh tra Chính phủ đánh giá rất cao nội dung chuyên đề đưa ra bàn thảo tại Tọa đàm, đồng thời đưa câu hỏi, công tác thanh tra có nhiều rủi ro thế tại sao nhiều người thích làm trong ngành thanh tra nói chung và những vị trí được đi thanh tra nói riêng? Bên cạnh đó, trong hoạt động giám sát, công tác giám sát là cần thiết và bắt buộc, nhưng làm thế nào cho khả thi, hiệu quả? Trong quá trình thanh tra, công tác giám sát không được “làm gì” mà vẫn phải tham gia, nhưng nếu không tham gia giám sát thường xuyên thì khi đoàn thanh tra có rủi ro thì đương nhiên công tác giám sát cũng sẽ có rủi ro. Như vậy, tất cả mọi việc đều xuất phát từ con người, nếu chúng ta đào tạo tốt, phân công công việc đúng đối tượng thì sẽ hạn chế được rất nhiều rủi ro trong thực tiễn thực hiện công tác thanh tra.
Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: L.A
Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Ngô Mạnh Hùng thì đưa ra tiếp cận từ góc độ chuyên môn từ phòng chống tham nhũng, rủi ro có nhiều loại, có thể phân loại được, khi chúng ta “khoác áo” thanh tra là đã rủi ro rồi. Để hạn chế rủi ro chúng ta cần “khoác đúng áo”, khi hoạt động “đúng vai” thì rủi ro ắt sẽ được triệt tiêu bớt. Cần nhận diện được các rủi ro ở từng góc độ để phân loại và hạn chế rủi ro. “Vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, nếu người đứng đầu gương mẫu, đi đầu, làm trước, làm gương cho cấp dưới noi theo thì không bao giờ có tình trạng tham nhũng. Như vậy, nguy cơ trong ngành thanh tra rất cao, nhận diện tốt rủi ro thì mới khắc phục được”, ông Ngô Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Kết luận Tọa đàm, TS. Nguyễn Tuấn Khanh nhấn mạnh, việc nhận dạng rủi ro và tìm căn nguyên rủi ro trong hoạt động thanh tra, nhất là từ khía cạnh pháp lý là yêu cầu cần thiết để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật; đặc biệt vấn đề này được đặt ra trong bối cảnh Luật Thanh tra đang bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc qua 10 năm triển khai thực hiện.
“Tại Tọa đàm, chúng ta đã được lắng nghe những trao đổi, chia sẻ và bình luận về những rủi ro, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thanh tra từ thực tiễn công tác và đề xuất, kiến nghị của các đại biểu đến từ Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành và những chuyên gia, những người có kinh nghiệm… Từ đây, có cái nhìn đa chiều hơn để chúng tôi tham mưu, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật, đặc biệt là phục vụ sửa đổi Luật Thanh tra trong thời gian tới”, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT khẳng định./.
Lan Anh