Thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2024 và kế hoạch về việc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), sáng ngày 14/11, Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ đã làm việc tại Bộ Công Thương để kiểm tra, theo dõi việc thực hiện pháp luật về PCTN.
Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ gồm có ông Chu Đức Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế; ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng (Cục IV) và các công chức liên quan. Dự buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương có Chánh Thanh tra Lê Việt Long, Phó Chánh Thanh tra Đỗ Anh Tuấn và đại diện lãnh đạo các Tổng cục, Cục, đơn vị có liên quan.
|
|
Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: M.Nguyệt) |
Bộ Công Thương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả pháp luật về PCTN
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đỗ Anh Tuấn, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công Thương cho biết, sau khi Luật PCTN năm 2018 ra đời, công tác PCTN tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn. Các hoạt động ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giao dịch với cơ quan nhà nước được chú trọng đẩy mạnh và triển khai rộng rãi.
Triển khai Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Trong đó, thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức, hoạt động của cơ quan theo quy định; tiếp tục chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ, đồng thời tích cực chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ tăng cường hoàn thiện các quy chế đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định.
|
|
Ông Đỗ Anh Tuấn, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công Thương báo cáo tại buổi làm việc. (Ảnh: M.Nguyệt) |
Bộ Công Thương thường xuyên đôn đốc công chức, viên chức thực hiện nghiêm quy tắc về ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, tạo thuận lợi cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân đến làm việc tại Bộ và các đơn vị; thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, thanh toán không dùng tiền mặt đạt nhiều kết quả tích cực…
Đặc biệt, Bộ đã triển khai, xây dựng danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ phải chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức theo quy định tại Luật PCTN năm 2018 (Quyết định số 2812/QĐ-BCT ngày 16/9/2019).
Riêng về công tác kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) của người có chức vụ, quyền hạn được Bộ triển khai thực hiện nghiêm, đúng quy định của pháp luật. Trong đó, năm 2024 Bộ Công Thương đã xác định 28 đơn vị được thực hiện công tác xác minh tài sản, đảm bảo 20% theo quy định. Ngày 23/02/2024, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Trung ương, Đảng ủy Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ và Tổng cục Quản lý thị trường tiến hành bốc thăm lựa chọn người được xác minh của 28 đơn vị nêu trên, kết quả bốc thăm đã lựa chọn 153 cá nhân thuộc đối tượng xác minh TSTN năm 2024. Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiến hành triển khai thực hiện kiểm tra, xác minh TSTN tại các đơn vị.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện pháp luật về PCTN, Bộ Công Thương nhận thấy hiện nay, một số văn bản pháp liên quan đến công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực còn nhiều bất cập, chưa thống nhất, gây khó khăn cho việc áp dụng và thực thi hiệu quả trên thực tế.
|
|
Các thành viên Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ. (Ảnh: M.Nguyệt) |
Nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung đánh giá những kết quả đạt được, nhất là những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định của Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành tại Bộ Công Thương.
Ông Chu Đức Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, thành viên Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương làm rõ thêm các nội dung, như: Về việc định kỳ hàng năm phải chuyển đổi vị trí công tác, Bộ Công Thương đã thực hiện như thế nào, dựa trên những căn cứ nào, văn bản nào; danh mục và thời hạn chuyển đổi thể hiện qua những văn bản nào; những đối tượng nào đã có danh mục chuyển đổi…
|
|
Ông Chu Đức Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: M.Nguyệt) |
Ghi nhận những kết quả Bộ Công Thương đã làm được trong công tác thi hành pháp luật về PCTN thời gian qua, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục IV, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh mục đích của buổi làm việc là để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện pháp luật nhằm phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung để Thanh tra Chính phủ báo cáo Chính phủ và kiến nghị Quốc hội.
Theo đó, ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, trong quản lý nhà nước, Bộ Công Thương có nhiều quy định pháp luật về chuyên ngành đòi hỏi phải công khai minh bạch. Ông Tuấn đề nghị Bộ nêu rõ hơn việc thực hiện thực tế của Bộ trong vấn đề này như thế nào; việc xây dựng các chế độ định mức, tiêu chuẩn thực hiện có khó khăn vướng mắc không; việc chuyển đổi vị trí công tác đối với viên chức…
Trả lời các vấn đề thành viên Tổ công tác đặt ra, ông Đỗ Anh Tuấn, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công Thương nhấn mạnh, hàng năm, Thanh tra Bộ đã phối hợp với Mặt Trận Tổ quốc, Đảng ủy Bộ, Công đoàn Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Quản lý thị trường để lựa chọn bốc thăm công khai các cá nhân phải xác minh kê khai TSTN. Trên cơ sở đó, Thanh tra Bộ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát giao thông, Trung tâm lưu ký chứng khoán để đề nghị cung cấp các thông tin để có cơ sở xác minh. Các nội dung được Thanh tra Bộ triển khai ngay từ đầu năm, khi triển khai thực hiện, căn cứ vào hồ sơ tài liệu của người được xác minh báo cáo, Thanh tra Bộ sẽ đối chiếu lại xem nội dung xác minh có đúng không.
|
|
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục IV nêu ý kiến. (Ảnh: M.Nguyệt) |
Tuy nhiên, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù Luật PCTN có hiệu lực từ năm 2018 nhưng chưa có thông tư hướng dẫn nên các đơn vị chưa nắm được rõ, chưa hiểu hết đầy đủ nội dung kê khai TSTN. Trong quá trình xác minh, Thanh tra Bộ gặp những khó khăn vướng mắc, như: Do quy định của pháp luật có liên quan, một số thông tin là dữ liệu cá nhân; có người nhận thức chưa đúng về việc kê khai TSTN; những trường hợp vợ/chồng không phải là đảng viên, không phải cán bộ, công chức, viên chức nên dẫn đến sự vênh trong kê khai TSTN…
Cần thống nhất quy định và có dữ liệu chung trên cả nước
Phát biểu tại buổi làm việc, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương Lê Việt Long cho rằng việc các nội dung kê khai TSTN, như: Tổng thu nhập của người kê khai; tổng thu nhập của vợ/chồng của người kê khai; tổng thu nhập giữa hai kỳ kê khai; cổ phần, cổ phiếu… còn gây hiểu nhầm, cần sửa đổi. Theo Chánh Thanh tra Bộ Công Thương, đã đến lúc chúng ta phải tổng kết lại Luật PCTN, nhất là vấn đề kê khai TSTN và phải có sự thống nhất giữa các cơ quan.
Đáng chú ý, ông Long nhấn mạnh, khi thực hiện công tác kiểm soát TSTN cần phải có dữ liệu chung, liên thông để các cấp bộ, ngành truy cập, sử dụng được chứ không thể gửi văn bản đến 63 tỉnh, thành hoặc 63 sở, ngành trên cả nước sau đó về tổng hợp. Do đó, cần phải có quy chuẩn, hướng dẫn chi tiết và phạm vi cụ thể để triển khai thực hiện thống nhất, hiệu quả.
|
|
Chánh Thanh tra Bộ Công Thương Lê Việt Long cho rằng cần phải có dữ liệu chung trên cả nước để phục vụ công tác kiểm soát tài sản, thu nhập. (Ảnh: M.Nguyệt) |
“Ban cán sự, Đảng ủy và Thanh tra Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì việc kê khai TSTN đã triển khai thực hiện nghiêm túc. Nhưng trong thực thi cần sự hướng dẫn chi tiết, cụ thể để giúp Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành, địa phương kê khai đúng, rõ ràng”, ông Long nêu.
Kết luận buổi làm việc, ông Chu Đức Thắng, thành viên Tổ công tác cho biết, các nội dung liên quan đến biện pháp phòng ngừa tham nhũng; những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác PCTN tại buổi làm việc sẽ được Tổ công tác ghi nhận đầy đủ, cụ thể để tổng hợp vào một báo cáo.
Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ để đề xuất, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật theo tinh thần gọn nhưng không chung chung; đối tượng kiểm soát TSTN có thể ít hơn nhưng làm kỹ, sâu hơn, những vị trí quan trọng; có thể quy định rõ những đối tượng nào, những loại tài sản nào… áp dụng trong kê khai TSTN./.