|
|
TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Khoa học Thanh tra và nguyên Biên tập kiêm nhiệm của Tạp chí Thanh tra, Thanh tra Chính phủ. |
Gần như trong thời gian 35 năm công tác trong ngành Thanh tra của tôi cũng là ngần ấy năm gắn bó với Tạp chí Thanh tra (Tạp chí), không chỉ là cộng tác viên thân thiết với hàng trăm bài viết các thể loại, kể cả một vài chuyện ngắn nói về nghề thanh tra.
Có quyền tự hào mà nói như vậy vì đã có thời kỳ tôi phụ trách biên tập cho Tạp chí thanh tra khi ông thủ trưởng đáng kính của tôi lúc đó là Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Pháp chế kiêm chức Tổng biên tập Tạp chí. Và cho đến bây giờ tôi vẫn còn tấm hình Nhà báo xịn sò của hơn 30 năm trước. Nghề cầm bút của tôi cũng là đầu tiên được đăng trên Tạp chí, có lẽ vào đầu những năm 1990 với bài viết: “Tiến tới thiết lập cơ quan tài phán hành chính ở Việt Nam”, một vấn đề khi đó có phần lạ lẫm ngay cả với giới luật gia ở Việt Nam lúc bấy giờ.
“Kể lể” lan man một chút như vậy để chứng tỏ rằng mình không chỉ là “cộng tác viên” mà thực sự đã từng là “một phần lịch sử” của Tạp chí. Tình cảm và sự gắn bó là điều đáng quý nhưng quan trọng hơn, cũng như không ít cộng tác viên khác, là cái gốc rễ bền lâu của sự gắn bó chính là “mình cần có nhau” trong công việc.
Bất kể ở vị trí công tác nào, dù là lãnh đạo Viện Khoa học Thanh tra hay khi đảm nhiệm Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Thanh tra Chính phủ, Tạp chí luôn là nơi tôi trông cậy và nghĩ đến đầu tiên khi muốn thảo luận, tranh luận một vấn đề gì đó thuộc về nghiệp vụ thanh tra đang còn khó khăn vướng mắc trên thực tế hay đưa ra một ý tưởng mới về vấn đề thể chế thanh tra. Đơn giản độc giả của Tạp chí trước hết là các cán bộ thanh tra, những người thường ngóng trông và đón nhận nồng nhiệt nhất những bài viết về công việc của chính mình, về cuộc sống, tâm tư, tình cảm của một người làm cái nghề được vinh dự là“tai mắt của trên, là người bạn của dưới”.
|
|
Tấm thẻ Nhà báo của TS Đinh Văn Minh khi còn làm công tác biên tập của Tạp chí Thanh tra. |
Không những thế, các lĩnh vực của công tác thanh tra rất rộng và đụng chạm đến hầu hết công đoạn của người làm quản lý cũng như của người dân và doanh nghiệp. Có công việc quản lý nào mà thiếu sự thanh tra, kiểm tra, có ở nơi nào mà không xảy ra mâu thuẫn vướng mắc giữa người người dân, doanh nghiệp và chính quyền dẫn đến khiếu nại, tố cáo và có ở đâu không có nguy cơ xảy ra tham ô, nhũng nhiễu cần phải thường xuyên có biện pháp, giải pháp ngăn chặn nếu như không muốn mất tiền bạc, mất cán bộ, mất niềm tin? Đó chính là cái dư địa vô cùng rộng lớn để tạo nên nội dung hết sức phong phú và một lượng độc giả tiềm tàng. Cái “sân chơi” đủ để cho những ai tâm huyết nói lên tiếng nói, sự trăn trở và khó khăn của mình trong một mục đích chung là tìm ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác thanh tra, xứng đáng là một công cụ không thể thiếu của quản lý nhà nước. Ngược lại, Tạp chí có phát triển hay không, có chiếm được vị trí xứng đáng trong lòng độc giả hay không chính là nhờ có đội ngũ cộng tác viên tâm huyết và trách nhiệm với từng bài viết của mình.
Với tính cách là cơ quan lý luận của Ngành, những bài viết trên Tạp chí không chỉ mang tính chất thông tin đơn thuần mà đòi hỏi tính toàn diện và sự sâu sắc của một vấn đề mang tính lý luận, xuất phát từ sự chắt lọc, tổng kết từ thực tiễn cuộc sống và hoạt động thanh tra. Báo và chí với những ưu thế của nó đã là công cụ hết sức quan trọng góp phần nâng cao nhận thức và cả ý thức của mọi người trong việc đưa những quy định khô khan, đôi khi là khó hiểu vào thực tiễn cuộc sống.
Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, Tạp chí điện tử Thanh tra (ThanhtraVietNam.vn) thời gian gần đây đã phát huy mạnh mẽ hơn nữa của quá trình này. Đặc biệt thời gian vừa qua với sự thay đổi về thế chế qua việc Luật thanh tra mới được ban hành đã đặt ra những yêu cầu mới trong tổ chức và hoạt đọng thanh tra, sự phân định giữa thanh tra và kiểm tra cũng như các cơ chế, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng của các cuộc thanh tra và tăng cường giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra để bảo đảm các cuộc thanh tra được thực hiện đúng tiến độ, đúng mục đích yêu cầu, loại trừ những nguy cơ tham nhũng, tiêu cực trong chính hoạt động thanh tra để cán bộ thanh tra giữ được sự liêm chính, “như cái gương cho người ta soi mặt”.
Cuộc sống như dòng chảy, thực tiễn luôn vận động, phát triển, đòi hỏi đổi mới không ngừng. Thực tiễn công tác thanh tra cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong bài viết quan trọng về "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới" đã nhắc lại lời dạy của V.I. Lênin: “Khi tình hình đã thay đổi và chúng ta phải giải quyết nhiệm vụ thuộc loại khác thì không nên nhìn lại đằng sau và sử dụng những phương pháp của ngày hôm qua”. Chính vì vậy với một tư duy biện chứng và sự tìm tòi tâm huyết, các chủ đề của Tạp chí Thanh tra không bao giờ bị cạn kiệt. Bao nhiêu năm qua, trên cơ sở nền tảng tư tưởng của Hồ Chủ tịch về công tác thanh tra, tổ chức và hoạt động thanh tra không ngừng được hoàn thiện dù ngành Thanh tra vẫn giữ vững truyền thống vẻ vang của mình, đạt nhiều thành tích trong các lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Nhưng vẫn còn đó những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức và hoạt động. Điều đó đòi hỏi sự tìm tòi nghiên cứu, thảo luận, tranh luận không ngừng nghỉ của những những người tâm huyết với nghề thanh tra để tìm ra biện pháp, giải pháp hiệu quả hơn trước yêu cầu của tình hình mới, trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, một Nhà nước kiến tạo, Chính phủ liêm chính, hành động và phục vụ trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin và toàn cầu hóa.
Một loạt vấn mới đang đặt ra, cùng với đó là việc sửa đổi, bổ sung để khắc phục qua thực tiễn công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tiêu cực, nhất là vấn đề kiểm soát tài sản, thu nhập, các biện pháp mới nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng… chắc chắn là những vấn đề sẽ được bàn thảo sôi nổi mà Tạp chí Thanh tra luôn là diễn đàn thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, xây dựng thể chế và nhất là những người hoạt động thực tiễn. “Suy nghĩ không cũ về một vấn đề không mới”, đó có thể là phương châm định hướng cho sự phát triển của Tạp chí với bề dày truyền thống 46 năm, một thời gian đủ chín cho sự trưởng thành của một cơ quan nghiên cứu lý luận của ngành Thanh tra trong thời gian tới. Chúc mừng Tạp chí đón nhận tuổi mới và xin được tiếp tục đồng hành với các bạn bè, đồng nghiệp gần xa trên “sân chơi” Tạp chí Thanh tra trong thời gian tới!
TS. Đinh Văn Minh,
nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ