Tết của những người đặc biệt

Thứ ba, 21/01/2025 17:00
(ThanhtraVietNam) - Là những người lao động bình dị trong ngành đường sắt, những điều dưỡng chăm sóc người bệnh hay những công nhân trên giàn khoan ngoài biển khơi ...Song điều đặc biệt với họ là khi Tết đến, Xuân về đại đa số người dân được đoàn tụ, xum vầy với gia đình thì họ phải trực Tết hoặc thường xuyên đón Tết xa nhà, nhưng trái tim luôn hướng về những người thân yêu, về quê hương của mình. Họ cũng chính là những người đặc biệt bởi chúa trong mình tinh thần trách nhiệm, khát vọng lớn lao và quyết tâm góp sức cho sự phát triển của đất nước.

Tết Nguyên đán chính là thời điểm mà mọi người trong gia đình mong ngóng nhất để được đoàn tụ bên những người yêu thương. Được cùng nhau quây quần bên nồi bánh chưng đêm giao thừa, đây là điều mà mọi người đều mơ ước. Tuy nhiên, do đặc thù của từng ngành nghề mà một số người không được hưởng trọn vẹn niềm vui đó, họ phải hy sinh niềm vui riêng của bản thân để hoàn thành tốt công việc.


Tết ở nơi “giàn là nhà, biển cả là quê hương"

Chúng tôi đến với câu chuyện của một người con phương Bắc với đã mấy năm ăn Tết cùng cái nắng gió hảo sảng của phương Nam. Đó là anh Nguyễn Khắc Triệu - Người lao động PV Drilling, thuộc PV Drilling mỏ Bạch Hổ.

leftcenterrightdel
Ảnh thay mới cờ Tổ quốc chuẩn bị làm lễ chào cờ đầu năm, trên giàn PV DRILLING I. Nguồn ảnh: PVN

"Ở phương Nam hào sảng như nắng, phóng khoáng như gió, Tết mang theo ý vị đặc biệt. Tết là nỗi hoài niệm về cái rét phương Bắc, là hình ảnh nồi bánh chưng đỏ lửa sưởi ấm những bàn tay giá lạnh biền biệt một năm mới có dịp đoàn viên. Với chúng tôi và những cán bộ, kỹ sư, công nhân làm việc trên giàn PV DRILLING I tại mỏ Bạch Hổ, Tết là mênh mang sóng nước, là phút giao thừa trên biển lộng gió. Song với ý chí, quyết tâm của những công nhân ngành dầu khí, không phút giây ngừng nghỉ, không khoảnh khắc xao lãng, trong phòng máy, dọc “hành lang” của giàn, bước chân người thợ vẫn miệt mài qua lại, kiểm tra kỹ lưỡng từng thiết bị, lắng nghe tiếng máy có lúc tưởng như bị khỏa lấp bởi từng đợt sóng mạnh mẽ vỗ vào chân giàn", anh Nguyễn Khắc Triệu tâm sự.

Có lẽ nỗi nhớ người thân, gia đình ở đất liền là cảm xúc chung nhất của tất cả các anh em ăn Tết ngoài giàn. Song đối với họ, trên giàn khoan PV DRILLING I, mùa xuân đến, đặt chân vào bất cứ chỗ nào cũng có thể cảm nhận không khí Tết. Từ tầng điều hành, phòng sinh hoạt tập thể rực sắc mai vàng, ngát hương hoa ly. Các chàng đầu bếp của giàn trong 3 ngày Tết bận với việc chuyển thực đơn sang món ăn truyền thống, nào chả giò, nem, bánh chưng, bánh tét. "Món tươi" ngày xuân được bổ sung thêm. Mâm cơm ngày Tết còn ấm áp hơn bởi tiếng cười như pháo của các chàng trai trẻ lần đầu đón Tết ngoài khơi xa.

leftcenterrightdel
Không khí Tết trên giàn PQP-Hải Thạch. Nguồn ảnh: PVN

Các chàng trai quê ở mọi miền đất nước đầu quân cho PV DRILLING I, có người đã 5 cái Tết liên tục đón xuân trên biển nhưng vẫn vui vẻ coi “giàn là nhà, biển cả là quê hương", đã gác những ngày xuân của riêng mình để cùng thực hiện những chiến dịch khoan thành công, an toàn trong niềm hân hoan, tự hào nghề nghiệp.

"Nếu hỏi đón Tết ở giàn có nhớ nhà không, thì nhớ chứ, nhớ lắm! Nhưng ngày Tết anh em vẫn luôn lao động với ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm cao nhất để đảm bảo năng suất cao và an toàn. Và niềm tự hào được đứng trong hàng ngũ những người làm dầu khí là động lực giúp chúng tôi vơi đi nỗi nhớ, làm tốt công việc của mình, nỗ lực bám biển khai thác, chuyển dầu khí về đất liền làm giàu cho đất nước, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đất nước. Vì thế, đón giao thừa trên biển, đối với chúng tôi, cán bộ, nhân viên trên giàn PV DRILLING I đó là một niềm tự hào thực thụ", anh Nguyễn Khắc Triệu cho biết.

Anh Đoàn Mai Lâm, Giàn trưởng cụm giàn Hải Thạch - Mộc Tinh chia sẻ: Ngày Tết của những người làm nhiệm vụ sản xuất trên giàn khoan luôn đong đầy cảm xúc. Công việc trên cụm giàn Hải Thạch - Mộc Tinh đòi hỏi chúng tôi phải duy trì sản xuất liên tục, đảm bảo nguồn khí và condensate từ biển khơi không ngừng chảy về đất liền, góp phần giữ vững nhịp sống, nhịp phát triển của đất nước.

Nhớ nhà, nhớ gia đình, nhưng cảm giác tự hào luôn tràn đầy trong mỗi chúng tôi. Tự hào vì đang cùng đồng đội thực hiện một nhiệm vụ thiêng liêng. Tự hào vì được chứng kiến mỗi mét khối khí từ nơi này trở thành nguồn năng lượng quan trọng cho quốc gia.

Hải Thạch - Mộc Tinh là một cụm giàn đặc biệt, nằm ở vùng nước sâu hơn 130m, nơi điều kiện địa chất và thời tiết luôn khắc nghiệt. Nhưng với tất cả anh em trên giàn, đây là nơi thể hiện rõ nhất bản lĩnh và trí tuệ của người Việt. Trong từng ca làm việc, chúng tôi luôn nhắc nhở nhau rằng sự cống hiến này không chỉ vì trách nhiệm nghề nghiệp mà còn vì tình yêu đất nước và khát vọng góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tết trên giàn, nhờ sự quan tâm của Ban lãnh đạo Công ty, chúng tôi có được những mâm cơm ngày Tết đủ đầy, cùng nhau chào đón thời khắc giao thừa trong tiếng sóng biển vỗ rì rào. Mỗi buổi chào cờ giữa biển khơi, nhìn lá quốc kỳ tung bay trong gió, lòng tôi lại dâng tràn cảm xúc. Đó không chỉ là niềm tự hào cá nhân mà còn là sự kiêu hãnh khi biết mình đang là một phần của tập thể anh em kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió.

"Mỗi người chúng tôi đều có gia đình, có những nỗi nhớ và hy sinh thầm lặng. Nhưng chính tình đồng đội, tinh thần trách nhiệm và sự cổ vũ từ hậu phương là nguồn động lực to lớn để tất cả vượt qua. Dù ở xa, tôi tin rằng gia đình luôn hiểu và tự hào về công việc của chúng tôi - không chỉ đơn thuần là sản xuất, mà còn là một phần nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Có những ngày Tết không thể sum họp đầm ấm cùng gia đình, nhưng trái tim chúng tôi luôn hướng về những người thân yêu, về quê hương của mình. Đối với tôi, giàn khoan không chỉ là nơi làm việc mà còn là một phần quan trọng của cuộc đời - nơi chứa đựng những khát vọng lớn lao, những giấc mơ đóng góp cho sự phát triển của đất nước", Giàn trưởng cụm giàn Hải Thạch - Mộc Tinh quyết tâm.

Những ca bệnh được cứu chữa thành công trong giao thừa

Với một công việc có đặc thù làm việc xuyên lễ Tết tại các bệnh viện, Tết đến, Xuân về cũng có những hoàn cảnh đặc biệt. Chia sẻ với chúng tôi, anh Lê Văn Lượng, Điều dưỡng trưởng, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn thành thật, "những người như chúng tôi thường bỏ lỡ những khoảnh khắc như đón giao thừa, lì xì đầu năm, hay bữa cơm đoàn tụ. Nỗi nhớ nhà càng trở nên sâu sắc khi nghe tiếng pháo hoa hoặc thấy hình ảnh mọi người sum vầy. Cảm giác tiếc nuối khi không thể cùng gia đình thực hiện những phong tục truyền thống như dọn dẹp nhà cửa, đi chùa, hoặc chúc Tết người thân. Đặc biệt hơn, những điều dưỡng, bác sĩ trẻ thường "nghẹn ngào" hơn".

leftcenterrightdel
Anh Lê Văn Lượng, Điều dưỡng trưởng, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (áo đen) cùng ê kíp bác sĩ cứu chữa bệnh nhân. Ảnh: T. Loan 

Một chút hồi tưởng lại cảm xúc của những ngày trực Tết, Điều dưỡng trưởng Nguyễn Văn Lượng nhanh chóng chuẩn bị trở lại với công việc. Khẳng định cá nhân cảm thấy tự hào vì công việc của mình mang nhiều ý nghĩa nhất là trong dịp Tết. Bởi, khối lượng công việc trong thời điểm này thường lớn hơn, với nhiều ca bệnh khẩn cấp và đa dạng, từ tai nạn giao thông đến ngộ độc thực phẩm, chấn thương... Áp lực tâm lý từ việc phải luôn sẵn sàng và tập trung, đôi khi không có thời gian nghỉ ngơi đúng nghĩa. "Song, những lời cảm ơn chân thành từ người bệnh và gia đình họ mang lại niềm vui và động lực lớn lao cho những nhân viên ngành Y tế chúng tôi".

Nói về những kỷ niệm đáng nhớ "ăn Tết" tại bệnh viện, anh Lượng chia sẻ như, "một số gia đình mang bánh chưng, hoa đào, hoặc những món quà nhỏ đến bệnh viện để tạo không khí Tết, giúp các bác sĩ, điều dưỡng, y tế... vơi bớt nỗi nhớ nhà, sự gắn kết giữa các đồng nghiệp trong ca trực, chia sẻ những phút giây đặc biệt bên nhau... Đáng nhớ nhất chính là những ca cứu chữa thành công trong đêm giao thừa hoặc ngày Tết khiến chúng tôi cảm thấy công việc của mình thực sự ý nghĩa và nhân văn".

Với những bác sĩ, điều dưỡng, y tá... tại các bệnh viện, không ít người ấn tượng và cảm xúc nhất vào thời điểm giao thừa, bệnh nhân người thân của họ gọi video call cho nhau để chúc cho nhau những lời tốt đẹp nhất. Cũng là lúc người thân của nhân viên y tế làm công việc tương tự khi liên lạc đến để hỏi thăm con, em, bố mẹ họ... Rồi khối lượng công việc "đồ sộ" ngày Tết khiến cho những cuộc kết nối dù trên điện thoại, nhân viên y tế cũng không kịp nghe hay nói những lời chúc Tết... Đặc thù của ngành y, đặc biệt các khoa hồi sức hay cấp cứu là như vậy nếu người thân không hiểu, không thông cảm có khi còn bị trách nhầm là không tôn trọng họ trong thời khắc thiêng liêng vậy. Bởi thế, công việc chữa bệnh, cứu người của nhân lực ngành y tế càng cần được trân trọng hơn bao giờ hết trong những thời khắc như Tết.

Những người "chở" Tết đến muôn nơi

 

Những cán bộ, công nhân ngành đường sắt là những người cảm nhận rõ rệt nhất hoàn cảnh đón Tết xa nhà. 

Chia sẻ về câu chuyện Tết xa nhà, Trưởng tàu SE4 Ngô Quốc Trung (Thành phố Hồ Chí Minh) thuộc Đoàn Tiếp viên Đường sắt Sài Gòn cho biết, công tác trong ngành 15 năm, gần như những năm vừa qua anh không có dịp đón Tết cùng gia đình. Tết Ất Tỵ 2025 cũng là hoàn cảnh tương tự. "Khi vợ, con được thông báo lịch trực Tết của tôi, vợ có chút đượm buồn, đứa con bé bỏng so sánh tôi với ba của bạn năm nào cũng ăn Tết với gia đình, tôi thực sự bối rối, nghĩ ngợi. Rồi cảm giác đó cũng qua, chúng tôi tập trung vào công việc", Trưởng tàu Ngô Quốc Trung bồi hồi.

"Có lần vào Tết cách đây vài năm, khi vợ con về quê Thanh Hóa ăn Tết cùng bố mẹ tôi trước, tranh thủ khi tàu vào Ga Thanh Hóa ít phút, gia đình tôi đã có thời khắc "tay bắt, mặt mừng" ở ngay sân ga. Lúc đó, tôi cảm thấy sự sự quý giá hạnh phúc giản dị và cao quý của sự quây quần, sum vầy khi Tết đến", anh Trung kể về một kỷ niệm đáng nhớ.

leftcenterrightdel
 Trưởng tàu SE4 Ngô Quốc Trung (Đoàn Tiếp viên Đường sắt Sài Gòn) có phút gặp gỡ gia đình tại quê hương ở Ga Thanh Hóa khi tàu dừng nghỉ trước khi tiếp tục lăn bánh.

Cũng với nhiệm vụ của một Trưởng tàu, ông Nguyễn Tiến Hưng, 53 tuổi quê Thái Bình có thời gian công tác trong ngành tới 27 năm, nhưng số lần đón Tết cùng với gia đình chỉ tính đầu ngón tay chỉ tính trên đầu ngón tay, còn lại các Tết hầu như ở trên Tàu.

leftcenterrightdel
Trưởng tàu SE4 Nguyễn Tiến Hưng, Đoàn Tiếp viên Đường sắt Sài Gòn. Ảnh: NVCC  

“Với chúng ta, hầu như Tết Nguyên đán là thời gian để con cháu tỏ lòng, tạ ơn cho ông bà, cha mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng mình bằng tình cảm chân thành nhất hay bằng những món quà cho ngày Tết, hay đơn giản chỉ là những phút tập trung dọn dẹp, sửa soạn nhà cửa đón Tết...Nhưng với gia đình tôi thì mọi công việc được phó mặc cho vợ", nghĩ tới đây, ông Hưng có chút đượm buồn.

Năm nay, chị Trần Thị Nhung, tiếp viên viên phục vụ hành khách tàu SE4 được phân công tham gia các tuyến tàu xuyên Tết từ 15/01/2025 đến 30/02/2025. Như vậy, Tết năm nay chị tiếp tục đón giao thừa ở trên Tàu. Khi được về nhà thì hầu như các thành viên trong gia đình chuẩn bị quay trở lại công việc của năm mới.

"Tết cổ truyền người Việt từ trang trí nhà cửa đón Tết, bếp núc... có vai trò rất lớn của người phụ nữ trong nhà, thế nhưng cũng lâu lắm rồi tôi chưa có thời gian để làm những công việc đó. Cũng do đặc thù của ngành nghề nên gia đình cũng chia sẻ và thông cảm để tôi công tác", tiếp viên viên phục vụ hành khách tàu SE4 tâm sự.

Vào mỗi dịp Tết về cũng là cao điểm hoạt động của ngành giao thông nói chung và ngành đường sắt nói riêng. Để đón Tết cùng gia đình với các công nhân, cán bộ ngành đường sắt thực sự là một điều khó. Họ có phần hy sinh, "để dành" những khoảng khắc sum vầy bên gia đình vào một thời điểm khác để phục vụ hành khách, dẫn lối cho người người xum họp cùng gia đình sau một năm công tác, học tập xa nhà, họ được ví như những người "chở" Tết đến muôn nơi.

Đ.Thuyết - K.Dung - N.Loan

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra