Thanh tra Chính phủ:

Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 27 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII

Thứ ba, 26/09/2023 10:00
(ThanhtraVietNam) - Trong thời gian qua, thông qua các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của mình, Thanh tra Chính phủ đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (gọi tắt là Nghị quyết 27), Kế hoạch số 11-KH/TW ngày 28/11/2022 (Kế hoạch 11) của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 134-KH/BNCTW ngày 01/6/2023 của Ban Nội chính Trung ương.

Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo sát sao việc quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương và Kế hoạch số 11 của Bộ Chính trị. Tất cả các đảng bộ, chi bộ trực thuộc và đảng viên, công chức, viên chức của Thanh tra Chính phủ đã được học tập Nghị quyết 27 và các văn bản hướng dẫn; qua đó gắn việc thực hiện Nghị quyết 27 vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, phù hợp với đặc thù của các nhiệm vụ của Ngành trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Thanh tra Chính phủ. Ảnh: K. Dung

Về xây dựng và hoàn thiện thế chế về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, thực hiện chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội và Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quyết định số 577/QĐ-TTCP ngày 30/12/2022 về Kế hoạch xây dựng thể chế năm 2023 của Thanh tra Chính phủ. Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ đã triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Thanh tra để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền.

Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Thanh tra Chính phủ, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tính đến 31/5/2023, số biên chế hành chính thực tế của Thanh tra Chính phủ là 388, số biên chế được giao năm 2023 là 400; biên chế được giao giai đoạn 2022-2026 là 388; biên chế đơn vị sự nghiệp hưởng lương ngân sách nhà nước là 65; hợp đồng theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP đối với 78 trường hợp. Trong 06 tháng đầu năm 2023, Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan Thanh tra Chính phủ và của ngành Thanh tra; kiện toàn, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức; xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của ngành Thanh tra và của cơ quan Thanh tra Chính phủ.

Về xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, thời gian qua, Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện kịp thời các nhiệm vụ của công tác tổ chức cán bộ với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, vừa có trình độ chuyên môn, vừa nâng cao đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của cơ quan Thanh tra Chính phủ.

Có thể nói, việc triển khai thực hiện Chương trình hành động số 02-Ctr/BCSĐ ngày 19/5/2023 của Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ được chú trọng thực hiện, bảo đảm chất lượng và tiến độ thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch. Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Thủ trưởng các đơn vị đã phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện Nghị quyết và kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, yếu kém trong công tác này tại các cuộc họp giao ban cấp vụ, các cuộc họp của đơn vị và trong các cuộc sinh hoạt chuyên môn định kỳ.

Bên cạnh những kết quả tích cực nói trên, trong triển khai các nhiệm vụ để thực hiện Nghị quyết 27 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Trong công tác chỉ đạo, điều hành, việc thực hiện Nghị quyết một số đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ chưa đi vào chiều sâu, chưa bám sát đặc điểm tình hình của đơn vị, việc phối hợp trong công tác triển khai hoạt động tại một số đơn vị đôi khi chưa thật đảm bảo đúng yêu cầu về tiến độ; công tác tuyên truyền nội dung và việc thực hiện Nghị quyết chủ yếu là tuyên truyền tại cuộc họp, trên báo chí mà chưa có nhiều hình thức đa dạng, phong phú khác.

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trên, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương tổ chức các lớp tập huấn cho báo cáo viên ở các bộ, ngành về kỹ năng tuyên truyền, phổ biến các Nghị quyết của Đảng; đồng thời kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Bộ Tư pháp tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quá trình thực hiện Nghị quyết tại các cơ quan, đơn vị./.

K. Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra