Theo kết quả công tác thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông (TTTT) quý I/2022, trong công tác thanh tra và xử lý vi phạm hành chính, Bộ TTTT đã ban hành Quyết định số 2067/QĐ-BTTTT ngày 28/12/2021 sửa đổi Quyết định số 1040/QĐ-BTTTT ngày 19/6/2020 của Bộ trưởng Bộ TTTT về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực xuất bản, in và phát hành thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ TTTT. Theo đó, có 05 thủ tục hành chính được giảm 50% mức phí, lệ phí đến hết ngày 30/6/2022.
Nhằm tăng cường, tạo sự gắn kết, thống nhất và đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về xuất bản, in, phát hành từ Trung ương tới địa phương, trong đó có hoạt động thanh tra chuyên ngành và để tiếp tục phát huy hiệu quả phối hợp công tác giữa cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành với Thanh tra Sở TTTT, Bộ đã có văn bản gửi các Sở TTTT phối hợp cung cấp kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2022 để phối hợp khi cần thiết. Đồng thời, nêu rõ khó khăn, vướng mắc hoặc đề xuất, kiến nghị trong nghiệp vụ công tác quản lý nhà nước nói chung.
Đáng chú ý, cục quản lý nhà nước lĩnh vực và lực lượng thanh tra phải tổng hợp, nghiên cứu, hướng dẫn 43 hoạt động thanh tra chuyên ngành xuất bản, in, phát hành.
Việc chỉ đạo công tác tổng hợp, nghiên cứu, hướng dẫn các hoạt động thanh tra chuyên ngành xuất bản, tin và phát hành là hết sức kịp thời và cần thiết, bởi phạm vi hoạt động xuất bản khá rộng gồm lĩnh vực xuất bản, in và phát hành.
Trên thực tế, cơ quan quản lý nhà nước đã nhận diện các sai phạm thường gặp của hoạt động xuất bản tương đối “đa dạng”. Riêng tại lĩnh vực in có thể kể đến: Thực hiện không đúng nội dung ghi trong giấy phép thành lập nhà xuất bản; xuất bản xuất bản phẩm không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của nhà xuất bản; xuất bản xuất bản phẩm sai nội dung đăng ký kế hoạch xuất bản đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận; xuất bản xuất bản phẩm mà không đăng ký kế hoạch xuất bản hoặc xuất bản xuất bản phẩm khi chưa được Bộ TTTT xác nhận đăng ký kế hoạch xuất bản bằng văn bản”. Không ghi đầy đủ nội dung trong quyết định xuất bản xuất bản phẩm theo mẫu do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định (Nhà xuất bản thường không ghi đầy đủ cơ sở in, đây là điều kiện để các cơ sở in, in sao lậu)...
    |
 |
Hoạt động xuất bản tương đối rộng, cần được thanh tra chuyên ngành kịp thời để phát hiện, xử lý nếu có vi phạm. Ảnh: T.A |
Hoặc các vi phạm khác như: Không nộp lưu chiểu mà đã phát hành đối với từng xuất bản phẩm; nộp lưu chiểu xuất bản phẩm chưa hết thời hạn 10 ngày đã phát hành; không lưu bản thảo xuất bản phẩm liên kết theo quy định của pháp luật; không ký phát hành xuất bản phẩm liên kết; không nộp xuất bản phẩm liên kết cho nhà xuất bản khi in xong; thay đổi tên xuất bản phẩm, tên tác giả, tên đối tác liên kết đã đăng ký mà không được Cục Xuất bản xác nhận bằng văn bản; ghi không đủ hoặc không đúng những thông tin phải ghi trên xuất bản phẩm; xuất bản phẩm có nội dung vi phạm các quy định tại Điều 10 Luật Xuất bản; xuất bản bản đồ Việt Nam mà không thể hiện hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia; xuất bản phẩm vi phạm quyền tác giả; quảng cáo rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên...
Trong khi lĩnh vực in, các vi phạm chủ yếu gồm: Không lập sổ quản lý sản phẩm nhận in hoặc không ghi đầy đủ thông tin của sản phẩm nhận in theo quy định của pháp luật kể cả chế bản và gia công sau in trong sổ quản lý ấn phẩm nhận in; sử dụng máy photocopy và các thiết bị in khác để in, nhân bản trái phép báo chí, xuất bản phẩm nhằm mục đích kinh doanh hoặc lưu hành rộng rãi (in photo sách dạy tiếng nước ngoài; in vàng mã mà không có giấy xác nhận đăng ký của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về loại vàng mã được in; sử dụng máy Photocopy và các thiết bị in khác để nhân bản báo chí, xuất bản phẩm, sản phẩm in không phải xuất bản phẩm thuộc loại cấm lưu hành; in xuất bản phẩm không đúng với quyết định xuất bản hoặc giấy phép xuất bản...
Đối với lĩnh vực phát hành, các vi phạm thường gặp được nhận diện như: Phân phát, cho thuê, đưa lên mạng internet xuất bản phẩm nhập khẩu hoặc xuất bản trái phép; bán, phân phát, cho thuê, đưa lên mạng internet xuất bản phẩm có nội dung tuyên truyền mê tín dị đoan, hủ tục, tệ nạn xã hội; tàng trữ hoặc phát hành xuất bản phẩm in, sao lậu hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp; phát hành hoặc tàng trữ nhằm mục đích lưu hành xuất bản phẩm thuộc loại không được phép lưu hành hoặc đã có quyết định thu hồi, tịch thu...