Trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội

Thứ sáu, 12/01/2024 15:33
(ThanhtraVietNam) - Sáng ngày 12/01/2024, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Quốc hội giám sát thi hành pháp luật của Chính phủ và trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội - Thực trạng và Kiến nghị”. TS. Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp Bộ; TS. Lê Hải Đường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đồng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa cho biết, Hội thảo lần thứ nhất triển khai việc thực hiện Đề tài cấp bộ “Giám sát của Quốc hội đối với việc thực thi pháp luật của Chính phủ và trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội ở Việt Nam”, các vấn đề lý luận liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, trách nhiệm giải trình của Chính phủ trong hoạt động giám sát của Quốc hội. Các chuyên gia, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận và làm rõ nhiều vấn đề về khái niệm, ý nghĩa, tầm quan trọng, vai trò, phạm vi và thực hiện trách nhiệm giải trình của Chính phủ trong hoạt động giám sát.

Tại hội thảo lần thứ hai này, các đại biểu tập trung thảo luận, đề cập đến trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội. Tuy nhiên, không chỉ bó hẹp trong hoạt động xem xét báo cáo của Quốc hội đối với báo cáo của Chính phủ mà kể cả với báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Minh Nguyệt) 

“Trách nhiệm giải trình của Chính phủ như thế nào? Chúng tôi mong muốn đặt ra vấn đề trách nhiệm giải trình của Chính phủ không chỉ bó hẹp trong việc xem xét báo cáo của Chính phủ mà trách nhiệm giải trình của Chính phủ trong hoạt động chất vất; hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật; hoạt động giám sát chuyên đề… Mỗi hình thức giám sát trước mỗi chủ thể giám sát thì trách nhiệm giải trình của Chính phủ đến đâu? Chính phủ đã có đầy đủ cơ hội để thực hiện trách nhiệm của mình hay chưa? Phạm vi giải trình của Chính phủ đến đâu? Trách nhiệm đến đâu. Sau trách nhiệm giải trình đó thì hoạt động tiếp theo của Chính phủ, của Quốc hội là gì… Đó là những vấn đề thực tiễn, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến của các chuyên gia để thảo luận”, TS. Nguyễn Thị Mai Thoa nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trong năm 2024, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân sửa đổi. Một trong những mục đích của Đề tài khoa học là hỗ trợ cho Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc có căn cứ lý luận, thực tiễn góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Ban tổ chức hội thảo cũng mong muốn các đại biểu nêu ý kiến về quy định nào của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cần phải sửa đổi và sửa đổi theo hướng như thế nào.

Cũng theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, ngoài căn cứ pháp lý, Đề tài khoa học cấp Bộ cũng muốn đưa ra những kiến nghị là việc thực hiện trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban; trước Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Do đó, việc triển khai trách nhiệm giải trình của Chính phủ trong hoạt động giám sát của các chủ thể nêu trên cần phải được cải tiến, đổi mới như thế nào cũng là nội dung được các đại biểu trao đổi, thảo luận.

leftcenterrightdel
TS. Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp Bộ. (Ảnh: Minh Nguyệt) 

Có thể nói, đây là những ý kiến, kiến nghị cụ thể, thiết thực để Đề tài nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu lập pháp cũng như những cá nhân thực hiện có đóng góp thiết thực, hiệu quả vào hoạt động lập pháp nói chung của Quốc hội, cụ thể là hoạt động sửa đổi Luật Hoạt động giám sát trong năm 2024.

Các đại biểu cho rằng, giám sát là việc chủ thể theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Nhiều ý kiến khẳng định, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số nội dung giám sát còn chưa cụ thể, rõ ràng, phạm vi giám sát còn khái quát. Đối với hoạt động thực hiện giám sát qua các Đoàn giám sát, trong một số trường hợp, các cơ quan tổ chức chưa thực hiện tốt việc phối hợp với Đoàn giám sát của Quốc hội.

Chính vì vậy, để tiếp tục nâng cao hiệu quả và phát huy vai trò giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ trong thi hành pháp luật, các đại biểu kiến nghị, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ hoàn thiện thể chế đến nâng cao vai trò, trách nhiệm cũng như chất lượng đại biểu Quốc hội. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội nói chung và hoạt động giám sát nói riêng./.

Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra