Gói thầu này được Tổng Công ty điện lực dầu khí Việt Nam - CTCP giao cho Trung tâm dịch vụ kỹ thuật (PV Power TSC) chủ trì triển khai lựa chọn nhà thầu. Ngày 29/7/2024, trả lời ThanhtraVietNam, liên quan tới thông báo mời thầu số IB2400197537, ông Lê Ngọc Sơn, Phó Giám đốc PV Power TSC cho biết: Hồ sơ mời thầu (HSMT) được phát hành lần đầu ngày 27/6/2024, sau khi tiếp thu ý kiến của nhà thầu, đã được sửa đổi một số tiêu chí về năng lực kinh nghiệm, yêu cầu kỹ thuật vật tư, nhằm mục đích tăng tính cạnh tranh. Bản này được đăng tải ngày 17/7/2024.
PV Power TSC khẳng định, xây dựng các thông số kỹ thuật trên cơ sở nhiều nhà cung cấp có thể đáp ứng được yêu cầu, không hạn chế nhà thầu trong việc tự do lựa chọn sản phẩm…
Tuy nhiên, HSMT của gói này lại được PV Power TSC tiếp tục thay đổi, chỉnh sửa tại thông báo mời thầu số IB2400309510, được đăng tải ngày 24/8/2024.
|
|
Sơn phủ bề mặt tại một dự án thuộc PV Power. |
Điều đáng nói, các nhà thầu cho rằng, tuy phạm vi cung cấp dịch vụ và mục tiêu công việc hầu như không thay đổi hoặc chỉ thay đổi không đáng kể (về khu vực, đối tượng, quy mô, diện tích…) so với các lần phát hành HSMT giai đoạn 2 trước đó. Tuy nhiên, bên mời thầu đã viện lý do thay đổi "mục tiêu, phạm vi cung cấp", nên đã thay đổi "phạm vi công việc, dự toán", cũng như thay đổi các "tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chí đánh giá" và thay đổi hệ sơn từ 4 lớp, xuống còn từ 3 đến 4 lớp với thông số không rõ ràng, đặt ra dấu hỏi về tính minh bạch. Trong khi đó, giá trị dự toán chỉ giảm nhẹ từ 39.093.460.222 VND xuống 38.765.531.074 VND.
Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, hệ sơn 4 lớp đã thực hiện thành công tại rất nhiều công trình, dự án với môi trường rất khắc nghiệt trên thế giới và Việt Nam.
Đặc biệt, với hệ sơn thiết kế 4 lớp có lớp phủ ngoài cùng là công nghệ tiên tiến và tối ưu nhất với những đặc tính nổi bật như kháng tia UV, chống muối, chống hoá chất…là giải pháp hiệu quả, giúp tăng cường tuổi thọ công trình/dự án, được áp dụng rộng rãi tại nhiều nhà máy khác nhau và mang lại kết quả tốt, như: Lớp phủ bảo vệ trong hệ sơn 4 lớp tại các nhà máy điện của PV Power và nhiều dự án khác đã đạt chuẩn quốc tế như ASTM, ISO, NCE…đồng thời vinh dự nhận giải thưởng danh giá từ NACE (Hoa Kỳ) - tổ chức hàng đầu toàn cầu về khoa học và công nghệ chống ăn mòn. Những tiêu chuẩn và giải thưởng này khẳng định chất lượng vượt trội trong lĩnh vực chống ăn mòn, bảo vệ và đảm bảo tính toàn vẹn vật liệu. Lớp phủ đặc biệt này đã được chứng minh hiệu quả qua nhiều năm nghiên cứu tại các tổ chức hàng đầu trong nước và quốc tế, bao gồm Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR), Viện Hóa học - Vật liệu (Bộ Quốc phòng), Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải)... Những kết quả này minh chứng cho sự sáng tạo khoa học và hiệu quả của công nghệ trong việc gia tăng tuổi thọ các công trình ở Việt Nam và thế giới.
Trên thế giới, lớp phủ bảo vệ sơn cũng đã được ứng dụng thành công trong nhiều năm qua trong các lĩnh vực như quân sự, công nghiệp, khai khoáng, vận tải, dân dụng... tại các công ty và tổ chức tiêu biểu như Raytheon, US Devcom Army, Chevron Bigfoot, Noble Offshore, OSG America, Manitowoc Crane, Altec Crane, UPS UK, Royal Caribbean(Hoa kỳ); Henkel Corporation (Đức); Pemex Oil & Gas (Mexico); Toshiba Industrial Products (Nhật Bản); Sterling Crane (Canada)...
Còn ở Việt Nam, theo nguồn tin của ThanhtraVietNam, lớp phủ bảo vệ sơn trong hệ sơn 4 lớp đã được sử dụng cho rất nhiều dự án tại PV Power và nhiều dự án tại các Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ, Nhà máy Nhiệt điện Bà Rịa, Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 (GENO3-EVN); Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức (EVN); Nhà máy Đạm Cà Mau (PVCFC-PVN); Nhà máy Đạm Phú Mỹ (PVFCCo-PVN); Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy điện Cà Mau 1&2, Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 (PV Power-PVN); Nhà máy Phân bón Hiệp Phước-PBMN, Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, Nhà máy Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (VINACHEM); Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (BSR-PVN)... Kết quả đến nay vẫn được đánh giá tốt.
Việc PV Power TSC thay đổi thiết kế hệ sơn có thể khiến dư luận hoài nghi về mục đích thực sự của việc thay đổi này. Liệu đây có phải là động thái nhằm ưu ái cho một số nhà thầu nào hay không? Trong khi đó các lớp phủ bảo vệ sơn này không phải là sản phẩm độc quyền, có thể đặt mua dễ dàng tại Nhà sản xuất hay Nhà cung cấp.
Cho đến nay, dù có nhiều kiến nghị, yêu cầu làm rõ từ phía các nhà thầu nhưng theo phản ánh PV Power TSC vẫn chưa công khai đầy đủ thông tin chi tiết về dự toán, diện tích sơn, vật tư chính, vật tư tiêu hao, nhân công, ca máy, giàn giáo...
HSMT giai đoạn 2 phát hành lần 2 đăng tải ngày 24/8/2024 đến ngày 10/9/2024 đóng thầu, chỉ có 18 ngày để hoàn thành kiểm định toàn bộ hệ sơn. Thời gian này hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu kiểm định của HSMT (bảng 4A), vốn cần tối thiểu 60-70 ngày. Giới hạn thời gian 18 ngày không chỉ tạo ra khó khăn cho các nhà sản xuất sơn và nhà thầu mà còn đặt ra nghi vấn về sự thiên vị và ưu ái, tạo lợi thế không công bằng cho những đơn vị đã có sẵn kết quả kiểm định.
Nhiều sản xuất sơn và nhà cung cấp, nhà thầu đã chứng minh hiệu quả thực tế hệ sơn trên 5 năm trong thực tế, dù trước đây không có yêu cầu phải thực hiện kiểm định như trên, đặt vấn đề nghi vấn, phải chăng có ẩn ý hoặc mục đích khác đằng sau yêu cầu này?
Ngoài ra, việc thay đổi yêu cầu kỹ thuật của hệ sơn theo các tiêu chuẩn TCVN 12705-6:2019, TCVN 12705-9:2021, TCVN 9014:2011, và TCVN 9013:2011 cũng là một dấu hỏi đối với HSMT thay đổi ngày 24/8/2024. Liệu những thay đổi này có phải nhằm ưu tiên cho các nhà thầu đã có sẵn số liệu kiểm định theo các tiêu chuẩn này, trong khi nhiều nhà sản xuất sơn có uy tín quốc tế và cung cấp sản phẩm với tuổi thọ 15-25 năm và đáp ứng hầu hết các tiêu chuẩn quốc tế, lại không có cơ hội tham gia vì không có sự chuẩn bị các kiểm định theo đề bài mà PV Power TSC mới “sáng tạo” ra?
Một vấn đề kỹ thuật khác cần đặt câu hỏi là liệu Chủ đầu tư có đang chỉ tập trung vào chỉ tiêu “Độ bám dính” mà bỏ qua các chỉ tiêu kỹ thuật khác trong TCVN 12705-6:2019 hay không? “Độ bám dính” này được yêu cầu đánh giá trước hay sau thử nghiệm gia tốc nhân tạo? Thêm vào đó, việc áp dụng tiêu chuẩn ASTM D4541 mà không được đề cập trong TCVN 12705-6:2019 có phải là một sai sót hay sự thiếu rõ ràng nào không và tại sao đến nay vẫn chưa có một lời giải thích thỏa đáng từ Chủ đầu tư?
Trong HSMT giai đoạn 1, tại thông báo mời thầu số 20210935047-00, được đăng tải ngày 15/9/2021 “Cung cấp dịch vụ phòng mòn giai đoạn 1 cho các khu vực lò hơi, đường ống bên ngoài quạt gió và kho nhiên liệu than của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1” cũng như các lần phát hành HSMT giai đoạn 2 trước đó, các thông số kỹ thuật của từng lớp sơn lót, trung gian và lớp phủ đều rõ ràng và tương đồng với các hệ tiêu chuẩn như TCVN, ISO, ASTM... Tuy nhiên, câu hỏi thắc mắc đặt ra là tại sao trong HSMT các chỉ tiêu này thay đổi hoàn toàn, không kế thừa các thông số kỹ thuật đã nêu trong HSMT phát hành trước đó và cố tình lập lờ số lớp của Hệ sơn từ 3 đến 4 lớp. Liệu các điều chỉnh này có bảo đảm sự cạnh tranh công bằng giữa các nhà thầu hay không?
Một điều khá “lạ lùng” trong HSMT điều chỉnh, mặc dù là gói thầu thực hiện trên bờ, nhưng PV Power TSC lại đưa ra yêu cầu dùng hệ sơn sử dụng cho tàu biển, loại trên 5000DWT?
Đồng thời, với yêu cầu bảo hành tối thiểu là 5 năm, nhưng tiêu chí kinh nghiệm của nhà thầu lại bị hạ từ 7 năm xuống chỉ còn 3 năm. Vậy một nhà thầu chỉ có 3 năm kinh nghiệm có đủ khả năng thực hiện một dự án lớn và phức tạp và số năm kinh nghiệm còn không bằng số năm bảo hành như thế này?
Với hàng loạt bất thường trên, rất cần câu trả lời thẳng thắn từ phía PV Power TSC, cũng như sự vào cuộc của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí, tránh nguy cơ tham nhũng, tiêu cực tại gói thầu này. ThanhtraVietNam đã gửi văn bản đề nghị Tổng Công ty Điện lực Dầu khí phối hợp cung cấp thông tin, tuy nhiên vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía đơn vị.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.