Chú trọng việc tiếp dân của thủ trưởng các cấp, các ngành
Trong thời gian tới, đứng trước những đòi hỏi từ nhiệm vụ giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo phát sinh nhằm giữ vững an ninh trật tự, tạo điều kiện phát triển KT-XH trên địa bàn 20 tỉnh, thành phố phía Nam do Cục III theo dõi phụ trách; trên cơ sở các hướng dẫn của Trung ương, Đảng ủy Thanh tra Chính phủ và tình hình thực tế tại Đảng bộ Cục III thời gian qua, Đảng bộ Cục III đề xuất, Đảng bộ Thanh tra Chính phủ cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác phổ biến, tuyên truyền, quán triệt đầy đủ, sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân các chủ trương, chính sánh của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo để nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ và Nhân dân, nhất là Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Nghị quyết số 39/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội; Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp Công dân. Tăng cường vận động, thuyết phục công dân chấp hành pháp luật và các quyết định giải quyết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đối với các trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối thì phải tiến hành làm rõ, xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật; thường xuyên tổ chức học tập, phổ biến, quán triệt các chủ trương, nghị quyết, luật và văn bản dưới luật liên quan cho cán bộ, công chức trong ngành thanh tra để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, cần xây dựng Quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành Trung ương, Thanh tra Chính phủ và UBND các tỉnh, Thành phố trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đông người của công dân các tỉnh tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Đối với những vụ việc đã có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương nhưng công dân không đồng thuận, vẫn tiếp tục khiếu nại; khi địa phương xin ý kiến xử lý, Bộ, ngành Trung ương cần quan tâm, sớm cho ý kiến chỉ đạo giải quyết để chấm dứt khiếu nại. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến của các bộ, ngành Trung ương về khiếu nại, tố cáo.
Mặt khác, tăng cường hơn nữa việc thanh tra trách nhiệm về quản lý Nhà nước của Chủ tịch UBND các địa phương đối với việc quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai, môi trường và đầu tư xây dựng cơ bản nhất là quy định trình tự thủ tục về đất đai liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, thanh tra về đất đai đối với các dự án trọng điểm, dự án lấy đất của dân không đền bù thỏa đáng và chậm triển khai hoặc không triển khai thực hiện, dự án có khiếu nại về việc áp dụng chính sách bồi thường giải tỏa,... Đi đôi với việc thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong việc chấp hành pháp luật về tiếp công dân, chú trọng việc tiếp dân của thủ trưởng các cấp, các ngành; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; việc tổ chức thực hiện các quyết định đã có hiệu lực pháp luật; tập trung những địa phương còn nhiều vụ việc tồn đọng, công dân còn bức xúc, tập trung đông người để khiếu kiện.
Đảng bộ Cục III cũng đề xuất Đảng ủy Thanh tra Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các cấp ủy trực thuộc về việc thực hiện Quy chế làm việc, việc thực hiện các chủ trương, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhất là về thực hiện nhiệm vụ chính trị chuyên môn được giao.
Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế
Chi bộ Vụ Hợp tác quốc tế thì cho rằng, trong thời gian tới, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, nền kinh tế nước ta sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất nhanh và khó lường; xung đột, dịch bệnh tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, tạo ra những tác động tiêu cực làm ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động hợp tác quốc tế. Điều này đòi hỏi sự chủ động, tích cực, nhạy bén hơn nữa của cấp ủy và lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế để tham mưu cho Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ phương án điều chỉnh phạm vi và phương thức triển khai các hoạt động hợp tác theo hướng tận dụng tối đa các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ để triển khai các hoạt động hợp tác qua các kênh trực tuyến, từng bước đưa hoạt động hợp tác quốc tế của Thanh tra Chính phủ thích ứng với trạng thái bình thường mới, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại rộng mở, “đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” mà Đảng và Nhà nước ta đã xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII.
Nâng cao hiệu quả công tác đôn đốc, thực hiện, kết luận, kiến nghị và xử lý sau thanh tra
Đứng trước những đòi hỏi từ nhiệm vụ, tiếp tục xác định công tác theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng cần được tiếp tục có sự quan tâm đúng mức xuất phát từ vai trò của công tác này cũng như những đòi hỏi cần phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác thanh tra. Để công tác theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra đạt kết quả tốt, Cấp ủy, Chi bộ Vụ Giám sát thẩm định xử lý sau thanh tra đề xuất, Thanh tra Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về xử lý sau thanh tra trong đó tập trung sửa đổi một số bất cập về mặt thời gian thực hiện việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra đảm bảo tính linh hoạt và phù hợp với từng cấp thanh tra, từng kết luận thanh tra; quy định rõ về các chế tài bắt buộc thực hiện; hướng dẫn quy trình chi tiết việc kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra…
Đồng thời, cần nâng cao chất lượng các kết luận thanh tra đảm bảo tính chính xác, đúng quy định pháp luật và khả thi; Thực tế cho thấy, kết luận thanh tra có đảm bảo các yếu tố nói trên thì việc theo dõi, đôn đốc mới có nhiều thuận lợi; trong quá trình thực hiện mới hạn chế được các khó khăn, vướng mắc gặp phải cũng như những phản hồi tiêu cực như khiếu nại, khiếu kiện từ phía các đối tượng thanh tra cũng như các tổ chức, cá nhân có liên quan; tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện về mô hình tổ chức đối với cơ quan thanh tra một số bộ, ngành, địa phương trong đó cần chú trọng tăng biên chế, phân công công việc, đào tạo cán bộ làm công tác theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra để từng bước chuyên môn hóa nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả.
Thanh tra Chính phủ cần tăng cường công tác chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong việc thực hiện kết luận thanh tra, đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước cấp trên trực tiếp của đối tượng thanh tra; của cơ quan nhà nước cùng cấp với cơ quan ban hành kết luận thanh tra. Tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc xử lý sau thanh tra như giữa cơ quan thanh tra và kiểm tra trong kiểm điểm, xử lý trách nhiệm hành chính; giữa cơ quan thanh tra với cơ quan thuế, ngân hàng, tài chính, tài nguyên môi trường trong việc cưỡng chế thực hiện các kiến nghị xử lý về kinh tế; giữa cơ quan thanh tra với cơ quan công an liên quan đến các kiến nghị xử lý về vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, quan tâm đến công tác quản lý nhà nước về xử lý sau thanh tra bao gồm các nội dung như: tuyên truyền, tập huấn, phổ biến về pháp luật về thanh tra và trách nhiệm thực hiện kết luận thanh tra; Thanh tra Chính phủ cần tăng cướng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra song song với việc chia sẻ kinh nghiệm, giúp cơ quan thanh tra các Bộ, địa phương giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình xử lý sau thanh tra; thực hiện tốt việc theo dõi, quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, số liệu về xử lý sau thanh tra để phục vụ công tác báo cáo, dự báo của toàn ngành Thanh tra cũng như kịp thời thông tin cho Chính phủ, Nhà nước phục vụ công tác quản lý…/.
Lan Anh – Trần Huy