Công tác giải quyết đơn khiếu nại đạt tỷ lệ thấp
Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh, trong quý I năm 2023, tình hình khiếu nại, yêu cầu của công dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra ở một số lĩnh vực; tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực đất đai, bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, khu tái định cư, trường học, ….Tố cáo, kiến nghị, phản ánh chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, y tế, giáo dục, chính sách người có công với cách mạng, môi trường, … Nhưng không phát sinh thành điểm nóng, không có tình trạng tập trung đông người kéo đi khiếu nại, tố cáo, yêu cầu, phản ánh vượt cấp đến các cơ quan Trung ương tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh được ổn định.
Về khiếu nại đơn khiếu nại phát sinh là 27 đơn (27 vụ việc) thuộc thẩm quyền, so với cùng kỳ giảm 10 đơn (cùng kỳ năm 2022 có 37 đơn khiếu nại), chủ yếu là khiếu nại, yêu cầu tăng mức bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư do bị thu hồi đất.
Về tố cáo, trong kỳ phát sinh 01 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền, so với cùng kỳ tăng 01 đơn (do quý I năm 2022 không có đơn tố cáo).
|
|
Thanh tra tỉnh yêu cầu những nội dung liên quan đến quyền lợi của người dân thì cần phải công khai, minh bạch để người dân biết (Ảnh: Đình Thuyết) |
Theo Thanh tra tỉnh, nguyên nhân của tình hình khiếu nại, tố cáo, tập trung vào các lĩnh vực, như: Về giá bồi thường đất: số tiền bồi thường về đất không đảm bảo để người bị thu hồi đất mua lại phần đất tương xứng về diện tích, vị trí và loại đất.
Về tái định cư: trường hợp bị thu hồi một phần, phần đất ở còn lại nhỏ (từ >15m2 đến < 30m2 ) trong khi số nhân khẩu trong hộ lại đông nên không đảm bảo diện tích cho các thành viên trong gia đình sinh hoạt; có nhà ở trên phần đất nông nghiệp bị thu hồi; diện tích đất ở còn lại không có lối đi, nằm trong qui hoạch công trình. Các trường hợp này không đủ điều kiện bố trí tái định cư theo qui định.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công dân tuy được thực hiện khá tốt, nhưng vẫn còn tình trạng một số ít công dân khi thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo cố tình không hiểu hoặc hiểu sai về chính sách, pháp luật; mặc dù đã được phân tích, giải thích trước và sau khi các vụ khiếu nại, yêu cầu, tranh chấp đất đai đã được các cơ quan hành chính nhà nước, tòa án giải quyết phù hợp pháp luật, nhưng công dân vẫn cho rằng giải quyết chưa đúng, quyền lợi còn bị thiệt thòi, nên tiếp tục khiếu nại, chuyển sang tố cáo người cung cấp thông tin cho tòa án.
Về công tác tiếp công dân, trong qúy I/2023, cơ quan hành chính các cấp trong tỉnh đã tổ chức thực hiện việc tiếp công dân đúng theo quy định của pháp luật về tiếp công dân, kết quả: Tổng số 472 lượt, số người được tiếp 519 người, với 465 vụ việc (tiếp lần đầu 450 vụ việc, tiếp nhiều lần 15 vụ việc). Trong đó, tiếp thường xuyên, các cấp và địa điểm tiếp công dân của các cơ quan hành chính đã tổ chức tiếp 423 lượt, với 467 lượt người, 416 vụ việc (Trong đó có 01 đoàn đông người với 11 người). Tiếp định kỳ và đột xuất của Thủ trưởng: Đã tổ chức tiếp công dân với 1.211 kỳ, có 47 kỳ có công dân đăng ký tiếp 47 lượt tiếp với 50 lượt công dân.
Kết quả giải quyết đơn, trong kỳ đã giải quyết 13 đơn /tổng số 27 đơn; tỷ lệ giải quyết 48,14%. Trong 13 vụ việc đã giải quyết tất cả đều chấp hành đúng thời hạn giải quyết.
Không để tồn đọng đơn quá hạn luật định
Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Thanh tra tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, trên cơ sở thực hiện các chủ trương của Trung ương về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự - xã hội; hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, gay gắt, phức tạp phát sinh thành điểm nóng, tập trung đông người đi khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan cấp huyện, tỉnh và trung ương; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Các cấp, các ngành tập trung thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ chủ yếu sau: Đó là, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Các văn bản quy phạm pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo...và đặc biệt là Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 22/02/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chỉ đạo tăng cường thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có liên quan đến tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhằm giúp cho công dân thông hiểu thực hiện đúng, đủ quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của mình khi tham gia khiếu nại, tố cáo.
Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các cấp phải thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân định kỳ và tiếp công dân đột xuất đúng, đủ ngày theo qui định của Luật tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhằm trang bị kiến thức cho đội ngũ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng chuyên nghiệp; thực hiện tốt chế độ, chính sách cho đội ngũ tiếp công dân nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng tiếp công dân trong thời gian tới. Cán bộ tiếp công dân phải am hiểu chính sách, pháp luật, có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy, tôn trọng dân, lắng nghe, tạo điều kiện thuận lợi nhất để công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định.
Ngoài ra, kịp thời thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo kế hoạch được phê duyệt; gắn với kiểm tra kết quả thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Khắc phục những tồn tại, hạn chế và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; thường xuyên cập nhật, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thực hiện đầy đủ chế độ thông tin báo cáo về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các cấp tập trung giải quyết kịp thời, có chất lượng các vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền phát sinh, không để tồn đọng quá hạn luật định; chủ động kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo gay gắt, phức tạp thuộc thẩm quyền; nắm tình hình và có giải pháp xử lý kịp thời các trường hợp khiếu nại đông người, vượt cấp, tuyệt đối không để công dân tập trung gây mất an ninh, trật tự công cộng, nhất là trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.
Tăng cường và nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, tài chính, ngân sách và thực hiện các vấn đề xã hội cũng như các vấn đề khác liên quan đến quyền và lợi ích của công dân đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, quan tâm đến quyền và lợi ích của công dân, hạn chế thấp nhất không để công dân bị thiệt thòi trong thực hiện các chính sách.
Thanh tra tỉnh đề nghị các cơ quan đơn vị, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm của chính quyền, giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người có thẩm quyền, trách nhiệm phải nắm chắc tình hình, xác định nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo, chủ động giải quyết kịp thời, đúng pháp luật./.