An Giang:

Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo

Thứ ba, 28/02/2023 19:50
(ThanhtraVietNam) - Thực hiện mục tiêu tăng trưởng, thời gian qua tỉnh An Giang vẫn tiếp tục triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế xã hội. Do đó, nội dung khiếu nại, tố cáo của người dân trên địa bàn vẫn chủ yếu là về chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc các dự án, một số đơn liên quan đến chính sách xã hội, đơn tố cáo về lĩnh vực giáo dục…
leftcenterrightdel
 Ngành bảo vệ tư pháp họp bàn công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ảnh: AGO

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hộ khiếu nại kéo dài, gay gắt mặc dù đã được Tỉnh và các cơ quan Trung ương rà soát, giải quyết thấu tình, đạt lý, đã vận động, thuyết phục, tổ chức thực hiện thêm các giải pháp hỗ trợ về tiền, về chỗ ở, đất nông nghiệp để sản xuất... nhưng người khiếu nại vẫn không đồng thuận, tiếp tục đi khiếu nại, tập trung tại Hội đồng nhân dân tỉnh (18 công dân) và cơ quan Trung ương tại Hà Nội (2 đợt 13 công dân).

Theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang, số lượng đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm giải quyết của các cơ quan, đơn vị tăng so với cùng kỳ năm trước (tăng 23 đơn), đã được các cơ quan chuyên môn tham mưu giải quyết kịp thời, đúng quy định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân.

Trong đó, công tác tiếp công dân năm 2022 trên toàn tỉnh đã tiếp tổng số 8.117 lượt/7.583 người, trong số đó cấp xã tiếp 5.055 lượt/4.423 người, cấp huyện đã tiếp 2.427 lượt/2.523 người. Riêng cấp tỉnh đã tiếp 633 lượt/629 người, tiếp thường xuyên là 593 lượt/595 công dân, lãnh đạo tiếp 40 lượt/34 người (Chủ tịch UBND tỉnh tiếp 07 lượt/07 công dân, Trưởng ban, ngành tiếp 33 lượt/27 công dân); số vụ việc 599  (tiếp lần đầu 527, tiếp nhiều lần 72). Trong công tác giải quyết khiếu nại, giải quyết 145/188 đơn, trả lại cho cá nhân với số tiền 575 triệu đồng và 512 m2 đất. Giải quyết 14/17 đơn tố cáo, thực hiện 07 kết luận với số tiền, đất đã thu hồi cho nhà nước là 56 triệu đồng.

Trong công tác đôn đốc, kiểm tra các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn An Giang theo Kế hoạch 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 và Kế hoạch 1910/KH-TTCP ngày 29/10/2021 của Thanh tra Chính phủ; đến nay, đã có 11 vụ việc, công dân thống nhất chủ trương giải quyết của tỉnh và cam kết chấm dứt khiếu nại, với tổng số tiền hỗ trợ là 8,996 tỷ đồng, 9,9ha đất nông nghiệp và 16 nền nhà.

Qua các báo cáo, có thể thấy trong thời gian qua, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; quá trình giải quyết có sự chỉ đạo tập trung thống nhất của cấp ủy đảng, chính quyền rà soát, vận dụng các chính sách an sinh xã hội, các chính sách có lợi nhất để công dân đồng tình chấm dứt khiếu nại (vụ việc mới và kể cả vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài). Nhìn chung, số lượng đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền mới phát sinh được UBND các cấp quan tâm giải quyết kịp thời. Các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật được tổ chức thi hành ngay, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân.

Việc kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài được UBND tỉnh triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, kể cả việc rà soát thực hiện các chính sách xã hội, xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ vốn mua bán… nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống và ổn định tình hình khiếu nại tại địa phương.

Tại sao người dân vẫn tiếp tục khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài ?

Qua theo dõi có thể thấy, đối với các vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài đã được các Đoàn, Tổ công tác của Trung ương và UBND tỉnh tiếp, giải thích pháp luật nhiều lần, người dân mặc dù hiểu rõ các quy định của pháp luật nhưng vẫn không chấp hành quyết định đã giải quyết đúng pháp luật. Một số hộ khiếu nại kéo dài đã được giải quyết đúng chính sách pháp luật, đã cam kết chấm dứt khiếu nại nay trở lại khiếu nại tiếp tục với yêu cầu ngày càng cao hơn.

Lý giải nguyên nhân này có thể thấy do chính sách bồi thường ngày càng đảm bảo hơn về quyền lợi của người sử dụng đất nên dẫn đến sự so bì của các hộ dân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án giải tỏa trước đây. Một số hộ khiếu nại gay gắt, kéo dài bị ảnh hưởng của phần tử xấu kích động, lôi kéo, xúi giục do một bộ phận người dân chưa nhận thức đúng về khiếu nại, tố cáo, dẫn đến khiếu nại, tố cáo không đúng quy định của pháp luật, lợi dụng dân chủ, nhân quyền với tâm lý càng khiếu nại càng có lợi nên không đồng ý kết thúc khiếu nại.

Ngoài ra, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được xây dựng vẫn chưa theo kịp thực tiễn, nhất là giá bồi thường đất ở; chính sách hỗ trợ vẫn còn thấp, một số trường hợp số tiền bồi thường, hỗ trợ chưa đủ để người dân tạo lập chỗ ở mới tốt hơn. Việc thực thi pháp luật về khiếu nại chưa triệt để dẫn đến việc giải quyết khiếu nại không có điểm dừng. Trong lúc, quy định pháp luật về an ninh trật tự chưa được tổ chức thực hiện nghiêm. Từ đó, một số trường hợp mặc dù đã được giải quyết có lý, có tình nhưng vẫn không chấp nhận, cố ý khiếu nại kéo dài.

Việc áp dụng các chính sách hỗ trợ và an sinh xã hội gặp khó khăn, lúng túng vì còn tùy thuộc vào điều kiện của địa phương; có trường hợp do công dân không hợp tác để cùng với chính quyền tìm biện pháp giải quyết.

Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các quy định về pháp luật tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo

Thời gian tới, An Giang tiếp tục triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm về xây dựng các công trình, chỉnh trang đô thị... Số lượng đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền mới vẫn sẽ phát sinh, do đó UBND các cấp và các cơ quan chuyên môn các cấp cần quan tâm giải quyết, kịp thời đề ra các giải pháp:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 10/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 19/3/2018 của UBND tỉnh về tổ chức thực hiện Công văn số 392-CV/TU ngày 25/10/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Thứ hai, Thủ trưởng các Sở, ban ngành tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố chỉ đạo, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan trực thuộc giải quyết kịp thời, đúng quy định các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan mình, cụ thể là đối với Chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố tập trung tổ chức thực hiện dứt điểm các quyết định có hiệu lực pháp luật và các vụ việc có ý kiến kết luận, chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Tích cực kiểm tra, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu đề xuất xử lý, báo cáo hoặc phối hợp kịp thời trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, hạn chế phát sinh điểm nóng, đông người, bức xúc, gay gắt làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý đơn kịp thời, đúng pháp luật, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời quan tâm thực hiện đúng chính sách, chế độ theo quy định đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các quy định về pháp luật tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo. Đối với các vụ việc khi đã có kết luận, quyết định giải quyết phải tổ chức chỉ đạo thực hiện ngay để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của việc giải quyết (nhất là những vụ việc khiếu nại kéo dài), hạn chế việc chậm xử lý làm tăng thêm sự bức xúc, gay gắt từ phía người dân.

Thứ ba, giải quyết hiệu quả các khiếu nại phức tạp, kéo dài với tinh thần “xong việc chứ không chỉ phải giải quyết cho hết thẩm quyền”, nhưng phải bảo đảm đúng quy định pháp luật. Thường xuyên rà soát các vụ việc chưa giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng chưa phù hợp với quy định; tăng cường trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra và mối quan hệ phối hợp trong giải quyết khiếu nại của các cấp, các ngành.

Thứ tư, tiếp tục tổ chức thực hiện Biên bản thống nhất phương án giải quyết ngày 12/8/2022 giữa Cục III - Thanh tra Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh về kiểm tra, rà soát các vụ khiếu nại kéo dài theo Kế hoạch số 480/KH-UBND ngày 07/8/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh (thực hiện Kế hoạch số 363/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ).

Thứ năm, tổ chức đối thoại, tiếp công dân để vận động, giải thích, công bố kết quả kiểm tra, rà soát, ban hành quyết định, thông báo kết thúc (nếu các hộ đồng thuận) hoặc thông báo chấm dứt giải quyết.

Thứ sáu, quan tâm giải quyết hỗ trợ chính sách xã hội nhưng phải bảo đảm nguyên tắc: “nếu người khiếu nại đồng thuận thì mới thực hiện, không được xem việc hỗ trợ là nguyên cớ phát sinh khiếu nại”. Kiên quyết trả lời dứt khoát, chấm dứt không xem xét giải quyết đối với các trường hợp đã nhận các chính sách giải quyết hỗ trợ của Nhà nước và cam kết chấm dứt khiếu nại, nay quay trở lại yêu cầu giải quyết thêm.

Thứ bảy, đối với một số vụ khiếu nại mặc dù đã được Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh thống nhất phương án giải quyết, nhưng quá trình giải quyết, nếu công dân khiếu nại có yêu cầu đối thoại, xét thấy cần thiết, UBND tỉnh tổ chức đối thoại.

Thứ tám, tình trạng lợi dụng khiếu nại gây rối, vi phạm an ninh trật tự cần được tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thứ chín, đề nghị Ban Dân vận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp khi thực hiện nhiệm vụ cần phải tăng cường tiếp xúc, đối thoại, giải thích và hướng dẫn công dân để hạn chế tình trạng người dân bị kẻ xấu lợi dụng, chú trọng các trường hợp khiếu kiện liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng, đông người hoặc các trường hợp đối tượng thuộc diện chính sách và người có công.

Đồng thời UBND tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo nhằm xử lý trường hợp gây mất an ninh, trật tự nơi tiếp công dân, lợi dụng dân chủ trong khiếu nại, tố cáo, xúc phạm danh dự cán bộ, công chức, người giải quyết khiếu nại./.

BTV
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra