Vì sao công dân ít khởi kiện vụ việc ra tòa án hành chính

Thứ sáu, 23/09/2022 07:44
(ThanhtraVietNam) - Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tiếp nhận được nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là nông dân. Tuy nhiên, đơn khiếu nại, tố cáo chủ yếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân các cấp và của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đặc biệt, đối với nhiều vụ việc, khi được hướng dẫn, công dân ít khởi kiện vụ việc ra tòa án hành chính mà thường tiếp tục khiếu nại.

Số vụ việc công dân đến Bộ NN&PTNT có xu hướng giảm

Do tình hình covid -19 diễn biến còn phức tạp, đồng thời một số điểm nóng về khiếu nại tố cáo cũng đã cơ bản được giải quyết (như vụ việc sự cố môi trường biển tại 04 tỉnh miền Trung Fomosa) nên số vụ việc công dân đến Bộ NN&PTNT có xu hướng giảm. Đa số công dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo qua việc tiếp công dân tại địa điểm Tiếp công dân của Bộ và qua đường bưu chính. Các vụ việc chủ yếu liên quan đến chính sách pháp luật về đất đai; khiếu nại, tố cáo về đền bù, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án; đề nghị về bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển năm 2016.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Cụ thể, tại Bộ NN&PTNT, từ 01/8/2021 đến 31/7/2022, Thanh tra Bộ và các đơn vị thuộc Bộ đã tiếp công dân 10 lần (giảm 09 lần so với kỳ năm 2021) với 29 lượt công trong đó có 02 đoàn đông người liên quan đến nội dung phản ánh, kiến nghị của người dân 4 tỉnh miền Trung (giảm 02 đoàn). Bộ tiếp nhận 141 đơn (giảm 74 đơn so với kỳ trước), trong đó 108 đơn do 1 người đứng tên, 30 đơn do nhiều người đứng tên, 03 đơn nặc danh.

Về việc tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước của Bộ NN&PTNT (trực tiếp tiếp và ủy quyền tiếp), Bộ đã ban hành và thực hiện theo Quy chế tiếp công dân (Quyết định 4156/QĐ-BNN-TTr ngày 24/10/2018), trong đó quy định việc tiếp công dân của Lãnh đạo Bộ vào ngày 20 hàng tháng, Lãnh đạo Bộ có phân công Thanh tra Bộ là cơ quan thường trực tiếp công dân; Lãnh đạo Bộ trực tiếp tiếp công dân vào ngày 20 hàng tháng theo lịch.

Đặc biệt, Lãnh đạo Bộ (Thứ trưởng Bộ NN&PTNT được ủy quyền) đã cùng lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy sản và các cơ quan, đơn vị có liên quan trực tiếp tiếp và đối thoại với công dân về nội dung liên quan việc khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của công dân. Qua buổi tiếp và đối thoại với công dân Lãnh đạo Bộ đã có những chỉ đạo cụ thể:

Một là: Đối với vụ việc liên quan đến bồi thường thiệt hại cho người dân 4 tỉnh miền Trung, Tổng cục Thủy sản rà soát lại các quy định về bồi thường thiệt hại cho người dân, tham mưu Bộ có văn bản báo cáo Chính phủ và gửi các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai việc bồi thường thiệt hại cho người dân. Từ 01/8/2021 đến 31/7/2022, Bộ NN&PTNT đã ban hành Văn bản số 675/BNN-TCTS ngày 25/01/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giải quyết kiến nghị của người dân 4 tỉnh miền Trung liên quan đến việc bồi thường thiệt hại; Văn bản số 1346/BNN-TCTS ngày 10/3/2022 gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc đôn đốc chi trả tiền bồi thường cho người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển năm 2016 và xử lý phản ánh, kiến nghị của công dân; văn bản số 1415/BNN-TCTS ngày 14/3/2022 về trả lời kiến nghị của công dân).

Hai là: Đối với vụ việc liên quan đến cấp phép Cites cá tầm vào Việt Nam, Bộ NN&PTNT giao các đơn vị liên quan rà soát các quy định của pháp luật về việc cấp phép, từ chối, tạm dừng cấp phép nhập khẩu cá tầm vào Việt Nam. Trên cơ sở đó, tham mưu để Bộ xử lý việc tạm dừng cấp phép, từ chối cấp phép theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời Lãnh đạo Bộ giao Tổng cục Thủy sản chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương tổ chức kiểm tra việc nhập khẩu Cá tầm và nuôi cá tầm trong nước, căn cứ kết quả kiểm tra tham mưu Bộ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung vượt thẩm quyền của Bộ và tìm các giải pháp giải quyết dứt điểm các tồn tại trong việc cấp phép nhập khẩu cá tầm thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Công dân ít khởi kiện vụ việc ra tòa án hành chính mà thường tiếp tục khiếu nại

Thông qua công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Bộ NN&PTNT cho rằng: Đối với nhiều vụ việc, mặc dù đã được các cán bộ chuyên môn hướng dẫn những công dân ít thực hiện khởi kiện vụ việc ra tòa án hành chính mà thường tiếp tục khiếu nại, kể cả đối với những vụ việc cơ quan hành chính đã giải quyết hết thẩm quyền.

Nguyên nhân là do: Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành. Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật; mà hành vi đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Chính vì vậy mà khi khởi kiện, người khởi kiện do chưa hiểu được đầy đủ những quy định đó của pháp luật hoặc trong các trường hợp không có quyền khởi kiện; pháp luật có quy định về điều kiện khởi kiện nhưng khi khởi kiện còn thiếu một trong các điều kiện đó. Đồng thời kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm nên khi làm đơn khởi kiện ra Tòa án thường bị trả lại đơn khởi kiện hoặc đã được Thẩm phán yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện nhưng người khởi kiện không thực hiện.

Ngoài ra, trong các vụ án hành chính, người bị kiện là Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thì hầu hết không trực tiếp tham gia tố tụng, mà ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng tại các phiên họp, đối thoại, phiên tòa; đồng thời người bị kiện thường cử ra Tổ giúp việc để nhận các văn bản tố tụng của Tòa án, để tham mưu soạn thảo văn bản trình bày ý kiến và cung cấp tài liệu, chứng cứ giao nộp theo yêu cầu của Tòa án. Nhiều trường hợp Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị xin vắng mặt, nên gây khó khăn, kéo dài trong việc giải quyết vụ án và gây sự bức xúc của người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đó cũng là lý do khiến cho các tổ chức, cá nhân thiếu tin tưởng vào việc thụ lý, giải quyết các vụ án hành chính, vì cho rằng việc giải quyết không khách quan (Ví dụ: Khởi kiện Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Tòa án nhân dân tỉnh).

Trong khi đó, có những vụ việc công dân được tòa xử thắng kiện nhưng việc thi hành án chậm hoặc không thi hành án được. Chính vì thế mà người dân cũng giảm quyết tâm kiện ra Tòa án./.

K. Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra