Kiểm soát tài sản, thu nhập là một trong những thành phần quan trọng trong xây dựng các giải pháp tổng thể phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn là một trong những công cụ quan trọng góp phần tăng cường tính minh bạch của bộ máy nhà nước, sự liêm chính của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn; đồng thời, qua đó cũng giúp cơ quan quản lý nhà nước giám sát, phòng ngừa các hành vi sai trái của cán bộ, công chức, ngăn chặn, làm giảm thiểu nguy cơ làm giàu bất chính... Nếu biện pháp này được thực hiện đồng bộ với các biện pháp phòng ngừa tham nhũng khác.
Dựa trên những quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020, các địa phương trên cả nước đã triển khai công tác kiểm soát tài sản, thu nhập có hiệu quả, công khai, trung thực, đảm bảo về trình tự, thủ tục. Tuy nhiên, trên thực tế, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức vẫn còn không ít những bất cập, hạn chế.
1. Kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức còn nhiều bất cập
- Biện pháp kiểm soát và đối tượng kiểm soát còn hạn chế: Chúng ta đã có cơ chế kiểm soát thu nhập trong Luật Thuế thu nhập cá nhân đối với người có thu nhập cao và quy định kê khai tài sản. Do điều kiện thanh toán ở nước ta chủ yếu bằng tiền mặt nên để hạn chế việc trốn thuế của các cá nhân, phương pháp khấu trừ tại nguồn (thông qua sổ sách), tự kê khai, nộp thuế được thực hiện khá phổ biến. Tuy nhiên, hiện tượng trốn thuế, không tự giác kê khai nộp thuế vẫn thường xuyên xảy ra. Do đó, trên thực tế việc kiểm soát mới chỉ là kiểm soát thu thuế, không thể xem là kiểm soát thu nhập theo đúng nghĩa của nó.
- Việc kê khai tài sản, thu nhập còn mang nặng tính hình thức: Việc kê khai tài sản, nhà ở hàng năm của cán bộ, công chức vẫn còn mang tính hình thức; thu nhập bằng tiền chưa được quan tâm đúng mức nên hầu như chưa được đặt ra. Cán bộ, công chức kê khai và nộp cho cơ quan quản lý, cơ quan quản lý cán bộ, công chức chỉ làm nhiệm vụ lưu hồ sơ mà chưa có cơ chế giải trình, kiểm tra, xác minh để đảm bảo việc kê khai tài sản minh bạch, trung thực. Đặc biệt, do không có chế tài xử lý đối với những trường hợp có hành vi gian dối, nên chưa đảm bảo được sự chính xác trung thực đối với hồ sơ kê khai. Nghị định số 130 đã khắc phục được những hạn nêu trên. Tuy nhiên, để công việc này đi vào nề nếp, đạt được các mục đích đặt ra cần có thêm thời gian cũng như phải tiếp tục theo dõi, kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các quy định trong Nghị định này.
- Trình độ quản lý, kiểm soát thu nhập của các cơ quan nhà nước còn hạn chế, sự gắn kết giữa các cơ quan chức năng trong kiểm soát thu nhập còn thấp nên tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi vẫn còn phổ biến.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho việc kiểm soát thu nhập còn nhiều hạn chế là nền kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu là tiền mặt, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn. Theo số liệu điều tra, khảo sát thực trạng thanh toán một số năm qua của các cơ quan chức năng thì tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt của các cá nhân người Việt Nam rất thấp, cao nhất không quá 10%. Trong đó, hoạt động chuyển nhượng tài sản có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt của các hoạt động kinh tế khác cao nhất chỉ là 7,86%. Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đều trả lương cho người lao động bằng tiền mặt. Trong các hộ kinh doanh, có đến 82,6% số hộ vẫn chi trả hàng hóa bằng tiền mặt; 72% số hộ kinh doanh tư nhân nộp thuế bằng tiền mặt...
- Thiếu cơ chế đồng bộ trợ giúp cho việc kiểm soát thu nhập: Hiện nay, chưa có quy định của pháp luật về hành vi và tội phạm làm giàu bất chính. Bên cạnh đó, các quy định về những điều đảng viên không được làm, kê khai tài sản, cấm sử dụng công quỹ làm quà biếu còn có những nội dung thiếu chặt chẽ, không có tính khả thi và thiếu chế tài xử lý vi phạm. Mặc dù Nhà nước đã có một số quy định cấm sử dụng công quỹ để biếu xén, quy định về chi tiêu hội nghị, tiếp khách, mua xe ô tô, đấu thầu, công khai tài chính... nhưng không có biện pháp kiểm tra xử lý, vẫn còn thiếu nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa thực hiện nghiêm túc...
Thực trạng nói trên cho thấy cùng với sự gia tăng tiền lương, thu nhập phải có cơ chế kiểm soát thích hợp trước hết đối với người có chức vụ, quyền hạn.
2. Về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập
Điều 30 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định cụ thể về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng giao cho Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác của Nhà nước và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức của mình. Quy định như trên đang đặt ra một số vấn đề sau:
Một là, có nhiều cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập cùng kiểm soát đối với một đối tượng:
Trong bộ máy Nhà nước hiện nay, có những người vừa giữ chức vụ trong bộ máy chính quyền địa phương, vừa giữ chức vụ trong tổ chức đảng. Ví dụ như chủ tịch hội đồng nhân dân huyện, đồng thời là bí thư huyện ủy. Nếu theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng thì thanh tra tỉnh và cơ quan có thẩm quyền của Đảng đều là cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người đó. Vấn đề này có thể dẫn đến sự chồng chéo, trùng lặp trong công tác kiểm soát.
Mặt khác, trong bộ máy nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có những cán bộ thuộc diện quản lý của tổ chức đảng theo phân cấp quản lý cán bộ của Đảng. Hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền của Đảng đang kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của họ. Nếu theo Luật Phòng, chống tham nhũng thì những người này sẽ thuộc thẩm quyền kiểm soát của cơ quan nhà nước hoặc cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội. Vấn đề này cũng có thể dẫn đến sự chồng chéo, trùng lặp trong công tác kiểm soát.
Để bảo đảm thực hiện đúng quy định Luật Phòng, chống tham nhũng và quy định hiện hành của Đảng thì đòi hỏi phải có cơ chế phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền của Đảng với cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong bộ máy nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội. Chỉ cần 01 cơ quan tiếp nhận bản kê khai tài sản, thu nhập, lập cơ sở dữ liệu để trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền sẽ cùng theo dõi, kiểm soát, chia sẻ thông tin, dữ liệu cần thiết và đặc biệt là phối hợp cùng nhau khi tiến hành xác minh tài sản, thu nhập.
Hai là, có sự chưa rõ ràng trong phân định thẩm quyền kiểm soát giữa một số cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và chưa bao quát hết các đối tượng cần phải kiểm soát.
Theo quy định tại Điều 30 của Luật Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, doanh nghiệp nhà nước. Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền kiểm soát của Thanh tra Chính phủ. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền kiểm soát của Thanh tra Chính phủ.
Tuy nhiên, hiện chưa có quy định về cán bộ tương đương giám đốc sở tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, doanh nghiệp nhà nước. Nếu xác định theo hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo là 0,9 như giám đốc sở ở địa phương thì chưa bảo đảm căn cứ pháp lý chặt chẽ và không làm rõ được đối với những vị trí lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp nhà nước. Vấn đề này có thể dẫn đến một bộ phận người có nghĩa vụ kê khai không biết do Thanh tra Chính phủ hay do bộ, ngành, thanh tra tỉnh kiểm soát, khó khăn ngay từ việc giao nộp bản kê khai cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Mặt khác, những người phải kê khai tài sản, thu nhập trong đơn vị sự nghiệp do Thủ tướng Chính phủ thành lập nhưng đơn vị đó không thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thì chỉ những người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên mới chịu sự kiểm soát của Thanh tra Chính phủ còn những người khác không có cơ quan nào kiểm soát (ví dụ các Trường đại học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh…).
Để khắc phục vấn đề trên cần phải có quy định cụ thể về cán bộ tương đương giám đốc sở. Trước mắt có thể sử dụng phụ cấp chức vụ 0,9 để xác định. Riêng đối với doanh nghiệp nhà nước thì quy định cụ thể các chức danh tương đương. Về lâu dài phải xây dựng quy định cụ thể theo chức vụ, vị trí việc làm để xác định đối tượng tương giám đốc sở. Đối với những nơi có đối tượng phải kê khai tài sản nhưng chưa có cơ quan kiểm soát thì trước mắt nên giao cho cơ quan quản lý cán bộ ở đó theo dõi, kiểm soát. Về lâu dài cần phải hoàn thiện quy định về cơ quan kiểm soát tài sản để bảo đảm bao quát hết đối tượng cần kiểm soát.
3. Việc lựa chọn người được xác minh ngẫu nhiên
Theo quy định của Nghị định số 130, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính. Số cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành xác minh tối thiểu bằng 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của mình và số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hàng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Quy định nêu trên đang đặt ra vấn đề là nhiều địa phương có số lượng người thuộc diện lựa chọn ngẫu nhiên là rất lớn (ví dụ TP. Hà Nội có khoảng 20.000 người) nên số người phải xác minh hàng năm lên tới 400 người, sẽ gây quá tải cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong bối cảnh hạn hẹp về tổ chức, biên chế, nguồn lực, đồng thời vẫn phải đảm nhiệm đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ khác. Mặt khác có thể làm cho việc xác minh bị kéo dài hoặc trở nên hình thức, kém hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu của công tác kiểm soát tài sản, thu nhập.
Để khắc phục vấn đề này cũng cần có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp quan tâm, bố trí nguồn lực giúp cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ, đồng thời cần có hướng dẫn để tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các ngành, cơ quan chức năng liên quan trong việc tổ chức xác minh, trưng tập cán bộ…
4. Về cơ sở dữ liệu quốc gia kiểm soát tài sản, thu nhập
Luật Phòng, chống tham nhũng quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập được xây dựng và quản lý tập trung tại Thanh tra Chính phủ. Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập trong phạm vi cả nước. Các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khác cũng có trách nhiệm xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập trong phạm vi quản lý của mình.
Quy định nêu trên yêu cầu các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đều phải xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập nhưng vấn đề đặt ra là nếu mỗi cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập lại xây dựng một phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu khác nhau thì rất tốn kém và không hiệu quả. Do đó, để khắc phục vấn đề này cần phải có quy định của cơ quan có thẩm quyền về việc chỉ xây dựng một phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu thống nhất sử dụng chung cho tất cả các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo đảm sự thống nhất, liên thông của hệ thống kiểm soát. Hệ thống này cũng có thể tích hợp phần mềm để tổ chức việc lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh theo kế hoạch hàng năm và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác kiểm soát tài sản, thu nhập./.