Trong hoạt động thanh tra, thanh tra tỉnh, thanh tra huyện thực hiện hoạt động thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Theo đó, tại Điều 21, Điều 27 Luật Thanh tra 2010 quy định, Thanh tra tỉnh thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của sở, của UBND cấp huyện; thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước do chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập; thanh tra vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm của nhiều sở, UBND cấp huyện; thanh tra vụ việc khác do chủ tịch UBND cấp tỉnh giao. Thanh tra huyện thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, của UBND cấp xã; thanh tra vụ việc phức tạp, có liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, UBND cấp xã; thanh tra vụ việc khác do chủ tịch UBND cấp huyện giao.
Đối với quy định trường hợp thanh tra tỉnh, thanh tra huyện thanh tra vụ việc khác khi được chủ tịch UBND tỉnh hoặc chủ tịch UBND huyện giao trên thực tế đang có nhiều quan điểm khác nhau xoay quanh nội dung này, nhất là có hay không thẩm quyền thanh tra đối với doanh nghiệp (không phải doanh nghiệp nhà nước) khi được giao?
Quan điểm thứ nhất cho rằng, theo quy định tại Luật Thanh tra 2010 thì thanh tra tỉnh, thanh tra huyện chỉ thực hiện hoạt động thanh tra hành chính đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trực thuộc, tức là đối tượng mà thanh tra tỉnh, thanh tra huyện tiến hành thanh tra là hướng vào bên trong bộ máy hành chính nhà nước nhằm đảm bảo kỷ cương, kỷ luật nền hành chính
Quan điểm thứ hai cho rằng, theo quy định của Điều 9, Điều 22, Điều 29 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 thì thanh tra tỉnh, thanh tra huyện là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND huyện và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khi được ủy quyền của chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch UBND huyện trong phạm vi thẩm quyền của mình. Vì vậy, đối với các doanh nghiệp (không phải doanh nghiệp nhà nước) trong phạm vi thẩm quyền của UBND tỉnh, UBND huyện thì chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch UBND huyện có quyền tiến hành thanh tra doanh nghiệp đó hoặc có quyền giao chánh thanh tra tỉnh hoặc chánh thanh tra huyện tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật như: pháp luật về đất đai, việc thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và người lao động... trong phạm vi thẩm quyền của mình.
Tác giả đồng nhất với quan điểm thứ 2 vì một số khía cạnh sau:
Thứ nhất: Phạm vi quản lý nhà nước của UBND tỉnh, UBND huyện đến đâu thì sẽ được tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân đến đó. Vì vậy, trong phạm vi quản lý nhà nước của mình, chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch UBND huyện có quyền trực tiếp tiến hành thanh tra đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc giao cho cơ quan thanh tra nhà nước thực hiện việc thanh tra đó. Trong trường hợp không thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của UBND tỉnh, UBND huyện nhưng được cơ quan nhà nước cấp trên giao (quy định tại khoản 7 Điều 20 và khoản 5 Điều 28 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015) thì trong trường hợp này tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn trong nội dung được phân cấp, ủy quyền đó.
Thứ hai: Theo khoản 7, Điều 22 và khoản 6 Điều 29 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 thì chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch UBND huyện có quyền ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND huyện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi thẩm quyền của mình, vì vậy, trong phạm vi, nhiệm vụ, chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch UBND huyện có quyền ủy quyền cho chánh thanh tỉnh, chánh thanh huyện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó.
Thứ ba: Hoạt động quản lý hành chính nhà nước là hoạt động chấp hành - điều hành của nhà nước, vì vậy mối quan hệ giữa cơ quan thanh tra tỉnh, thanh tra huyện với UBND tỉnh, UBND huyện cũng không nằm ngoài hoạt động chấp hành - điều hành đó. Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch UBND huyện tổ chức, chỉ đạo trực tiếp đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý phải thực hiện.
Thứ tư: Theo Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/5/2017 về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp có nhấn mạnh “khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp; trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động kiểm toán nhà nước thì chủ động phối hợp, trao đổi với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ để thống nhất phương án xử lý theo quy định hiện hành, đảm bảo sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp, cần tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt theo tinh thần trên”. Vì vậy, giải pháp đưa ra hiện nay là tiến hành thành lập các đoàn thanh tra liên ngành hoặc giao cho 01 cơ quan có thẩm quyền thanh tra toàn diện doanh nghiệp để thực hiện hoạt động thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ quyền hạn của doanh nghiệp đó vừa giải quyết được trùng lặp trong hoạt động thanh tra hiện nay, vừa đảm bảo thực hiện đúng Chỉ thị số 20/TTg của Thủ tướng Chính phủ./.
Ths. Nguyễn Thị Hạnh
Giảng viên, Khoa Nghiệp vụ 1, Trường Cán bộ Thanh tra