Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo đã nêu: “Thanh tra Chính phủ tăng cường kiểm tra, hướng dẫn Thanh tra các tỉnh, thành phố để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra và thực hiện kiến nghị sau thanh tra; nghiên cứu ban hành quy định hoặc tham mưu kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành quy định, hướng dẫn về xử lý đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện, chậm thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra, đối tượng thực hiện kết luận thanh tra không có điều kiện thi hành”.
|
|
Ông Nguyễn Mạnh Cường,
Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra,
Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Minh Nguyệt |
Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/BCSĐ ngày 22/7/2022, Đảng ủy Thanh tra Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 38-NQ/ĐU.23 ngày 29/9/2022 về lãnh đạo chỉ đạo nâng cao chất lượng và tiến độ ban hành kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ; Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn thanh tra kèm theo Quyết định số 465/QĐ-TTCP ngày 29/11/2022.
Trên cơ sở đó, căn cứ tình hình thực tiễn, cấp ủy và lãnh đạo Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra (Vụ Giám sát) đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cần đổi mới và tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác giám sát hoạt động Đoàn thanh tra, thẩm định Dự thảo kết luận thanh tra và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; từ đó đã bước đầu có những giải pháp và kết quả tích cực.
Hiện nay, Vụ Giám sát được giao thực hiện chức năng nhiệm vụ chính trên 3 mặt công tác: giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra (gồm: theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra). Mỗi mặt công tác đều có những đặc điểm cụ thể tác động đến phương pháp tổ chức, quản lý, chỉ đạo điều hành của cấp ủy và lãnh đạo vụ.
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Ban cán sự đảng, Ban Thường vụ Đảng ủy Thanh tra Chính phủ và Quyết định số 465/QĐ-TTCP, tập thể cấp ủy và lãnh đạo Vụ Giám sát đã xây dựng chương trình hành động và đưa ra chi bộ họp để thảo luận, qua đó thống nhất về nhận thức, tư tưởng, từ đó đề ra giải pháp về chuyên môn nghiệp vụ trong toàn chi bộ.
Theo đó, một số kết quả đạt được của Vụ Giám sát trong năm 2022 cụ thể như sau:
Về công tác giám sát, Vụ Giám sát đã thực hiện giám sát 22 Đoàn thanh tra do các cục, vụ thuộc Thanh tra Chính phủ được giao thực hiện. Qua công tác giám sát đã giúp các Đoàn thanh tra thực hiện đúng trình tự, thủ tục tiến hành cuộc thanh tra; phạm vi, đối tượng, nội dung thanh tra đã được Tổng Thanh tra Chính phủ phê duyệt; đồng thời giúp Tổng Thanh tra Chính phủ phủ kịp thời xử lý những vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thanh tra.
Về công tác thẩm định, Vụ Giám sát đã thực hiện thẩm định đối với 16 dự thảo Kết luận thanh tra; tham gia kiến đối với 08 dự thảo Kết luận thanh tra.
Nhiều dự thảo kết luận thanh tra còn có ý kiến khác nhau giữa các thành viên Đoàn thanh tra; có những Dự thảo kết luận thanh tra, Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ giao Vụ Giám sát thực hiện thẩm định đến 2-3 lần. Với trách nhiệm được giao, Vụ Giám sát đã đưa ra nhiều ý kiến, đề xuất chính xác, thuyết phục về cả nội dung và thể thức của Dự thảo kết luận thanh tra (qua Báo cáo Kết quả thẩm định). Nhiều nội dung thẩm định đã được Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ chỉ đạo Trưởng đoàn thanh tra tiếp thu. Hoạt động thẩm định đã đi vào nề nếp, chất lượng báo cáo kết quả thẩm định được nâng cao hơn, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, được lãnh đạo Đảng, Chính phủ và dư luận xã hội đánh giá cao trong thời gian qua.
Về công tác xử lý sau thanh tra, Vụ Giám sát đã thực hiện việc đôn đốc bằng văn bản, kiểm tra việc xử lý sau thanh tra đối với 58 Kết luận thanh tra, kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã xử lý thu về ngân sách 2.685,8/5.395,7 tỷ đồng, xử lý khác về kinh tế 2.602,9/4.156,2 tỷ đồng; căn cứ vào các kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, các đơn vị đã thực hiện việc kiểm điểm, xử lý hành chính đối với 278 tập thể, 1.148 cá nhân có liên quan; chuyển cơ quan điều tra 02 vụ việc, các cơ quan chức năng đã khởi tố 02 vụ việc và 12 đối tượng; đã thực hiện 05/09 kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cơ chế, chính sách.
Mặc dù vậy, công tác giám sát hoạt động Đoàn thanh tra chủ yếu thực hiện từ xa, thông qua các báo cáo tiến độ của Đoàn thanh tra nên chưa được thường xuyên và trực tiếp, đôi lúc còn mang tính hình thức, chất lượng và hiệu quả giám sát chưa cao. Công tác thẩm định Dự thảo kết luận thanh tra ở một số thời điểm còn chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ so với yêu cầu của Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, chất lượng chưa đồng đều. Công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị còn có việc chưa kịp thời; việc triển khai một số cuộc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra còn chậm so với kế hoạch được duyệt.
Từ thực tiễn công tác, Vụ Giám sát chia sẻ một số bài học kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, quán triệt và vận dụng sáng tạo, phù hợp Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó tập trung vào cải tiến quy trình làm việc, phương pháp làm việc khoa học và tính tiên phong, gương mẫu (nêu gương) của cán bộ đảng viên, nhất là Bí thư, Phó Bí thư và lãnh đạo vụ.
Thứ hai, triển khai các giải pháp cụ thể của tư tưởng Hồ Chí Minh: Cán bộ thanh tra phải công tâm và thạo việc; đoàn kết thống nhất cao trong cấp ủy và lãnh đạo vụ; tăng cường trao đổi, phản biện và làm việc trực tiếp để xử lý dứt điểm các nội dung còn có ý kiến khác nhau; có ý kiến chỉ đạo, kết luận kịp thời của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ.
Để đảm bảo thực hiện được Nghị quyết của Ban cán sự đảng, Đảng ủy Thanh tra Chính phủ, trong thời gian tới, cấp ủy và lãnh đạo Vụ Giám sát kiến nghị một số giải pháp như sau:
Một là: Tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo và kiểm tra của Ban cán sự đảng, Đảng ủy đối với công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Tổng kết các kinh nghiệm hay về chủ đề lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng và tiến độ ban hành kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ để phổ biến trong toàn Đảng ủy.
Hai là: Sửa đổi Thông tư số 06/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ đảm bảo làm rõ, bao quát đầy đủ và chặt chẽ về quy trình thanh tra, giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra; khắc phục các tồn tại của quy trình hiện nay từ khi khảo sát, lập kế hoạch thanh tra đến xây dựng Dự thảo kết luận thanh tra.
Ba là: Điều động, luân chuyển, bổ sung công chức cho Vụ Giám sát đảm bảo số lượng, chất lượng tương xứng với công việc được giao./.