Bài 1:

Báo chí, nhân tố quan trọng trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng tiêu cực

Thứ năm, 25/04/2024 09:40
(ThanhtraVietNam) - Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Trong kết quả chung này có đóng góp rất quan trọng của báo chí.

Nhân tố quan trọng

Báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 đánh giá, trong 10 năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Có thể thấy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua có kết quả nổi bật, đột phá mạnh mẽ như vậy là nhờ sự đóng góp rất quan trọng của báo chí.

Các cơ quan báo chí đã thể hiện rõ vai trò xung kích, tiền phong, đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ lợi ích của Nhà, quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân; báo chí vừa là tai mắt của Ðảng vừa là cầu nối giữa Ðảng với nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn. Chính vì vậy, báo chí ngày càng được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy, vai trò của báo chí được nâng cao rõ rệt, góp phần không nhỏ vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Báo chí là một trong những công cụ đắc lực và hiệu quả trong việc ngăn ngừa và vạch trần tệ tham nhũng.Vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được cụ thể hóa bằng nhiều nghị quyết, văn kiện của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật... Cụ thể, Điều 75, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định trách nhiệm của các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo trong phòng, chống tham nhũng, theo đó cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đấu tranh chống tham nhũng, đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng; phản ánh khách quan, trung thực và chấp hành các quy định khác của pháp luật về báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng….

Bên cạnh đó, Ðiều 13 Luật Phòng, chống tham nhũng còn quy định cụ thể về việc họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí về công tác phòng, chống tham nhũng và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng theo quy định của pháp luật về báo chí. Ðiều 14 Luật Phòng, chống tham nhũng cũng quy định về quyền cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó cho cơ quan báo chí. Ðiều 15 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình.

leftcenterrightdel
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với những câu nói nổi tiếng về phòng chống tham nhũng. Ảnh: internet

Vai trò của báo chí là không thể phủ nhận

 Luật Báo chí năm 2016 tại Điều 4 nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí đã được luật hóa, trong đó có nhiệm vụ phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, có nhiều đổi mới. Các cơ quan báo chí, truyền thông đã thông tin, tuyên truyền sâu sắc, đậm nét hơn, mở nhiều chuyên mục mới, số lượng, thời lượng tin, bài về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đăng tải nhiều hơn. Trong năm 2022, các cơ quan báo chí đã đăng tải 11.607 tin, bài, phóng sự nổi bật của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (tăng 2 lần so với năm 2021).

Các cơ quan báo chí đã tham gia rất tích cực, chủ động, là lực lượng xung kích, tiên phong, trực tiếp “chiến đấu” trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, báo chí còn cổ vũ, hình thành, phát triển ý thức phòng, chống tham nhũng cho nhân dân. Báo chí có thể truyền tải thông tin về công tác phòng, chống tham nhũng thông qua rất nhiều hình thức khác nhau. Báo chí tạo ra các diễn đàn để người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, phản ánh những kiến nghị; đề xuất về chính sách, về những quy định pháp luật chưa thật sự phù hợp thực tiễn cuộc sống. Thông qua việc tuyên truyền, báo chí còn góp phần giúp các cơ quan chức năng tăng cường trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng. Ngoài ra, báo chí cũng phản ánh đa chiều, khách quan về các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Có thể thấy, báo chí góp phần tuyên truyền phổ biến đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng; báo chí tích cực phê phán hiện tượng tham nhũng, góp phần chỉ ra nguyên nhân của hiện tượng tham nhũng và những hậu quả xã hội của hiện tượng tham nhũng; góp phần công bố những thông tin do nhân dân cung cấp về những hiện tượng, sự việc có biểu hiện tham nhũng; công bố những thông tin do bản thân tìm hiểu, điều tra phát hiện những hiện tượng có biểu hiện tham nhũng; thông tin kịp thời, chính xác những vụ, việc tham nhũng đang được điều tra, xử lý… tích cực góp phần tạo dư luận xã hội để đấu tranh phòng, chống tham nhũng./.

Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra