Thứ nhất, sớm kiện toàn việc xây dựng lực lượng chuyên trách theo hướng tinh gọn, đủ mạnh theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22.10.2018, của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Đồng thời, phát huy cao nhất trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp, trước hết là người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…
Lực lượng chuyên trách là những người chủ lực, đi đầu, tiên phong trong việc thực hiện nhất quán, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, quan điểm cũng như các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, với kế hoạch trước mắt, lâu dài, với lộ trình ngắn hạn, trung hạn, dài hạn và những trường hợp đột xuất phù hợp với tình hình thực tiễn một cách linh động, khoa học, sát hợp.
Thứ hai, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ có trách nhiệm tăng cường công tác tuyên truyền nội dung của Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch 14-KH/TW của Ban Bí thư một cách thường xuyên, sáng tạo, khoa học, dễ nhớ, dễ hiểu, tránh khô cứng, sáo mòn khiến giáo điều, không dễ đi vào cuộc sống.
Cần tuyên truyền sâu rộng, thiết thực 4 nhiệm vụ thường xuyên tại Kế hoạch số 14-KH/TW đã được xác định rõ, đó là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường thông tin tích cực; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong tình hình mới; Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị; Tăng cường quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm…
Thứ ba, ngày càng hoàn thiện thể chế chính sách, đặc biệt về hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế, công bằng xã hội… để tạo gốc rễ, nền tảng vững chắc góp phần đẩy mạnh công cuộc phát triển đất nước bền vững. Có như thế, mới không tạo ra những “kẽ hở”, “khoảng trống” để tạo cơ hội cho việc hình thành, phát sinh, duy trì những “nhóm lợi ích”, những quan tham, nhũng nhiễu, tiêu cực trong xã hội.
Như vậy, việc “phòng” sẽ tốt hơn, tránh phải “chống” rất khó khăn, phức tạp, đau đớn… Song song đó, cần duy trì những kết quả tích cực đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội những năm qua, đặc biệt là năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, tạo đà cho sự bứt phá tiếp theo, với kỳ vọng sẽ đạt được những thành tựu nổi bật hơn nữa, trong vấn đề giảm nợ công, đẩy nhanh, mạnh, vững bền tốc độ tăng trưởng GDP, nâng cao đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền trong cả nước…
Thứ tư, kiên quyết đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến địa phương, tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, gây tâm lý hoài nghi, bất an, thậm chí mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Có thể khẳng định rằng, việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những mặt trái trong xã hội thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, lấy lại niềm tin của đông đảo quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Rõ ràng, đây là vấn đề hệ trọng, là mối quan tâm lớn của toàn Đảng, toàn dân nên không thể vội vàng, mắc sai lầm. Nhưng cũng vì thế mà không thể “chùng xuống”, không thể thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện, nhất là việc đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp…
Có như vậy, mới thấy rằng, cuộc đấu tranh này là không có “vùng cấm”, không loại trừ bất kỳ ai vi phạm pháp luật; qua đó tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, mới giúp cả nước đồng lòng, quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần đẩy mạnh công bằng xã hội, giúp đất nước phát triển tích cực, vững bền…
Thứ năm, xây dựng, thiết lập hệ thống các giải pháp tuyên truyền đồng bộ, sát hợp, hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên không gian mạng góp phần nhận diện, chủ động đấu tranh sớm, kịp thời, hiệu quả trước các hình thức, phương thức tấn công, phá hoại xấu xa của các thế lực thù địch.
Các cơ quan báo chí cần tổ chức thông tin cân bằng hơn, tăng cường thông tin về các mặt tích cực, tốt đẹp trong xã hội tránh tình trạng mất cân bằng thông tin, khiến các thế lực thù địch, phản động dựa vào đó vu khống rằng bộ mặt đất nước quá nhiều gam màu xám, thiếu những tươi mới, phấn khởi… Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần tăng cường đáng kể thời lượng cho các chuyên mục đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng…
Bên cạnh đó, cần thiết phải hình thành, duy trì hoạt động hiệu quả các trang thông tin trên mạng xã hội, nhất là trên mạng xã hội Facebook được tổ chức khoa học, bài bản, với đội ngũ phụ trách chuyên nghiệp, có nghề nhằm kịp thời, chủ động nhận diện, đấu tranh bài bản, khoa học, xác đáng, thuyết phục, hiệu quả trước các âm mưu, thủ đoạn, hành động xấu xa của các thế lực thù địch, phản động, từ việc viết bài đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội nhằm xuyên tạc Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta, bôi xấu các lãnh đạo cấp cao, nhằm gây chia rẽ nội bộ; đến những việc như kêu gọi tụ tập, kích động biểu tình, chống phá; gây hấn, lăng nhục, chửi bới vô cớ, phạm pháp… để khiêu khích chính quyền, lực lượng chức năng “trấn áp” và quay video clip, chụp ảnh, lives tream để vu oan cho chính quyền…
Thứ sáu, cần kịp thời phát hiện, nhận diện để đấu tranh, can thiệp, nghiêm trị những phần tử phá hoại núp dưới danh nghĩa “yêu nước”, “nhân quyền”, “công bằng” để kích động, tạo lập các mầm mống gây bạo loạn, lật đổ… trên tất cả các phương diện, hình thức khác nhau, từ không gian mạng, đến các vụ việc cụ thể trong đời sống.
Phải khu biệt, cô lập, xác định đúng đối tượng phản động, phá hoại, kích động, chủ mưu trong từng vụ việc, cũng như đã cố tình vi phạm cả thời gian dài một cách có hệ thống để đưa ra xét xử trước pháp luật những phần tử chống phá, những kẻ nhân danh “lòng yêu nước”, “vì dân chủ”, “vì công bằng”, nhất là hai tổ chức phản động ở nước ngoài đã được Bộ Công an Việt Nam đưa vào danh sách các tổ chức khủng bố là Việt Tân và “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”…
Rõ ràng, chỉ có bị nghiêm trị trước pháp luật, các phần tử, những kẻ cố tình chống phá cách mạng nước ta mới giác ngộ, nhụt chí, từ bỏ sự phá hoại điên cuồng, ngu muội, cùng đường, vô lối...
Sự nghiêm trị của pháp luật cũng góp phần cảnh tỉnh, răn đe các đối tượng bất mãn, thiếu hiểu biết, tham lam mù quáng… không bước chân vào con đường tội lỗi, góp phần tàn phá chính đất nước, đồng bào mình.
Theo TS. Nguyễn Tri Thức – TS. Tạ Văn Nam (Laodong.vn)