Các điều kiện bảo đảm giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường đại học không chuyên luật ở Việt Nam

Thứ tư, 26/02/2020 10:18
(ThanhtraVietNam) - Công tác giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường đại học không chuyên luật luôn được xem là vấn đề cần được quan tâm, đầu tư đúng mức nhằm đảm bảo sự giáo dục toàn diện, để sinh viên không chỉ trở thành những người lao động có trình độ chuyên môn nghề nghiệp cao, vươn đến nền kinh tế tri thức mà còn là lớp người có kiến thức pháp luật để làm chủ bản thân và xã hội, cũng như để hội nhập quốc tế trong môi trường toàn cầu hóa mà không đánh mất đi bản chất giai cấp, truyền thống và văn hóa dân tộc.

Trong giai đoạn hiện nay, để công tác giáo dục pháp luật cho sinh viên đạt hiệu quả mong muốn, trước hết phải đảm bảo được các điều kiện cơ bản nhất định.

Một là, điều kiện về cơ sở vật chất

Chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục pháp luật trong các trường đại học không chuyên luật phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở vật chất của nhà trường. Cơ sở vật chất ở đây bao gồm các điều kiện vật chất và các phương tiện sử dụng cho giảng dạy, học tập, sinh hoạt.

Trong thực tế, với sự phát triển mạnh của khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện nay, để nâng cao chất lượng trong giảng dạy, học tập kiến thức pháp luật thì không thể thiếu việc trang bị những phương tiện hiện đại phục vụ cho công tác giáo dục pháp luật.

Việc hiện đại hóa cơ sở vật chất của các nhà trường phải căn cứ vào đối tượng, chương trình, nội dung giáo dục pháp luật, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật của các trường. Có thể nói đây là yếu tố cơ bản đầu tiên cần xác định trước khi đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập pháp luật của các trường. Từ việc căn cứ vào đối tượng, chương trình, nội dung, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng mới có thể biết được nhu cầu cụ thể về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật cần những gì? mức độ ra sao, tránh lãng phí và nó còn đáp ứng được những yêu cầu cần đặt ra, phát huy được hiệu quả tối đa giá trị sử dụng.

leftcenterrightdel

Để hiện đại hóa cơ sở vật chất đảm bảo cho công tác giáo dục pháp luật các trường đại học không chuyên luật ở Việt Nam cần tập trung vào một số lĩnh vực sau:

- Nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đáp ứng cho giảng dạy, học tập như: Hội trường, các phòng học, phòng họp, thư viện, khi thực hiện việc hiện đại hóa phải chú trọng về mặt quy mô và các phương tiện được trang bị.

- Các điều kiện, phương tiện phục vụ cho sinh hoạt vật chất và tinh thần của sinh viên cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nên cần đầu tư hợp lý nơi ăn, nghỉ và các phương tiện giải trí khác phục vụ học tập và sinh hoạt của sinh viên.

Hai là, điều kiện về chương trình, giáo trình

Thực tiễn của công cuộc đổi mới đất nước nói chung và sự nghiệp cải cách giáo dục nói riêng ngày càng cho thấy rõ sự cần thiết phải đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật trong các trường đại học. Để thực hiện có kết quả việc đưa nội dung giáo dục pháp luật vào hệ thống các trường này thành một môn học riêng biệt, vấn đề đầu tiên là phải tổ chức biên soạn và ban hành được bộ chương trình chuẩn thống nhất, chính thống có tính chất bắt buộc đối với sinh viên các trường đại học.

Thiết kế chương trình môn học là công việc khoa học có cơ sở lý luận và thực tiễn. Chương trình dạy học nói chung và lý luận dạy học nói chung trong đó quy định cụ thể về vị trí, mục tiêu, yêu cầu của bộ môn, hệ thống nội dung bộ môn, số học phần, học trình dành cho các bộ môn cũng như số tiết cho từng phần, từng chương.

Mục tiêu chung (mục tiêu cơ bản) của chương trình giáo dục pháp luật trong các trường đại học nhằm giúp cho sinh viên hình thành được văn hóa pháp lý nói chung và văn hóa nghề nghiệp nói riêng. Trong đó có sự thống nhất giữa ý thức, thái độ và hành vi phù hợp với các chuẩn mực pháp luật để sinh viên sau khi ra trường có thể tham gia hoạt động nghề nghiệp với tư cách là cán bộ khoa học, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý ở các trình độ đại học với các ngành đa dạng, có ý thức sống, lao động theo pháp luật và tích cực tham gia bảo vệ và tuyên truyền pháp luật trong cộng đồng.

Hiện nay, do hoàn cảnh khó khăn về chủ quan và khách quan, chúng ta chưa biên soạn được sách giáo khoa mà chỉ biên soạn giáo trình có tính chất nội bộ hoặc phải dạy học theo giáo trình của trường chuyên luật. Do đó, cần biên soạn sách giáo khoa hoặc giáo trình riêng phù hợp với chương trình, vừa đảm bảo tính lý luận khoa học vừa có tính thực tiễn và phải vừa sức sinh viên các trường không chuyên luật.

Trước hết, trên cơ sở giáo trình nội bộ chúng ta sẽ hoàn thiện và nâng cao giá trị khoa học, giá trị sư phạm, tính tư tưởng và tính logic để nhà trường công nhận và ban hành thành sách giáo khoa.

Ba là, điều kiện về con người

Thực tế trong những năm qua, đội ngũ giảng viên trong các trường đại học trong cả nước nói chung, các trường đại học không chuyên luật nói riêng đã lớn mạnh, trưởng thành trên nhiều mặt cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn, có học vị cao ngày càng tăng, chất lượng chuyên môn ngày càng tốt hơn. Nhưng bên cạnh những ưu điểm trên vẫn còn một số những hạn chế nhất định về yêu cầu và năng lực chuyên môn. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng trong giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường đại học không chuyên luật phải không ngừng nâng cao tri thức và năng lực chuyên môn cho đội ngũ giảng viên dạy pháp luật.

Giảng viên phải là người đã tốt nghiệp đại học luật, đã tốt nghiệp đại học các chuyên ngành của trường đó hoặc là các chuyên ngành luật của các trường xã hội được đưa đi bồi dưỡng về pháp luật và phương pháp dạy pháp luật.

Việc đào tạo đội ngũ giảng viên dạy pháp luật ở các trường đại học không chuyên luật ở Việt Nam về lâu dài được tổ chức tại các khoa luật và trường đại học luật, có thể thành lập trung tâm đào tạo, bồi dưỡng giảng viên pháp luật trực thuộc trường đại học luật.

Người giảng viên dạy bộ môn pháp luật nói riêng và cán bộ giảng viên trong trường phải là người gương mẫu trong thực hiện pháp luật. Việc giáo dục pháp luật không chỉ bó hẹp trong các bài giảng trên lớp mà mọi hành vi tác phong và thái độ chấp hành quy chế của cán bộ giảng viên cũng cần phải rất mẫu mực để sinh viên có thể soi mình vào những tấm gương chấp hành pháp luật của người thầy.

Lãnh đạo nhà trường cần tạo dựng môi trường văn hóa chấp hành pháp luật trong cán bộ giảng viên và sinh viên. Giữ nghiêm kỷ cương nề nếp để mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.

Đối với người giảng viên pháp luật cần không ngừng trau dồi kiến thức và hiểu biết của mình về những vấn đề liên quan đến pháp luật. Việc học pháp luật sẽ không có hiệu quả cao nếu mọi nỗ lực chỉ tập trung vào người giảng viên dạy pháp luật mà không đồng thời tìm tòi và vận dụng những phương pháp dạy để đạt được hiệu quả cao trong những bài giảng, tạo cho sinh viên hứng thú, say mê môn học pháp luật. Đối với không ít người, môn học pháp luật nếu áp dụng kỹ thuật dạy học không tốt sẽ trở nên khô khan, sinh viên khó tiếp thu. Nhưng nếu áp dụng kỹ thuật dạy học tích cực thêm vào với những ví dụ thực tiễn hoặc có những buổi đi thực tế tại tòa án chắc chắn bài học sẽ trở lên lý thú và cuốn hút người học.

Việc chọn phương pháp khi kiểm tra đánh giá và tiêu chí đánh giá cũng là một công việc quan trọng trong quá trình nâng cao chất lượng giảng dạy giáo dục pháp luật trong nhà trường. Một mặt vừa đảm bảo các yêu cầu đánh giá, mặt khác tạo ra hứng thú say mê học tập pháp luật.

Tóm lại, để nhanh chóng khắc phục những hạn chế, yếu kém hiện nay về đội ngũ giảng viên dạy pháp luật ở các trường đại học không chuyên luật, một mặt, ngay từ bây giờ các trường phải cử người đi đào tạo cơ bản về luật hoặc chọn sinh viên tốt nghiệp đại học Luật cho đi bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, mặt khác, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề về pháp luật và phương pháp giảng dạy pháp luật cho những giảng viên chưa là cử nhân luật mà đang giảng dạy pháp luật. Phải có quy hoạch để sớm chuẩn hóa đội ngũ giảng viên này./.

Ths. Nguyễn Thị Phương Dung

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra