Khó khăn trong xử lý chồng chéo thanh tra chuyên ngành
Mặc dù, đạt được nhiều kết quả tích cực về công tác thanh tra trong Quý I/2022, như: Việc xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra của ngành Thanh tra tỉnh đã bám sát những vấn đề nổi cộm trên tất cả các lĩnh vực, từng bước hạn chế sự chồng chéo; qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng… Đặc biệt, góp phần phát hiện sớm, xử lý nghiêm, đúng quy định các sai phạm phát hiện qua thanh tra, nhất là các vụ việc có dấu hiệu về tham nhũng; chủ động nắm tình hình, phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng để kịp thời kiến nghị hướng xử lý. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong việc chỉ đạo, điều hành, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, các cơ quan thanh tra nhà nước đều phụ thuộc vào sự chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp về tổ chức, nhân sự, kinh phí; trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, trong quá trình tiến hành thanh tra cũng như giai đoạn kết thúc, kết luận và kiến nghị xử lý. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tính chủ động và khả năng độc lập trong hoạt động thanh tra.
Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định về trình tự, thủ tục áp dụng cho thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực có những đặc thù riêng, phạm vi và quy mô của cuộc thanh tra ở mỗi cấp, mỗi ngành là khác nhau nên nếu có sự chồng chéo về kế hoạch thanh tra, việc phối hợp để thực hiện thanh tra là khó khăn vì không cùng nội dung, lĩnh vực.
Hơn nữa, việc xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra có năm còn chậm, làm giảm tính độc lập, chủ động và tự chịu trách nhiệm đối với công tác thanh tra của ngành.
Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra ở nhiều nơi chưa nghiêm túc, nhất là trong việc thu hồi các khoản tiền sai phạm nộp ngân sách nhà nước, còn thiếu các biện pháp hữu hiệu, các chế tài cụ thể để buộc các đối tượng phải thực hiện.
Một trong những tồn tại, hạn chế khác được Thanh tra tỉnh Quảng Bình chỉ ra là một số cuộc thanh tra còn kéo dài thời gian, báo cáo kết quả thanh tra và ban hành các kết luận thanh tra còn chậm.
Đáng nói, một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự chú trọng đến công tác báo cáo, không báo cáo hoặc báo cáo không đúng yêu cầu. Do đó, việc tổng hợp báo cáo còn gặp nhiều khó khăn, số liệu đôi khi chưa đầy đủ, đánh giá chưa toàn diện. Ngoài ra, một số doanh nghiệp nhận thức chưa đúng về công tác thanh tra, kiểm tra nên quá trình thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra chưa nghiêm túc.
Nhiều quy định pháp luật không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn
Theo Thanh tra tỉnh Quảng Bình, nguyên nhân khách quan của của tồn tại, hạn chế, khuyết điểm nêu trên là do trong giai đoạn hội nhập, phát triển theo xu hướng kinh tế thị trường, khách thể của hoạt động thanh tra liên tục biến đổi, phát triển và mở rộng. Trong khi đó, hệ thống tổ chức, các phương thức thanh tra chậm đổi mới, chưa đáp ứng kịp yêu cầu và sự phát triển đa dạng, phức tạp của đời sống xã hội.
Mặt khác, nhiều quy định pháp luật về sử dụng quyền trong hoạt động thanh tra chưa đủ mạnh, chưa cụ thể; một số quyền còn thiếu trình tự, thủ tục thực hiện. Đặc biệt, pháp luật về thanh tra còn thiếu các chế tài đủ mạnh để xử lý đối với các hành vi vi phạm, do đó chưa phát huy hết hiệu quả các quyền trong hoạt động thanh tra. Quy định pháp luật về nội dung quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh tra ở cấp huyện chưa phát huy được hết vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.
|
|
Một buổi công bố kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Quảng Bình. (Ảnh internet) |
Đội ngũ làm công tác thanh tra được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau và thường xuyên biến động, thiếu tính ốn định, chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và trình độ, năng lực, kinh nghiệm, bản lĩnh... Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra nói chung và việc thực hiện quyền thanh tra nói riêng.
Việc quy định về định biên, biên chế lực lượng Thanh tra cấp Sở vẫn chưa có quy định thống nhất, chủ yếu dựa vào vị trí việc làm. Ngoài ra, áp lực của việc tinh giản biên chế trong cơ quan hành chính hiện nay ảnh hưởng không nhỏ đến việc bố trí biên chế cho lực lượng thanh tra để đáp ứng được khối lượng công việc theo quy định, dẫn đến tình trạng khối lượng công việc nhiều hơn so với định mức biên chế được giao.
Ở cấp huyện, biên chế của Thanh tra cấp huyện nằm trong tổng biên chế của UBND huyện, biên chế thường rất mỏng, trong khi yêu cầu nhiệm vụ phải tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm, vụ, quyền hạn của các phòng ban, đơn vị thuộc UBND huyện và của UBND cấp xã nên chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Hệ thống các văn bản pháp luật về thanh tra còn chưa thực sự hoàn chỉnh, nhiều điểm còn bộc lộ bất hợp lý, không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn dẫn đến sự chồng chéo về thẩm quyền và hoạt động ở một số lĩnh vực gây khó khăn, phiền hà cho các cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra.
Bên cạnh đó, quyền hạn và hiệu lực thanh tra còn hạn chế. Vì các cơ quan thanh tra chỉ dừng lại ở quyền kiến nghị, chính vì vậy hiệu quả không cao và phụ thuộc vào thái độ tiếp thu và biện pháp thực hiện các kiến nghị của các cơ quan, đơn vị được các cơ quan thanh tra kiến nghị.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên một số cuộc thanh tra chưa được triển khai theo kế hoạch để phòng, chống dịch bệnh - đây cũng là một trong những nguyên nhân khách quan được Thanh tra tỉnh Quảng Bình chỉ ra.
Cùng với đó, một số nguyên nhân chủ quan cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động thanh tra. Cụ thể, sự phối hợp giữa Thanh tra tỉnh, Thanh tra các Bộ, ngành, các cơ quan ngành dọc chưa chặt chẽ; một số Bộ, ngành, cơ quan ngành dọc không gửi kế hoạch thanh tra, kiểm tra về địa phương để rà soát, tránh chồng chéo, trùng lắp.
Việc chuẩn bị trước khi tiến hành thanh tra còn hạn chế, việc nắm thông tin về nội dung thanh tra chưa đầy đủ, việc khảo sát xây dựng đề cương chưa được coi trọng đúng mức dẫn đến đề cương, kế hoạch thanh tra chưa xác định được trọng tâm, trọng điểm. Do đó, khi tiến hành thanh tra gặp nhiều khó khăn trong khâu thẩm tra, xác minh, kết luận.
Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tìm các sơ hở trong cơ chế chính sách để lợi dụng, vụ lợi cho tổ chức hoặc cá nhân mình. Từ đó, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ tinh vi để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát, thanh tra của các cơ quan thanh tra.
Cơ quan ngành dọc cần tăng cường phối hợp để rà soát, tránh chồng chéo
Theo Thanh tra tỉnh Quảng Bình, để khắc phục những hạn chế trong Luật Thanh tra năm 2010, cần sớm ban hành Luật Thanh tra mới để thay thế, cũng như các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành. Đồng thời, Chính phủ cần có quy định cụ thể việc xử lý chồng chéo, trùng lắp trong kế hoạch thanh tra giữa các Bộ, ngành; giữa Trung ương và địa phương; giữa cấp tỉnh và cấp huyện.
Thanh tra tỉnh Quảng Bình đề nghị Thanh tra Chính phủ hướng dẫn cụ thể về hình thức thanh tra thường xuyên trong hoạt động thanh tra chuyên ngành; thanh tra đột xuất theo lĩnh vực quản lý Nhà nước; xác định rõ kiểm tra, thanh tra theo các yêu cầu, nhiệm vụ của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Ngoài ra, bổ sung quy định mang tính phân biệt giữa hoạt động thanh tra chuyên ngành và hoạt động kiểm tra mang tính quản lý nhà nước để hướng dẫn chuyên môn, chấp hành pháp luật của cơ quan thuộc quản lý nhà nước; tiếp tục chỉ đạo Thanh tra các Bộ, ngành, cơ quan ngành dọc phối hợp, gửi kế hoạch thanh tra, kiểm tra về địa phương để rà soát, tránh chồng chéo, trùng lắp./.