Chỉ thành lập thanh tra tổng cục, cục ở những cơ quan có đủ năng lực và thực sự cần thiết

Thứ sáu, 16/09/2022 16:38
(ThanhtraVietNam) - Dự án Luật Thanh tra sửa đổi đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới. Rất nhiều nội dung mới trong Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu Quốc hội, của các cán bộ trong và ngoài ngành Thanh tra, trong đó có nội dung đề xuất thành lập thanh tra chuyên ngành tổng cục, cục thuộc bộ.

Không phải tất cả các tổng cục, cục đều thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành

Hiện nay, Luật Thanh tra 2010 quy định một bộ chỉ có một tổ chức thanh tra, các tổng cục, cục chỉ được giao chức năng thanh tra chuyên ngành mà không có tổ chức thanh tra độc lập. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực có những tổng cục, cục có chức năng quản lý nhà nước và nhu cầu thanh tra lớn nhưng do Luật không cho phép thành lập tổ chức thanh tra nên đã tổ chức thành các đơn vị tham mưu về công tác thanh tra. Do không có đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra nên hoạt động gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Vì vậy, dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi quy định thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ. Thanh tra tổng cục, cục là cơ quan của tổng cục, cục giúp tổng cục trưởng, cục trưởng thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Để việc thành lập các cơ quan thanh tra này bảo đảm nguyên tắc không “dàn đều”, không phải tất cả các tổng cục, cục thuộc bộ đều thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành, Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi quy định “Thanh tra tổng cục, cục được thành lập theo yêu cầu quản lý, trong những lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành có quy định hoặc theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”. Nhiều tổng cục, cục cùng với các cơ quan nhà nước khác trước đây được giao chức năng thanh tra chuyên ngành nhưng không cần thiết phải có tổ chức thanh tra bởi vì hoạt động thanh tra chuyên ngành của các cơ quan này (được gọi là “thanh tra thường xuyên”) thực chất chỉ là kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý vi phạm để bảo đảm trật tự quản lý. Hoạt động sẽ vẫn được các cơ quan nói trên thực hiện mà không cần thiết phải giao thêm chức năng thanh tra chuyên ngành như hiện nay để tránh sự lẫn lộn giữa thanh tra mang tính chuyên nghiệp của cơ quan thanh tra nhà nước với hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý. Nói như ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luât, cơ quan thẩm tra dự án Luật Thanh tra sửa đổi, việc dự thảo Luật quy định thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ là nhằm thể hiện đầy đủ, chính xác yêu cầu thực tế về tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành tại một số tổng cục, cục thuộc bộ; tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho hoạt động thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này. Sau khi Luật này có hiệu lực thi hành, không phải ở tất cả các tổng cục, cục thuộc bộ hiện đang được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đều sẽ thành lập tổ chức thanh tra mà Chính phủ sẽ rà soát, chỉ cơ quan nào thực sự cần thiết và có đủ năng lực thực hiện thì mới được thành lập cơ quan thanh tra.

Thanh tra tổng cục, cục chịu sự chỉ đạo, điều hành của tổng cục trưởng, cục trưởng và chịu sự hướng dẫn nghiệp vụ công tác thanh tra của thanh tra bộ.

Thanh tra tổng cục, cục có chánh thanh tra, phó chánh thanh tra và thanh tra viên. Chánh thanh tra tổng cục, cục do tổng cục trưởng, cục trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với chánh thanh tra bộ. Phó chánh thanh tra tổng cục, cục giúp chánh thanh tra tổng cục, cục thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của chánh thanh tra tổng cục, cục.

leftcenterrightdel
Chính phủ sẽ rà soát, chỉ cơ quan nào thực sự cần thiết và có đủ năng lực thực hiện thì mới được thành lập cơ quan thanh tra. Ảnh: internet 

Không phát sinh về tổ chức, biên chế

Ngay trên nghị trường Quốc hội, vẫn có một số ý kiến không đồng ý với chủ trương thành lập thanh tra chuyên ngành tổng cục, cục vì cho rằng việc thành lập tổ chức mới sẽ phát sinh thêm biên chế, không phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Tuy nhiên, theo cơ quan chủ trì soạn thảo, việc thành lập cơ quan thanh tra ở một số tổng cục, cục thuộc bộ về cơ bản không làm phát sinh về tổ chức, biên chế, không làm phát sinh chi phí, nguồn lực khi triển khai thực hiện quy định này vì trên thực tế, một số tổng cục, cục vẫn có tổ chức và đội ngũ công chức làm thanh tra chuyên trách nhưng do Luật Thanh tra 2010 quy định không tổ chức thanh tra độc lập nên đã tổ chức thành các vụ, cục, phòng thanh tra và có thêm một vài nhiệm vụ khác (thường là thanh tra - pháp chế, thanh tra - kiểm tra…).

TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ  cho biết, hiện trong dự thảo Luật đã đưa ra các tiêu chí rất rõ ràng, chặt chẽ, trong từng trường hợp cụ thể Chính phủ cân nhắc trường hợp nào được thành lập thanh tra tổng cục, cục. Và trong xu thế hiện nay, chúng ta đang sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nên rất nhiều tổng cục sẽ không còn nữa, do đó, không quá lo ngại về việc tăng thêm biên chế.

Việc có thêm thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ cũng không gây chồng chéo giữa thanh tra bộ và thanh tra tổng cục, cục vì dự thảo Luật quy định mỗi bộ chỉ có một kế hoạch thanh tra chung, được tổng hợp từ đề nghị của các tổ chức thanh trong bộ, trình bộ trưởng phê duyệt (Điều 45) và có nguyên tắc xử lý khi xảy ra chồng chéo (Điều 52). Liên quan đến phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa thanh tra bộ với thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, dự thảo Luật quy định, thanh tra bộ cũng thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đối với lĩnh vực do tổng cục, cục thuộc bộ phụ trách mà ở đó đã thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành. Song, thanh tra bộ chỉ thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với lĩnh vực trong 3 trường hợp: Vụ việc cần thanh tra có liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ; thanh tra lại theo yêu cầu của bộ trưởng đối với vụ việc đã có kết luận của thanh tra tổng cục, cục khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; và khi bộ trưởng thấy cần thiết giao thanh tra bộ trực tiếp thanh tra để bảo đảm tính khách quan.

Theo ông Lê Vũ Tuấn Anh, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc thành lập thanh tra chuyên ngành cấp tổng cục, cục sẽ phần nào gây khó khăn khi xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, nhất là trong các cuộc thanh tra đột xuất và xử lý các việc đột xuất phát sinh. Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, để khắc phục điều này thì ngay trong kế hoạch thanh tra cần phải phân công nhiệm vụ cụ thể và có quy chế phối hợp rõ ràng. Việc thành lập thanh tra cấp tổng cục, cục là một thay đổi lớn, cần được xem xét đánh giá kỹ lưỡng cả mặt tích cực cũng như tác động tiêu cực của hoạt động quản lý nhà nước cũng như hoạt động của các đối tượng thanh tra.

Mới đây nhất, trong phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự án Luật Thanh tra sửa đổi là Ủy ban Pháp luật cũng đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ quy định về việc thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ trong dự thảo Luật./.

Bảo Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra