Quan niệm về Chính phủ kiến tạo
Ở Việt Nam, với mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước, quan điểm về Nhà nước kiến tạo về thực chất đã được hình thành trong nhiều chính sách. Tuy nhiên, bản chất, nội dung của khái niệm “Chính phủ kiến tạo” chưa được làm rõ. Đến năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức tuyên bố mục tiêu xây dựng một chính phủ kiến tạo và phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam được quan niệm như sau:
- Thứ nhất, đó là Chính phủ chủ động thiết kế ra hệ thống chính sách, pháp luật, thể chế tốt, để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển.
- Thứ hai, Nhà nước không làm thay thị trường, những nơi thị trường có thể làm được, doanh nghiệp khu vực tư có thể làm được thì Nhà nước không can thiệp, mà thay vào đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm. Nhà nước chỉ đầu tư vào những khu vực các doanh nghiệp tư nhân không thể đầu tư.
- Thứ ba, Chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi.
- Thứ tư, Chính phủ phải hiện thực hóa các chính sách do mình xây dựng, một chính phủ hành động, nói đi đôi với làm, siết chặt kỷ cương, thay ngay cán bộ không đáp ứng yêu cầu công việc. Cần xây dựng chính quyền điện tử, Thương mại điện tử, đến Tòa án điện tử,...
Như vậy, chính phủ kiến tạo không phải là mô hình mới, có tính đột phá, mà là sự kế thừa những điểm mạnh từ mô hình chính phủ điều chỉnh của kinh tế thị trường tự do và mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung. Có thể hiểu Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam là Chính phủ đồng hành cùng thị trường, doanh nghiệp, sẵn sàng đánh thức các nguồn lực cho phát triển, bằng các biện pháp, cách thức khác nhau, dựa trên năng lực có thể định đoán, dự báo được xu thế vận động của tương lai.
Tại sao phải xây dựng Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam
Không khó để tìm thấy tuyên ngôn của các quốc gia về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới sự thịnh vượng. Và điều đáng nói là, mục tiêu của các quốc gia không chỉ được ghi nhận trong Hiến pháp mà luôn được nhắc lại trong các chính sách có tính chiến lược, cho đến những vấn đề rất cụ thể. Ở Việt Nam, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội được ghi nhận trong các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và ngay cả trong các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Hơn ba thập niên thực hiện công cuộc đổi mới, kể từ năm 1986, từ một nước nghèo, bị chiến tranh tàn phá và nền kinh tế trì trệ, khép kín, Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình và một nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ vào thị trường thế giới. Thành công của đổi mới đã đặt ra nhiều kỳ vọng và trách nhiệm lớn hơn đối với tương lai. Điều 3 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 có ghi: "Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện". Trong "Báo cáo Việt Nam 2035" do Chính phủ công bố tháng 2 năm 2016 không chỉ cho biết về bức tranh thực tế Việt Nam mà còn nhấn mạnh vào mục tiêu trở thành một nước công nghiệp hiện đại, thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ.
Về chính sách và những nền tảng quá khứ cho thấy, ở Việt Nam, ngay từ Đại hội III của Đảng (1960), chủ trương về công nghiệp hóa đất nước đã được hình thành, nhằm xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cân đối và hiện đại. Đại hội Đảng IV(1976) tiếp tục khẳng định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhấn mạnh ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp hóa XHCN, xây dựng cơ sở vật chất của CNXH, đưa nền kinh tế nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn XHCN. Ở các kỳ Đại hội Đảng tiếp theo, việc xác định mục tiêu phát triển đất nước vẫn luôn được đưa lên hàng đầu, làm cơ sở để Nhà nước luật pháp hóa, triển khai tổ chức thực hiện. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (1996), Đảng Cộng sản Việt nam đã đề ra mục tiêu, đến năm 2020 nước ta trở thành "một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại". Tuy nhiên, mục tiêu này đã thất bại do việc hoạch định còn chủ quan, thiếu tính dự báo và không vạch ra được các giải pháp và biện pháp hiệu quả để thực hiện mục tiêu một cách triệt để. Đến đại hội Đảng lần thứ XII (2016), quan điểm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tình hình mới đã được xác định rõ hơn. Đại hội XII đã nhấn mạnh yêu cầu xác định các hệ tiêu chí cụ thể của nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Chú trọng những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế (GDP) bình quân đầu người, tỷ trọng giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo, tỷ trọng nông nghiệp, tỷ lệ đô thị hóa…); những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển về mặt xã hội (chỉ số phát triển con người, tuổi thọ bình quân, chỉ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, số bác sỹ trên một vạn dân, tỷ lệ lao động qua đào tạo...); và những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển về môi trường (tỷ lệ dân số sử dụng nước sách, độ che phủ rừng, tỷ lệ giảm mức phát thải khí nhà kính,...Đây không chỉ là thành tựu mới trong xây dựng chính sách mà quan trọng hơn, điều này đã đặt ra nhiệm vụ mới cho Chính phủ Việt Nam.
Quan điểm về xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua là nhất quán. Tuy nhiên, làm thế nào để đạt được mục tiêu trong điều kiện thực tế còn có những hạn chế là vấn đề Chính phủ phải xác định và vượt qua. Theo Bộ Kế Hoạch và Đầu tư, Việt nam hiện có khoảng 612.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 95% là doanh nghiệp khu vực tư nhân, quy mô nhỏ, nhưng đóng góp lớn nhất vào GDP. Trong khi khu vực kinh tế Nhà nước chỉ đóng góp 28,7%, khu vực đầu tư nước ngoài 18,07%, thì khu vực tư nhân đóng góp đến 39, 21% GDP. Mục tiêu của Chính phủ là, trong những năm tới, khu vực kinh tế tư nhân sẽ đóng góp 50 - 60% GDP. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là về thực hiện và chi phí cho thực hiện pháp luật. Ở mức độ cụ thể, có thể thấy chính sách, pháp luật còn cản trở môi trường đầu tư, thiếu thống nhất như: Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường không thống nhất về cả đối tượng thực hiện đánh giá tác động và hiệu lực của Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Luật Đầu tư và Luật Đất đai cũng mâu thuẫn trong các quy định về thu hồi đất trong trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư. Bên cạnh đó, sự chồng chéo chức năng quản lý đã tạo gánh nặng cho các doanh nghiệp còn thể hiện trong nhiều chính sách của Chính phủ, như bộ Công thương, bộ Y tế, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng quản lý được giao quản lý về an toàn thực phẩm, nhưng theo 3 Nghị định khác, đồng thời, Giấy phép kiểm dịch do các đơn vị khác nhau trong cùng một Bộ xử lý mà không thống nhất về đầu mới. Ở khía cạnh khác, về khả năng tiếp cận các nguồn vốn thì, chỉ có 40% trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động có khả năng tiếp cận vốn vay từ ngân hàng và gặp nhiều khó khăn trong đăng ký tài sản theo Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm, để có cơ sở mang đi thế chấp vay vốn. Doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như không tiếp cận được vốn vay thông qua hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng. Chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp còn ở mức cao so với các nước. Lãi suất bình quân Việt nam hiện là 7-9%, trong khi Trung Quốc là 4,3%; Malaysia 4,6%; Hàn quốc 2-3%; Nhật Bản là 0,9%. Chi phí vận chuyển một container từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp 3 lần chi phí vận chuyển từ Hàn Quốc, Trung quốc về Việt Nam; chi phí tiếp cận điện năng cao gấp 49 lần Philippin; chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4 (39% lợi nhuận làm ra, cao hơn 2 lần Singapore)(1).
Việc thực hiện thanh tra, kiểm tra còn nhiều nội dung chồng chéo giữa các ngành công an, môi trường, xây dựng, thuế. Về hoạt động phối hợp quản lý cũng nhiều bất cập, còn thiếu sự phối hợp giữa thanh tra và kiểm toán nhà nước và chưa có sự kế thừa kết luận thanh tra.
Tác động đến mục tiêu phát triển, tìm kiếm sự thịnh vượng, không chỉ có vai trò của Chính phủ (Nhà nước), mà còn cần đến chính nhà đầu tư và doanh nghiệp. Thực tế Việt Nam cũng cho thấy, về phía các doanh nghiệp, năng lực nội tại còn thấp, quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp không cao, chủ yếu tham gia phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp. Doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo chỉ chiếm 16% tổng doanh nghiệp đang hoạt động, còn lại chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, xây dựng và bất động sản(2).
Như vậy, từ thực tế về sự lỗi hẹn với mục tiêu hoàn thành sự nghiệp "công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" vào năm 2020, những bất cập về thể chế, chính sách và tổ chức quản lý kinh tế, đứng trước mục tiêu mới do Đảng Cộng Sản Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ đã đề ra, thì nhu cầu về việc đẩy mạnh cải cách, đổi mới phương thức hành động để hiện thực hóa mục tiêu là hết sức cần thiết. Vì vậy, lựa chọn xây dựng một Chính phủ kiến tạo đối với Việt Nam hiện nay là sự lựa chọn phù hợp.
Những thách thức trong xây dựng Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam
Ngoài vấn đề về kinh tế vĩ mô, Chính phủ Việt Nam đang phải điều hành, quản lý kinh tế dựa trên thể chế có chất lượng thấp, với nhiều rào cản phát triển. Đồng thời, Nhà nước cũng tham gia quá nhiều vào hoạt động kinh tế trực tiếp thông qua các DNNN, và gián tiếp qua mối quan hệ rất chặt chẽ giữa Nhà nước và nhóm đặc lợi của khu vực tư nhân. Nhóm lợi ích đặc quyền này không chỉ có ở Việt Nam, song quan hệ của nhóm này với nhà nước gắn với kết quả kinh doanh lại cao bất thường(3). Chịu ảnh hưởng của cơ chế kế hoạch hóa trì trệ, công cuộc cải cách hành chính diễn ra chậm chạp, bộ máy hành chính cồng kềnh, cơ chế phối hợp chưa hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, công chức chậm đổi mới tư duy, từ quản lý doanh nghiệp, sang coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế, không theo kịp thực tiễn phát triển kinh tế, nhất là trong điều kiện kinh tế tri thức, cách mạng 4.0 đang ngày càng phát triển tại Việt Nam. Thực tế này cũng tạo ra mức độ thiếu khả thi của luật pháp, ngay cả khi đã có chính sách, pháp luật tốt. Theo World Bank, Việt Nam thuộc nhóm nước dẫn đầu thế giới về xây dựng pháp luật, nhưng lại thuộc nhóm yếu kém nhất thế giới về thực thi pháp luật.
Giải pháp
Chính phủ kiến tạo không phải là một thiết chế được sinh ra để giải quyết các vấn đề của chính nó mà để xử lý các vấn đề mà người dân và xã hội có nhu cầu. Do đó, cần có sự thay đổi của khung pháp luật về ngân sách nhà nước để dành cho các hoạt động cung cấp dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ công và dịch vụ phát triển(4).Chính phủ kiến tạo phát triển thực chất là một Chính phủ sáng tạo, phản ứng nhanh với thị trường và xã hội, định hướng, hành động vì mục tiêu thực tế. Vì vậy, bộ máy của Chính phủ phải đạt được những yêu cầu nhất định về độ tinh gọn, với đội ngũ các nhà quản lý có trình độ, chuyên môn cao và đạo đức công. Chính phủ phải có những công cụ quản lý hữu hiệu, dựa trên hệ thống chính sách và pháp luật có chất lượng, khả thi và gần gũi với mục tiêu. Để có được một Chính phủ như vậy, cần phải có những giải pháp về xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện như sau:
- Một là, thực hiện quy trình xây dựng chính sách đảm bảo tính khoa học, mở rộng sự tham gia, đặc biệt là có sự tham vấn của người dân và doanh nghiệp. Mỗi chính sách đều phải đo lường được tính hữu ích, tính khả dụng của nó. Một chính sách được xây dựng phải đánh giá đầy đủ những tác động, tính hết được những tác động đối với các bên liên quan. Chính sách tốt chỉ có thể được xây dựng bởi các nhà chuyên môn, có tư duy sâu, để đạt được tính tiên liệu, dự báo, đảm bảo sự nhất quán, và ổn định lâu dài. Đòi hỏi về chính sách có tính tiên liệu, giúpNhà nước có những dự báo, định hướng tốt cho doanh nghiệp và thị thường phát triển bền vững. Nội dung các chính sách hướng tới bao gồm: (i) Hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển; (ii) thể chế hóa khung khổ chính sách kinh tế vĩ mô, thiết lập môi trường kinh tế vĩ mô lành mạnh và ổn định; (iii) Thừa nhận và bảo vệ chắc chắn về quyền tài sản bằng quy định rõ ràng.
- Hai là, đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy của Chính phủ và các cơ quan trực thuộc trên cơ sở xác định nhiệm vụ trước khi xây dựng cơ quan và nhân sự đảm nhiệm. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phân định ranh giới, và cơ chế phối hợp chịu trách nhiệm chung, tránh sự chồng chéo quản lý hoặc đùn đẩy trách nhiệm.
- Ba là, tuyển chọn người tài cho nền công vụ một cách khoa học, nghiêm túc, nhằm chọn được người có năng lực chuyên môn xuất sắc và có đạo đức công vụ thực sự cho bộ máy quản lý của Chính phủ. Đối với các chức danh bổ nhiệm thì cần tiến hành thông qua hình thức thi để chọn lọc, thay vì làm quy trình và lấy phiếu tín nhiệm như hiện nay. Đảm bảo trách nhiệm giải trình và tăng mức độ trách nhiệm của người đứng đầu.
- Bốn là, tổ chức thực hiện linh hoạt: Đổi mới công tác chấp hành, điều hành để vừa chấp hành đúng chính sách, pháp luật, vừa có trách nhiệm kiểm soát tính hợp lý của chính sách, pháp luật khi triển khai trong thực tiễn. Xây dựng cơ chế cho cán bộ, công chức chủ động nắm bắt thực tiễn, phát hiện và sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời các chính sách, pháp luật có mâu thuẫn, không còn phù hợp cho việc theo đuổi các mục tiêu.
Trong quá khứ, các chính phủ đã bảo vệ mảnh đất của mình, chống lại sự xâm phạm của kinh doanh tự do. Tuy nhiên, chính doanh nghiệp và thị trường mới là yếu tố tạo ra phát triển chứ không phải Chính phủ. Đó chính là lý do cần đến một Chính phủ có khát vọng phát triển, thấu hiểu thị trường, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp và thị trườngthông qua các cam kết và khuôn khổ thể chế, giúpngười dân, doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi và hiệu quả./.
Đỗ Thị Kim Tiên