Chống thất thu NSNN qua công tác thanh tra, kiểm tra tài chính

Thứ tư, 05/02/2020 14:49
(ThanhtraVietNam) – Do có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị trong và ngoài ngành tài chính trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra nên chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra được nâng cao, những kiến nghị đề xuất thiết thực, phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý điều hành tài chính ngân sách của Bộ Tài chính, cũng như công tác quản lý tài chính của các đơn vị được thanh tra, kiểm tra.

Tổng thu NSNN đạt 1.539,4 nghìn tỷ đồng

Năm 2019 tình hình chính trị xã hội của đất nước luôn được giữ vững, ổn định. Nền kinh tế tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, bứt phá. Tính đến 12h ngày 31/12/2019, tổng thu NSNN đạt 1.539,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với dự toán, tương đương 128,1 nghìn tỷ đồng, trong đó có sự đóng góp quan trọng của công tác thanh tra, kiểm tra tài chính.

Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2019 có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào những vấn đề mang tính thời sự được dư luận xã hội quan tâm, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và phục vụ công tác quản lý điều hành tài chính ngâ sách của Bộ Tài chính, như: quản lý, điều hành ngân sách; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; quản lý tài chính doanh nghiệp; quản lý các nguồn kinh phí tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; quản lý thuế; chống thất thu ngân sách, chống buôn lậu, hàng giả... 

Kết quả, với tinh thần chủ động, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, yêu cầu nhiệm vụ của Bộ Tài chính và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, các cơ quan có chức năng thanh tra thuộc Bộ Tài chính đã phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, bám sát thực tiễn để xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính đúng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề mang tính thời sự được dư luận xã hội quan tâm, theo đúng chỉ đạo của cơ quan cấp trên.

Thanh tra Bộ Tài chính luôn phát huy tốt vai trò tham mưu giúp lãnh đạo Bộ quản lý về công tác thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành tài chính. Chủ động, theo dõi, đôn đốc các đơn vị có chức năng thanh tra trong ngành Tài chính thực hiện tốt kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính; kịp thời nắm bắt, tham mưu đề xuất với lãnh đạo xử lý những vấn đề phát sinh, những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thanh tra, kiểm tra tài chính; Tổng hợp, đánh giá kết quả công tác thanh tra, kiểm tra tài chính toàn ngành tài chính.

Trong năm 2019, Thanh tra Bộ Tài chính đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho Thanh tra Tài chính và đầu năm 2020 đưa vào sử dụng trong ngành tài chính phần mềm có chức năng tổng hợp, phân tích dữ liệu rủi ro để lựa chọn đối tượng thanh tra, kiểm tra được chính xác, đáp ứng kịp thời cho việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính; phục vụ cho công tác tổng hợp báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra toàn ngành tài chính.

Theo thống kê, năm 2019, thanh tra ngành Tài chính đã thực hiện 99.900 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 506.382 hồ sơ kê khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế; qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 17.321 vụ. Qua thanh tra, kiểm tra kiến nghị xử lý tài chính 71.674 tỷ đồng. Các đơn vị được thanh tra, kiểm tra đã thực hiện nộp NSNN 17.234 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
Ông Trần Huy Trường, Phó Chanh Thanh tra Bộ Tài Chính. Ảnh: L.A

Bài học kinh nghiệm

PV Tạp chí Thanh tra có cuộc trao đổi với ông Trần Huy Trường, Phó Chanh Thanh tra Bộ Tài chính về bài học kinh nghiệm nhằm chống thất thu NSNN qua công tác thanh tra, kiểm tra tài chính. Theo ông Trường, Thanh tra Bộ Tài chính đã thường xuyên theo dõi, cập nhật các thông tin về kinh tế, xã hội; nắm bắt kịp thời ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ; điều hành của ngành tài chính để xây dựng, điều chỉnh kế hoạch thanh tra; đề xuất triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất nhằm chống thất thu NSNN.

“Chúng tôi cũng xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2020 chi tiết theo từng đối tượng và nội dung thanh tra; phân khai và thông báo kế hoạch thanh tra, kiểm tra cho đối tượng được thanh tra, kiểm tra kịp thời. Tiến hành khảo sát, nắm tình hình đối tượng thanh tra, kiểm tra ngay từ đầu năm 2020, ngay sau Tết Nguyên đán đã triển khai kịp thời các đoàn thanh tra, kiểm tra”, ông Trường chia sẻ.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp giữa Thanh tra Bộ với các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là các cuộc thanh tra theo chuyên đề, thanh tra diện rộng nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm tăng cường công tác quản lý tài chính, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật; triển khai thực hiện đầy đủ quy chế giám sát hoạt động Đoàn thanh tra; các đoàn thanh tra chấp hành đúng quy định về trình tự, thủ tục; đảm bảo thời gian và kế hoạch được duyệt; thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra đều chấp hành nghiêm kỷ luật và quy chế.

Đồng thời, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào công tác thanh tra, kiểm tra từ bước xây dựng kế hoạch thanh tra (quản lý rủi ro), triển khai thực hiện thanh tra, xử lý sau thanh tra và công tác tổng hợp báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo điều hành của Bộ Tài chính và Chính phủ; cán bộ, công chức khi tiến hành thanh tra, kiểm tra đều tuân thủ các quy định của pháp luật, quy trình, quy chế và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được giao; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra, bao che cho đối tượng thanh tra.

Thực tế, Thanh tra Bộ Tài chính đã tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra; Làm rõ nguyên nhân việc thực hiện chậm hoặc thực hiện thiếu triệt để những kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục. Cải tiến phương pháp tổng hợp báo cáo kết quả thanh tra đảm bảo kịp thời theo quy định; Góp phần tích cực trong việc cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Bộ ngành và địa phương. Tiếp tục tập trung đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng thanh tra góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra toàn ngành tài chính.

Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính đề xuất, theo Luật Thanh tra 2010 Thanh tra Bộ Tài chính có chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, còn các Tổng cục thuộc Bộ Tài chính chỉ có chức năng thanh tra chuyên ngành. Bộ Tài chính đề nghị Thanh tra Chính phủ xem xét bổ sung giao chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành cho các Tổng cục thuộc Bộ Tài chính có chức năng, nhiệm vụ phức tạp, có quy mô lớn, số lượng cán bộ công chức đông và tổ chức bộ máy rộng khắp tại các địa bàn trong cả nước theo cấp hành chính; việc giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính cho các cơ quan này xuất phát từ yêu cầu công tác quản lý nhà nước và căn cứ vào nhiệm vụ quản lý nhà nước của từng ngành, từng lĩnh vực. Ví như: Tổng cục Thuế có 63 Cục Thuế tỉnh và trên 500 Chi cục Thuế vùng, huyện...

Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, xem xét để có cơ chế kéo dài thời gian thanh tra và thời hạn ban hành kết luận thanh tra đối với những cuộc thanh tra có tính chất đặc thù, nội dung phức tạp, quy mô lớn cần lực lượng có chuyên môn sâu, thời gian thực hiện dài thay vì thời gian thanh tra là 45 ngày và thời hạn ban hành kết luận thanh tra là 15 ngày áp dụng cho tất cả các cuộc thanh tra như quy định tại Luật Thanh tra số 56/2010/QH12. Ông Trường đưa ví dụ, năm 2019 toàn ngành thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 579 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 1.164 tỷ đồng; giảm lỗ 5.854 tỷ đồng; giảm khấu trừ 21 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 5.918 tỷ đồng.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ thanh tra cho thanh tra các Bộ ngành nhằm góp phần nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ thanh tra để hoàn thành tốt nhiệm vụ thanh tra được giao./.

Lan Anh

 

 

 

 

 



Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra