Cò mồi hoành hành bến xe Giáp Bát

Thứ hai, 02/01/2012 00:07
Dù có biển cấm, nhưng bến xe nhộn nhịp nhất thủ đô vẫn luôn có cả chục cò mồi lảng vảng để chèo kéo, thậm chí đe dọa, ép khách đi xe. Lãnh đạo bến thừa nhận thực trạng nhưng cho biết "không có căn cứ xử lý".

Cò mồi vây kín khu vực bán vé trong bến xe Giáp Bát. Ảnh: Phương Sơn.
 

"Ninh Bình, Thanh Hóa không em?", một thanh niên dáng cao gầy, tóc nhuộm đỏ, môi thâm quầng, mặt hốc hác vừa hỏi vừa lao tới một nữ hành khách rồi vỗ vai đẩy người này về phía quầy bán vé của bến xe. Khách đang ngơ ngác, chỉ kịp nói đi Thanh Hóa đã bị gã "cò mồi" hướng dẫn mua vé và lôi ra bãi xe.

 

Đây chỉ là một trong số hàng trăm hành khách bị chèo kéo ngay tại phòng bán vé bến xe Giáp Bát (Hà Nội) mỗi ngày. Thực trạng cò mồi ở bến xe này đáng báo động khi ngay trong nhà chờ, luôn có cả chục nam thanh niên xăm trổ, đội mũ lưỡi chai lảng vảng khắp nơi, hễ thấy khách là chạy ra chèo kéo. Khi mời khách không được, họ quay ra lườm nguýt, còn nếu khách không trả lời họ liền chửi bới.

 

Do mỗi lần giới thiệu và dẫn được một khách ra xe, cò nhận được 10.000 đồng, và có ngày số tiền kiến được lên tới vài trăm nghìn đồng nên ngay trong giới này cũng thường xuyên xảy ra tranh giành và đánh nhau ngay trong bến.

 

Chị Nguyễn Thị Vân (ở Hải Hậu, Nam Định) vừa xuống xe buýt tuyến Mỹ Đình - Giáp Bát đã bị cả chục cò mồi, xe ôm bám theo, người vỗ vai, người giằng ba lô, người chèo kéo, đẩy vào quầy vé. Dù quá quen với cảnh này nhưng chị Vân vẫn bức xúc: "Nhiều khi say xe, mệt mỏi, họ vẫn chạy ra chèo kéo. Nếu trả lời thì mệt mà không trả lời thì họ lườm nguýt, chửi lại và thậm chí là đe dọa".

 

Với kinh nghiệm lâu năm đi xe khách, chị Vân cho biết, hầu hết những gã cò mồi lảng vảng trong bến đều là dân nghiện hút. Có lần một gã xách hành lý, đưa chị ra bến nhưng khi gần đến xe thì ngáp ngắn ngáp dài, tay liên tục gãi đầu rồi vất chiếc ba lô xuống đất, lao vội về góc tường rút kim tiêm ra chích. Từ đó chị sợ hãi và cứ vào bến là tự động mua vé rồi ra xe chứ không cần người hướng dẫn.

 

Không chỉ "tác nghiệp" trong các bến chờ, phòng bán vé, cò mồi còn xuất hiện ở khắp nơi để chèo kéo, thậm chí đứng cả ngoài cổng bến, đứng giữa đường mời chào... Thậm chí, không ít cò mồi còn nhảy cả lên xe lái thay để quay vòng vài lượt quanh bến đón khách dọc đường. Nhiều xe còn dừng đỗ cả chục phút giữa đường để chờ khách, mặc cho phía sau còi kêu inh ỏi.

 

Sau khi ra khỏi bến, các xe lòng vòng quanh bến trên đường Giải Phóng. Mỗi lần dừng xe, cò mồi lại nhảy xuống đón khách.. Ảnh: Phương Sơn.

 

Trao đổi với VnExpress.net, Giám đốc bến xe Giáp Bát Nguyễn Tất Thành thừa nhận, tại bến có xảy ra tình trạng cò mồi chèo kéo khách nhưng rất khó xử lý vì không đủ thẩm quyền xử phạt. Hơn nữa, cò mồi hoạt động rất chuyên nghiệp, khi thấy lực lượng chức năng liền dừng hoạt động, đi lảng vảng như các hành khách.

 

Trước việc trong quầy bán vé và khu nhà chờ cấm tài xế, phụ xe hoạt động, nhưng tại đây thường xuyên xuất hiện cả chục người đeo biển lơ xe và các con nghiện lảng vảng để chèo kéo khách, ông Thành lý giải: "Đây là nơi công cộng, nên không thể cấm họ ngồi ở đấy cả ngày, trừ những trường hợp gây rối trật tự, đánh nhau thì mới có thể xử lý, còn lại không có căn cứ để xử lý".

 

Còn các cò mồi có biểu hiện thô lỗ với khách, ông Thành cho hay, sẽ xem là của nhà xe nào để đình tài 3 ngày cho đến một tuần, hoặc căng hơn nữa là báo cho lực lượng công an trạm xử phạt hành chính.


Theo lãnh đạo bến xe Giáp Bát, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc xuất hiện cò mồi là "do ý thức của hành khách" bởi mặc dù có quầy bán vé nhưng khách ngại không mua nên tạo cơ hội cho cò mồi hoạt động. Có hành khách khi nhân viên gác cổng kiểm tra, đề nghị mua vé thì phản ứng, nhất quyết không mua.

 

Hơn nữa, tần suất các xe cùng tuyến chạy cùng giờ là rất lớn nên việc xe này nhiều khách, xe kia ít khách là đương nhiên. Đây là nguyên nhân xảy ra sự cạnh tranh không lành mạnh và sinh ra cò mồi vào bến lôi kéo khách.

 

Trong tháng 5, Ban quản lý bến xe đã xử lý trên 40 trường hợp vi phạm lỗi dừng đỗ, đón trả khách, tranh giành khách, bán hàng rong trên xe... nhưng ông Thành cho rằng, để tránh bị cò mồi lôi kéo, hành khách cần vào bến mua vé. Khi có vấn đề xảy ra, đó là căn cứ để Ban quản lý bến cũng như lực lượng chức năng giải quyết, xử lý.

 

Theo VnExpress

 

Host
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra