Đảm bảo an ninh quốc gia theo tinh thần Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Thứ tư, 13/04/2022 09:01
(ThanhtraVietNam) - Hiện nay, Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức trong lĩnh vực an ninh quốc gia, trong đó có cả những vấn đề an ninh phi truyền thống bên cạnh an ninh chủ quyền hay an ninh chính trị. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chống lại các thách thức này, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu bật một số giải pháp quan trọng mang tầm chiến lược, sát với tình hình thực tiễn. Những quan điểm mới thể hiện vai trò quan trọng của đảm bảo an ninh quốc gia trong chủ trương, chính sách của Đảng.

1. Việt Nam đối diện với những thách thức an ninh quốc gia trong bối cảnh mới

Các quốc gia trên thế giới đều có quan niệm về an ninh quốc gia khác nhau xuất phát từ vị thế và trình độ phát triển của quốc gia đó. Trong một quốc gia thì quan niệm về an ninh quốc gia ở mỗi giai đoạn lịch sử cũng có những nội dung mới phù hợp với thực tiễn tình hình của từng thời điểm khác nhau.

Luật An ninh quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khoá XI, kì họp thứ sáu thông qua ngày 3.12.2004 khẳng định an ninh quốc gia chính là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc. An ninh quốc gia có hai mặt cơ bản: 1) Sự ổn định và phát triển bền vững của chế độ và Nhà nước; 2) Sự bất khả xâm phạm về độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Hai yếu tố này có quan hệ hữu cơ với nhau, ảnh hưởng, thậm chí quy định lẫn nhau; giải quyết mặt này sẽ tăng cường củng cố mặt kia và ngược lại. Bảo vệ an ninh quốc gia là phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống lại mọi hoạt động xâm hại an ninh quốc gia; là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân, trong đó công an nhân dân và quân đội nhân dân là những lực lượng nòng cốt.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng ngày nay, Đại hội XIII của Đảng đã xác định: Vấn đề an ninh quốc gia cần được hiểu một cách toàn diện hơn, rộng hơn, sâu hơn, không chỉ có các vấn đề an ninh chính trị, quân sự truyền thống, mà còn bao quát cả những vấn đề an ninh phi truyền thống, như: An ninh mạng; khủng bố, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; an ninh tài chính - tiền tệ; an ninh năng lượng; an ninh lương thực; an ninh môi trường (thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước...), dịch bệnh; thậm chí cũng cần phải bàn đến “an ninh chính quyền”, “an ninh chế độ”… Đây là, những vấn đề an ninh nổi lên bắt nguồn từ những nguy cơ mới, tác động đa chiều của quá trình hội nhập quốc tế và phát triển. Theo đó, an ninh quốc gia bao gồm: An ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh quân sự, an ninh biên giới, biển, đảo, an ninh đối ngoại, an ninh tư tưởng - văn hóa, an ninh xã hội, an ninh thông tin, an ninh kết nối, an ninh mạng, an ninh doanh nghiệp, an ninh tài chính - tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh dân cư, an ninh dân số, an ninh cơ sở dữ liệu, an ninh môi trường, an ninh con người…

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Ngày nay, vấn đề đảm bảo an ninh quốc gia của Việt Nam phải đối diện với nhiều thách thức nghiêm trọng trong bối cảnh Việt Nam ngày một hội nhập sâu rộng với thế giới cũng như tác động tiêu cực từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0:

Thứ nhất, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn khiến Việt Nam trở thành tâm điểm dễ bị lôi kéo, từ đó ảnh hưởng lớn đến đảm bảo an ninh quốc gia.

Trỗi dậy của Trung Quốc khiến cho mức độ cạnh tranh giữa Trung Quốc với Mỹ và các cường quốc khác trở nên gay gắt hơn. Sau khi cải cách, mở cửa (năm 1978), Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng trên 2 con số trong 3 thập niên, trở thành công xưởng sản xuất của thế giới, dự trữ ngoại hối lên tới hàng ngàn tỷ USD, sức mạnh kinh tế vì thế gia tăng nhanh chóng. Cuối năm 2010, quy mô của kinh tế Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế số 2 thế giới. Sự phát triển mạnh mẽ kinh tế của Trung Quốc khiến cho cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt hơn, nhất là quan hệ Trung - Mỹ. Hai nước vừa là bạn hàng thương mại lớn nhất, vừa cạnh tranh nhau trên các lĩnh vực như thương mại, khoa học, công nghệ. Mỹ xem Trung Quốc là nền kinh tế “phi thị trường” khi thao túng đồng nội tệ, hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước, trợ giá cho xuất khẩu, tạo rào cản cho doanh nghiệp đầu tư vào Trung Quốc, khiến cho thâm hụt thương mại giữa hai nước ngày càng lớn bất lợi cho Mỹ.

Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đã vượt ra khỏi lĩnh vực kinh tế vươn sang các lĩnh vực phi kinh tế. Biển Đông là khu vực không chỉ thuần túy tranh chấp lãnh thổ, biển đảo giữa các nước láng giềng mà còn chồng xếp, đan xen các lợi ích của cạnh tranh địa – chiến lược giữa các cường quốc. Mỹ đề ra chính sách xây dựng khu vực “Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương mở và tự do”, nhằm đảm bảo an ninh hàng hải và hàng không ở khu vực này, thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lí của Trung Quốc ở Châu Á – Thái Bình Dương. Các nước lớn khác cũng can dự sâu hơn vào tình hình Biển Đông, như Nhật với hành động trợ giúp nâng cao năng lực hàng hải cho các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, Ấn Độ với chính sách Hướng Đông, Australia hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong vấn đề kiềm chế Trung Quốc.

Điều đó thúc đẩy cục diện cạnh tranh địa - chiến lược khốc liệt tại Châu Á – Thái Bình Dương mà Biển Đông trở thành địa bàn cọ xát giữa các cường quốc với nhiều lớp quan hệ đan xen, chồng xếp: Tranh giành lãnh thổ, biển đảo giữa các nước láng giềng; an ninh khu vực (trọng tâm là an ninh, an toàn, tự do hàng hải) và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Cạnh tranh gay gắt hơn về tính chất, sâu rộng hơn về quy mô, phức tạp hơn về đối tượng tham gia, đa dạng hơn hình thức tiến hành.

Thứ hai, các thế lực thù địch luôn tìm cách đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, tăng cường sử dụng các biện pháp “tấn công mềm”, tập trung làm chuyển biến về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kích động, chia rẽ, đòi “phi chính trị hóa quân đội”; hạ thấp, phủ nhận vai trò, uy tín lãnh đạo của Đảng nhằm xóa bỏ mục tiêu con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt thông qua hợp tác để thâm nhập sâu vào nội địa Việt Nam, tác động chuyển hóa bằng phương thức “diễn biến hòa bình”, ngoài việc tăng cường các hoạt động tình báo, gián điệp tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại kinh tế, các thế lực thù địch triệt để tấn công ta trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền. Lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của Việt Nam trong quá trình đổi mới, hội nhập, các thế lực thù địch gia tăng hoạt động tác động vào cơ sở hạ tầng nhất là tác động vào việc hình thành một xã hội dân sự đồng thời với việc tác động vào kiến trúc thượng tầng đặc biệt là quá trình xây dựng pháp luật Việt Nam.

Thứ ba, Việt Nam phải đối diện với những thách thức an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu. Dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc đầu năm 2020 và hiện nay đã lan ra toàn cầu với những ảnh hưởng nghiêm trọng về mọi mặt của đời sống con người đã minh chứng cho mức độ ảnh hưởng ghê gớm của các vấn đề an ninh phi truyền thống. Cùng với việc tiếp tục phải phòng chống, chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, Việt Nam được dự báo là một trong số các nước sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng và nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống khác. Các áp lực về chuyển đổi phương thức phát triển trong bối cảnh khó khăn, thiếu hụt về tài nguyên, năng lượng… rất có thể sẽ đặt nền kinh tế Việt Nam trước những thách thức, từ đó dẫn đến nguy cơ mất ổn định.

2. Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu “chủ động đảm bảo an ninh quốc gia”

Với những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt, yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia vô cùng cấp bách. Do đó, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; đảm bảo quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”(1). Công tác đảm bảo an ninh quốc gia cần tiến hành một cách “chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện và xử lí kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố nguy cơ gây đột biến”(2). Để đảm bảo an ninh quốc gia trong tình hình mới, Đảng đưa ra một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng:

Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố hàng đầu đảm bảo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, trong đó có công tác đảm bảo an ninh quốc gia. Cho nên, chúng ta cần tiếp tục kiên định và giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với sự nghiệp đảm bảo an ninh quốc gia và nguyên tắc Đảng lãnh đạo Công an nhân dân Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt. Bởi vậy, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã yêu cầu: “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh”(3). Quan điểm này của Đảng là sự kế thừa những chỉ dẫn của Bác Hồ về vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng. Trong những ngày đầu khi chuẩn bị các điều kiện thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Cách mạng “trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”(4). Hồ Chí Minh giải thích: “Cách mạng là cuộc đấu tranh rất gian khổ. Lực lượng kẻ địch rất mạnh. Muốn thắng lợi thì quần chúng phải tổ chức rất chặt chẽ; chí khí phải kiên quyết. Vì vậy, phải có Đảng để tổ chức và giáo dục Nhân dân thành một đội quân thật mạnh, để đánh đổ kẻ địch, tranh lấy chính quyền”(5).

Thứ hai, tăng cường vai trò của quần chúng nhân dân:

Nói đến vai trò của quần chúng nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Sức mạnh của Công an nhân dân bắt nguồn từ mối liên hệ, sự ủng hộ, giúp đỡ tích cực của Nhân dân. Nhân dân là cuội nguồn sức mạnh của sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự. “Công an cần phải đoàn kết với Nhân dân, tổ chức và giáo dục Nhân dân, dựa vào lực lượng rộng lớn của Nhân dân. Như vậy, Nhân dân sẽ ra sức giúp Công an làm tròn nhiệm vụ”(6). Do vậy, Đại hội lần thứ XIII đã một lần nữa nhấn mạnh đến vai trò của Nhân dân như cuội nguồn sức mạnh của cách mạng Việt Nam: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(7). Để phát huy vai trò của Nhân dân trong công tác đảm bảo an ninh quốc gia, chúng ta phải chăm lo phát huy quyền làm chủ của Nhân dân gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện “lấy dân làm gốc”, phát huy tinh thần yêu nước, trách nhiệm, sự cống hiến, sức sáng tạo của Nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia.

Thứ ba, từng bước xây dựng lực lượng Công an nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”:

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu đối với lực lượng Công an nhân dân: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại...”(8). Đây là tư duy rất mới trong việc định hướng xây dựng lực lượng Công an nhân dân phù hợp với xu thế, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia cũng như tiềm lực của đất nước hiện nay.

Công an nhân dân cần thiết phải có tính cách mạng. Điều này nói lên bản chất giai cấp công nhân, mang tính nhân dân, dân tộc sâu sắc; thể hiện bản lĩnh chính trị của người công an nhân dân. Đó là sự trung thành tuyệt đối với Chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, với Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Bên cạnh đó, tính chính quy của công an nhân dân được thể hiện bằng sự thống nhất về chính trị, tổ chức và hành động của lực lượng Công an nhân dân. Tổ chức thực hiện có nề nếp theo những quy định, quy chế thống nhất trên các mặt: Tổ chức, biên chế, trang bị, lãnh đạo, chỉ huy, quản lý và kỷ cương điều lệnh. Lực lượng Công an nhân dân phải đảm bảo là một chỉnh thể thống nhất, vững mạnh, có tính cơ động và tính chiến đấu cao, có sự điều hành tập trung, thống nhất và hoạt động chuyên sâu. Lực lượng Công an nhân dân cần tinh nhuệ. Tính tinh nhuệ được xem như hiệu quả, năng lực của Công an nhân dân trong chiến đấu, công tác, đảm bảo khả năng đấu tranh chống các thế lực thù địch và các loại tội phạm một cách hiệu quả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự trong mọi hoàn cảnh, điều kiện. Cuối cùng, tính hiện đại của lực lượng Công an nhân dân thể hiện một tư duy sắc sảo, tác phong làm việc nhanh nhạy, nắm bắt và giải quyết tốt các vấn đề phát sinh trong điều kiện kinh tế, xã hội đất nước ngày càng phát triển. Hơn nữa, công an nhân dân cần phải luôn luôn trau dồi tri thức để làm chủ các phương tiện khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Chú thích:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, tr.110

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, tr.331

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, tr.160-161

(4) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, t2, tr. 289

(5) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, t8, tr. 274

(6) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.10, tr83-84

(7)  Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, tr.28

(8): Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, tr. 157 - 158

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Công an (2015), Tài liệu bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh trong Công an nhân dân, (Mật), Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội

4. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.2, t.4, t.8, t.10; t.12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội

TS. Lưu Ngọc Long
Ths. Đinh Văn Luân
Giảng viên trường Đại học Phòng cháy chữa cháy
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra