Những âm mưu và luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch
Với chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch không ngừng chống phá, công kích con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam trên nhiều phương diện, với nhiều thủ đoạn khác nhau. Những âm mưu và quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác PCTN của Đảng ta có thể tóm gọn lại trong mấy luận điệu sau:
Chúng quy chụp, ngụy biện rằng, chế độ một đảng là nguyên nhân gây ra tham nhũng. Với những suy luận thiếu logic, phi khoa học như: “Một đảng lãnh đạo sẽ không có dân chủ trong kiểm soát quyền lực”, “chỉ có tam quyền phân lập mới có thể chống được tham nhũng”… Do đó, chúng cho rằng Đảng ta sẽ không thể chống được tham nhũng vì tham nhũng là “căn bệnh nan y” xuất phát từ Đảng.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác xử lý tham nhũng của Đảng ta đạt được những kết quả rất khả quan, tuy nhiên các thế lực thù địch xuyên tạc, bịa đặt rằng, “chống tham nhũng chỉ là cái cớ được dựng lên, thực chất Đảng Cộng sản Việt Nam đang thanh trừng phe cánh, đấu đá nội bộ”. Các thủ đoạn của chúng khá tinh vi khi lồng ghép “nửa thật, nửa giả” để tạo niềm tin, ngoài ra, chúng “nhắc đi, nhắc lại” ở nhiều diễn đàn, với nhiều thời điểm nhằm mục đích “mưa dầm thấm lâu”. Từ những luận điệu và thủ đoạn trên, âm mưu của các thế lực thù địch là gây tâm lý hoang mang, hoài nghi trong quần chúng Nhân dân về công tác đấu tranh PCTN của Đảng; phủ nhận quyết tâm PCTN của Đảng ta.
Tinh vi và xảo quyệt hơn, các thế lực thù địch sử dụng chính kết quả đấu tranh, xử lý tham nhũng của Đảng ta để chống phá công cuộc PCTN. Khi chúng ta xử lý kỷ luật cán bộ do có liên quan đến tham nhũng, chưa xử lý hình sự thì chúng xuyên tạc rằng đây là “bao che, dung túng”, “là đảng viên nên được kỷ luật mềm”… Đến khi chúng ta xử lý hình sự, đưa công khai trên các trang thông tin đại chúng thì chúng xuyên tạc, cho rằng đây là “thành quả”, “công lao” của chúng khi góp phần tạo nên “tiếng nói dân chủ” giúp cho “bộ máy công quyền Việt Nam” trong sạch hơn. Ngoài ra, với việc mạnh tay trong xử lý tham nhũng, bóc trần những đại án có cả những cán bộ cấp cao, chúng xuyên tạc rằng, “càng chống tham nhũng, càng nhiều tham quan”.
Dù với luận điệu nào thì mục đích mà các thế lực thù địch đều muốn tác động nhằm thay đổi nhận thức, niềm tin của quần chúng Nhân dân, trong đó có cả cán bộ, đảng viên vào công cuộc PCTN; từ đó lôi kéo, thành lập các tổ chức chống Đảng, Nhà nước, mục đích cao nhất là đi đến xóa bỏ chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, để đấu tranh đập tan luận điệu của các thế lực thù địch bằng chứng duy nhất đó là kết quả của công tác PCTN của Đảng ta trong suốt thời gian qua và ý chí quyết tâm nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng và bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Thành quả trong công tác PCTN của Đảng ta thời gian qua
Công tác PCTN của Đảng và Nhà nước đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực - đây cũng là bằng chứng đấu tranh ngăn chặn sự xuyên tạc của những kẻ cơ hội, chính trị, phản động xuyên tạc công tác PCTN ở nước ta hiện nay.
Trước hết, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về xây dựng Đảng và PCTN, tiêu cực như ban hành Luật PCTN năm 2018; Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”; riêng năm 2021 “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 144 nghị định, 40 quyết định; các bộ, ngành ban hành hơn 700 thông tư nhằm cụ thể hoá, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật trên các lĩnh vực, góp phần phòng, ngừa tiêu cực, tham nhũng.”(1). Đồng thời, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức nhiều Hội nghị trực tuyến để triển khai các chủ trương, Nghị quyết của Đại hội và Trung ương,…
Thứ hai, một điểm nhấn đáng chú ý, ngày 01/02/2013, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị. Đến nay, để đáp ứng tốt hơn nữa thực tiễn, Ban Chỉ đạo đã đổi tên thành: Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực vào ngày 16/9/2021. Đây là quyết định quan trọng đánh dấu bước chuyển biến sâu sắc về tư duy và hành động của Đảng về công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực.
Thứ ba, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước khắc phục - đây là bằng chứng thực tiễn quan trọng để đấu tranh với luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Giai đoạn 2013-2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên. Riêng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó, có hơn 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (trong đó có 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang).
Bắt đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý (trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.
Tại Phiên họp thứ 23 (ngày 12/1/2022) của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực đã tổng kết: Trong năm 2022, Ban Chỉ đạo đã xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm. Trong đó, đã thi hành kỷ luật 539 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý… Trên cả nước đã khởi tố mới 493 vụ/1.123 bị can về tội tham nhũng (tăng 163 vụ/328 bị can so với năm 2021). Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 11 vụ/37 bị can, khởi tố bổ sung 120 bị can trong 22 vụ án...(2)
Ban Chỉ đạo cũng nhấn mạnh cần tập trung điều tra, đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm, xét xử sơ thẩm 10 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, gồm: Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan; vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần tập đoàn FLC…
Thứ ba, chú trọng kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng PCTN được tăng cường, chặt chẽ, kịp thời và đạt hiệu quả hơn. Đặc biệt thời gian gần đây hợp tác quốc tế về PCTN được tăng cường, hoạt động PCTN từng bước mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước. Thực hiện rất nghiêm tư tưởng chỉ đạo, quan điểm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”.
Những kết quả này cho thấy, công tác PCTN, tiêu cực ở nước ta hiện nay càng làm một cách quyết liệt hơn, cứng rắn hơn và với quyết tâm chính trị cao hơn. Không những khẳng định sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh PCTN, làm trong sạch hệ thống chính trị mà còn cho thấy cuộc đấu tranh này được thực hiện “kiên quyết, kiên trì”, quan trọng nhất là được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cũng như đấu tranh với luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Để đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác PCTN của Đảng ta hiện nay cần rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, công tác PCTN trước hết phải có quyết tâm chính trị cao và đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng mà trực tiếp hiện nay là Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực . Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả cao và đi vào thực tế cần “kiên quyết, kiên trì” PCTN và cần phải có sự tham gia, ủng hộ, đồng tình của Nhân dân, chủ động công khai, cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng để Nhân dân theo dõi, giám sát. Đây là yếu tố quan trọng để các thế lực thù địch không thể lợi dụng những sơ hở để xuyên tạc công tác PCTN của Đảng ta.
Hai là, xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế xây dựng Đảng, quản lý kinh tế - xã hội, phòng chống tham nhũng đồng bộ, thống nhất, khả thi và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tăng cường kiểm soát quyền lực để PCTN.
Ba là, xác định công tác PCTN là công tác đấu tranh với “giặc nội xâm” bên trong Đảng, Nhà nước, cũng như là quá trình đấu tranh với chính tư tưởng chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên đứng trước sự cám dỗ của đồng tiền, lợi ích quyền lực và lợi ích kinh tế. Vì vậy, phải tiến hành một cách kiên trì, lâu dài, vững chắc từng bước, gắn với công tác phòng, chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; vừa xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để cán bộ, đảng viên “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng vừa đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh PCTN nhằm chia rẽ, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.
Thực tiễn cho thấy, không thể xuyên tạc, phủ nhận quyết tâm PCTN và kết quả đạt được của Đảng ta thời gian qua. Mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân cần chủ động, tích cực, tự giác tham gia có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sau trái, thù địch vốn ngày càng tinh vi hơn, thủ đoạn hơn./.
Chú thích:
(1) https://baochinhphu.vn/ket-luan-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-phien-hop-thu-21-cua-ban-chi-dao-trung-uong-ve-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-10222012020244664.htm
(2) Xem: Thông báo kết quả phiên họp thứ 23 của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực. Nguồn truy cập: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/thong-bao-ket-qua-phien-hop-thu-23-cua-ban-chi-dao-trung-uong-ve-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-716462, ngày truy cập: 08/5/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Bí thư (2019). Kết luận số 53-KL/TW của Ban Bí thư “Về tăng cường đấu tranh, ngăn chặn, xử lý, bóc gỡ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu, độc chống phá Đảng, Nhà nước trên Internet, mạng xã hội”. Kết luận số 53-KL/TW, ngày 04/6/2019.
2. Bộ Chính trị (2018). Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018.
3. Hội đồng lý luận trung ương (2017): Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị trong nước. Hà Nội: Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.
4. Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Thắng, Nguyễn Ngọc Toàn (Đồng chủ biên, 2021): Công an nhân dân đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Hà Nội: Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.
TS. Nguyễn Thị Minh Huệ
Ths. Hà Tiến Linh, Ths. Trần Văn Liêm
Học viện An ninh nhân dân