Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lực lượng Công an Thanh Hóa

Thứ sáu, 28/10/2022 13:40
(ThanhtraVietNam) - Thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Công an tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng Công an Thanh Hóa triển khai đồng bộ, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Song song với đó, đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo các đơn vị trong Công an tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; siết chặt kỷ luật, kỷ cương gắn với việc tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; kịp thời tuyên truyền, phổ biến, tổ chức quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Kế hoạch hành động “Xây dựng hình ảnh người cán bộ Công an Thanh Hóa bản lĩnh, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ, đẹp trong lòng dân” với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Thực hiện Quy định số 65-QĐ/TW, ngày 03/02/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng; kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng. Trong năm 2021, các đơn vị trong Công an Thanh Hóa đã đăng tải 295 lượt tin, bài, phóng sự tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng. Trong đó, đã phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đăng tải 241 tin, bài; đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh 41 tin, bài. Qua đó, đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và quần chúng nhân dân trong phòng, chống tham nhũng.

Xác định công tác cán bộ là “then chốt của then chốt” trong xây dựng Đảng, Đảng ủy Công an tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/ĐUCA ngày 05/3/2021 về tăng cường lãnh đạo đối với công tác cán bộ trong Công an Thanh Hóa nhằm công khai, minh bạch trong công tác cán bộ; chủ động phòng, chống, không để xảy ra tiêu cực, chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ. Thực hiện nghiêm túc việc chuyển đổi công tác theo Thông tư số 55/2014/TT-BCA ngày 12/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác. Năm 2021, Công an tỉnh đã chuyển đổi vị trí công tác đối với 183 đồng chí ở 46 đơn vị.

Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, Thông tư số 27/2017/TT-BCA của Bộ Công an quy định về quy tắc ứng xử trong Công an nhân dân và Quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ Công an Thanh Hóa, tăng cường kiểm tra chấn chỉnh công tác điều lệnh đối với các đơn vị thực thi nhiệm vụ, bộ phận thường xuyên trực tiếp công dân. Trong năm, Công an tỉnh đã kiểm tra hơn 910 lượt, qua kiểm tra chưa phát hiện cán bộ, chiến sĩ vi phạm quy tắc ứng xử.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh cũng chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, tổ chức… Thực hiện có hiệu quả hệ thống quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001, hiện nay, Công an tỉnh có 32 đơn vị, gồm 05 phòng và 27 đơn vị cấp huyện đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2005 vào tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm, thẩm quyền đối với 118 thủ tục trong 08 lĩnh vực.

Trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng của cán bộ, chiến sĩ, năm 2021, Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Công an tỉnh đã tiến hành 08 cuộc kiểm tra đảng với 44 lượt tổ chức đảng; qua kiểm tra, giám sát không phát hiện đảng viên, tổ chức đảng vi phạm liên quan đến tham nhũng. Đồng thời, đã tổ chức phổ biến, quán triệt sâu rộng đến từng đảng bộ, chi bộ cơ sở các quy định, kết luận, chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị đã ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật và các chỉ đạo của Đảng ủy, Giám đốc, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Công an tỉnh liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng trong đơn vị mình. Trong đó, tập trung rà soát, đánh giá các nội dung trọng tâm sau: (1) Việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị trên các lĩnh vực theo quy định của pháp luật và Bộ Công an, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; (2) Thực hiện công khai, dân chủ trong công tác cán bộ; (3) Việc thực hiện các quy định của Chính phủ, Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; (4) Việc xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức, nghề nghiệp, chuẩn mực đạo đức của đảng viên, cán bộ, chiến sĩ trong thực thi công vụ và quan hệ xã hội; (5) Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, chiến sĩ thuộc diện chuyển đổi; (6) Việc thực hiện cải cách hành chính, kỷ luật, kỷ cương, lề lối làm việc, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị; (7) Việc thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật; (8) Việc thực hiện các quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực… Kết quả tự kiểm tra đã giúp các đơn vị đánh giá đúng thực trạng; chỉ ra ưu điểm, hạn chế trong tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, các kế hoạch, chương trình hành động của Bộ Công an và Công an tỉnh về phòng, chống tham nhũng. Từ đó, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được; tập trung chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, thiếu sót; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.

leftcenterrightdel

Công an tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ ra quân bảo đảm an ninh, trật tự

Trong năm 2021, Công an tỉnh cũng đã tiếp nhận 09 đơn phản ánh, tố cáo cán bộ, chiến sĩ có hành vi tiêu cực, tham nhũng. Kết quả xác minh: Có 06 đơn tố cáo sai; đình chỉ giải quyết tố cáo 01 đơn (do người tố cáo rút đơn); lưu 01 đơn (do đơn mạo danh, nặc danh, nội dung đơn không có cơ sở xác minh), hiện đang giải quyết 01 đơn. Ngoài ra, đã tiếp nhận 05 tin qua đường dây nóng, trong đó có 03 tin phản ánh cán bộ, chiến sĩ có hành vi tiêu cực; kết quả xác minh: 03 tin phản ánh sai.

Về kết quả công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng, lực lượng Công an Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác điều tra, xử lý tội phạm về kinh tế, tham nhũng; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế; góp phần đảm bảo trật tự quản lý kinh tế và an sinh xã hội, được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Năm 2021, cơ quan điều tra các cấp trong Công an Thanh Hóa đã tiến hành điều tra, xử lý 29 vụ, 53 bị can phạm tội về tham nhũng. Hiện đã kết thúc điều tra, chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 16 vụ, 35 bị can.

Có thể khẳng định rằng, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong nội bộ, góp phần xây dựng lực lượng Công an Thanh Hóa trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, trong năm 2021, toàn lực lượng Công an Thanh Hóa không có cán bộ, chiến sĩ bị xử lý kỷ luật về hành vi tham nhũng. Kết quả điều tra các vụ án về tham nhũng, tiêu cực của lực lượng Công an Thanh Hóa giảm về số vụ và số bị can so với cùng kỳ năm 2020, được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng trong nội bộ Công an Thanh Hóa còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng có mặt còn hạn chế; một số ít cán bộ, đảng viên, chiến sĩ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, còn có dư luận phản ánh có biểu hiện vi phạm, tiêu cực; việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, thiếu đồng bộ, kiểm tra, đánh giá chưa thường xuyên; việc kiểm tra, phát hiện hành vi tham nhũng trong nội bộ còn hạn chế; việc tự kiểm tra, giám sát phát hiện tham nhũng, giải quyết tố cáo trong nội bộ chưa thường xuyên, chưa được quan tâm đúng mức, còn biểu hiện né tránh, ngại va chạm...

Để đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng với quyết tâm trở thành lực lượng tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thời gian tới, lực lượng Công an Thanh Hóa cần tập trung làm tốt một số nội dung, giải pháp trọng tâm sau đây:

Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Công an tỉnh. Chú trọng đổi mới hình thức, cách thức tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương làm tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tập trung đăng tải, phát sóng các tin, bài, phóng sự về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận đặc biệt quan tâm. Kịp thời biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt, gương cán bộ, chiến sĩ công an liêm khiết không nhận hối lộ, đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Hai là, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong nội bộ với phương châm “quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trọng tâm là nâng cao vai trò tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương trong việc chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong Công an nhân dân khi để xảy ra tham nhũng trong đơn vị do mình quản lý, phụ trách; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; xây dựng, ban hành, công khai và thực hiện nghiêm các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện nghiêm túc Quy định về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, chiến sĩ, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; minh bạch tài sản, thu nhập trong Công an nhân dân… Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến cán bộ, chiến sĩ công an; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện quy trình, chế độ công tác của cán bộ, chiến sĩ; kịp thời phát hiện, xác minh làm rõ, xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, chiến sĩ.

Ba là, thực hiện nghiêm túc Quyết định số 7288/QĐ-BCA-X05 ngày 15/11/2018 của Bộ Công an và Quyết định số 1063/QĐ-CAT-PX05 ngày 17/5/2019 của Giám đốc Công an tỉnh ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đường dây điện thoại nóng và việc tiếp nhận, xử lý tin phản ánh tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, chiến sĩ công an qua đường dây điện thoại nóng. Tiếp tục thực hiện Quy định số 01-QĐi/TW ngày 10/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm, thẩm quyền Ủy ban Kiểm tra trong phòng, chống tham nhũng. Làm tốt công tác nắm tình hình của cán bộ kiểm tra trong phòng, chống tham nhũng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Công an tỉnh, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực tham nhũng; tiến hành kiểm tra đối với đảng viên có dấu hiệu vi phạm liên quan đến tham nhũng và công khai kết quả xử lý tổ chức đảng, đảng viên có sai phạm liên quan đến tham nhũng.

Bốn là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện bố trí, sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ theo 03 cấp Công an, gắn với quản lý, sử dụng hiệu quả biên chế trong Công an Thanh Hóa, tăng cường biên chế cho công an cấp cơ sở và lực lượng trực tiếp chiến đấu; tập trung xây dựng, ban hành các văn bản về công tác tổ chức cán bộ mang tính cơ bản, chặt chẽ, đúng quy định, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ  công tác tổ chức cán bộ của lực lượng Công an Thanh Hóa, phục vụ hiệu quả yêu cầu phòng ngừa tham nhũng trong Công an nhân dân. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 115-KH/ĐUCA ngày 24/10/2019 của Đảng ủy Công an Trung ương triển khai thực hiện Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền và Nghị định số 06-NĐ/ĐUCA ngày 05/3/2021 của Đảng ủy Công an tỉnh về công tác cán bộ trong Công an Thanh Hóa. Tăng cường công tác quản lý cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ; thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ, đảm bảo khách quan, dân chủ, công khai theo đúng quy trình. Quán triệt, thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật, kỷ cương, tác phong, lề lối làm việc của đảng viên, cán bộ, chiến sĩ trong thực thi công vụ và trong quan hệ xã hội; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong Công an nhân dân năm 2021.

Năm là, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các văn bản quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm đúng nội dung, định mức, phù hợp với quy định của pháp luật và sát với thực tiễn. Quản lý tập trung, thống nhất và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính, hậu cần; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, lãnh đạo Công an các cấp đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Rà soát các nguồn kinh phí và nội dung chi tiêu để điều chỉnh, cân đối các khoản chi tiêu hợp lý đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí. Gắn công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với công tác phòng, chống tham nhũng, công tác cải cách hành chính; coi trọng công tác tự kiểm tra trong nội bộ các đơn vị ở tất cả các khâu, lĩnh vực công tác.

Sáu là, tiếp tục tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chính đáng của Nhân dân trên lĩnh vực an ninh, trật tự”. Hướng dẫn Công an các đơn vị xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 trong Công an nhân dân; phân cấp quản lý thủ tục hành chính, xử lý hồ sơ điện tử từ Bộ Công an đến Công an các đơn vị, địa phương gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Tập trung phát triển ứng dụng hệ thống nền tảng, tích hợp, chia sẻ dữ liệu các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Công an tỉnh kết nối với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Ủy ban nhân dân tỉnh bảo đảm thông tin của người dân và doanh nghiệp khi tương tác trên cổng dịch vụ công được bảo mật, an toàn và thông suốt.

Bảy là, nâng cao hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng Công an nhân dân; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ trong công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng đã khởi tố, khẩn trương củng cố tài liệu, chứng cứ khởi tố các vụ án mới; sử dụng đồng bộ các lực lượng, biện pháp để điều tra mở rộng các vụ án, đồng thời có biện pháp để thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước, tập thể và cá nhân bị thất thoát, chiếm đoạt. Thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra và kiểm tra việc chấp hành pháp luật, nghiệp vụ trong công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng đối với cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp; thực hiện nghiêm túc việc bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí theo quy định của pháp luật./.

Thượng tá, Ths. Trịnh Duy Niệm
Trưởng Công an huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra