Tổ chức, hoạt động thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực tôn giáo, được pháp luật quy định cụ thể theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Thanh tra; Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành; Nghị định số 90/2012/NĐ-CP ngày 05/11/2012 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Nội vụ; Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra; Thông tư số 04/2016/TT- BNV ngày 10/6/2016 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số nội dung về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực tôn giáo.
Theo tác giả, để thực hiện hiệu quả hoạt động thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực tôn giáo, ngoài việc nắm vững quy định của pháp luật về thanh tra và thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực tôn giáo, cần thực hiện tốt những giải pháp sau:
Thứ nhất, nhận thức đầy đủ về mục đích của hoạt động thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực tôn giáo
Một là, hoạt động thanh tra không chỉ đơn thuần là xem xét, đánh giá, xử lý việc chấp hành, tuân thủ chủ trương, chính sách pháp luật về tôn giáo mà còn nhằm phát hiện sơ hở về cơ chế, chính sách trong quản lý nhà nước để qua đó kịp thời có những đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh. Vậy nên, khi tiến hành hoạt động thanh tra, chủ thể thanh tra cần lắng nghe các bên liên quan trình bày, đối thoại để nắm bắt đầy đủ tâm tư, nguyện vọng, phản ánh, kiến nghị, đề xuất của tổ chức, cá nhân hoạt động tôn giáo và của tổ chức, cá nhân thực hiện công tác tham mưu, quản lý nhà nước về tôn giáo; để kịp thời giải thích, trao đổi, hướng dẫn; đồng thời, tập hợp ý kiến, nhất là các đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách để báo cáo, tham mưu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền cân nhắc, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn công tác quản lý.
Hai là, đối với những vụ việc vi phạm pháp luật, ngoài chấn chỉnh, xử lý nhằm đảm bảo pháp luật được tuân thủ, công tác thanh tra chuyên ngành tôn giáo cần tập trung hướng dẫn giúp đỡ đối tượng được thanh tra khắc phục thiếu sót, nắm, hiểu và thực hiện trúng, đúng, phù hợp pháp luật, chủ trương, chính sách trong công tác tôn giáo.
Ba là, thực hiện công tác thanh tra về tôn giáo phải nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân tham gia hoạt động tôn giáo chân chính, đúng pháp luật, mục đích, tôn chỉ của tôn giáo. Cần đề xuất với cấp có thẩm quyền hình thức biểu dương, động viên, khen thưởng, khích lệ đối với tổ chức, cá nhân tôn giáo hoạt động tốt, có nhiều cống hiến cho cộng đồng, xã hội để động viên, huy động nguồn lực tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia cùng với Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề xã hội thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc góp phần thực hiện phương châm hoạt động tôn giáo “sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng thời cương quyết đấu tranh trước những hành vi lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Thứ hai, làm tốt công tác thanh tra và phối hợp trong thực hiện hoạt động thanh tra tôn giáo
Theo pháp luật hiện hành, thẩm quyền thanh tra chuyên ngành tôn giáo ở cấp Trung ương do Ban Tôn giáo Chính phủ tiến hành, ở địa phương do Thanh tra Sở Nội vụ tiến hành. Do đó, trong tổ chức hoạt động thanh tra cần đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành tôn giáo. Cụ thể:
- Cần làm tốt công tác phối hợp giữa cơ quan, đơn vị trong nội bộ ngành Nội vụ trong việc triển khai thực hiện công tác thanh tra lĩnh vực tôn giáo: Đó là việc phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong ngành Nội vụ, giữa các đơn vị nội bộ cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về tôn giáo, giữa Thanh tra ngành nội vụ với cơ quan thực hiện công tác tham mưu quản lý nhà nước về tôn giáo hay nói cách khác là công tác phối hợp giữa Thanh tra Bộ Nội vụ với Ban Tôn giáo Chính phủ, giữa Thanh tra Sở Nội vụ với Ban Tôn giáo thuộc Sở. Điều này nhằm đảm bảo hoạt động thanh tra, vừa tuân thủ pháp luật, đồng thời đảm bảo tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong thanh tra vì có sự tham gia của cả cán bộ chuyên trách công tác thanh tra và cán bộ chuyên môn làm công tác tôn giáo trong hoạt động đoàn thanh tra.
- Chủ động, linh hoạt trong công tác phối hợp ngoài ngành giữa cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nội vụ và tôn giáo với các cơ quan quản lý nhà nước thuộc các ngành, lĩnh vực khác: Hoạt động tôn giáo bao gồm nhiều yếu tố cấu thành từ đất đai cho việc xây cơ sở tôn giáo, xây dựng sửa chữa cơ sở thờ tự, xuất bản kinh sách, đồ dùng việc đạo, thực hành lễ hội tôn giáo trong và ngoài cơ sở thờ tự, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm chức sắc, chức việc, tham gia công tác từ thiện xã hội, giao lưu giữa các tôn giáo trong và ngoài nước… Để xem xét, đánh giá toàn diện các hoạt động tôn giáo và để giải quyết đáp ứng, nhu cầu này cần có sự phối hợp nhiều cấp, nhiều ngành trong thực hiện công tác quản lý nhà nước và thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về tôn giáo.
- Đảm bảo sự nhất quán, phối hợp nhịp nhàng, nhanh chóng giữa Trung ương với địa phương trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo và thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành tôn giáo. Hoạt động của tổ chức, cá nhân tôn giáo có thể do công dân Việt Nam, người Việt Nam có quốc tịch nước ngoài, người nước ngoài cư trú và sinh sống trên phạm vi lãnh thổ nước ta tiến hành ở nhiều nơi, nhiều địa điểm, địa phương, khu vực. Mặt khác, tôn giáo cũng có hệ thống tổ chức vì thế để đảm bảo quản lý tốt các hoạt động tôn giáo và thực hiện tốt chức năng thanh tra công tác tôn giáo đòi hỏi ngoài sự phối hợp nội bộ ngành, liên ngành cần phối hợp chặt chẽ giữa cấp Trung ương với địa phương, đồng thời, còn phải đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và công tác phối hợp giữa các đoàn thể trong thực hiện công tác tôn giáo và thanh tra hoạt động tôn giáo.
Thứ ba, quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và cán bộ làm công tác thanh tra tôn giáo
Bên cạnh việc kiện toàn tổ chức làm công tác thanh tra cần giải quyết tốt việc bố trí nhân sự và thực hiện chế độ chính sách đối với người làm công tác thanh tra để đội ngũ này có đủ phẩm chất, năng lực, điều kiện cần thiết thực hiện nhiệm vụ. Do đó, cần chú trọng thực hiện những việc sau:
- Bố trí công chức có phẩm chất bản lĩnh vững vàng, trung thực, khách quan, công tâm, hòa đồng, khéo léo, cẩn trọng, tế nhị có năng lực hoạt động chuyên môn, kỹ năng nghiên cứu, tham mưu xử lý tình huống, khả năng vận dụng quy định của pháp luật, đối chiếu, phân tích thông tin, tài liệu, nhận xét, đánh giá, báo cáo… để làm công tác thanh tra tôn giáo.
- Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức chuyên môn, chuyên ngành về tôn giáo, kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước, vận dụng pháp luật, nghiệp vụ cần thiết về hoạt động thanh tra đối với đội ngũ công chức làm công tác thanh tra tôn giáo.
- Trong khuôn khổ quy định của pháp luật, quy chế hoạt động, quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan cần có chính sách hỗ trợ, động viên về tài chính, tinh thần cụ thể để khuyến khích, tạo động lực cho đội ngũ công chức làm công tác thanh tra tôn giáo giúp họ chuyên tâm công tác, tạo điều kiện thuận lợi, cần thiết trong việc thu hút, điều động, bố trí công chức công tác ở các đơn vị chuyên môn thuộc các ngành, lĩnh vực khác có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định số 97/2011/NĐ-CP ngày 21/10/2011 của Chính phủ quy định về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra; được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về tôn giáo, có đam mê, tâm nguyện sang làm công tác thanh tra tôn giáo.
Thứ tư, thực hiện tốt nội dung nghiệp vụ thanh tra
Pháp luật về thanh tra quy định, công tác thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục pháp luật, vậy nên trong hoạt động thanh tra cần quan tâm xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra hàng năm. Trong đó, kế hoạch thanh tra cần lựa chọn để thực hiện các nội dung trọng tâm, cốt lõi liên quan đến những vấn đề nổi cộm, phát sinh trong hoạt động tôn giáo. Việc lựa chọn nội dung để xây dựng kế hoạch thanh tra căn cứ vào thực tiễn hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, theo yêu cầu của người đứng đầu, yêu cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo và diễn biến của hoạt động tôn giáo quốc tế, khu vực, địa phương.
Bên cạnh đó, trong thực hiện hoạt động thanh tra cần tuân thủ quy trình, quy định của pháp luật về công tác này để vừa đảm bảo thực hiện quy định của pháp luật vừa phù hợp thực tế hoạt động tôn giáo theo hướng “thấu tình, đạt lý”.
Đối với kết luận thanh tra, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo và hoạt động tôn giáo cần công bố công khai để tổ chức cá nhân liên quan được biết và nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, cần lưu ý trong trường hợp cần thiết, nên nghiên cứu cẩn thận, kỹ lưỡng, cân nhắc đối với việc công bố, công khai kết luận thanh tra để đảm bảo những yếu tố thuộc về đặc thù của công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, cần đánh giá, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra đối với đơn vị, cá nhân liên quan trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động thanh tra chuyên ngành tôn giáo trong thời gian tới, ngoài những giải pháp nêu trên, tác giả đề xuất một số kiến nghị như sau:
Một là, cần quan tâm, bố trí cán bộ làm công tác thanh tra chuyên ngành tôn giáo nói chung và tiến hành các hoạt động thanh tra tôn giáo nói riêng không chỉ đảm bảo đủ phẩm chất, năng lực về quản lý nhà nước và pháp luật mà còn cần phải có sự am hiểu về tôn giáo ở mức độ nhất định nếu không muốn nói là phải hiểu chuyên sâu, có uy tín với tổ chức, cá nhân tôn giáo. Vậy nên, khi bố trí thành phần đoàn thanh tra tiến hành cuộc thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực tôn giáo, cần bố trí hợp lý số lượng cán bộ làm công tác tôn giáo với cán bộ chuyên trách thanh tra, cần phân công trưởng đoàn và thư ký là công chức chuyên ngành quản lý nhà nước về tôn giáo.
Hai là, linh hoạt giữa thanh tra, kiểm tra trong quản lý nhà nước về tôn giáo trong các trường hợp cụ thể cần thiết căn cứ vào tính chất, mức độ của vụ việc và diễn biến thực tế hoạt động tôn giáo mà tiến hành thanh tra hoặc kiểm tra. Nên tiến hành kiểm tra thường xuyên, trường hợp hết sức cần thiết phục vụ cho giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh mà có dấu hiệu rõ ràng về tính chất, mức độ vi phạm pháp luật và sự cần thiết nắm tình hình phục vụ cho công tác quản lý nhà nước thì thực hiện thanh tra để xử lý kịp thời. Trong thanh tra cần lồng ghép nhiều nội dung, phương pháp tiến hành khéo léo, cẩn trọng, nhẹ nhàng theo hướng giúp đỡ, hướng dẫn đối tượng.
Ba là, đối với xử lý phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cần vận dụng khéo léo, linh hoạt các quy định của pháp luật theo từng hành vi, tính chất, mức độ, nội dung vi phạm, để đảm bảo trật tự, kỷ cương cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, đấu tranh chống việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi hoặc thực hiện ý đồ cá nhân trái với thuần phong mỹ tục, giáo lý, giáo luật và pháp luật. Vậy nên cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành chế định cụ thể quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Bốn là, thường xuyên trao đổi, phổ biến kinh nghiệm trong công tác thanh tra chuyên ngành tôn giáo do hoạt động tôn giáo rất đa dạng có quy mô rộng với số lượng, đối tượng tham gia đông theo đặc trưng của từng tôn giáo, địa phương, vùng, miền. Cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo Trung ương, cơ quan thanh tra nội vụ nên làm đầu mối chia sẻ, tập huấn, phổ biến thông tin, kinh nghiệm trong công tác này.
Tóm lại, thanh tra đối với hoạt động tôn giáo là một lĩnh vực của thanh tra chuyên ngành. Để thực hiện hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực tôn giáo, bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên thì trọng tâm của công tác này cần tập trung trong việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ cán bộ có đủ tâm và tầm để đảm trách công tác thanh tra và hoàn thiện thể chế thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo cũng là nhiệm vụ quan trọng của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra chuyên ngành tôn giáo./.
Ths. Phạm Công Hiệp
Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP Hồ Chí Minh
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2010), Luật số 56/2010/QH12 Luật Thanh tra;
2. Quốc hội (2016), Luật số 02/2016/QH14 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo;
3. Chính phủ (2012), Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành;
4. Chính phủ (2012), Nghị định số 90/2012/NĐ-CP ngày 05/11/2012 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Nội vụ;
5. Chính phủ (2017), Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo;
6. Thanh tra Chính phủ (2014), Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra;
7. Bộ Nội vụ (2016), Thông tư số 04/2016/TT- BNV ngày 10/6/2016 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số nội dung về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực tôn giáo.