Hiện nay, hoạt động đối thoại đã và đang là một trong các biện pháp góp phần giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại. Mặc dù chưa có thống kê cụ thể các vụ việc khiếu nại hàng năm trong quá trình giải quyết có thực hiện đối thoại và không có số liệu tổng kết các cuộc đối thoại đã thực hiện thành công trong giải quyết khiếu nại, song, căn cứ các quy định của pháp luật, việc thực hiện đối thoại trong giải quyết khiếu nại đã đạt được một số kết quả nhất định.
Trên thực tế, nhiều lãnh đạo địa phương không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về đối thoại trong giải quyết khiếu nại; có tình trạng cán bộ giải quyết không sâu sát, không gần dân, không đối thoại với dân khiến cho sự việc trở nên phức tạp; nhiều trường hợp khiếu kiện kéo dài chỉ vì cán bộ giải quyết không cho người dân giãi bày những điều mà họ cho là oan ức; nhiều nơi vẫn còn tâm lý ngại, né tránh đối thoại với dân... Tuy vậy, cũng có nhiều vụ việc khiếu nại trong quá trình giải quyết có tổ chức đối thoại hoặc thực hiện các cuộc gặp gỡ có tính chất như đối thoại để làm rõ tình tiết vụ việc; có nhiều vụ việc qua đối thoại người dân trình bày hết nỗi oan ức và nghe giải thích có căn cứ, thấu tình, đạt lý nội dung sự việc thì họ thỏa mãn và không còn khiếu nại nữa...(1)
Một số hạn chế của hoạt động đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính hiện nay
Một là, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung còn có những hạn chế nhất định.
Cụ thể, tình hình khiếu nại, tố cáo đang diễn biến phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước; nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo năm trước chưa giải quyết xong lại phát sinh khiếu nại, tố cáo mới; một số địa phương khiếu nại, tố cáo giảm nhiều nhưng ở địa phương khác lại tăng mạnh; khiếu kiện đông người tiếp tục tăng, còn nhiều vụ việc khiếu nại kéo dài, người khiếu kiện có thái độ bức xúc, gay gắt, vượt cấp lên trung ương gây mất trật tự nơi công cộng. Trong khi đó, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế; một số bộ, ngành, địa phương xử lý đơn, thư còn chậm và để xảy ra sai sót; việc theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo sau khi chuyển đơn chưa đạt yêu cầu.
Trong khi đó, Thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; không thực hiện đúng quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; trình tự, thủ tục giải quyết còn thiếu sót; còn nhiều vụ việc không được tổ chức đối thoại; cá biệt một số trường hợp được giải quyết thiếu công tâm, vi phạm chính sách, pháp luật; không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, có trường hợp việc giải quyết không kịp thời, thiếu trách nhiệm dẫn đến người dân manh động, vi phạm pháp luật; đội ngũ công chức tham mưu còn hạn chế về năng lực, trình độ và thiếu kinh nghiệm.
Trong quá trình tổ chức đối thoại, người giải quyết khiếu nại chủ yếu nghe người khiếu nại trình bày ý kiến, nghe các cơ quan tham mưu, xác minh khiếu nại phát biểu ý kiến, sau đó đưa ra các chỉ đạo chung chung, hứa hẹn, vỗ về bà con mà không đi thẳng vào từng vấn đề cụ thể, dẫn đến không đạt được mục đích của đối thoại.
Hai là, công tác tuyên truyền pháp luật về khiếu nại đến với người dân chưa được thực hiện tốt.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người khiếu nại còn hạn chế nên tỉ lệ khiếu nại, tố cáo sai còn khá nhiều; nhiều vụ việc đã được giải quyết, đúng chính sách, pháp luật, có lý, có tình, đã kiểm tra, rà soát, trả lời, có văn bản chấm dứt thụ lý giải quyết khiếu nại, nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại kéo dài, thậm chí có những phản ứng tiêu cực, gây rối trật tự hoặc bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo, kích động tham gia khiếu kiện đông người, tiếp tay cho các đối tượng cơ hội chính trị, các thế lực thù địch chống phá Nhà nước.
Bên cạnh đó, trong quá trình đối thoại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền pháp luật, chưa xác định công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật là nhiệm vụ hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân, việc thực hiện đôi lúc còn mang tính hình thức.
Ba là, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cơ sở còn yếu và thiếu.
Thực tế cho thấy, ở một số nơi cán bộ tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thiếu, năng lực về chuyên môn nghiệp vụ còn yếu, trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, trong khi đó, người có thẩm quyền giải quyết lại có quá nhiều công việc, nên thời gian và công sức dành cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được nhiều dẫn đến nhiều vụ việc không được giải quyết kịp thời, chất lượng không cao, thậm chí có sai sót, vi phạm các quy định trong giải quyết khiếu nại, tố cáo(2). Tại một số địa phương, một số cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại chưa nắm vững các quy định của pháp luật nên việc tham mưu trong giải quyết khiếu nại chưa chính xác, dẫn đến tình trạng đơn thư chuyển lòng vòng, giải quyết không đúng thẩm quyền, chưa đúng trình tự, quy định của pháp luật làm cho khiếu kiện kéo dài, không được giải quyết dứt điểm.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng các cuộc đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, giải pháp về hoàn thiện pháp luật
Một là, sửa đổi, bổ sung quy định về thành phần tham gia đối thoại.
Để tháo gỡ khó khăn đối với những địa phương phát sinh nhiều khiếu nại (chủ yếu là ở các thành phố lớn) khi tổ chức đối thoại lần 2 cần thực hiện theo hướng: Đối với những vụ việc phức tạp, đông người, kéo dài, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, là điểm nóng trong khiếu nại, tố cáo thì người giải quyết khiếu nại lần 2 phải trực tiếp tiến hành đối thoại. Còn đối với những vụ việc khác, người giải quyết khiếu nại lần 2 được ủy quyền cho cấp phó hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại tổ chức đối thoại. Người được ủy quyền phải báo cáo với người giải quyết về kết quả đối thoại và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tiến hành đối thoại.
Hai là, ban hành quy định cụ thể trách nhiệm các chủ thể có liên quan tham gia đối thoại; bổ sung quy định về quyền yêu cầu đối thoại của người khiếu nại.
Cần quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức khác tham gia đối thoại trong giải quyết khiếu nại. Bên cạnh đó, nên bổ sung quy định về quyền yêu cầu đối thoại của người khiếu nại. Trên cơ sở đó, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có nghĩa vụ tổ chức đối thoại và có trách nhiệm tham gia đối thoại trực tiếp.
Ba là, quy định chi tiết một số vấn đề về trình tự, thủ tục đối thoại và nghiên cứu bổ sung quy định về giá trị pháp lý của biên bản đối thoại.
Luật Khiếu nại quy định về tổ chức đối thoại lần đầu và lần hai, trong đó lần đầu là tùy nghi, lần hai là bắt buộc đối thoại. Tuy nhiên, trong trường hợp người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần đầu cũng là người bị khiếu nại thì cần phải sửa đổi, bổ sung quy định này cho phù hợp. Cần có quy định về nội dung đối thoại cụ thể, chặt chẽ hơn, nhất là những vấn đề về nội dung, kết quả đối thoại; thời hạn giải quyết; cơ quan nào giải quyết; biên bản cuộc đối thoại; trách nhiệm của người chủ trì đối thoại...
Cần bổ sung quy định về giá trị pháp lý trực tiếp của biên bản đối thoại trong trường hợp các bên hoàn toàn đồng thuận với phương án giải quyết khiếu nại chung được đưa ra. Quyết định giải quyết khiếu nại chỉ ghi nhận chính thức kết quả đối thoại này. Các bên có trách nhiệm thực hiện đúng thỏa thuận đã đạt được.
Bốn là, điều chỉnh linh hoạt hơn quy định về số lần tổ chức đối thoại trong suốt quá trình giải quyết vụ việc khiếu nại; sửa đổi quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại cho phù hợp với thực tế.
Theo đó, vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành nhưng bổ sung quy định cho phép người giải quyết khiếu nại được tổ chức đối thoại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết mà người giải quyết cảm thấy cần thiết. Quy định này sẽ tạo thêm sự chủ động cho người giải quyết khiếu nại đồng thời cũng bảo đảm tính linh hoạt của hoạt động hành chính nói chung và hoạt động giải quyết khiếu nại nói riêng.
Đối với những vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, cần có quy định kéo dài hơn về thời hạn giải quyết để người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tổ chức xác minh, giám định các vấn đề liên quan, góp phần vào sự thành công của hoạt động đối thoại, giúp cho giải quyết khiếu nại thấu tình, đạt lý tiến tới chấm dứt vụ việc khiếu nại.
Thứ hai, giải pháp về tổ chức thực hiện
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về khiếu nại đối với người dân, cán bộ, công chức nhằm nâng cao nhận thức về công tác giải quyết khiếu nại nói chung và ý nghĩa của đối thoại trong giải quyết khiếu nại nói riêng
Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục; phương pháp, nội dung phải phù hợp với từng nhóm đối tượng, vùng miền khác nhau.
Hai là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Trước thực trạng vi phạm về công tác giải quyết khiếu nại hiện nay, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc thanh tra trách nhiệm phải chỉ ra được trách nhiệm cá nhân của từng chủ thể có liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, đâu là trách nhiệm của người giải quyết, đâu là trách nhiệm của cơ quan thẩm tra, xác minh. Đối với trách nhiệm của người giải quyết khiếu nại, cần tập trung vào những nhiệm vụ: Tiếp công dân định kỳ, tổ chức đối thoại, ban hành quyết định giải quyết, tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật… qua đó có cơ sở để đánh giá chính xác trách nhiệm của người giải quyết khiếu nại.
Ba là, thực hiện tốt công tác tiếp công dân ngay tại cơ sở; nâng cao chất lượng, tỷ lệ giải quyết khiếu nại
Để làm tốt công tác tiếp công dân ngay tại cơ sở, các cấp, các ngành cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bố trí đủ cán bộ có năng lực, trình độ làm công tác tiếp công dân.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng, tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại hành chính, cần có các giải pháp đồng bộ, trong đó người đứng đầu trực tiếp đối thoại với người khiếu nại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người khiếu nại là giải pháp quan trọng cần phải thực hiện. Trong quá trình giải quyết, có thể ở các khâu thẩm tra, xác minh còn sai sót nên việc trực tiếp đối thoại với người khiếu nại sẽ giúp người giải quyết khiếu nại có được thông tin đa chiều, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập có thể xảy ra trong quá trình giải quyết.
Trong quá trình đối thoại, cần tuân thủ một số kỹ năng sau:
(1) Hạn chế dùng những từ ngữ mang tính phủ định sạch trơn, ví dụ “Không”, “Sai rồi”, “Tôi không đồng ý”, “Không phải vậy”, “Vô lý”, “Không đúng”, “Tôi phản đối”… Những người tham gia đối thoại khi thấy ý kiến, quan điểm của phía kia nêu ra nếu cảm thấy nó không đúng, chưa đồng tình…. thì cần bĩnh tĩnh và hỏi thêm thông tin, dữ kiện, đề nghị người kia nói rõ hơn, giải trình về quan điểm, ý kiến của họ, làm rõ vì sao họ lại đưa ra phát ngôn, thông tin như vậy hoặc chấp nhận một phần quan điểm, ý kiến của người đưa ra bằng cách bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông với họ rồi khéo léo đưa quan điểm, lý lẽ của mình vào.
(2) Tuyệt đối tránh việc tìm những điểm bất đồng để công kích, tranh luận, phê phán. Thay vào đó, các bên tham gia đối thoại phải cố gắng để trao đổi nhiều hơn về những điểm chung, những điểm đồng thuận. Đây chính là cơ sở để tạo sự thân thiện, chân thành, niềm tin lẫn nhau trước khi đề cập đến những vấn đề khác biệt. Những người tham gia đối thoại nên bắt đầu bằng câu nói “Đồng ý”(3) trước khi đi sâu thảo luận những vấn đề khác. Những câu nói như: “Tôi đồng ý với bạn tuy nhiên ở đây có chỗ này tôi thấy chưa ổn?” Hay “Giải pháp mà ông (bà) đưa ra tôi đồng ý nhưng tại sao chúng ta không cùng nhau xem xét thêm một vài giải pháp khác như là…”
(3) Lắng nghe không chỉ bằng tai mà phải bằng con tim: Đối thoại là một tiến trình gồm có ba phần: nói, nghe và thông cảm. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại bằng quá trình tiếp nhận thông tin từ các bên phải thực sự thấu hiểu những khó khăn, những tổn thất hay những lợi ích sẽ mất đi mà người khiếu nại, người bị khiếu nại có thể gặp phải trước khi đưa ra hướng giải quyết.
Ngược lại, người khiếu nại, người bị khiếu nại cũng phải thấu hiểu lẫn nhau về những vướng mắc, những khó khăn mà mỗi bên đang phải đối mặt đề từ đó có thể có những nhân nhượng, chấp nhận sự khác biệt trong quan điểm, nhận thức để đi đến một hướng giải quyết tối ưu nhằm kết thúc hay chấm dứt đối thoại.
(4) Cần có thêm nhân tố trung lập trong đối thoại: Hiện theo quy định của pháp luật khiếu nại thì những người tham gia đối thoại bao gồm: Người giải quyết khiếu nại, người khiếu nại hoặc người đại diện, người được ủy quyền, luật sư, trợ giúp viên pháp lý của người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan. Việc có thêm một nhân tố trung lập hoàn toàn không có quyền lợi, lợi ích gì liên quan đến các chủ thể tham gia đối thoại theo quy định sẽ là một chìa khóa, một giải pháp hữu hiệu để đưa các cuộc đối thoại đến đích. Đó chính là mô hình đối thoại đa chủ thể gần đây được giới nghiên cứu đề cập đến và đã từng được tiến hành trong thực tế(4). Thực hiện đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính nên mở rộng thành phần tham gia bao gồm có thể đó là các tổ chức xã hội, hội đoàn (Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội nông dân…), các cá nhân có uy tín, chuyên môn tham gia đối thoại.
Bốn là, tiếp tục nhân rộng và thực hiện Chương trình phối hợp giữa MTTQ Việt Nam, các cơ quan chức năng về giám sát nhằm nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình phối hợp số 01-CTPH/MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS ngày 11/11/2014 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở . Trong đó, cần đánh giá hiệu quả và tiếp tục triển khai tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương và mở rộng tại một số tỉnh, thành phố nhằm tăng cường sự tham gia của luật sư và giám sát của các tổ chức đoàn thể đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm hạn chế hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Năm là, trong từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào cấp hành chính hoặc tính chất, mức độ của vụ việc để phân công người có trách nhiệm thực hiện đối thoại
Ở những cơ quan hành chính trực tiếp tiếp xúc và giải quyết việc của dân thì nên quy định đối thoại như là thủ tục bắt buộc. Riêng đối với người đứng đầu cơ quan quản lý theo ngành và lĩnh vực (cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương) hoặc những người đứng đầu chính quyền địa phương (Chủ tịch UBND cấp tỉnh) thì cần có quy định cho phép ủy quyền cho cấp phó của mình, người trực tiếp phụ trách công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện đối thoại với người khiếu nại nhằm “giảm tải” cho người đứng đầu đồng thời mà vẫn bảo đảm chất lượng cũng như giá trị pháp lý của đối thoại.
Người trực tiếp đối thoại (người có thẩm quyền giải quyết hoặc cấp phó) phải là người ký quyết định giải quyết khiếu nại sau đó. Dù ai ký quyết định giải quyết thì đó cũng phải được coi là người có thẩm quyền giải quyết, không phân biệt đó là người đứng đầu hay cấp phó của người đứng đầu.
Đối với những vụ việc phức tạp, đông người, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, qua nhiều thời gian, người giải quyết khiếu nại lần hai bắt buộc phải tiến hành đối thoại để đưa ra quyết định giải quyết vụ việc hoặc chỉ đạo giải quyết vụ việc. Như thế, sẽ đảm bảo cho việc giải quyết khiếu nại được thực hiện một cách kịp thời và khách quan, công khai, dân chủ. Cũng cần nói thêm rằng, kết quả đối thoại là việc tìm ra các hướng đi, giải pháp cho tranh chấp hành chính mà thôi./.
Ths. Trần Tuấn Mẫn
Cục II, Thanh tra Chính phủ
Chú thích:
(1) Tổng hợp từ việc phỏng vấn một số chuyên gia trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo.
(2) Đánh giá của Ủy ban Pháp luật thuộc Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước tại Báo cáo số 2804/BC-UBPL13 ngày 14/11/2014.
(3) “Đồng ý” ở đây mang tính kĩ xảo tâm lý như là một sự chia sẻ, đồng cảm với những gì người khác vừa phát ngôn chứ không có nghĩa là tán thành hay chấp nhận quan điểm của họ.
(4) Xem “Cẩm nang hướng dẫn Mô hình đối thoại đa chủ thể trong giải quyết khiếu kiện đất đai ở Việt Nam”, NXB Hồng Đức, 2015.