Góc nhìn về công khai, minh bạch với quyền bí mật thông tin

Thứ sáu, 15/05/2020 14:14
(ThantraVietNam) - Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình là những công cụ hỗ trợ đắc lực cho sự kết nối và chia sẻ trong mô hình Nhà nước hiện đại. Kết nối và chia sẻ ở đây được cụ thể hóa bằng các giải pháp góp phần sáng tỏ, thông suốt thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước cũng như giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thông tin được dễ dàng tiếp cận và lan tỏa kéo theo không ít những hệ lụy. Kỷ nguyên công nghệ và số hóa dường như đang khiến vấn đề bảo mật thông tin trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Câu hỏi đặt ra là có hay không sự xung đột pháp luật giữa công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình với quyền bí mật thông tin, cụ thể trong bối cảnh Việt Nam hiện nay?

Xung đột pháp luật giữa công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và quyền bí mật đời tư, bí mật thông tin cá nhân về tài sản

Pháp luật thực định tồn tại nhiều dạng thông tin thuộc phạm trù bí mật cá nhân được Nhà nước bảo vệ như bí mật thư tín, điện tín, điện thoại; bí mật gia đình, bí mật đời sống riêng tư… Trong số đó, vấn đề nhạy cảm nhất khi va chạm với quy định công khai, minh bạch, giải trình là bí mật thông tin tài sản. 

Mặc dù pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới không quy định trực tiếp về việc thông tin tài sản thuộc phạm trù bí mật của cá nhân, nhưng thực tế chứng minh rằng đây là một trong những loại thông tin quan trọng nhất mà con người không muốn tiết lộ. Nếu một chuyên gia tài chính được hỏi về bí mật của sự giàu có, họ sẽ trả lời rằng: Thực ra chẳng có bí mật nào cả, sự giàu có là kết quả của quá trình làm việc chăm chỉ, sống dưới nhu cầu và tiết kiệm từng đồng xu. Nhận định này nói lên một mâu thuẫn thú vị trong thực tế: Nhiều người giàu có trên thế giới hiện nay có một cuộc sống giản dị, thậm chí đạm bạc. Có vẻ vô lý khi những người có rất nhiều tiền lại không thích tiêu tiền. Tuy nhiên, điều này có thể được giải thích bằng nhiều nguyên nhân: Một phần, khi đã sở hữu khối tài sản khổng lồ, giá trị mà người ta quan tâm không còn bó hẹp trong vấn đề vật chất. Một nguyên nhân khác quan trọng hơn đó là, phần lớn con người không muốn người khác biết họ có bao nhiêu tiền, sở hữu bao nhiêu loại tài sản. Luận điểm này trở nên thuyết phục hơn đối với những người mà sự giàu có của họ không thuyết phục được niềm tin của xã hội . Ở Việt Nam, có thể ít ai hoài nghi về gia sản của Bill Gates, Warren Buffet hay gần hơn là ông chủ tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng. Nhưng không ít người đặt dấu hỏi về sự giàu có của một công chức, viên chức cấp xã ở địa bàn mình đang sinh sống. Tài sản của cán bộ, công chức nhà nước chính là điểm đến đầu tiên của xung đột pháp luật: Minh bạch hay bảo vệ bí mật tài sản?

Minh bạch tài sản của cán bộ, công chức luôn là vấn đề được xã hội quan tâm. Theo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) 2018, những đối tượng sau đây có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập: Cán bộ, công chức; sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Trước khi ban hành Luật PCTN 2018, việc tổng kết 10 năm thi hành pháp luật về PCTN cho thấy, việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức chưa thật sự hiệu quả. Các bản kê khai còn mang tính hình thức, chưa giúp cho các cơ quan chức năng kiểm soát được biến động về tài sản của người kê khai. Trong 4.859 trường hợp kê khai trong 10 năm (2006 - 2016), Chính phủ phát hiện và xử lý 17 người kê khai không trung thực; năm 2017 xác minh được 78 trường hợp, xử lý 05 người vi phạm về kê khai và 8 tháng đầu năm 2018 xác minh được 44 trường hợp, phát hiện được 06 người có hành vi vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập(*). Công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức là công cụ quan trọng góp phần tăng cường tính liêm chính của bộ máy nhà nước, gia tăng khả năng giám sát, phòng ngừa các hành vi làm giàu bất chính của những người có chức vụ… Tuy nhiên, thực tế triển khai không hiệu quả của hoạt động này ở Việt Nam có thể được lý giải một phần chính bởi công cụ này xung đột với quyền bí mật thông tin cá nhân, làm ảnh hưởng thậm chí xâm phạm đời sống riêng tư của chủ sở hữu tài sản.

leftcenterrightdel
Hội thảo về Kiểm soát xung đột do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Việt Nam (năm 2016) 

Ở một quốc gia chịu ảnh hưởng bởi văn minh lúa nước, tính chất cộng đồng làng xã vốn đã là nét đặc trưng trong lịch sử dân tộc Việt Nam, thể hiện qua câu ngạn ngữ: “Chuyện trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông” đã được bao đời người dân thừa nhận và coi như lẽ thường tình trong cuộc sống. Tuy nhiên, sự cởi mở, giao thoa văn hóa, hệ quả tất yếu của thời kỳ hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa đã thay đổi đáng kể tư duy của người Việt Nam. Quyền riêng tư, đặc biệt về thông tin tài sản, thu nhập ngày càng được quan tâm và đề cao trong xã hội ngày nay.

Có một thực tế là trong nhiều trường hợp, lý do khiến người công chức giàu có lên hoàn toàn không phải bất minh. Tài sản biến động tăng thêm có thể đến từ những lý do rất bình thường. Ví dụ, của cải, tài sản do người khác (bố mẹ, ông bà) tặng cho, để lại (đặc biệt là đất đai, bất động sản); hoặc trong gia đình, chồng/hoặc vợ của người công chức có một hoặc nhiều hoạt động kinh doanh riêng… Chứng minh tính minh bạch của tài sản, thu nhập trong những trường hợp này có thể không quá khó khăn. Điều cần bàn ở đây là Luật PCTN 2018 quy định rằng bản kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị làm việc. Điều đó đồng nghĩa tất cả mọi người trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, đều có thể biết được biến động tài sản tăng thêm của người công chức đó. Việc cán bộ, công chức “tự dưng giàu lên” phải có nghĩa vụ kê khai tường tận tài sản của mình với tập thể cơ quan, thực sự đưa người đó vào tình thế khó xử. Quyền bí mật đời tư, ở đây là lĩnh vực tài sản, vốn vẫn luôn được ghi nhận như một quyền hợp pháp, chính đáng được pháp luật bảo vệ, đã mâu thuẫn với trách nhiệm công khai, minh bạch, giải trình của cán bộ, công chức và những đối tượng có nghĩa vụ khác theo Luật PCTN.

Xung đột pháp luật giữa công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và bí mật thông tin nhà nước

Ngoài bí mật thông tin cá nhân, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn tồn tại mâu thuẫn với một nội dung khác trong hệ thống pháp luật hiện nay: Đó là bí mật thông tin nhà nước. Mục đích của các công cụ nêu trên trong quản lý hành chính là làm cho người dân có thể biết và hiểu Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ gì, từ đó đánh giá, kiểm soát tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lý của hoạt động các cơ quan từ trung ương đến địa phương. Ngày nay, người dân trông đợi ngày một nhiều hơn vào Nhà nước ở góc độ cung cấp dịch vụ hành chính (dịch vụ công). Sự hài lòng của khách hàng (ở đây là người dân) phụ thuộc cơ bản vào mức độ công khai, minh bạch trong hoạt động của bên cung cấp dịch vụ.

Trong bối cảnh Nhà nước không ngừng đẩy mạnh nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, các nhà lập pháp Việt Nam không quên đặt ra những rào cản nhất định ngay từ cấp độ thể chế. Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước số 29/2018/QH14 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020 là một ví dụ. Điều 7 của Luật này truyền tải thông điệp mà nhiều người quan tâm nhất, đó là “phạm vi bí mật nhà nước”. Những nội dung thể hiện tại Điều này dường như xung đột đáng kể với chủ trương về một Nhà nước phát huy tính công khai, minh bạch, giải trình trong kế sách và hành động của mình. Cụ thể, Khoản 5 (thông tin về kinh tế), điểm c (thông tin về công nghiệp, thương mại, nông nghiệp và phát triền nông thôn); điểm đ (thông tin về quá trình xây dựng quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn); hay Khoản 6 (thông tin về tài nguyên và môi trường bao gồm tài nguyên nước, môi trường, địa chất, khoáng sản, khí tượng thủy văn, đất đai, biển, hải đảo, đo đạc và bản đồ) được cho là những nội dung nhạy cảm. Hoặc những nội dung liên quan đến mục tiêu tăng cường liêm chính, phòng chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước cũng thuộc dạng nhạy cảm, chẳng hạn như Khoản 13 (thông tin về tổ chức cán bộ); Khoản 14 (thông tin về thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN).

Theo quan điểm của tác giả, bí mật Nhà nước là vấn đề mang tính tất yếu khách quan. Pháp luật ở bất cứ quốc gia nào cũng quy định về bí mật Nhà nước. Việc tiếp cận và giải quyết vấn đề này có thể thực hiện theo những cách sau đây:

Một là, pháp luật liệt kê và quy định rõ những nội dung thuộc phạm trù bí mật nhà nước. Cách quy định này cần được ngầm hiểu là những thông tin nếu không nằm trong danh mục trên hoàn toàn có thể công khai, minh bạch, giải trình cho người dân được biết.

Hai là, theo chiều ngược lại, pháp luật liệt kê những loại thông tin, nội dung mà Nhà nước chủ trương sẵn sàng cung cấp, công khai, minh bạch, giải trình, cho phép người dân tra cứu, tiếp cận, sử dụng. Cách quy định này được ngầm hiểu là những thông tin nếu không nằm trong danh mục trên sẽ hoàn toàn nằm trong phạm trù bí mật Nhà nước.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam đang đi theo cách tiếp cận thứ nhất. Do Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước chưa chính thức có hiệu lực nên vấn đề này hiện vẫn còn đang bỏ ngỏ. Tuy nhiên, xung đột pháp luật giữa công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và bí mật thông tin Nhà nước có vẻ như đã nảy sinh ngay ở cấp độ thể chế chính sách.

Nhìn chung, hai khái niệm được đưa ra phân tích trong bài viết này chứa đựng những mâu thuẫn ngay ở bản chất của chúng: Một bên là “quyền” (bí mật thông tin) còn bên kia là “trách nhiệm, nghĩa vụ” (công khai, minh bạch, giải trình). Việc quyền song hành với nghĩa vụ trong cùng một chủ thể không hoàn toàn xa lạ trong khoa học pháp lý. Ngay cả việc giữa hệ thống các quyền và nghĩa vụ có chứa đựng những yếu tố xung đột, mâu thuẫn cũng là điều khó tránh khỏi. Quyền bí mật thông tin phải được tôn trọng, bảo vệ vì đó là quyền cơ bản của con người. Nhưng công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình cũng là những đòi hỏi tất yếu của quản trị công thời buổi hiện đại. Sự tồn tại các mặt đối lập là vấn đề phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, nguồn gốc và động lực của sự phát triển chính là mâu thuẫn và việc giải quyết mâu thuẫn nội tại trong bản thân mỗi sự vật, hiện tượng (phép biện chứng duy vật theo triết học Mác - Lênin).

Xung đột pháp luật đưa ra bàn luận trong bài viết này không nhằm hướng đến việc cổ súy hay bác bỏ. Bởi cả hai thuật ngữ, thậm chí sự xung đột giữa chúng đều mang ý nghĩa quan trọng và cần thiết trong đời sống pháp lý. Giải quyết xung đột một cách tinh tế, hợp lý chính là chỉ số đánh giá thực hiện công việc (Key performance indicator - KPI) quan trọng thúc đẩy việc nâng cao năng lực lập pháp và quản trị của Nhà nước nói riêng cũng như hệ thống chính trị nói chung.

Ths. Nguyễn Phương Vy

Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, TTCP

 

Chú thích:

(*) Báo cáo số 461/BC-CP ngày 18/10/2017 của Chính phủ về công tác PCTN năm 2017 và Báo cáo số 354/BC-CP ngày 30/8/2018 của Chính phủ về công tác PCTN năm 2018.


Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra