Khái quát về hình phạt theo pháp luật hình sự Việt Nam
Trong pháp luật hình sự Việt Nam, khái niệm hình phạt được quy định lần đầu tiên tại Điều 26 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Theo đó, khái niệm hình phạt được hiểu là “biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội. Khung hình phạt được quy định trong Bộ luật Hình sự và sẽ do Toà án quyết định mức hình phạt cụ thể”. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm chủ thể là pháp nhân thương mại. Theo đó, khái niệm hình phạt được luật định như sau: “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật hình sự, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó”.
Hệ thống hình phạt chia làm hai loại là: Hình phạt chính gồm hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân và tử hình) và hình phạt bổ sung gồm: hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; quản chế; cấm cư trú; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền và trục xuất). Trong hệ thống các hình phạt trên, có 2 loại hình phạt trục xuất và phạt tiền vừa là hình phạt chính, vừa là hình phạt bổ sung.
Thực trạng quy định về hình phạt trong pháp luật hình sự Việt Nam
Nghiên cứu pháp luật hình sự Việt Nam cho thấy, các quy định pháp luật về hình phạt ngày càng đổi mới, hoàn thiện theo hướng thể hiện rõ tư tưởng nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với cá nhân và pháp nhân phạm tội. Bộ luật HLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) tiếp tục đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, tôn trọng và bảo đảm thực thi quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, hệ thống hình phạt, trong đó các hình phạt chính được sắp xếp theo một trật tự nhất định từ hình phạt nhẹ đến hình phạt nặng, từ hình phạt ít nghiêm khắc đến hình phạt nghiêm khắc nhất. Mặt khác, trong các hình phạt khác nhau có nhiều hình phạt không tước tự do, điều đó thể hiện được tư tưởng nhân văn pháp luật hình sự của nhà nước ta là đi từ cải tạo, giáo dục tới trừng trị nghiêm khắc đối với người phạm tội. Hình phạt, về bản chất không phải là sự trả thù của Nhà nước đối với người phạm tội mà mục đích chính của hình phạt là giáo dục, cải tạo người phạm tội trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội.
Từng hình phạt khác nhau cũng có sự thay đổi về nhận thức và áp dụng theo xu hướng chung là mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt ít nghiêm khắc, đồng thời hạn chế phạm vi áp dụng các hình phạt nghiêm khắc. Cụ thể, BLHS hiện hành tiếp tục thể chế hóa chủ trương hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt không tước tự do đối với người phạm tội. Theo đó, hình phạt tiền được mở rộng khả năng áp dụng là hình phạt chính không chỉ đối với người phạm tội ít nghiêm trọng (như quy định của BLHS năm 1999) mà còn được áp dụng ngay cả đối với người phạm các tội nghiêm trọng. Riêng đối với nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường thì hình phạt tiền còn có thể áp dụng đối với một số tội rất nghiêm trọng. Bên cạnh đó, BLHS còn sửa đổi hình phạt cải tạo không giam giữ theo hướng tăng cường tính cưỡng chế nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục của loại hình phạt này. Ngoài ra, đối với hình phạt tù, BLHS khẳng định nguyên tắc không áp dụng hình phạt tù đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý, theo đó, tại Phần các tội phạm, số lượng các điều, khoản không quy định hình phạt tù tăng từ 6 khoản lên 31 khoản so với quy định của BLHS năm 1999.
Thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự thời gian qua cho thấy, mặc dù vẫn khá coi trọng tính trừng trị, tuy nhiên, những hình phạt đã tuyên cho thấy xu hướng nhân đạo, nhân văn và hướng thiện đã thể hiện rất rõ. Có thể minh chứng bằng số liệu áp dụng pháp luật hình sự về hình phạt chính tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2013-2017 dưới đây:
Số liệu trên cho thấy, trong giai đoạn 2013-2017, hình phạt tử hình áp dụng đối với người phạm tội đã có xu hướng giảm đáng kể. Từ chỗ áp dụng cho 60 người phạm tội năm 2013 thì đến năm 2017 chỉ áp dụng cho 15 người, đặc biệt năm 2016 chỉ áp dụng cho 7 người phạm tội. Năm 2013, hình phạt này chiếm tỷ lệ 2,07% trong tổng số người phạm tội, thì đến năm 2017 chỉ chiếm 0,68%, thậm chí năm 2016 hình phạt này chỉ chiếm 0,34% trong tổng số người phạm tội.
Xu hướng nhân đạo và hướng thiện cũng được thể hiện khá rõ trong việc áp dụng hình phạt tù chung thân. Theo đó, năm 2013, số lượng người bị xử phạt tù chung thân là 64 người chiếm tỷ lệ 2,21%. Những năm sau đó, số lượng đã giảm đáng kể và tỷ lệ của loại hình phạt này trong tổng số người phạm tội cũng có xu hướng giảm. Năm 2014 chỉ có 33 người bị xử phạt tù chung thân, giảm gần 50% so với năm 2013 và chỉ chiếm 1,25% tổng số người phạm tội. Các năm 2015, 2016 mỗi năm chỉ có 22 người phạm tội bị xử phạt tù chung thân và đến năm 2017, số lượng người phạm tội bị xử phạt tù chung thân có tăng, nhưng không đáng kể, là 27 người và chiếm tỷ lệ 1,22% trong tổng số người phạm tội.
Trong khi các hình phạt nặng như chung thân và tử hình có xu hướng ít được áp dụng hơn thì các hình phạt nhẹ như phạt tiền, cải tạo không giam giữ và phạt tù cho hưởng án treo lại ngày càng được các tòa án áp dụng nhiều hơn. Hình phạt tiền năm 2013 chỉ được áp dụng cho 4 người phạm tội (chiếm tỷ lệ 0,14%) thì đến năm 2017 đã tăng gấp đôi là 8 người, đặc biệt năm 2016 có tới 18 người được áp dụng hình phạt tiền, chiếm 0,86% số người phạm tội. Hình phạt cải tạo không giam giữ chỉ áp dụng cho 11 người năm 2013 (chiếm tỷ lệ 0,38%) thì năm 2017 đã áp dụng cho 22 người, chiếm tỷ lệ 0,99% trong tổng số người phạm tội. Đặc biệt, án treo, một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có thời hạn, một chế định thể hiện rất rõ xu hướng nhân đạo, nhân văn, hướng thiện của pháp luật hình sự thì tuy có giảm về số lượng qua các năm, nhưng tỷ lệ trong tổng số người phạm tội vẫn có xu hướng tăng nhẹ, từ 19,47% năm 2013 tăng lên 21,03% năm 2017.
Có thể thấy, xu hướng tăng cường áp dụng án treo là một xu hướng tích cực trong áp dụng pháp luật hình sự ở Việt Nam trong những năm gần đây. Có thể minh chứng bằng số liệu thống kê áp dụng án treo của tòa án nhân dân các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên giai đoạn 2007-2016 sau đây:
Theo bảng trên cho thấy, tỷ lệ bình quân được hưởng án treo của 12 tỉnh, thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên là 19,23%. Tỷ lệ này cao hơn so với tỷ lệ được hưởng án treo trong tổng số tội phạm của tỉnh Quảng Ninh là 18,26%. Đặc biệt là một số địa phương, như Kon Tum có tỷ lệ số người được hưởng án treo là 29,83%. Tỉnh Quảng Trị có số người được hưởng án treo trong tổng số người phạm tội là 26,90%. Tỉnh tiếp theo là Quảng Nam có tỷ lệ số người được hưởng án treo là 25,36%, sau đó là đến Quảng Ngãi với tỷ lệ 21,36% số người được hưởng án treo trong tổng số người phạm tội. Đây là một tỷ lệ khá lớn, cho thấy một xu hướng nhân đạo, nhân văn và hướng thiện thể hiện rất rõ ràng trong áp dụng pháp luật hình sự, khi tòa án đã tăng cường áp dụng biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện (án treo), để giúp người phạm tội không bị cách ly khỏi gia đình và xã hội; giúp họ có thể tự cải tạo trở thành người có ích ngay trong môi trường gia đình và xã hội.
Những vấn đề đặt ra
Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống quy định về hình phạt hiện hành ở nước ta còn thiếu nhiều chế định hình phạt mang tính tiến bộ của một số nước trên thế giới, làm giảm hiệu quả và tạo nên sự đơn điệu của hệ thống hình phạt. Cụ thể là:
Thứ nhất, pháp luật hình sự chưa có quy định hình phạt “Lao động bắt buộc” trong hệ thống hình phạt chính thay cho hình phạt “Cảnh cáo” và điều kiện để áp dụng hình phạt này tương tự như điều kiện áp dụng của hình phạt cảnh cáo: “được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt”. Hình phạt này tạo ra nghĩa vụ bắt buộc đối với người bị kết án bởi lẽ hình phạt “Cảnh cáo” không ràng buộc bất kỳ nghĩa vụ nào đối với người bị kết án sau khi bị tòa tuyên án.
Thứ hai, một số hình phạt trong luật hình sự Việt Nam vẫn còn mang tính trừng trị nhiều hơn giáo dục vẫn được Tòa án ưu tiên lựa chọn trong quyết định hình phạt là hình phạt tù có thời hạn mặc dù điều luật có thể cho phép áp dụng bằng hình phạt khác không phải hình phạt tù (cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ…) để thay thế. Sự quá nghiêng về hình phạt tù trong luật hình sự nước ta dẫn đến sự mất cân đối trong hệ thống hình phạt giữa các hình phạt tù và không phải hình phạt tù, làm tiền lệ không tốt cho việc Tòa án cân nhắc lựa chọn khi quyết định hình phạt, làm giảm hiệu quả của hình phạt và sự quá tải của hệ thống nhà tù. Do đó, cần thiết phải tăng cường áp dụng những hình phạt không phải hình phạt tù nhằm tạo sự cân đối trong hệ thống hình phạt và cá thể hóa trách nhiệm hình phạt và giảm áp lực cho các nhà tù. Ngoài ra, cần chú ý tới việc nghiên cứu xây dựng những khung hình phạt tù có giới hạn tối thiểu và tối đa thích hợp theo hướng rút ngắn khoảng cách giữa chúng nhằm tránh sự tùy tiện trong quyết định hình phạt của Tòa án.
Thứ ba, trong hệ thống hình phạt chính, các hình phạt khác (ngoài hình phạt tù) còn chiếm một tỷ trọng khá khiêm tốn trong từng điều luật về các tội cụ thể. Hơn nữa, các hình phạt này được quy định ở dạng lựa chọn với hình phạt tù mà chưa quy định độc lập với hình phạt tù. Việc quy định như vậy chưa mở ra khả năng áp dụng rộng rãi các hình phạt không phải hình phạt tù. Đối với một số tội trong BLHS hiện hành như tội không tố giác tội phạm, tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối… không nhất thiết phải quy định hình phạt tù mà chỉ cần quy định hình phạt như cảnh cáo, phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ là đủ nghiêm khắc, hiệu quả hình phạt vẫn đạt được.
Thứ tư, hình phạt tiền vẫn chưa được mở rộng và còn hạn chế bị áp dụng trên thực tế cũng như chỉ áp dụng như một hình phạt bổ sung mà ít chú trọng áp dụng như một hình phạt chính độc lập. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, pháp luật hình sự các nước như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản đều quy định hình phạt tiền là hình phạt được ưu tiên áp dụng trong chế tài lựa chọn so với hình phạt tù; có thể thay thế cho hình phạt tù trong một số trường hợp luật định.
Thứ năm, hình phạt tù chung thân trong luật hình sự Việt Nam cũng đặt ra nhiều vấn đề vướng mắc. Có quan điểm cho rằng cần quy định hình phạt tù chung thân chia thành hai loại, đó là tù chung thân có giảm án và tù chung thân không giảm án. Quan điểm này xuất phát từ việc không hợp lý trong vấn đề tổng hợp hình phạt theo điểm c khoản 1 Điều 55 Bộ luật hình sự năm 2015, theo đó “Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân” quy định này dựa theo nguyên tắc thu hút hình phạt, sẽ là bất hợp lý nếu trường hợp một người phạm nhiều tội và trong đó có một tội có mức hình phạt là tù chung thân.
Thứ sáu, hình phạt tử hình vẫn còn duy trì trong hệ thống hình phạt Việt Nam, điều này chưa hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của thế giới là giảm và tiến tới bỏ hình phạt tử hình do tính chất nhân đạo chung. Do đó, cần thiết loại bỏ hình phạt này ra khỏi hệ thống hình phạt Việt Nam theo lộ trình thích hợp. Vì trong tình hình xã hội hiện tại, để bảo vệ an ninh quốc gia, tăng cường trật tự kỷ cương pháp chế thì việc duy trì hình phạt này vẫn còn cần thiết.
Thứ bảy, hệ thống hình phạt bổ sung trong luật hình sự Việt Nam so với một số nước khá phong phú nhưng hiệu quả và tần suất áp dụng còn thấp vì bị xem là “hình phạt phụ”. Việc áp dụng một số hình phạt bổ sung vẫn còn vướng mắc. Việc áp dụng hình phạt bổ sung trong từng tội cụ thể còn mang tính tùy nghi chưa mang tính bắt buộc; do đó, cần quy định hình phạt bổ sung trong một số tội phải mang tính bắt buộc áp dụng. Ví dụ như các tội phạm về kinh tế, chức vụ và các tội xâm phạm hoạt động tư pháp thì bắt buộc phải áp dụng hình phạt bổ sung là “Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định”, các tội về tham nhũng thì bắt buộc áp dụng hình phạt “Tịch thu tài sản” để ngăn ngừa nguy cơ phạm tội mới tương tự cũng như nâng cao hiệu quả hình phạt.
Thứ tám, về thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự về hình phạt: Mặc dù hệ thống pháp luật hình sự nước ta ngày càng hoàn thiện nhưng thực tiễn áp dụng các quy định này còn nhiều hạn chế. Tình hình tội phạm từ khi BLHS năm 1999 có hiệu lực đến nay không ngừng gia tăng. Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm trong hơn 10 năm qua (từ năm 2000 đến năm 2012) luôn thể hiện xu hướng tăng. Nếu lấy số bị can của năm 2000 là 100%, thì số bị can bị điều tra, truy tố năm 2012 đã tăng lên gần 200%.
Như vậy, ngoài các nguyên nhân về xã hội cũng như những hạn chế của các cơ quan thi hành pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, một trong những nguyên nhân không kém phần quan trọng đó là những thiếu sót của hệ thống pháp luật, trong đó có các quy định của BLHS về hình phạt, cần phải được nghiên cứu, sửa đổi đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Một số giải pháp hoàn thiện chế định hình phạt trong BLHS Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, cần mở rộng nguồn của luật hình sự trong quá trình sửa đổi BLHS. Hiện nay có các phương án sửa đổi liên quan đến nguồn của luật hình sự đó là: (1) Giữ nguyên quy định của BLHS hiện hành, đồng thời bổ sung chế định tội phạm và hình phạt vào các văn bản pháp luật chuyên ngành trong quá trình ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật chuyên ngành đó; (2) BLHS chỉ quy định những vấn đề chung và các tội phạm mang tính truyền thống còn các tội phạm thuộc lĩnh vực nào thì chuyển sang quy định luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.
Thứ hai, quy định tội phạm và hình phạt trong các văn bản pháp luật chuyên ngành, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình áp dụng mà không cần phải có thêm văn bản hướng dẫn kèm theo. Cụ thể, những hành vi phát sinh trong những lĩnh vực “phi truyền thống” cần phải ngăn chặn kịp thời hoặc những hành vi được thực hiện bằng những thủ đoạn phạm tội mà quan điểm định tội còn nhiều khác biệt trong các cơ quan Tư pháp; Những hành vi phức tạp, đa dạng mà không thể quy định đầy đủ trong BLHS; Những hành vi phát sinh trong một số lĩnh vực chuyên ngành hẹp mà Nhà nước đã có luật riêng điều chỉnh; Những hành vi không ổn định, dễ phát sinh, thay đổi hoặc mất đi.
Thứ ba, nghiên cứu bỏ hình phạt cảnh cáo ra khỏi trong hệ thống hình phạt Việt Nam và thay bằng hình phạt lao động công ích bắt buộc. Bởi vì tính trừng trị, răn đe của hình phạt cảnh cáo rất thấp nên nếu áp dụng hình phạt này sẽ không đạt được mục đích phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung.
Thứ tư, BLHS Việt Nam cần quy định biện pháp cưỡng chế đối với người bị kết án trong trường hợp họ không nộp phạt đúng hạn nhằm bảo đảm khả năng thực thi của hình phạt tiền bằng việc áp dụng biện pháp cưỡng chế trong trường hợp người phạm tội không nộp tiền phạt đúng hạn; cân nhắc bổ sung quy định cho phép chuyển đổi loại hình phạt này thành hình phạt tù có thời hạn trong trường hợp người phạm tội không nộp tiền phạt...
Thứ năm, nghiên cứu giảm mức tối thiểu của hình phạt tù có thời hạn xuống dưới 3 tháng và mức tối đa chỉ là 15 năm (nếu phạm một tội), 20 năm (nếu phạm nhiều tội hoặc có sự chuyển đổi từ hình phạt tử hình). Với mức tối đa của hình phạt tù có thời hạn chỉ là 20 năm vừa đủ để trừng trị người phạm tội và răn đe, ngăn ngừa những người không vững vàng trong xã hội, góp phần khắc phục tình trạng quá tải trong các trại giam ở Việt Nam như hiện nay.
Thứ sáu, cần thiết quy định các hình phạt khác (không phải hình phạt tù) ở khía cạnh là hình phạt độc lập, không phải ở dạng lựa chọn với hình phạt tù trong một số trường hợp cụ thể, tạo điều kiện áp dụng hiệu quả trong thực tiễn.
Thứ bảy, tăng cường hướng dẫn áp dụng các quy định của BLHS hiện hành. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có rất nhiều điều luật thể hiện rõ tính nhân đạo và hướng thiện. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng, cần phải nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền áp dụng các quy định này.
Thứ tám, nâng cao đạo đức, trách nhiệm của các chủ thể áp dụng pháp luật. Áp dụng pháp luật hình sự là hoạt động của các chủ thể có thẩm quyền là cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án. Bên cạnh trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm công vụ của các chủ thể này giữ vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm tính nhân đạo và hướng thiện trong áp dụng pháp luật hình sự. Chỉ khi các chủ thể thực thi nhiệm vụ không vụ lợi, không sợ trách nhiệm; thực thi công vụ với lương tâm, trách nhiệm cao nhất của mình thì khi đó, tính nhân đạo và hướng thiện sẽ được thể hiện rõ nhất./.
Hoàng Công Hoàn
Viện kiểm sát nhân dân huyện Phù Cừ - tỉnh Hưng Yên
Tài liệu tham khảo
1. Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013;
2. Bộ luật Hình sự năm 2015.
3. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-06-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020.
4. Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2002;
5. Trần Hữu Nam, “Một số vấn đề từ thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình đối với tội giết người”, Tạp chí Kiểm sát, (số 3), năm 2004, tr. 31-34.
6. Nguyễn Ngọc Hòa chủ biên, Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam, Tập I, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, năm 2005;
7. TS. Đỗ Đức Hồng Hà, Bộ Tư pháp, thành viên đề tài “Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện quy định Phần chung của BLHS Việt Nam đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới" do TS. Nguyễn Văn Luật, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội làm chủ nhiệm (2014);
8. Báo cáo số: 241/BC-BCA ngày 03/6/2013 của Bộ Công an Tổng kết 03 năm (2008 - 2011) thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) trong Công an nhân dân.
9. TS. Nguyễn Văn Luật - “Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện quy định Phần chung của BLHS Việt Nam đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”, Đề tài NCKH cấp Bộ (2014);
10. Báo cáo số 3870/BQP-VPC ngày 07/12/2012 của Bộ Quốc phòng Tổng kết 11 năm thi hành Bộ luật Hình sự.;
11. Nguyễn Văn Khánh – “Hệ thống hình phạt trong luật hình sự Việt Nam từ góc độ so sánh với hệ thống hình phạt trong luật hình sự một số nước trên thế giới”, Tạp chí kiểm sát tháng 8 số 16 năm 2018 trang 54-62;
12. Phan Thị Bích Hiền - Tư tưởng nhân đạo sâu sắc - Giá trị cốt lõi của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) Tạp chí Khoa học giáo dục Cảnh sát nhân dân số 99.
13. Nguyễn Văn Bường, Chế định án treo theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn miền Trung và Tây nguyên, Luận án tiến sỹ luật, Học viện Khoa học xã hội, năm 2017, trang 160.
14. Nguyễn Thành Chung, Áp dụng hình phạt tù có thời hạn theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn tỉnh Quảng Ninh, Luận văn thạc sỹ luật học, Học viện Khoa học xã hội, 2018.