Mặc dù việc xử phạt VPHC được tiến hành theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ nhưng trong thực tế, việc ban hành các quyết định về xử phạt VPHC vẫn khó tránh khỏi sai sót. Do vậy, tại Khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý VPHC đã quy định về việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới về xử phạt VPHC trong trường hợp có sai sót. Đây là một trong những quy định mới của Luật Xử lý VPHC so với Pháp lệnh Xử lý VPHC trước đây nhằm bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý của quyết định về xử lý VPHC sau khi được ban hành, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong công tác xử lý VPHC, kịp thời khắc phục, sửa chữa những sai sót, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính và cá nhân, tổ chức khác có liên quan.
Cụ thể hóa quy định tại Khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý VPHC, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC đã quy định chi tiết một số nội dung liên quan như: Căn cứ thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ, ban hành mới các quyết định về xử phạt VPHC; thời hạn thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ, ban hành quyết định mới về xử phạt VPHC; hiệu lực, thời hạn, thời hiệu thi hành của quyết định sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ, quyết định mới về xử phạt VPHC; trách nhiệm và việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người có thẩm quyền ban hành quyết định về xử phạt VPHC có sai sót tại các Điều 6a, 6b, 6c, 6d và 6đ.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng các quy định của Luật Xử lý VPHC và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP, sau đây gọi chung là sửa đổi) về sửa đổi, bổ sung, đính chính hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới về xử phạt VPHC trong trường hợp có sai sót gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cần được nghiên cứu tháo gỡ.
Thứ nhất, về căn cứ thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ, ban hành mới các quyết định về xử phạt VPHC
Theo quy định tại điểm a Khoản 1 và Khoản 2 Điều 6a Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (sửa đổi), nếu quyết định về xử phạt VPHC có sai sót về kỹ thuật soạn thảo thì tùy từng trường hợp, có thể được xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc đính chính: Nếu sai sót về kỹ thuật soạn thảo làm ảnh hưởng đến nội dung của quyết định thì phải sửa đổi, bổ sung; nếu sai sót về kỹ thuật soạn thảo không làm ảnh hưởng đến nội dung của quyết định thì chỉ cần thực hiện việc đính chính.
Theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 6a và điểm a Khoản 2 Điều 6b Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (sửa đổi), nếu quyết định về xử phạt VPHC có sai sót về nội dung thì tùy từng trường hợp, có thể được xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ: Nếu sai sót về nội dung nhưng không làm thay đổi cơ bản nội dung của quyết định thì chỉ sửa đổi, bổ sung; nếu sai sót về nội dung làm thay đổi cơ bản nội dung của quyết định thì phải hủy bỏ.
Mặc dù Điều 6a và Điều 6b Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (sửa đổi) đã quy định các trường hợp sai sót khác nhau làm căn cứ để người có thẩm quyền, tùy từng trường hợp cụ thể có thể thực hiện việc đính chính hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ đối với quyết định về xử phạt VPHC có sai sót. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện trong thực tế, đã nảy sinh một số vấn đề khó khăn, vướng mắc xuất phát từ quy định tại Điều 6a và Điều 6b Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (sửa đổi), liên quan đến căn cứ sửa đổi, bổ sung quyết định về xử phạt VPHC, căn cứ hủy bỏ quyết định về xử phạt VPHC có sai sót và căn cứ ban hành quyết định mới về xử phạt VPHC.
Thứ hai, về phạm vi xem xét để xử lý quyết định xử phạt VPHC có sai sót
Phạm vi xem xét để xử lý quyết định xử phạt VPHC có sai sót là chỉ xem xét quyết định xử phạt VPHC hay phải xem xét toàn bộ hồ sơ, quá trình ban hành quyết định XPVPHC? Đây là vấn đề vướng mắc khiến cho người thực thi áp dụng pháp luật khá lúng túng. Hiện nay có 02 quan điểm khác nhau về vấn đề này. Có quan điểm cho rằng, khi thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ quyết định xử phạt VPHC, người có thẩm quyền chỉ cần xem xét quyết định xử phạt VPHC đã được ban hành xem có sai sót hay không để có biện pháp xử lý phù hợp. Trong khi đó, có quan điểm khác lại cho rằng, quyết định xử phạt VPHC là kết quả của quá trình thực hiện xử phạt VPHC, là hình thức biểu hiện của việc xử phạt VPHC. Do vậy, thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ quyết định xử phạt VPHC, người có thẩm quyền không chỉ xem xét quyết định xử phạt VPHC đã được ban hành mà cần phải xem xét toàn bộ hồ sơ vụ việc, cả quá trình xử phạt từ khi bắt đầu phát hiện hành vi vi phạm đến khi ban hành quyết định xử phạt xem có sai sót hay không để có biện pháp xử lý phù hợp.
Về vấn đề này, chúng tôi đồng tình với cách hiểu theo quan điểm thứ hai. Đối với nội dung áp dụng quy định pháp luật về xử phạt VPHC thì cần thiết phải rà soát, nghiên cứu, xem việc áp dụng các quy định về thẩm quyền xử phạt, về áp dụng chế tài xử phạt đối với hành vi VPHC xảy ra trong thực tiễn, việc áp dụng hình thức, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả có đúng quy định pháp luật không… Từ đó, mới có thể đánh giá một cách toàn diện, khách quan về diễn biến vụ việc vi phạm, đồng thời, kết luận chính xác về những sai sót (nếu có) trong quyết định xử phạt VPHC.
Thứ ba, về thẩm quyền thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành quyết định mới về xử phạt VPHC
Các quy định pháp luật hiện hành chưa thực sự rõ ràng, chưa có sự thống nhất, dẫn đến những cách hiểu khác nhau. Trong thực tế, rất khó khăn trong việc xử lý trường hợp cấp trên của người có thẩm quyền đã ban hành quyết định về xử lý VPHC có sai sót mà không có thẩm quyền xử lý VPHC. Chẳng hạn một số chức danh như Bộ trưởng, Giám đốc Sở - đây là các chức danh không có thẩm quyền xử lý VPHC nên không thể thực hiện được việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ quyết định về xử phạt VPHC của cấp dưới.
Để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp giữa các quy định về “sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới” của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (sửa đổi) và Luật Xử lý VPHC, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật theo hướng: Quy định rõ việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới quyết định về xử lý VPHC phải do chính người đã ban hành quyết định có sai sót trực tiếp thực hiện (trừ trường hợp thẩm quyền ban hành quyết định mới thuộc về người có thẩm quyền khác thì phải chuyển người có thẩm quyền), cấp trên của người đã ban hành quyết định có sai sót chỉ có quyền yêu cầu, đề nghị cấp dưới thực hiện.
Thứ tư, về trình tự, thủ tục thực hiện việc hủy bỏ, ban hành mới quyết định về xử phạt VPHC
Hiện nay, theo quy định pháp luật hiện hành, để chấm dứt hiệu lực của quyết định về xử phạt VPHC đã ban hành có sai sót và ban hành quyết định mới thay thế quyết định đã bị chấm dứt hiệu lực, phải trải qua 02 thủ tục, tương ứng với 02 thủ tục đó, người có thẩm quyền phải ban hành 02 loại quyết định, trước tiên là quyết định hủy bỏ quyết định về xử phạt VPHC có sai sót, sau đó là quyết định mới về xử phạt VPHC.
Chúng tôi cho rằng, việc ban hành 02 loại quyết định như vậy là không cần thiết, có thể nghiên cứu quy định trình tự, thủ tục đơn giản hơn. Theo đó, chỉ cần ban hành 01 loại quyết định: Quyết định mới về xử phạt VPHC, trong đó có nội dung về việc thay thế cho quyết định đã ban hành mà có sai sót.
Thứ năm, về thời hạn, thời hiệu thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ, ban hành mới các quyết định về xử phạt VPHC
Điều 6c Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) quy định: “Thời hạn thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ, ban hành quyết định mới về xử lý VPHC là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định...”. Trong thực tiễn thi hành cũng nảy sinh một số vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định này.
Nếu thời hạn ban hành quyết định xử phạt VPHC mới vẫn phải tuân theo quy định tại Điều 66 Luật Xử lý VPHC thì rất nhiều trường hợp không thể thực hiện được, vì tính đến thời điểm phát hiện ra sai sót, hầu hết nhiều trường hợp đã quá 07 ngày (hoặc 30 ngày, hoặc 60 ngày, tùy từng vụ việc) kể từ ngày lập biên bản VPHC.
Tương tự, thời hạn ban hành quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề mới cũng không cần phải tuân theo quy định tại Điều 125 Luật Xử lý VPHC. Tuy nhiên, vấn đề này cần phải được nghiên cứu, quy định cụ thể, rõ ràng trong Nghị định số 81/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung để có căn cứ áp dụng.
Việc định lượng để quy định một khoảng thời gian cụ thể trong bao lâu, kể từ khi phát hiện ra quyết định về XLVPHC sai sót, người có thẩm quyền xử lý VPHC phải thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ, ban hành quyết định mới về xử lý là khó khả thi, vì các vụ việc vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước rất đa dạng, không thể quy định cứng nhắc một khoảng thời gian cụ thể.
Chính phủ có thể nghiên cứu, bổ sung quy định về việc người có thẩm quyền ban hành quyết định mới về xử lý VPHC (nói chung và quyết định mới về xử phạt VPHC nói riêng) phải “kịp thời” thực hiện việc ban hành quyết định mới về xử lý VPHC khi phát hiện ra sai sót, tương tự như quy định về việc người có thẩm quyền phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính.
Quy định về “thời hạn” tại Điều 6c Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) hiện hành cần được nghiên cứu, chỉnh sửa thành quy định về “thời hiệu thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ, ban hành quyết định mới về XLVPHC” (vẫn giữ nguyên 01 năm) thì sẽ phù hợp hơn.
Thứ sáu, về sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ, ban hành quyết định mới về xử phạt VPHC trong trường hợp quyết định xử phạt VPHC đã hết thời hiệu thi hành
Căn cứ quy định tại Điều 74 Luật Xử lý VPHC, thời hiệu để cơ quan, tổ chức, cá nhân thi hành quyết định XPVPHC là 01 năm kể từ ngày ra quyết định xử phạt. Nếu quyết định XPVPHC đã hết thời hiệu thi hành thì không thi hành quyết định XPVPHC đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện thuộc loại cấm lưu hành, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp cần thiết để bảo vệ môi trường, bảo đảm giao thông, xây dựng và an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Do vậy, về mặt nguyên tắc, nếu trường hợp quyết định xử phạt vi phạm đã hết thời hiệu thi hành thì cơ quan, người có thẩm quyền không thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ, ban hành quyết định mới, vì việc sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ, ban hành quyết định mới lúc này không còn có ý nghĩa.
Tuy nhiên, trường hợp quyết định xử phạt VPHC có hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện thuộc loại cấm lưu hành, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp cần thiết để bảo vệ môi trường, bảo đảm giao thông, xây dựng và an ninh trật tự, an toàn xã hội thì cơ quan, người có thẩm quyền có thể xem xét thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ, ban hành quyết định mới thay cho quyết định xử phạt VPHC đã ban hành trước đó có sai sót nhưng chỉ liên quan đến nội dung về tịch thu tang vật, phương tiện thuộc loại cấm lưu hành, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thuộc trường hợp quy định tại Điều 74 Luật Xử lý VPHC. Trường hợp người có thẩm quyền Xử lý VPHC, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý VPHC gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Luật Xử lý VPHC.
Có thể nói, để bảo đảm tính minh bạch, thống nhất, đồng bộ trong các quy định pháp luật về sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ, ban hành quyết định mới quyết định về xử lý VPHC, chúng tôi xin đề xuất, kiến nghị Quốc hội nghiên cứu quy định cụ thể, rõ ràng hơn quy định tại Khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý VPHC, tránh những cách hiểu và áp dụng khác nhau; đồng thời, Luật hóa (và nghiên cứu quy định cụ thể hơn) một số quy định của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (sửa đổi) về vấn đề này./.
Ths. Nguyễn Hoàng Việt (Bộ Tư pháp)
Tài liệu tham khảo:
1. Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Cần quy định rõ cơ chế xử lý khi phát hiện quyết định XPVPHC có sai sót, truy cập ngày 26/7/2018, tại địa chỉ: http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=185. Lê Kim Chinh thực hiện 02/10/2015;
2. Nguyễn Phước Thọ (2014), “Một số vấn đề về quy trình gia hạn, thu hồi, hủy bỏ quyết định hành chính”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (Bộ Tư pháp), số chuyên đề 32 trang “Dự án Luật ban hành quyết định hành chính” tháng 12/2014;
3. Luật XLVPHC 15/2012/QH13.