Hoạt động công khai minh bạch gắn với quyền tiếp cận thông tin trong phòng, chống tham nhũng

Thứ ba, 23/05/2023 18:07
(ThanhtraVietNam) - Công khai, minh bạch đối với các hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước gắn với việc đảm bảo sự tham gia quản lý nhà nước và xã hội của nhân dân là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, là yêu cầu, biện pháp quan trọng góp phần ngăn ngừa tham nhũng. Để tiếp tục nâng cao hiệu của trong công tác phòng, chống tham nhũng trong những năm tới, một trong những biện pháp, yêu cầu cần phải đảm bảo là tăng cường việc công khai, minh bạch thông tin gắn với quyền tiếp cận thông tin của công dân theo pháp luật.

Hoạt động công khai minh bạch gắn với quyền tiếp cận thông tin trong phòng, chống tham nhũng được đảm bảo trong thực tiễn sẽ tạo điều kiện để người dân cũng như toàn xã hội tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, sẽ làm cho các công chức nhà nước có ý thức hơn trong việc thực hiện chức trách công vụ của mình theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền mà pháp luật quy định.

Những quy định về công khai, minh bạch, quyền tiếp cận thông tin đã được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật hiện hành: Vấn đề công khai, minh bạch được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 và các văn bản pháp lý liên quan; quyền tiếp cận thông tin của công dân được quy định trong Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Mặc dù các quy định về công khai, minh bạch, quyền tiếp cận thông tin đã được luật hóa và được hướng dẫn chi tiết nhưng thực tiễn thực hiện cho thấy pháp luật hiện hành về vấn đề này vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập cần khắc phục, nhất là những vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, như: Một số quy định vẫn còn khái quát, chưa cụ thể ảnh hưởng đến việc thực hiện pháp luật; việc công khai, minh bạch ở một số lĩnh vực như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất,… ở địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ, người dân ít được tiếp cận; quy trình cung cấp thông tin, danh mục thông tin bắt buộc công khai chưa có quy định rõ ràng; kiểm soát thủ tục hành chính chưa thật sự đảm bảo, nhiều bộ thủ tục hành chính chưa được ban hành cụ thể, kịp thời; công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, hoạt động của cơ quan mình (trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước) chưa được thực hiện nghiêm túc; nội dung, hình thức tiếp cận thông tin của người dân trong một số lĩnh vực vẫn chưa thật sự đảm bảo; trách nhiệm của các chủ thể trong thực hiện công khai, minh bạch thông tin, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; xác định nội dung, lĩnh vực nào cần công khai, minh bạch vẫn còn hạn chế,….

leftcenterrightdel
Hoạt động công khai minh bạch gắn với quyền tiếp cận thông tin trong phòng, chống tham nhũng 

Để hoạt động công khai, minh bạch gắn với quyền tiếp cận thông tin của công dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong những năm đến, các cấp ủy đảng, các cơ quan quan nhà nước và cá nhân, tổ chức liên quan cần phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt, kịp thời các giải pháp liên quan, trong đó tập trung một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng theo quy định của Trung ương và địa phương về công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó có nội dung quy định về công khai, minh bạch, quyền tiếp cận thông tin của người dân. Thực hiện có hiệu quả quy chế làm việc của các cấp ủy, chính quyền bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, dân chủ trong quản lý, lãnh đạo, điều hành và chấp hành của các cơ quan, tổ chức.

Thứ hai, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành kịp thời các quy định pháp luật về công khai, minh bạch, tiếp cận thông tin; cần chủ động hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định về công khai, minh bạch thông tin của các cơ quan hành chính nhà nước, quyền tiếp cận thông tin của công dân để người dân tích cực tham gia quản lý nhà nước, cụ thể liên quan đến một số nội dung như:

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, minh bạch hóa quá trình soạn thảo, trình, ban hành chính sách, pháp luật để ngăn chặn “lợi ích nhóm”; tiếp tục xác định những vấn đề, nội dung nào cần công khai, minh bạch, những nội dung nào không công khai, minh bạch gắn với cơ chế đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân và xử lý các vi phạm liên quan;…

Để đảm bảo mối quan hệ chặt chẽ giữa bảo vệ bí mật nhà nước với bảo đảm quyền tiếp cận thông tin cần phải xác định phạm vi bí mật nhà nước phù hợp để bảo vệ được các thông tin bí mật và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Đồng thời, khi xác định phạm vi thông tin bí mật cần tránh hai khuynh hướng: Xác định phạm vi bí mật nhà nước tràn lan, quá rộng, sẽ hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân, hạn chế việc mở rộng dân chủ, nhân quyền và có thể lợi dụng bí mật nhà nước để che giấu hành vi vi phạm pháp luật; hoặc nếu mở rộng quyền quyền tiếp cận thông tin theo hướng hoàn toàn tự sẽ dễ dẫn đến lộ, lọt, mất bí mật nhà nước, là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thu thập bí mật nhà nước và có thể gây ra những thiệt hại cho lợi ích quốc gia. Do đó, cần thiết phải lập danh mục thông tin bí mật cụ thể, các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật, thời hạn giải mật của thông tin.

Tăng cường tính công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước, các thông tin liên quan hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, của cơ quan nhà nước thì cần có các quy định danh mục thông tin bắt buộc phải công khai bao gồm những thông tin trong quá trình quản lý của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức; trình tự và thủ tục giải quyết công việc; về kết quả công việc để tạo cơ sở cho hoạt động giám sát và đánh giá của người dân; thông tin liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức; việc thu chi tài chính, quản lý, sử dụng tài sản công của cơ quan nhà nước. Đồng thời, thiết kế danh mục thông tin theo chuyên mục lĩnh vực để người dân có nhu cầu tiếp cận thông tin dễ tìm thấy thông tin cần thiết.

Thứ ba, kiểm soát có hiệu quả các thủ tục hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong thực hiện các thủ tục hành chính; thực hiện có hiệu quả việc đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của chính phủ về Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 và các văn bản liên quan đến 06 nội dung cải cách: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công và cây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả, đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, công khai, minh bạch, tiếp cận thông tin, quy định về dân chủ ở cơ sở,…. để nhân dân hiểu và thực hiện có hiệu quả việc giám sát, phản ánh các vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật liên quan đến nội dung về công khai, minh bạch, quyền tiếp cận thông tin của người dân đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó cần tập trung thực hiện trách nhiệm nêu gương và xử lý nghiêm đối với trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu để xảy ra sai sót trong phòng, chống tham nhũng.

Để đạt được mục tiêu này cần phải có giải pháp, thực hiện đồng bộ, cụ thể hóa các các quy định, chính sách và biện pháp cụ thể để thúc đẩy việc công khai, minh bạch thông tin, quyền tiếp cận thông tin của công dân, tăng cường sự tham gia của người dân với chính quyền trong việc phòng, chống tham nhũng hiện nay./.

Phạm Hoàng Vân - Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra