Để xác định và áp dụng chính xác các HTXP và BPKPHQ đối với hành vi VPHC, người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc VPHC cần lưu ý các vấn đề sau đây:
Thứ nhất, việc áp dụng các HTXP và BPKPHQ phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng
Theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC thì việc xử phạt VPHC phải phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, đối tượng vi phạm, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng (nếu có):
Một là, xem xét tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm
Tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm không chỉ có ý nghĩa trong việc xác định HTXP mà còn có ý nghĩa trong việc xác định mức phạt tiền đối với hành vi VPHC. Do hành vi VPHC rất đa dạng, diễn ra trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội nên tùy từng trường hợp, trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước cụ thể, tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm được xem xét dưới các khía cạnh khác nhau, chẳng hạn như: Số lượng, khối lượng tang vật, giá trị hàng hóa vi phạm, số lần vi phạm...
Hai là, xem xét đối tượng vi phạm
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 Luật XLVPHC thì mức phạt tiền có sự phân biệt giữa cá nhân và tổ chức VPHC. Cùng một hành vi VPHC, nếu tổ chức vi phạm sẽ bị áp dụng mức tiền phạt cao gấp đôi so với cá nhân. Do vậy, việc xác định chính xác cá nhân hay tổ chức thực hiện hành vi VPHC có ý nghĩa quyết định trong việc xem xét, quyết định áp dụng mức phạt tiền.
Ngoài ra, việc xác định chính xác cá nhân hay tổ chức thực hiện hành vi VPHC còn có ý nghĩa trong việc xem xét, quyết định áp dụng HTXP và BPKPHQ. Có thể thấy rõ điều này qua quy định về việc xử phạt đối với người chưa thành niên. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 134 Luật XLVPHC, việc áp dụng HTXP, mức xử phạt tiền và BPKPHQ đối với người chưa thành niên VPHC phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi VPHC. Nếu mức phạt trong nghị định quy định áp dụng đối với cá nhân, thì khi phạt tiền người chưa thành niên, mức phạt đó sẽ được chia đôi; nếu mức phạt trong nghị định quy định áp dụng đối với tổ chức, thì khi phạt tiền người chưa thành niên, mức phạt này phải chia thành 04 (bốn).
Ba là, xem xét các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng
Tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng không có ý nghĩa trong việc xác định HTXP như các yếu tố tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm hay đối tượng vi phạm đã nêu trên. Tuy nhiên, nó lại có ý nghĩa quyết định trong việc xác định mức phạt tiền. Khoản 4 Điều 23 Luật XLVPHC quy định: “Mức tiền phạt… là mức trung bình của khung tiền phạt…; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”.
Thứ hai, xem xét, quyết định áp dụng đúng và đầy đủ HTXP và BPKPHQ đối với hành vi VPHC
Điều 4 Luật XLVPHC giao Chính phủ “quy định hành vi VPHC; HTXP, mức xử phạt, BPKPHQ đối với từng hành vi VPHC; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với VPHC trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước”. Do đó, để xác định chính xác hành vi VPHC cũng như HTXP và BPKPHQ được áp dụng đối với hành vi VPHC, người có thẩm quyền xử phạt cần căn cứ nghị định quy định về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Mặt khác, nếu trong thực tế đời sống có hành vi vi phạm nhưng chưa được Chính phủ quy định là hành vi VPHC thì cũng không được xử phạt.
Để áp dụng đúng HTXP, BPKPHQ, người có thẩm quyền xử phạt cần thực hiện các yêu cầu cụ thể sau đây:
Một là, nghiên cứu kỹ nội dung nghị định quy định về xử phạt VPHC. Nghị định về xử phạt VPHC quy định việc áp dụng HTXP, BPKPHQ nào đối với hành vi VPHC thì chỉ được áp dụng đúng HTXP, BPKPHQ đó, không được áp dụng các HTXP, BPKPHQ nào khác ngoài quy định của nghị định về xử phạt VPHC.
Hai là, nghiên cứu kỹ quy định trong Luật XLVPHC và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật để nắm được các yêu cầu cụ thể đối với việc áp dụng từng HTXP, BPKPHQ, bảo đảm tính chính xác trong việc áp dụng pháp luật. Các yêu cầu cụ thể đó bao gồm: Yêu cầu về nội dung (các trường hợp áp dụng, đối tượng áp dụng) và yêu cầu về hình thức áp dụng (thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng, hình thức thể hiện của văn bản áp dụng...).
Bên cạnh việc áp dụng đúng, cần áp dụng đầy đủ HTXP, BPKPHQ đối với hành vi VPHC. Điều đó có nghĩa là, nghị định về xử phạt VPHC trong từng lĩnh vực quy định bao nhiêu HTXP (HTXP chính và HTXP bổ sung), BPKPHQ đối với hành vi VPHC thì người có thẩm quyền xử phạt phải áp dụng tất cả các HTXP và BPKPHQ, không được lựa chọn áp dụng một hoặc một số HTXP, BPKPHQ đã được quy định tại nghị định về xử phạt VPHC.
Tuy nhiên, Luật XLVPHC cũng quy định trong hai trường hợp sau đây, người có thẩm quyền xử phạt VPHC không phải áp dụng tất cả các HTXP và BPKPHQ đối với hành vi vi phạm:
Trường hợp thứ nhất, đối với người chưa thành niên VPHC, theo quy định tại Điều 135 Luật XLVPHC, người có thẩm quyền chỉ được áp dụng một số HTXP và BPKPHQ trong số các HTXP và BPKPHQ được quy định tại Khoản 1 Điều 21 và Khoản 1 Điều 28 Luật XLVPHC. Do vậy, trong trường hợp vụ việc do người chưa thành niên thực hiện, nếu Nghị định về xử phạt VPHC quy định các HTXP hoặc BPKPHQ khác đối với hành vi VPHC (ngoài các HTXP, BPKPHQ nêu tại Điều 135 Luật XLVPHC) thì người có thẩm quyền xử phạt cũng không được áp dụng.
Trường hợp thứ hai, theo quy định tại Khoản 2 Điều 65 Luật XLVPHC, người có thẩm quyền xử phạt không ban hành quyết định xử phạt VPHC, nếu vụ việc thuộc các trường hợp không ra quyết định xử phạt VPHC theo quy định tại Khoản 1 Điều 65 Luật XLVPHC. Mặc dù không ban hành quyết định xử phạt VPHC để áp dụng đầy đủ tất cả các HTXP và BPKPHQ đối với hành vi vi phạm nhưng người có thẩm quyền xử phạt VPHC có thể xem xét, quyết định áp dụng HTXP tịch thu, sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật VPHC thuộc loại cấm lưu hành và/hoặc áp dụng BPKPHQ quy định tại Khoản 1 Điều 28 của Luật XLVPHC.
Hiện tại, chưa có quy định về việc nếu Nghị định quy định về xử phạt VPHC đối với hành vi VPHC cụ thể không quy định việc tịch thu tang vật VPHC và/ hoặc áp dụng BPKPHQ đối với hành vi đó thì người có thẩm quyền xử phạt có được áp dụng HTXP tịch thu tang vật VPHC và/ hoặc BPKPHQ “độc lập” trong những trường hợp không ra quyết định xử phạt VPHC hay không? Do vậy, trong trường hợp này, có hai cách hiểu và áp dụng khác nhau: (i) Người có thẩm quyền xử phạt có thể căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 65 Luật XLVPHC để áp dụng HTXP tịch thu tang vật VPHC và/ hoặc các BPKPHQ “phù hợp với hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra” (trong số các biện pháp được quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật XLVPHC); (ii) Người có thẩm quyền xử phạt VPHC phải căn cứ vào nghị định quy định xử phạt VPHC trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước, nếu nghị định quy định xử phạt VPHC trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định việc áp dụng HTXP tịch thu tang vật VPHC và/ hoặc BPKPHQ đối với hành vi VPHC thì người có thẩm quyền xử phạt mới được áp dụng hình thức /biện pháp này trong quyết định xử phạt.
Người viết cho rằng, cách hiểu và áp dụng thứ (ii) là phù hợp, vì Luật XLVPHC chỉ quy định chung về các HTXP, BPKPHQ được áp dụng trong xử phạt VPHC, còn từng HTXP, BPKPHQ cụ thể được áp dụng đối với từng hành vi VPHC cụ thể nào thì phải do nghị định về XPVPHC của Chính phủ quy định.
Có thể thấy, việc xem xét, quyết định áp dụng các HTXP và BPKPHQ là một trong những kỹ năng quan trọng mà người có thẩm quyền xử phạt VPHC cần phải thường xuyên trau dồi, rèn luyện. Nếu có kỹ năng tốt, việc áp dụng các hình thức, mức phạt và BPKPHQ đối với hành vi VPHC sẽ bảo đảm được tính chính xác, góp phần bảo đảm tính hợp pháp, tính hợp lý của quyết định xử phạt VPHC, giảm thiểu những sai sót trong quá trình áp dụng pháp luật cũng như hạn chế đến mức thấp nhất những khiếu kiện có thể xảy ra trong quá trình xử phạt VPHC./.
Ths. Nguyễn Hoàng Việt
Bộ Tư pháp
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 09/BC-BTP ngày 08/01/2018 về tổng kết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp gửi Thủ tướng Chính phủ;
2. Tài liệu “Hội thảo tăng cường cơ chế giám sát thi hành Luật XLVPHC” do Bộ Tư pháp tổ chức tại Hà Nội ngày 26/7/2018;
3. Sổ tay “Hướng dẫn áp dụng các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật” do Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an (V19), Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an (C64) và Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp phối hợp biên soạn;
4. Sách “Tìm hiểu pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính”, Ths. Đặng Thanh Sơn (Chủ biên), Nxb. Tư pháp, 2016.