Mối quan hệ giữa liêm chính với phòng, chống tham nhũng trong quản trị nhà nước

Thứ sáu, 23/08/2019 16:01
(ThanhtraVietNam) - Liêm chính trong quản trị nhà nước là việc tuân thủ các quy tắc/ giá trị đạo đức và các quy định pháp luật nhằm mang lại lợi ích công của các cá nhân, tổ chức được Nhà nước trao quyền thực thi quyền lực nhà nước. Liêm chính trong quản trị nhà nước bao gồm những giá trị then chốt như: Sự nguyên vẹn (sự nhất quán trong cả phạm vi cá nhân), sự liêm khiết (không xung đột lợi ích) và công lý/ công bằng (tuân thủ các quy tắc, quy định nghề nghiệp).

1. Mối quan hệ giữa liêm chính với phòng, chống tham nhũng trong quản trị nhà nước

Thứ nhất, muốn quản trị nhà nước tốt phải kiểm soát được tham nhũng

Quản trị nhà nước tốt là mục tiêu dài hạn, song hành với những hành động kiểm soát tham nhũng nhằm hướng tới xây dựng nhà nước liêm chính. Kiểm soát quyền lực là yêu cầu nội tại của bất kỳ nhà nước liêm chính nào. Tham nhũng bắt nguồn từ sự thiếu kiểm soát quyền lực và lịch sử lý luận về tổ chức quyền lực nhà nước đã chỉ ra rằng không thể phòng, chống tham nhũng (PCTN) nếu không có sự kiểm soát quyền lực.

Trong nhà nước liêm chính, kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên trong bằng các thể chế, cơ chế kiểm soát và tự kiểm soát. Kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài bằng các phương tiện truyền thông đại chúng, các chuẩn mực đạo đức và dư luận xã hội. Kiểm soát quyền lực diễn ra thường xuyên, trong mọi giai đoạn, mọi khâu của quá trình thực thi quyền lực nhà nước, từ xây dựng tổ chức bộ máy, cán bộ, thực thi pháp luật, chính sách đến giải quyết khiếu nại, tố cáo; từ ra quyết định đến tổ chức thực hiện và đánh giá quyết định. PCTN theo đó phải trở thành một phần quan trọng trong công cuộc cải cách quản trị ở quốc gia.

Thứ hai, muốn PCTN hiệu quả phải bắt nguồn từ thực hiện liêm chính

Trong mô hình quản trị tốt, để PCTN hiệu quả thì yếu tố liêm chính, minh bạch trong quản trị là sự đòi hỏi xuyên suốt. Ngược lại, công tác PCTN sẽ có tác động tích cực hơn khi cả xã hội thực hiện liêm chính; nhất là khi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được trao quyền thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước có ý thức tuân thủ các giá trị, chuẩn mực pháp lý và đạo đức một cách đúng đắn, khách quan và không vụ lợi. Tham nhũng, xung đột lợi ích bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó sự thiếu hụt về giáo dục, tạo lập, duy trì và phát triển nền tảng đạo đức liêm chính là căn nguyên cơ bản.

Sự liêm chính cần phải có từ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy, cơ chế vận hành đến phẩm chất và năng lực của mỗi cán bộ, công chức, viên chức; thể hiện ở tính liêm khiết, trong sạch, đặt lợi ích của người dân lên trên hết; trước hết và tuyệt đối không vụ lợi cá nhân hoặc lợi ích nhóm; đúng đắn, công khai, minh bạch trong lời nói và việc làm; không lạm dụng quyền lực; thực hiện đúng trách nhiệm; không để thất thoát, lãng phí, không tham ô trong quá trình điều hành mọi hoạt động của nhà nước. Hơn nữa, nhà nước liêm chính là một chỉnh thể thống nhất và của từng thành viên trong những chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Nhà nước liêm chính không phải là một tổ chức vô hình, trừu tượng, mà là một tập hợp đầy đủ các thành viên cùng chung sức thực hiện những mục tiêu chung và những chức năng, nhiệm vụ cụ thể được phân công đối với từng cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở. Mỗi công việc cụ thể đều có con người cụ thể phụ trách và phải được thường xuyên kiểm tra, đánh giá, biểu dương, khen thưởng và truy cứu trách nhiệm khi vi phạm.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

2. Những yếu tố bảo đảm thực hiện liêm chính nhằm phòng, chống tham nhũng trong quản trị nhà nước        

Trong quản trị nhà nước, liêm chính chỉ là một trong nhiều nội dung khác nhưng lại có vai trò giúp hình thành nên nền tảng đạo đức công vụ - yếu tố không thể thiếu góp phần phòng ngừa tham nhũng hiệu quả. Việc xây dựng và thực hiện liêm chính chỉ có thể được bảo đảm khi có quyết tâm chính trị, cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng và tổ chức có tính khả thi... Cụ thể như sau:

Thứ nhất, bảo đảm về nhận thức và quyết tâm chính trị

Quyết tâm chính trị ở đây được hiểu là sự cam kết xây dựng và thực hiện liêm chính nhằm PCTN từ cấp cao nhất trong bộ máy của Đảng, Nhà nước cho đến cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Quyết tâm này được thể hiện bằng những chiến lược, đề án, hành động thực tiễn; được cụ thể hoá, công khai hoá để nhân dân nói chung và cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan đó nói riêng giám sát. Tại Việt Nam, thời gian gần đây, “liêm chính” là vấn đề được đề cập phổ biến rộng rãi hơn, nhất là sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vấn đề giáo dục liêm chính cho đội ngũ cán bộ, công chức và nhất là thế hệ trẻ - học sinh, sinh viên đã được Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều hơn. Sau thời gian triển khai thí điểm thực hiện Quyết định 137/2009/QĐ-TTg ngày 02/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng (Đề án 137), Thủ tướng chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013 - 2014. Việc thực hiện Đề án 137 và Chỉ thị số 10/CT-TTg đã đạt được những kết quả ban đầu; tuy nhiên, giảng dạy về liêm chính và thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra việc giáo dục liêm chính như thế nào để thực sự phát huy được hiệu quả góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là câu hỏi lớn mà lời giải đáp cần phải có thời gian thử nghiệm và nhất là phải có quyết tâm của cả hệ thống chính trị.

Bên cạnh cam kết chính trị ở cấp cao nhất, những nỗ lực thực hiện liêm chính lâu bền còn bao gồm sự cam kết đặc biệt từ những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Người đứng đầu có vị trí trực tiếp quyết định trong việc xây dựng và thực hiện liêm chính của chính cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền. Khi người đứng đầu thực sự trong sáng, liêm chính, là tấm gương về đạo đức lối sống, đạo đức nghề nghiệp thì chắc chắn sẽ tập hợp xung quanh mình các cá thể có trách nhiệm, chuyên nghiệp, liêm chính.

Để có quyết tâm chính trị, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần thiết phải nhận thức được tầm quan trọng của liêm chính. Liêm chính là điều kiện tiên quyết để xây dựng và phát triển nền quản trị công trong sạch, hiệu quả. Thực hiện liêm chính là tích cực thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn, nghĩa vụ, nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện; thực hiện nhiệm vụ một cách trung thực, tránh xung đột lợi ích, không vụ lợi cá nhân; bảo vệ và sử dụng an toàn, tiết kiệm tài sản công, không tham nhũng; tận dụng tối đa thời gian cho công việc; giữ gìn sự trong sạch, tránh nhận hối lộ, quà biếu của tổ chức, công dân; phục vụ nhân dân với thái độ đúng mực và công bằng…

Thứ hai, bảo đảm về pháp lý

Liêm chính không chỉ dừng lại ở nhận thức nói chung mà cần phải được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật. Nếu thiếu sự pháp điển hóa này thì những nguyên tắc, chuẩn mực, giá trị đạo đức, liêm chính cũng không có cơ sở pháp lý trong thực tế. Khi hệ thống luật pháp được bổ sung, hoàn thiện; trong đó, pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, pháp luật về PCTN, pháp luật về thanh tra, kiểm tra, giám sát… phù hợp với thực tiễn, luật hóa rõ ràng, cụ thể chế độ trách nhiệm và hình thành cơ chế giám sát chặt chẽ, có chế tài nghiêm minh đối với những vi phạm sẽ góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và hiệu quả hoạt động công vụ hiện nay.

Quy định pháp luật về xây dựng và thực hiện liêm chính cần hướng vào hai đối tượng: Chủ thể thực hiện liêm chính (đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức) và nhân tố đảm bảo cho quá trình xây dựng, thực hiện liêm chính (các cơ quan nhà nước). Những quy định trong các văn bản đó không chỉ thiên về tính định hướng, mà phải phản ánh được đầy đủ các khía cạnh về đạo đức nghề nghiệp nói chung và tính liêm chính của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành công vụ nói riêng. Đặc biệt, tính chế tài và mức độ pháp điển hóa phải cao. Cụ thể là: Quy định về các giá trị và chuẩn mực liêm chính phải mang tính nền tảng áp dụng chung, trên cơ sở xác định rõ nguyên tắc trong hoạt động công vụ; những giá trị cốt lõi của nền công vụ; nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện đúng đắn, khách quan quyền hạn được giao của cán bộ, công chức, viên chức; Quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện liêm chính trong hoạt động công vụ để phòng ngừa tham nhũng như công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, phòng ngừa xung đột lợi ích của cán bộ, công chức…; Quy định pháp luật để tổ chức thực hiện như hướng dẫn và thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện liêm; Chế tài xử lý vi phạm về chuẩn mực liêm chính phải trên cơ sở rõ ràng, có căn cứ áp dụng cụ thể và hình thức xử lý phù hợp, đảm bảo nguyên tắc mọi vi phạm đối với quy định về chuẩn mực liêm chính đều phải bị xử lý; Quy định về các điều kiện bảo đảm khác như chế độ đãi ngộ, cơ chế tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, chế độ đào tạo, bồi dưỡng phải bảo đảm nguyên tắc về sự công bằng, phù hợp, công khai, minh bạch… Bởi lẽ, ngoài chế tài nặng và thực thi pháp luật nghiêm, cần một chế độ chính sách để cán bộ, công chức, viên chức  không dễ dàng đánh đổi lợi ích đang có để vi phạm chuẩn mực liêm chính.

Thứ ba, bảo đảm về con người và môi trường quản trị tốt

Một là, bảo đảm về con người. Trong quản trị nhà nước với nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, liêm chính thì chất lượng của cán bộ, công chức, viên chức là một trong những nhân tố quan trọng. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần được đảm bảo từ chế độ tuyển dụng đầu vào, đáp ứng được yêu cầu cơ bản về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và có đạo đức, tác phong chuẩn mực. Trong quá trình thực thi công vụ, cần có cơ chế, chính sách chủ động, tích cực để xây dựng được chế độ trách nhiệm thực hiện liêm chính của mỗi cá nhân; trong đó, nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi để xảy ra hiện tượng vi phạm chuẩn mực liêm chính của cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý. Mỗi cán bộ, công chức phải được giao chức trách, nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể với những quyền hạn tương ứng nhất định đảm bảo thực hiện được chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế thích hợp, hiệu quả nhằm giám sát, kiểm tra các hoạt động đó của cán bộ, công chức, viên chức.

Trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức liêm chính của chính đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có sự ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hiệu quả quản trị công. Hơn nữa, quy định pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng ngành cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành đó. Do vậy, để nâng cao trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, tăng cường tính chủ động, sáng tạo trong xử lý, giải quyết công việc, rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức thì việc xây dựng và thực hiện liêm chính là cần thiết. Hình thành các chuẩn mực đạo đức liêm chính đúng đắn bằng cách: Đề cao giá trị đạo đức, đề cao sự tự rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ, công chức, viên chức; khắc phục thói vô cảm, vụ lợi trong khi thực hiện công vụ... Đây là công việc thường xuyên, liên tục, lâu dài; phải được tiến hành một cách toàn diện, kết hợp giữa giáo dục và tự giáo dục.

Hai là, bảo đảm về xây dựng môi trường quản trị tốt. Để thúc đẩy thực hiện liêm chính trong quản trị nhà nước thì cần phải hành động tập thể và cùng nhau xây dựng môi trường công vụ minh bạch và nhất quán. Liêm chính được hình thành, duy trì và phát triển khi môi trường công vụ trong sạch, ít tạo ra cơ hội tham nhũng cho chính những hạt nhân của nền công vụ đó. Ngược lại, chính cá nhân cán bộ, công chức, viên chức cũng cần xuất phát từ vị thế của mình có trách nhiệm điều chỉnh thái độ, hành vi, cách xử sự phù hợp trong thực thi công vụ.

Xét ở phạm vi rộng, môi trường quản trị công là quan hệ giữa các cơ quan thuộc hệ thống bộ máy nhà nước. Việc xây dựng và thực hiện liêm chính phải xuất phát từ môi trường công vụ được đảm bảo tổ chức và vận hành một cách thống nhất theo những nguyên tắc, quy chế điều chỉnh có tính thứ bậc chặt chẽ, chính quy và thường xuyên, liên tục, thống nhất, thông suốt. Môi trường công vụ ấy được tạo lập bởi chế độ phân công chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng, không chồng chéo và có cơ chế kiểm soát chặt chẽ về nội dung, hình thức, quy trình kiểm soát… nhằm tạo ra môi trường công vụ hạn chế được sự tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác nhau có thể dẫn tới các tác động tiêu cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Xét ở phạm vi hẹp, môi trường quản trị trong nội bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị là quan hệ giữa cán bộ, công chức, viên chức với nhau, giữa cấp trên với cấp dưới và cơ chế điều hành, đánh giá, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng và thực hiện liêm chính cần một môi trường thân thiện, bình đẳng, chân thành, đánh giá khách quan và chính xác năng lực, phẩm chất của mỗi cá nhân trong cơ quan, đơn vị và sử dụng đúng năng lực của họ. Yêu cầu có cơ chế đánh giá đúng năng lực, phẩm chất cá nhân, đạo đức liêm chính của cán bộ, công chức, viên chức là rất quan trọng. Điều đó không chỉ tạo tiền đề cho việc sử dụng đúng người đúng việc, mà còn khuyến khích thể hiện chuẩn mực liêm chính trong mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, với người dân trong quá trình thực thi công vụ.

Ở phạm vi hẹp hơn, mỗi cán bộ, công chức, viên chức đóng vai trò là hạt nhân cơ bản trong môi trường quản trị công; hay nói cách khác là chủ thể thực sự thực hiện các hoạt động công vụ cụ thể phải là những con người mẫu mực, liêm chính, sống gương mẫu và có phong cách làm việc đúng mực. Bản chất của con người luôn luôn có xu hướng bị cám dỗ chi phối; đặc biệt, đối với người được sử dụng quyền lực công, nhân danh quyền lực công để thi hành công vụ thì càng có nhiều cơ hội dễ bị cám dỗ. Vì vậy, mỗi cá nhân đó phải có khả năng giải quyết công việc minh bạch, dứt khoát, có nguyên tắc, đàng hoàng, không suy nghĩ vụ lợi; phải có sự can đảm và dũng khí khi đối mặt với những tình huống có thể xảy ra xung đột lợi ích, có nguy cơ phát sinh tham nhũng.

Thứ ba, bảo đảm về tổ chức thực hiện

Tổ chức thực hiện là quá trình hướng dẫn hoạt động, thi hành, thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm... nhằm mục đích chung nhất là hiện thực hóa những quy định khung mang tính chuẩn mực liêm chính thành hành vi ứng xử cụ thể của cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi công vụ.

Để việc thực hiện liêm chính có hiệu quả, cần thiết phải thiết lập bộ phận có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát việc thực hiện đạo đức liêm chính trong cơ quan nhà nước. Ngoài những yêu cầu chung về đạo đức liêm chính trong hoạt động công vụ, mỗi ngành, lĩnh vực lại có những yêu cầu khác nhau về đạo đức ứng xử nghề nghiệp nên bộ phận này có nhiệm vụ giúp nâng cao nhận thức về liêm chính của cán bộ, công chức, viên chức... để đảm bảo rằng mọi người đều được huấn luyện đầy đủ, ghi nhớ được những quy tắc ứng xử và đạt được những kết quả tốt nhất trong hoạt động công vụ.

Cùng với hướng dẫn thực hiện, thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng là những khâu không thể thiếu nhằm đảm bảo thực hiện liêm chính trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Hoạt động thanh tra công vụ nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; từ đó thúc đẩy ý thức, trách nhiệm thực hiện liêm chính của các chủ thể này. Chủ thể có thẩm quyền thanh tra công vụ là các cơ quan nhà nước; đối tượng thanh tra công vụ là cơ quan quản lý nhà nước và cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện quyền quản lý; nội dung của thanh tra công vụ là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước và cán bộ, công chức trong mối quan hệ quản lý liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân. Việc kiểm tra, giám sát phải được thực hiện trên nhiều phương diện: Kiểm tra, giám sát trong nội bộ cơ quan nhà nước thông qua hai phương thức là giám sát thường xuyên và kiểm tra đột xuất; giám sát từ bên ngoài, bao gồm giám sát mang tính quyền lực nhà nước của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và giám sát không mang tính quyền lực của các tổ chức xã hội, báo chí, công dân… nhằm xem xét, theo dõi, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, để các quy định về liêm chính được bảo đảm thực hiện nghiêm túc thì mọi hành vi vi phạm về liêm chính đều phải xử lý bằng biện pháp kỷ luật và/hoặc tố tụng pháp lý. Ví dụ, khi cán bộ, công chức, viên chức chủ động nhận hoặc hứa hẹn nhận lợi ích không chính đáng (tiền, quà tặng, dịch vụ...) để được thuyết phục làm hoặc không làm hoặc tạo điều kiện làm một việc nào đó trong phạm vi công việc, chức vụ của họ... thì cán bộ, công chức, viên chức đó đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi. Hành động thiếu tính liêm chính, vi phạm pháp luật và quy tắc đạo đức nghề nghiệp đó cần được xử lý nghiêm khắc, tùy theo mức độ vi phạm mà chịu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự. Cán bộ, công chức, viên chức khi có nghi ngờ về hành vi có thể vi phạm pháp luật hoặc trái đạo đức nghề nghiệp thì có thể báo cáo với người đứng đầu hoặc bộ phận có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện, giám sát về đạo đức liêm chính hoặc cơ quan có thẩm quyền.

Thứ , bảo đảm về chế độ đãi ngộ

Để xây dựng được chế độ liêm chính trong quản trị nhà nước, cần thiết phải tạo môi trường lành mạnh, điều kiện làm việc tốt nhất và chế độ đãi ngộ cán bộ, công chức, viên chức thỏa đáng để thu hút người có tài, có đức. Chế độ, chính sách đãi ngộ cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp khi được xây dựng dựa trên nguyên tắc về sự công bằng giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa quyền lợi và trách nhiệm; sự thống nhất giữa các vị trí trong hệ thống các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước và tổ chức đoàn thể. Ngoài việc đảm bảo mức lương thoả đáng cho công chức mà Nhà nước ấn định, nên có sự khuyến khích kịp thời, thỏa đáng bằng vật chất và tinh thần cho những người thực sự có đóng góp, cống hiến xuất sắc đem lại hiệu quả cao trong công việc. Xây dựng các chế độ, chính sách tôn vinh, khuyến khích sự tận tâm thực hiện công vụ, thực hiện đạo đức liêm chính; khen thưởng thích đáng về vật chất và tinh thần đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tốt, tận tụy và trong sạch./.

TS. Tạ Thủy, TTCP

Tài liệu tham khảo:

1. Phạm Thị Hồng Điệp, Vận dụng mô hình “Quản trị nhà nước tốt” ở Việt Nam, Tạp chí KHĐHQG: Kinh tế và Kinh doanh, Tập 33, số 3 (2017), 1-9;

2.Phan Xuân Sơn, Phạm Thế Lực, Tham nhũng và phòng chống tham nhũng, NXB Thông tin và Truyền thông;

3.Đỗ Thị Ngọc Lan, Nghiên cứu so sánh  quy định về đạo đức công vụ của một số quốc gia và Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia 2012, tr30;

4.Học viện Hành chính, Thuật ngữ Hành chính, Hà Nội, 2009, tr.72;

5.Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994;

6.Giáo trình Tổ chức bộ máy Hành chính Nhà nước, Học viện Hành chính, Hà Nội, 2010;

7.Giáo trình Công vụ, công chức, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1997;

8.Tài liệu hướng dẫn Ngôn ngữ đơn giản của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, 2009;

9.Thanh tra Chính phủ, Một số kinh nghiệm quốc tế về công tác PCTN, NXB. Lao động, Hà Nội, 2014;

10.  Towards Better Measurement of Government, OECD Working Papers on Public Governance, 2007/1, OECD Publishing;

11.  Local Integrity systems: World Cities Fighting Corruption and Safeguarding Integrity, Leo W.J.C.Huberts and Fresderique E Six, VU University Amsterdam, 16 May 2015;

12.  Towards a Sound Integrity Framework: Instruments, Processes, Structures and Conditions for Implementation, Global Forum on Public Governance, OECD Conference Centre, 2009;

13.  Integrity in Government: Towards Output and Outcome Measurement, Expert Group on Conflict of Interest, OECD Conference Centre, 2009;

14.  Integrity management in the public sector, The Dutch appoarch, Leo Huberts and Alain Hoekstra, 2016;

15.  OECD, Những khuyến nghị về xung đột lợi ích, 2003;

16.    Huther, Jeff, and Anwar Shah, “A Simple Measure of Good Governance”, Policy Research Working Paper 1894 (1996), World Bank, Washington, D.C;

17.    Daniel Kaufmann, Brookings Institution Aart Kraay and Massimo Mastruzzi (2010). “The worldwide Governance Indicators: Methodology and Analytical Issues”;

18.    Từ điển Oxford Advanced Learner’s, Oxford Unviversity Press.

 

 

 

 

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra