Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức có vai trò quan trọng, trở thành một trong những nội dung lớn của công tác cải cách hành chính và PCTN, lãng phí có hiệu quả. Thực tế cho thấy, khi người cán bộ, công chức, viên chức có hiểu biết pháp luật, có ý thức tuân thủ pháp luật thì những chủ trương và những biện pháp cải cách sẽ được thực hiện đúng đắn và chính xác.
Ngược lại, nếu cán bộ, công chức, viên chức không hiểu biết pháp luật hoặc hiểu biết không đầy đủ sẽ không chỉ cản trở làm chậm quá trình cải cách mà thậm chí còn gây ra nhiều tiêu cực và dễ sinh ra tệ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng.
Những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện cũng đã đánh giá vai trò quan trọng của hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống Học viện nhằm nâng cao kiến thức, hiểu biết và ý thức pháp luật phục vụ quá trình công tác.
Tuy nhiên, qua nắm tình hình chung cho thấy hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống Học viện hiện nay còn chưa được quan tâm đúng mức, việc triển khai thực hiện chưa đồng bộ, thường xuyên với các giải pháp cụ thể nên hiệu quả chưa cao. Ý thức pháp luật, trình độ hiểu biết pháp luật của một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống Học viện vẫn còn hạn chế, từ đó dẫn đến năng lực quản lý và khả năng xử lý các tình huống cụ thể theo pháp luật còn thấp.
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Từ thực trạng kiến thức, hiểu biết pháp luật cũng như ý thức chấp hành pháp luật và thực tiễn hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và PCTN cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống Học viện, trên cơ sở các yêu cầu về nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và PCTN cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cần chú trọng một số giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đối với hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và PCTN
Sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp là nhân tố cơ bản, quyết định sự vững mạnh và chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống Học viện, trong đó có công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật; nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức của Học viện.
Những ưu điểm, khuyết điểm trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và PCTN tuỳ mức độ khác nhau nhưng đều phản ánh một cách khách quan năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, trách nhiệm giáo dục, quản lý của các cấp ủy, tổ chức Đảng ở cơ quan, tổ chức, trong đó, trước hết phải nói đến trách nhiệm của người đứng đầu.
Các cấp ủy, Chi bộ trước hết là cấp ủy viên, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt của từng đơn vị cần nhận thức rõ chính mình là chủ thể chính, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và PCTN, từ đó nâng cao trách nhiệm, chủ động nghiên cứu đề xuất các biện pháp giáo dục thiết thực, hiệu quả.
Chú trọng phát huy và gắn trách nhiệm cụ thể từng cấp ủy viên, đảng viên theo chức trách, nhiệm vụ được phân công. Thực tiễn cho thấy, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng và tổ chức triển khai hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và PCTN ở nơi nào càng chặt chẽ thì hiệu quả của công tác này đối với cán bộ, công chức, viên chức càng cao, sự hiểu biết, nhận thức về pháp luật và quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức Học viện sẽ trở thành thói quen, từ đó tạo ra và duy trì nếp sống văn hóa pháp lý nơi công sở.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng Học viện cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác quy hoạch và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng pháp luật nói chung và pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức, bố trí sử dụng cán bộ, công chức, viên chức sau khi đào tạo hoặc luân chuyển những vị trí công tác dễ nảy sinh tham nhũng cho phù hợp, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm về công tác này.
Thứ hai, hoàn thiện các quy chế, quy định về hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và PCTN để thực hiện chung trong hệ thống Học viện
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần cụ thể hóa những quy định của pháp luật tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và PCTN để xây dựng, kiện toàn nội quy, quy chế, quy định chung thực hiện trong toàn hệ thống.
Kiện toàn bộ máy, tổ chức của Ban chỉ đạo thực hiện chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và PCTN của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh theo hướng tinh giản, gọn nhẹ và Ban chỉ đạo cần phải xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ theo từng quý, từng năm. Trên cơ sở đó, để đôn đốc các đơn vị, cá nhân liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, đồng thời, việc xây dựng kế hoạch cũng là cơ sở để kiểm tra giám sát việc thực hiện và chỉ ra những ưu, khuyết điểm của cá nhân, đơn vị nhằm tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm.
Thứ ba, đổi mới nội dung, chương trình và các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm phù hợp với từng đối tượng và yêu cầu nhiệm vụ của Học viện hiện nay
- Về nội dung, chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật:
Nội dung, chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức của Học viện phải sát với thực tiễn, ngắn gọn, dễ nhớ, gắn với đặc thù nhiệm vụ chính trị của Học viện và trong sự phát triển chung của xã hội.
Trong điều kiện hiện nay, các đầu mối Học viện trực thuộc, Vụ, Viện và tương đương trong toàn hệ thống Học viện dần được giao quyền tự chủ tương đối theo quy định của pháp luật và Quy chế của Học viện. Do vậy, việc quy trách nhiệm đối với lãnh đạo đứng đầu của những đơn vị này là rất quan trọng. Nó quyết định đến sự thành công hay thất bại kế hoạch, chương trình ban hành. Do đó, nội dung chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng phải bảo đảm kiến thức, hiểu biết chung về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và PCTN. Từ đó qua các cuộc họp giao ban lãnh đạo của các đơn vị dễ xen kẽ vào cuộc họp để truyền đạt tới cán bộ, công chức, viên chức dưới quyền. Từ những nội dung, chương trình này cũng là thước đo để đánh giá và có cơ sở để quy trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân có sai phạm.
Ngoài ra, Học viện cũng cần mở những lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu và những kỹ năng áp dụng pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức có trọng tâm, trọng điểm.
- Về hình thức giáo dục pháp luật
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, làm cho công tác giáo dục pháp luật thực sự có chiều sâu, đạt hiệu quả cao là đòi hỏi cấp bách hiện nay, đặc biệt là giáo dục pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và PCTN cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện. Bởi môi trường của Học viện có tính mẫu mực. Cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao học vị từ cử nhân đến tiến sỹ, học hàm từ phó giáo sư, giáo sư và sự am hiểu rộng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cho nên cách truyền đạt phải thực sự linh hoạt mềm dẻo truyền đạt thực tiễn, kỹ năng nhiều sẽ thu hút sự chú ý nhiều hơn của người nghe.
Học viện cũng cần tổ chức nhiều hơn nữa các buổi tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức.
Các tổ chức như đảng, đoàn thể (công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ) cũng cần có sự kết hợp hài hòa giữa kế hoạch, chương trình hành động nhiệm vụ chung của mình với nhiệm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và PCTN, coi đây là một tiêu chí trong bình xét thi đua của cá nhân, đơn vị.
Bên cạnh đó, để công tác phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và PCTN nói riêng, Học viện cũng cần dành một khoản kinh phí đảm bảo đủ để thực hiện có hiệu quả yêu cầu đề ra./.
TS. Phí Hữu Toàn,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh