Có thể nói, hoạt động thanh tra hành chính đã có những đóng góp quan trọng trong kết quả công tác thanh tra, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước theo cấp hành chính trong Công an nhân dân, cụ thể: Hệ thống pháp luật làm cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra hành chính và nghiệp vụ công tác thanh tra hành chính đã có bước phát triển quan trọng. Hệ thống các quy định của Nhà nước và Bộ Công an về quy trình, quy chế, công tác giám sát hoạt động đoàn thanh tra ngày càng được phát triển hoàn thiện làm cơ sở nền tảng cho việc tiến hành hoạt động thanh tra. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn trong hoạt động thanh tra hành chính đã mang tính thường xuyên, kịp thời, đáp ứng tốt yêu cầu của hoạt động quản lý nhà nước đối với công tác thanh tra. Hằng năm, Bộ trưởng đã có Kế hoạch công tác thanh tra để chỉ đạo trong toàn lực lượng; căn cứ trên cơ sở Kế hoạch của Bộ trưởng, Thanh tra Bộ đã có hướng dẫn chỉ đạo và tổ chức tập huấn trong toàn lực lượng thanh tra Công an nhân dân. Quá trình thực hiện công tác thanh tra hành chính của Công an các đơn vị, địa phương đã được Thanh tra Bộ thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn kịp thời. Kết thúc thanh tra, Thanh tra Bộ đã tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá theo đúng quy định. Kết quả thanh tra đã góp phần nâng cao sức chiến đấu của các lực lượng nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh.
Đáng chú ý, các chuyên đề diện rộng được lựa chọn tiến hành thanh tra đều là các lĩnh vực công tác cơ bản, quan trọng của Ngành; các chuyên đề gắn với việc thực hiện pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân; các chuyên đề nghiệp vụ nhằm nâng cao sức chiến đấu cho các lực lượng nghiệp vụ; cùng với đó là các lĩnh vực tài chính, hậu cần, xây dựng cơ bản, các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, sai phạm trong tổ chức thực hiện… Công tác tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chuyên đề thanh tra đã huy động nhiều lực lượng, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng nghiệp vụ. Quá trình tổ chức thực hiện đã có sự tham gia của nhiều đơn vị chức năng của Thanh tra Bộ và các cơ quan đơn vị thuộc lực lượng Công an nhân dân. Công tác phối hợp để tổ chức thực hiện hoạt động thanh tra hành chính không chỉ phục vụ trực tiếp cho hoạt động thanh tra mà còn tạo ảnh hưởng sâu rộng đối với các lĩnh vực công tác của lực lượng Công an nhân dân. Qua thanh tra đã đánh giá đúng thực trạng, làm rõ các tồn tại, hạn chế cơ bản trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của Công an các đơn vị, địa phương; làm rõ nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm; khó khăn, vướng mắc liên quan trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả việc thực hiện các mặt công tác. Từ kết quả thanh tra đã có nhiều kiến nghị giúp lãnh đạo Bộ và Thủ trưởng Công an các cấp trong xây dựng cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các mặt công tác; góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động chấp hành và điều hành của lực lượng Công an nhân dân. Hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết kinh nghiệm về công tác thanh tra hành chính đã được quan tâm đầu tư và tổ chức thực hiện có kết quả, bước đầu đã hình thành hệ thống lý luận về hoạt động thanh tra hành chính trong Công an nhân dân. Đã có 01 công trình cấp bộ và 04 công trình nghiên cứu khoa học cấp cơ sở được tổ chức nghiên cứu và nghiệm thu; đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo Thanh tra Bộ, lãnh đạo Bộ chỉ đạo Công an các địa phương tiến hành thanh tra và tổng kết nhiều cuộc thanh tra diện rộng đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn trong Công an nhân dân; thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo Thanh tra Công an các đơn vị, địa phương trong tiến hành thanh tra, thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra. Kết quả đã từng bước hình thành và phát triển hệ thống lý luận về công tác thanh tra hành chính trong Công an nhân dân.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra hành chính của lực lượng Công an nhân dân cũng còn những hạn chế nhất định trên một số phương diện như: việc xây dựng các chương trình kế hoạch thanh tra hành chính nhiều trường hợp do chưa nắm tình hình, tiến hành khảo sát đánh giá đầy đủ lĩnh vực công tác dự kiến tiến hành thanh tra hoặc do chỉ đạo đột xuất của cấp trên nên quá trình tổ chức thực hiện có lúc lúng túng, chưa thực sự chủ động. Một số cuộc thanh tra còn trùng chéo nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời, ít nhiều làm ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị là đối tượng thanh tra. Chất lượng một số cuộc thanh tra chưa cao, nội dung đánh giá chưa toàn diện, sâu sắc. Việc kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra, xử lý sau thanh tra chưa thường xuyên. Việc đánh giá tác động của hoạt động thanh tra nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả QLNN trong các lĩnh vực đã tiến hành thanh tra chưa được chú trọng.
Để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra hành chính trong lực lượng Công an nhân dân, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:
Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thanh tra hành chính. Công tác thanh tra hành chính luôn phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Đảng ủy, lãnh đạo Thanh tra Bộ, lãnh đạo Công an các đơn vị địa phương. Đây là yếu tố quyết định, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra hành chính. Cấp ủy Đảng và Thủ trưởng Công an các cấp cần nhận thức đúng về vai trò, vị trí của công tác thanh tra hành chính để chỉ đạo trực tiếp toàn bộ hoạt động thanh tra hành chính, đảm bảo những điều kiện, quyết định những biện pháp bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác, xây dựng tổ chức và đội ngũ cán bộ, tăng cường cho lực lượng thanh tra hành chính những cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực, trình độ công tác. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cần chú ý bám sát vào nhiệm vụ chính trị của lực lượng Công an nhân dân trong từng thời kỳ để xây dựng kế hoạch công tác thanh tra hằng năm, trước khi xây dựng kế hoạch cần tiến hành khảo sát, đánh giá thận trọng. Bên cạnh đó cần phải theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch công tác thanh tra của các đơn vị để có hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác thanh tra.
Hai là, xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển đối với công tác thanh tra hành chính, nghiên cứu áp dụng các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng lực hoạt động của công tác thanh tra hành chính trong Công an nhân dân. Trong đó cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm như củng cố tổ chức, lực lượng làm công tác thanh tra hành chính, phát triển hệ thống lý luận nghiệp vụ, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh tra hành chính trong các lĩnh vực công tác như đấu tranh phòng chống tội phạm, quản lý tài chính, hậu cần…
Ba là, đổi mới phương pháp, hình thức thanh tra hành chính, trong đó chú trọng công tác nắm tình hình việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ công tác của Công an các đơn vị, địa phương; kết hợp chặt chẽ giữa công tác thanh tra theo chương trình, kế hoạch với công tác thanh tra đột xuất theo quy định của pháp luật.
Bốn là, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra hành chính, có tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc thanh tra, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thanh tra hành chính; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra. Công tác thanh tra nói chung và công tác thanh tra hành chính nói riêng phải tuân theo pháp luật, nhưng không rập khuôn, máy móc. Phải kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, thoái hóa về phẩm chất đạo đức để tăng cường kỷ luật của ngành. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rõ đặc điểm của công tác thanh tra là nhằm tăng cường củng cố đoàn kết nội bộ, tăng cường sức chiến đấu của lực lượng. Do đó, trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thanh tra hành chính phải xác định công tác phòng ngừa, xây dựng lực lượng là chính; hiệu quả hoạt động thanh tra hành chính phải được đánh giá bằng sự ổn định nội bộ đơn vị, bằng chất lượng các mặt công tác của đơn vị và cán bộ, chiến sỹ sau thanh tra.
Năm là, củng cố tổ chức, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra hành chính. Công tác thanh tra hành chính có nội dung đa dạng, phức tạp. Mặt khác yêu cầu cốt yếu và xuyên suốt là đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra hành chính phải có phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, pháp luật, nghiệp vụ chuyên ngành, đồng thời phải nhạy bén về kiến thức kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật… Đặc biệt là phải am hiểu sâu sắc về lĩnh vực an ninh trật tự và có kinh nghiệm giải quyết tốt các mối quan hệ phát sinh trong quá trình tiến hành thanh tra. Giải quyết tốt các mối quan hệ của yếu tố này là điều kiện có ý nghĩa quan trọng quyết định nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra. Kiện toàn hệ thống tổ chức thanh tra hành chính từ Bộ đến Công an các đơn vị, địa phương đảm bảo về số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu công tác thanh tra hành chính.
Sáu là, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan thanh tra với các đơn vị chức năng trong hoạt động thanh tra hành chính. Công tác thanh tra hành chính có liên quan đến chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước; liên quan đến các lĩnh vực công tác trong lực lượng Công an nhân dân… Do vậy, để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra hành chính, đòi hỏi phải phát huy có hiệu quả quan hệ phối hợp giữa các bộ phận chức năng trong cơ quan thanh tra và quan hệ phối hợp giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan, đơn vị chức năng phù hợp với yêu cầu của từng cuộc thanh tra cụ thể. Trong đó cần chú ý lựa chọn, trưng dụng những cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức, chuyên môn để tham gia phối hợp./.
Thiếu tá, Ths. Nguyễn Hùng Thắng
Thanh tra Bộ Công an