Căn cứ theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ban hành danh mục các luật cần phải sửa đổi, bổ sung theo lộ trình cam kết trong CPTPP thì việc sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm là cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.
Ở nước ta, thị trường bảo hiểm hiện hành đã và đang sử dụng các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm như: Tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm… Trong thời gian tới, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các loại hình dịch vụ này ngày càng có xu hướng phát triển mạnh và có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, giúp các bên tham gia giảm thiểu rủi ro; hạn chế tổn thất, gian lận bảo hiểm. Đồng thời, tăng cường tính chuyên nghiệp của thị trường, tối ưu hóa chi phí, nguồn lực cho doanh nghiệp bảo hiểm. Qua đó, giúp cho việc chi trả tiền bảo hiểm, bồi thường nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời, bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm.
Luật Kinh doanh bảo hiểm được Quốc hội ban hành năm 2000 và được sửa đổi, bổ sung năm 2010 cùng với các văn bản hướng dẫn gồm: 05 Nghị định và 02 Thông tư(1). Các Nghị định, Thông tư hướng dẫn đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ để các bên liên quan như doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm… cùng thực hiện hoạt động bảo hiểm, bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng của các bên. Theo đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 đã tạo điều kiện cho một loạt doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập và thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Trước thời điểm Luật có hiệu lực, thị trường chỉ có 15 doanh nghiệp bảo hiểm và đến nay, con số này đã là hơn 50 doanh nghiệp. Quy mô thị trường cũng tăng đáng kể từ 3.174 tỷ đồng năm 2000 lên 107.574 tỷ đồng năm 2017. Tỷ trọng phí bảo hiểm/GDP cả nước tăng từ 0,72% năm 2000 lên 2,4% năm 2017(2). “Hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý III năm 2018 tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, ước tính tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ tăng 14%, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tăng 20%. Ước tính doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng năm 2018 tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ tăng 13%, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tăng 27%(3)”.
Thực tế cho thấy, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 được xem là một luật khá ổn định, lâu đời nếu so với các luật chuyên ngành khác. Tuy nhiên, Luật có những nội dung cần tiếp tục được sửa đổi, thay thế, bổ sung nhằm bắt kịp với xu thế thay đổi hiện tại, khắc phục những khó khăn, vướng mắc khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại(4), trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương(5).
Năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), hoạt động phụ trợ bảo hiểm cũng là một trong các nội dung Việt Nam cam kết thực hiện. Quy định về Bảo hiểm và các dịch vụ liên quan đến bảo hiểm bao gồm(6):
Hiệp định CPTPP cũng đã quy định các nội dung liên quan đến hoạt động phụ trợ bảo hiểm cụ thể như sau:
Theo quy định trên, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành còn nhiều nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, phạm vi điều chỉnh của Luật chưa bao quát hết các thành phần tham gia, cần bổ sung tổ chức cung cấp dịch vụ bổ trợ; một số khái niệm cần được sửa đổi, bổ sung như bảo hiểm kỹ thuật số, bảo hiểm vi mô; bổ sung tổ chức cung cấp dịch vụ; một số quy định tại Chương hợp đồng bảo hiểm cần được sửa đổi, bổ sung phù hợp với yêu cầu của thị trường và thống nhất với các luật liên quan.
Quy định về vốn và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm cần tăng tính chủ động cho doanh nghiệp. Hoạt động của doanh nghiệp đang ngày càng phát triển, chịu tác động rủi ro hỗn hợp của thị trường tài chính, đầu tư, công nghệ, môi trường. Thực tế, các nước trên thế giới đã chuyển dần sang mô hình quản lý giám sát trên rủi ro (Bảo đảm khả năng thanh toán (Solvency II) ở châu Âu, Bắc Mỹ và đánh giá vốn dựa trên rủi ro ở châu Á (RBC).
Ngoài ra, cần có quy định về đại lý tổ chức, hoàn thiện các quy định thi và cấp chứng chỉ đại lý nhằm nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của kênh phân phối bảo hiểm. Theo đó, những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm như nguyên tắc trung thực tuyệt đối, nguyên tắc số đông, nguyên tắc bồi thường cần được nghiên cứu bổ sung; một số khái niệm, một số nghiệp vụ bảo hiểm như vệ tinh, rủi ro tài chính, bảo lãnh… cần được làm rõ và cụ thể hoá. Ngoài ra, cần bổ sung một số nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc theo các quy định của pháp luật; bổ sung quy định về gian lận bảo hiểm…
Ở nước ta, thị trường bảo hiểm đã và đang sử dụng nhiều dịch vụ phụ trợ bảo hiểm như: Tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm… Sự phát triển hoạt động phụ trợ bảo hiểm song hành với sự phát triển của thị trường bảo hiểm, nhưng hiện nay, công tác thống kê, tổng hợp về hoạt động phụ trợ bảo hiểm chưa được thực hiện, do thiếu nguồn thông tin đủ tin cậy. Điều này dẫn tới quyền và lợi ích của các bên tham gia sử dụng hoạt động phụ trợ bảo hiểm không được đảm bảo. Bên cạnh đó, cũng vì thiếu khung pháp lý quy định chi tiết và cụ thể về hoạt động phụ trợ bảo hiểm nên một số đơn vị cung cấp hoạt động này tại các thị trường bảo hiểm phát triển như Anh, Mỹ, Canada, Nhật Bản… gặp khó khăn khi muốn gia nhập thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Theo quy định hiện hành (Điều 89 - Luật Kinh doanh bảo hiểm), doanh nghiệp môi giới bảo hiểm là doanh nghiệp thực hiện các nội dung hoạt động môi giới bảo hiểm. Điều này bó hẹp hoạt động của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm trong thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm vì chưa có cơ sở pháp lý. Trong khi trên thực tế, các công ty môi giới bảo hiểm tại Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đều có khả năng thực hiện các hoạt động tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, hỗ trợ bảo hiểm.
Về hoạt động giám định tổn thất, tuy Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010 đã đề cập đến, nhưng chưa cụ thể, thiếu tính chuyên biệt về hoạt động phụ trợ bảo hiểm do thiếu các quy định về nội dung, tiêu chuẩn, điều kiện và nguyên tắc hoạt động; nội dung hợp đồng dịch vụ; điều kiện cung cấp hoạt động phụ trợ bảo hiểm qua biên giới...
Với sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều công ty công nghệ đã chính thức tham gia vào thị trường bảo hiểm với vai trò là đơn vị tư vấn, môi giới, thậm chí hỗ trợ giải quyết bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm. Những công ty này không phải là doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng lại vận hành như một công ty bảo hiểm và phải liên kết với doanh nghiệp bảo hiểm gốc. Điều này có thể gây rủi ro lớn cho khách hàng, vì khi mua bảo hiểm, khách hàng sẽ chỉ biết đến các công ty công nghệ, không thể biết được doanh nghiệp bảo hiểm nào cung cấp sản phẩm đó. Mặt khác, các công ty công nghệ hầu hết là những công ty khởi nghiệp nên họ có thể thông báo phá sản bất kỳ lúc nào. Khi đó, khách hàng rất khó để đòi bồi thường. Để tránh các rủi ro cũng như giúp cơ quan quản lý tăng cường việc kiểm tra, giám sát, theo vị này, cần đưa các quy định về hoạt động phụ trợ bảo hiểm vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Trong bối cảnh hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm là vô cùng cần thiết, qua đó góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc thi hành đầy đủ, nghiêm túc các cam kết quốc tế; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, hoạt động một cách hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế - xã hội; bảo đảm sự tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Hiệp định CPTPP.
Căn cứ thực trạng hoạt động kinh doanh bảo hiểm nói chung và hoạt động phụ trợ bảo hiểm tại Việt Nam, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính đề xuất một số giải pháp như:
(i) Quy định chung về nội dung hoạt động phụ trợ bảo hiểm: Phạm vi, đối tượng áp dụng, định nghĩa, nội dung hoạt động;
(ii) Quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, nguyên tắc hoạt động phụ trợ bảo hiểm, nội dung hợp đồng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, điều kiện cung cấp hoạt động phụ trợ bảo hiểm qua biên giới;
(iii) Quy định về quản lý nhà nước về hoạt động phụ trợ bảo hiểm: Quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, chế độ báo cáo; (iv) Bổ sung quy định doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được thực hiện hoạt động tư vấn bảo hiểm, hoạt động đánh giá rủi ro bảo hiểm, hoạt động hỗ trợ bảo hiểm.
Theo đó, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 07 điều thuộc 05 chương của Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó trọng tâm sửa đổi, bổ sung quy định về: Quyền tham gia các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; về nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động phụ trợ bảo hiểm… Qua nghiên cứu dự thảo, tác giả nhận thấy:
Một là, tính hợp hiến, hợp pháp của dự thảo luật
Dự thảo Luật đã tiếp tục cụ thể hóa một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, Điều 94a về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trong dự thảo Luật quy định: “Chính phủ quy định nguyên tắc, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân cung cấp và sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm”. Đối chiếu với Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì việc quy định này chưa hoàn toàn phù hợp. Hiến pháp quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Do đó, nếu dự thảo quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ thể trong hoạt động kinh doanh có thể dẫn đến hạn chế quyền của chủ thể này. Vì vậy, ban soạn thảo cân nhắc quy định quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân cung cấp và sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Hai là, nội dung dự thảo luật
- Về điều kiện đối với cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm, Khoản 2 Điều 94a. Cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, dự thảo Luật quy định:
“2. Điều kiện đối với cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm: Từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có bằng cấp, chứng chỉ đào tạo về bảo hiểm do các cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp trong và ngoài nước cấp hoặc kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm.
3. Điều kiện đối với tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm:
a) Là tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp;
b) Đáp ứng các quy định về tài chính để đảm bảo trách nhiệm đã cam kết khi cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm;
c) Cá nhân trong tổ chức trực tiếp cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng quy định tại điểm a Khoản 2 Điều này và có bằng cấp, chứng chỉ đào tạo về bảo hiểm phù hợp với từng loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm do các cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp trong và ngoài nước cấp hoặc có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm.”
Theo nội dung trên, dự thảo luật chỉ quy định điều kiện về năng lực chuyên môn mà không quy định điều kiện về tài chính, trong khi đó, điều kiện đối với tổ chức cung cấp dịch vụ bảo hiểm tại khoản này lại quy định cả điều kiện về năng lực chuyên môn và tài chính. Do vậy, ban soạn thảo cân nhắc sự cần thiết bổ sung điều kiện về tài chính đối với cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm để đảm bảo trách nhiệm của cá nhân cung cấp dịch vụ đối với chất lượng dịch vụ mà mình cung cấp.
- Dự thảo Luật bổ sung quy định điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm: “Đảm bảo tài chính trong việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm bằng một trong các hình thức: bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, bảo lãnh thanh toán ngân hàng, bảo hiểm bảo lãnh, ký quỹ, vốn chủ sở hữu (điều kiện về vốn của chủ sở hữu chỉ áp dụng với tổ chức)” là có những điểm chưa phù hợp với tính chất là điều kiện kinh doanh của tổ chức, cá nhân. Bởi lẽ, các hình thức đảm bảo tài chính trên đây còn chung chung, chưa có tính định lượng để làm cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát hoạt động của chủ thể kinh doanh. Hơn nữa, các hình thức đảm bảo tài chính này chưa có sự phân định rạch ròi giữa 3 yếu tố: điều kiện kinh doanh của tổ chức, cá nhân; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; biện pháp bảo đảm của hợp đồng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm…
- Dự thảo chỉ quy định điều kiện đối với cá nhân và tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm mà không quy định điều kiện đối với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm là cũng chưa phù hợp. Vì đối với tổ chức, Dự thảo Luật yêu cầu việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng điều kiện về đảm bảo tài chính, người trực tiếp cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp với từng loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Nếu đối với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm không quy định tiêu chí này thì một mặt không có biện pháp để quản lý, mặt khác, không bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể trong cùng một ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Hơn nữa, dù doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhưng điều đó không có nghĩa là họ chắc chắn có các cá nhân có chuyên môn và văn bằng, chứng chỉ phù hợp để cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, cũng như luôn đủ khả năng tài chính để ký kết các hợp đồng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm mà không cần thực hiện các biện pháp bảo đảm như bảo lãnh, bảo hiểm, ký quỹ.
- Về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nếu Dự thảo Luật chỉ quy định về hình thức hợp đồng mà không quy định về các nội dung chủ yếu của hợp đồng là chưa bảo đảm yêu cầu quản lý, chưa tương xứng với các quy định có liên quan của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành về hợp đồng bảo hiểm. Chẳng hạn, nếu xác định việc bảo lãnh, bảo hiểm, ký quỹ là điều kiện của việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, thì trong hợp đồng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cần có sự đồng nhất quy định nội dung này.
- Khoản 5 Điều 94a dự thảo Luật quy định: Chính phủ quy định các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm khác. Việc quy định chi tiết nội dung và các điều kiện cụ thể đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là cần thiết, qua đó bảo đảm dễ tiếp cận và dễ áp dụng trong thực tiễn. Tuy nhiên, quy định này chưa đảm bảo nguyên tắc xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết theo quy định tại Khoản 7 Điều 7 và Điều 90 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Do vậy, ban soạn thảo cần cân nhắc quy định này cho phù hợp, tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Ba là, một số nội dung khác
- Nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành phục vụ việc tính phí. Thực tế cho thấy, Bộ Tài chính quy định, từ năm 2015, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải có chuyên gia tính phí. Để tính phí bảo hiểm, chuyên gia tính phí cần có cơ sở dữ liệu của toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ do từng doanh nghiệp bảo hiểm truy cập. Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm, điều kiện cấp phép hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm là phải có cơ sở dữ liệu phù hợp với quản lý điều hành kinh doanh bảo hiểm. Vì vậy, trong thời gian tới, cần có lộ trình bắt buộc các doanh nghiệp bảo hiểm có dữ liệu và chia sẻ dữ liệu để tính phí bảo hiểm(7).
- Nghiên cứu bổ sung hoạt động kinh doanh bảo hiểm trực tuyến vào trong Luật. Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chỉ thừa nhận giao dịch bảo hiểm bằng văn bản. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển, hoạt động thương mại điện tử ngày càng diễn ra mạnh mẽ hơn, một số doanh nghiệp đã triển khai kênh bán hàng trực tuyến và ứng dụng điện thoại thông minh. Vì vậy, trong điều kiện cho phép, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm cần nghiên cứu, bổ sung hình thức giao dịch bán hàng trực tuyến và bán hàng qua ứng dụng điện thoại thông minh vào văn bản luật./.
TS. Nguyễn Thị Dung
Viện Nghiên cứu lập pháp
Chú thích:
(1): Gồm: Nghị định 45/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007; Nghị định 46/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007; Nghị định 123/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011; Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi; Nghị định 151/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; các Thông tư 124/2012/TT-BTC ngày 30/7/2012; Thông tư 125/2018/TT-BTC ngày 24/12/2018;
(2): Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) - Tài liệu Hội thảo: “Đánh giá kết quả thực hiện Luật Kinh doanh bảo hiểm giai đoạn 2000 - 2017 và định hướng hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm” do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 26/6/2018;
(3): Tổng cục Thống kê - Thông cáo báo chí tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018. Nguồn: http://www.gso.gov.vn, truy cập ngày 18/4/2019;
(4) Việc gia nhập WTO tạo cơ hội cho việc phát triển nhiều sản phẩm mới và thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Lĩnh vực bảo hiểm ngày càng thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (cụ thể như trong bảo hiểm nhân thọ, đến nay trong số 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, có 17 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (Nguồn: “Thị trường bảo hiểm nhân thọ: thế cuộc trong tay tân binh FDI”, http://finance.tvsi.com.vn/news/detailNews?newsid=450579);
(5) Theo Hiệp định này, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm;
(6) Các cam kết quốc tế về hoạt động phụ trợ bảo hiểm mà Việt Nam đã tham gia – Nguồn: Báo cáo tổng kết Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ Công Thương (2019). Tài liệu phục vụ Phiên họp thứ 33 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (4/2019);
(7) Xem thêm:Trịnh Quang Tuyến,Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, “19 nhóm giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm”. Nguồn: Cổng thông tin điện tử bảo hiểm Việt Nam. Truy cập lần cuối ngày 20/4/2019.