Một số kinh nghiệm chấn chỉnh thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 01 lần/năm trên địa bàn tỉnh Hà Nam

Thứ sáu, 10/04/2020 14:47
(ThanhtraVietNam) – Quá trình thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trên địa bàn đã để lại một số kinh nghiệm đối với tỉnh Hà Nam.

Hàng trăm lượt xử lý trùng lắp, chồng chéo thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp mỗi năm

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg và các Chỉ thị, Nghị quyết liên quan, cũng như các kế hoạch cụ thể của tỉnh, các cơ quan thanh tra trong tỉnh đã tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc. Cụ thể, phối hợp trao đổi thông tin trước khi trình dự thảo kế hoạch thanh tra hàng năm, gửi dự thảo kế hoạch thanh tra về Thanh tra tỉnh để tổng hợp, xử lý trùng lắp, chồng chéo; xây dựng kế hoạch thanh tra trình Thủ trưởng cùng cấp phê duyệt đảm bảo đúng hướng dẫn của Thanh tra cấp trên, không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp; khi tiến hành thanh tra không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Để đảm bảo công khai, minh bạch, chương trình công tác thanh tra hàng năm được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, như: Cổng thông tin điện tử của tỉnh, của các đơn vị; thông báo cho Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh để các doanh nghiệp theo dõi, kiến nghị những bất cập, chồng chéo, đề xuất nguyện vọng và phản ánh việc gây khó khăn đối với doanh nghiệp trong quá trình tiến hành thanh tra, giảm thiểu tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp…

Đồng thời, UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp. Trường hợp kế hoạch thanh tra, kiểm tra trùng lắp, chồng chéo với hoạt động Kiểm toán Nhà nước, kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành (nhất là tại doanh nghiệp), các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động phối hợp, trao đổi, thống nhất với đơn vị được giao thực hiện kế hoạch kiểm toán, thanh tra hoặc báo cáo UBND (qua Thanh tra tỉnh) để thống nhất phương án xử lý chồng chéo theo quy định. Trường hợp cần phải điều chỉnh kế hoạch thanh tra, Chánh Thanh tra báo cáo người phê duyệt kế hoạch thanh tra xem xét phê duyệt điều chỉnh kế hoạch theo hướng không làm tăng số cuộc thanh tra.

Khi xuất hiện trùng lắp, chồng chéo với chương trình kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và chương trình thanh tra của bộ, ngành thực hiện trên địa bàn tỉnh, thì việc tiến hành thanh tra, kiểm tra được xử lý theo nguyên tắc ưu tiên cho cơ quan cấp trên thực hiện. Đối với các đơn vị cùng cấp thì căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế, các đơn vị thống nhất đối tượng, nội dung thanh tra.

Kết quả, năm 2017, toàn tỉnh có 1.419 doanh nghiệp được phê duyệt trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Thanh tra tỉnh đã xử lý 480 doanh nghiệp trùng lắp. Trong đó, 458 doanh nghiệp được xử lý trùng lắp trong quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra, 22 doanh nghiệp được xử lý trùng lắp trong quá trình thực hiện kế hoạch thanh tra.

Năm 2018, toàn tỉnh có 1.407 doanh nghiệp được phê duyệt trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Quá trình xây dựng kế hoạch Thanh tra tỉnh đã xử lý 379 doanh nghiệp trùng lắp; quá trình thực hiện kế hoạch thanh tra đã xử lý trùng lắp, chồng chéo đối với 65 doanh nghiệp.

Năm 2019, toàn tỉnh có 1.261 doanh nghiệp được phê duyệt trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Trong quá trình xây dựng kế hoạch Thanh tra tỉnh đã xử lý 336 doanh nghiệp trùng lắp. Quá trình thực hiện kế hoạch thanh tra đã xử lý trùng lắp, chồng chéo đối với 87 doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
 Khu công nghiệp Đồng Văn, tỉnh Hà Nam tập trung nhiều doanh nghiệp trên địa bàn (ảnh internet)

Trong quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra thì thành lập các đoàn thanh tra liên ngành đối với các doanh nghiệp bị trùng lắp. Đối với trùng lắp do các sở, ngành bổ sung, điều chỉnh kế hoạch thanh tra thì các đơn vị bổ sung kế hoạch sau cùng sẽ phải dừng việc thanh tra, kiểm tra. Trường hợp đặc biệt có dấu hiệu vi phạm mới được phép thanh tra, kiểm tra tiếp.

Thông qua số điện thoại đường dây nóng và việc thông báo công khai với đối tượng thanh tra, Thanh tra tỉnh cũng đã nhận được một số phản hồi từ doanh nghiệp về việc thanh tra, kiểm tra trùng lắp với các bộ, ngành và Kiểm toán nhà nước, Thanh tra tỉnh đã kịp thời xử lý, tránh trùng lắp, chồng chéo.

Nhìn chung, việc xử lý trùng lắp, chồng chéo đối với thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp cơ bản đã được xử lý, đảm bảo thực hiện thanh tra, kiểm tra không quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp.

Trong hơn 02 năm thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác thanh tra thực hiện đảm bảo theo kế hoạch của UBND tỉnh, sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Thủ trưởng các cấp, các ngành và sự chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ. Các cuộc thanh tra có trọng tâm, trọng điểm và kết thúc đúng kế hoạch đề ra; kiến nghị xử lý chặt chẽ, rõ ràng, có tính khả thi. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tiếp tục hoạt động có hiệu quả, phát hiện và xử lý được nhiều sai phạm trên nhiều lĩnh vực mà dư luận quan tâm.

Các tồn tại, vi phạm của doanh nghiệp được nêu cụ thể, chi tiết trong Kết luận thanh tra và kết luận kiểm tra; có hướng dẫn, quy định rõ thời gian khắc phục tồn tại, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Kết quả thanh tra, kiểm tra được thực hiện công khai theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, tỉnh Hà Nam đang triển khai thực hiện phần mềm quản lý nhà nước về công tác thanh tra, trong đó có chức năng xử lý trùng lắp, chồng chéo nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác thanh tra, nhất là công tác xử lý trùng lắp, chồng chéo trong thanh tra tại doanh nghiệp.

Mặc dù, công tác xử lý chồng chéo, trùng lắp về thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện tốt. Tuy nhiên, việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch thanh tra, nhất là phê duyệt bổ sung kế hoạch thanh tra tại một số đơn vị chưa có sự phối hợp với Thanh tra tỉnh nên có trường hợp chồng chéo, trùng lắp. Do đó, vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp trong năm phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra (các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của một số bộ, ngành Trung ương hoặc có trùng lắp với các chương trình kiểm tra đặc thù của các tổ chức khác).

Chưa kể, các kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm khắc phục kịp thời những sơ hở, yếu kém, kiến nghị đề xuất những biện pháp đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý thông qua công tác thanh tra chưa nhiều hoặc chưa kịp thời.

Cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng từ Trung ương với địa phương

Theo UBND tỉnh Hà Nam, việc điều phối xử lý chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra còn gặp khó khăn do quy định của pháp luật chưa phù hợp với thực tế và tần suất thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp. Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định thanh tra, kiểm tra không quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp trong khi có nhiều lĩnh vực quy định kiểm tra định kỳ, thường xuyên nhiều lần trong năm đối với doanh nghiệp, dẫn đến các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành bị khống chế về đối tượng thanh tra, kiểm tra theo Chỉ thị 20, không kịp thời phát hiện, xử lý các tồn tại, sai phạm của doanh nghiệp, như: Trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; lĩnh vực an toàn thực phẩm… 

Do tinhs chất đặc thù, cơ quan thuế thường xuyên phải thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu của Luật Quản lý thuế như kiểm tra trước hoàn thuế giá trị gia tăng, kiểm tra hoàn thành nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế (kiểm tra giải thể, phá sản, sát nhập chấm dứt hoạt động…). Hoạt động này chỉ phát sinh trong năm khi có yêu cầu của người nộp thuế. Tuy nhiên, khi thực hiện việc kiểm tra này sẽ có trùng lắp, chồng chéo với kế hoạch thanh tra của các đơn vị đã có kế hoạch thanh tra từ đầu năm.

Hơn nữa, công tác phối hợp để xử lý tránh trùng lắp, chồng chéo giữa một số cơ quan thanh tra trong tỉnh, giữa các đơn vị trên địa bàn tỉnh với một số các cơ quan Trung ương còn hạn chế.

Chính vì vậy, UBND tỉnh Hà Nam cho rằng, cần phải sửa đổi, bổ sung về việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp theo Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tách xử lý trùng lắp, chồng chéo nội dung, đối tượng kiểm tra và xử lý trùng lắp, chồng chéo về thanh tra để đảm bảo việc quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ xây dựng quy chế phối hợp với các bộ, ngành, Kiểm toán nhà nước và địa phương trong việc xây dựng, thực hiện chương trình kế hoạch thanh tra và kết luận thanh tra. Ngoài ra, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần xem xét, điều chỉnh các quy định của pháp luật chưa phù hợp như nêu trên để thống nhất thực hiện; hướng dẫn cụ thể về thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch với thanh, kiểm tra thường xuyên./.

Hoàng Minh

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra