Tại các địa phương, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn còn diễn biến phức tạp. Có những vụ việc đã được giải quyết nhưng công dân không đồng tình, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc, gay gắt. Nhiều trường hợp công dân khiếu kiện có hành vi gây rối, lăng mạ, mạt sát, xúc phạm danh dự cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân khi không đạt được mục đích. Một số trường hợp, công dân tự ý quay phim, chụp ảnh đăng tải lên các trang mạng xã hội. Cá biệt có công dân đã dùng xăng tự thiêu, đe dọa tự thiêu, bị ngất phải đưa đi cấp cứu trước cổng Trụ sở Tiếp công dân Trung ương (Công dân Thạch Thị Phúc (Trà Vinh); công dân Lê Thị Hồng Phượng (TP. Hồ Chí Minh); công dân Bùi Hữu Tuân (Hà Nội); công dân Nguyễn Thị Vàng (Kiên Giang).
Theo số liệu báo cáo, hàng năm Trụ sở Tiếp công dân Trung ương đã tiếp hàng chục ngàn người dân khiếu kiện ở khắp các địa bàn trong cả nước (năm 2016: gần 22 nghìn lượt người và hơn 600 lượt đoàn đông người; năm 2017: hơn 14,2 nghìn lượt người và hơn 400 lượt đoàn đông người; năm 2018: hơn 17,1 nghìn lượt người và gần 500 lượt đoàn đông người…) Theo rà soát, thống kê của Thanh tra Chính phủ tại 27 tỉnh, thành phố có 288 vụ việc phức tạp, trong đó có 234 vụ việc đông người (theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo diễn ra ngày 19/5/2018).
Trên cơ sở tiếp, tham gia đối thoại, giải quyết nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, chúng tôi đã rút ra một số kinh nghiệm trong việc phối hợp để xử lý các vụ việc đông người, phức tạp, cụ thể:
Thứ nhất, đối với từng vụ việc đông người, phức tạp phải có sự quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương.
Các cấp chính quyền cần nhận thức đúng về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Các cấp, các ngành phải thường xuyên rà soát, phân loại các vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài để có nhưng giải pháp phù hợp, tập trung giải quyết dứt điểm.
Thứ hai, tăng cường phối hợp trong việc tiếp công dân, đối thoại với người dân, gắn tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, các cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở đã có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong việc hướng dẫn và trả lời công dân, đặc biệt, đối với những vụ việc đông người, phức tạp (Trụ sở đã có văn bản đề nghị Lãnh đạo Ban Dân nguyện phối hợp với Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ tổ chức tiếp đại diện công dân 3 xã Phụng Công, Xuân Quan, Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên).
Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương (TTCP) Nguyễn Hồng Điệp trực tiếp thăm hỏi công dân đến khiếu kiện
Việc phối hợp trong cung cấp thông tin về các vụ việc đông người, phức tạp giữa địa phương và Ban Tiếp công dân Trung ương cũng mang lại hiệu quả rất tốt. Một mặt, giúp cán bộ tiếp công dân nắm rõ hơn quá trình giải quyết để hướng dẫn và thuyết phục công dân; mặt khác, trao đổi, thống nhất với địa phương trong việc hướng dẫn và giải quyết vụ việc cơ sở.
Bên cạnh đó, Ban Tiếp công dân Trung ương đã chủ động phối hợp với UBND một số tỉnh, thành phố vận động công dân khiếu kiện đông người, phức tạp trở về và tổ chức tiếp tại địa phương, như đối với các công dân thuộc quận 2, thành phố Hồ Chí Minh (liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm); một số công dân tỉnh An Giang thường xuyên có mặt ở Hà Nội để khiếu kiện; một số công dân phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; một số công dân huyện Gia Lâm, quận Hoàng Mai, quận Hà Đông, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội; một số công dân xã An Nhơn Tây và xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh; một số công dân tỉnh Đồng Tháp đang khiếu kiện phức tạp tại Trụ sở tại Hà Nội.
Đối với một số vụ việc đặc biệt khó khăn, Ban đã tham mưu giúp Tổng Thanh tra Chính phủ cùng với lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp tiếp công dân và có ý kiến chỉ đạo. Năm 2018, Ban Tiếp công dân Trung ương đã báo cáo và đề xuất giao cho các Cục địa bàn của Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát đối với 82 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, trong đó có 51 vụ việc phát hiện qua công tác tiếp công dân và 31 vụ việc phát hiện qua quá trình xử lý đơn thư; đã tham mưu giúp lãnh đạo Thanh tra Chính phủ tiếp công dân định kỳ theo quy định của Luật Tiếp công dân đối với 03 vụ việc phức tạp.
Thứ ba, phối hợp trong việc thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương.
Ban Tiếp công dân Trung ương đã chủ động thành lập các Tổ công tác (có sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban dân nguyện - Ủy ban thường vụ Quốc hội, Cục I - Thanh tra Chính phủ) kiểm tra, đôn đốc công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại tố cáo tại một số tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Lào Cai, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Hà Nội, Lai Châu, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, Ban đã tham gia các Tổ công tác liên ngành để nắm tình hình, kiểm tra, rà soát một số vụ việc phức tạp, nổi cộm tại Bắc Giang, Kon Tum, Bình Định, Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh, Hà Nội (liên quan đến giải phóng mặt bằng ở quận Cầu Giấy), Quảng Ninh, Bắc Giang (liên quan đến dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Nam phường Dĩnh Kế), Hưng Yên (liên quan đến dự án Khu đô thị thương mại du lịch Văn Giang), Đồng Nai (khiếu nại của bà Trương Thị Quý, ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom), Kiên Giang, Quảng Ninh, An Giang (liên quan đến giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp trên địa bàn tỉnh), Đắk Lắk (nắm tình hình, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra Dự án đầu tư xây dựng chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột).
Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với địa phương, lực lượng công an trong việc đảm bảo tình hình an ninh, trật tự.
Đối với trường hợp công dân khiếu kiện lưu trú dài ngày tại Thủ đô, Trụ sở đã có văn bản đề nghị địa phương cử Tổ công tác đến Trụ sở để phối hợp tiếp, vận động và bố trí đưa công dân trở về địa phương, tránh để công dân lưu trú dài ngày bị phần tử cơ hội lợi dụng, lôi kéo, kích động.
Phối hợp với các lực lượng an ninh của Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và địa phương có công dân khiếu kiện thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự tại Trụ sở và các địa điểm diễn ra kỳ họp Quốc hội, Trụ sở của các cơ quan Trung ương và nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Báo cáo lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và có văn bản gửi cơ quan công an đối với những tình huống phức tạp, kịp thời xử lý không để xảy ra diễn biến xấu, nhất là đối với những trường hợp công dân khiếu kiện chây ì di chuyển ra trung tâm Thành phố.
Thứ năm, phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân; bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tiếp công dân.
Tiếp tục tham mưu trong việc xây dựng Chương trình phối hợp số 02-CTPH/MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS ngày 11/10/2018 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương, cơ sở. Năm 2018, thực hiện Chương trình phối hợp, Ban Tiếp công dân Trung ương đã tổ chức cho 115 luật sư tư vấn pháp luật miễn phí với 313 vụ việc của công dân đến khiếu kiện tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương ở Hà Nội.
Kết hợp song song công tác kiểm tra, đôn đốc tại địa phương, Ban đã giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm tiếp công dân, xử lý các tình huống phức tạp, tiếp các đoàn đông người cho hàng ngàn lượt cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân. Riêng năm 2018, đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho gần 4.000 lượt cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số địa phương như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Tiền Giang, Ninh Bình./.
Ban Tiếp công dân Trung ương - TTCP