Năm 2018, ngành Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc đã bám sát chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, chủ động triển khai thực hiện tốt Chương trình, Kế hoạch đề ra. Công tác thanh tra đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào các lĩnh vực nổi cộm dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Toàn ngành đã triển khai thực hiện 108 cuộc thanh tra hành chính tại 315 đơn vị, thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước về tài chính, ngân sách; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý đầu tư xây dựng và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; ban hành 95 kết luận thanh tra. Qua thanh tra phát hiện 144 đơn vị có vi phạm với tổng số tiền 13.166,1 triệu đồng. Đồng thời, thực hiện 1.158 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 3.119 tổ chức và 715 cá nhân trên các lĩnh vực: Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, an toàn giao thông, các hoạt động dịch vụ văn hóa, y tế, thông tin và truyền thông, an toàn thực phẩm… Qua thanh tra, kiểm tra, phát hiện 1.413 tổ chức, cá nhân vi phạm; ban hành 1.118 quyết định xử lý vi phạm 15.529,2 triệu đồng.
Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, ngành Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc đã có những kiến nghị, đề xuất nhằm chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, chống thất thoát, lãng phí; đồng thời góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật.
Để công tác thanh tra đạt hiệu quả cao, ngay từ đầu năm, Thanh tra tỉnh đã chỉ đạo các Phòng nghiệp vụ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của ngành Thanh tra và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, chủ động xây dựng Kế hoạch khảo sát những nội dung dự kiến thanh tra đối với các sở, ngành, đơn vị cấp huyện được phân công theo dõi, báo cáo lãnh đạo Thanh tra tỉnh duyệt để tổ chức thực hiện. Mặt khác, trên cơ sở định hướng của Thanh tra Chính phủ, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn các tổ chức Thanh tra xây dựng kế hoạch thanh tra cùng với định hướng về nội dung thanh tra. Trong đó, yêu cầu thanh tra phải có trọng tâm, trọng điểm tránh dàn trải trong xây dựng kế hoạch thanh tra; tập trung thanh tra vào những vấn đề bức xúc, nổi cộm dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí mà dư luận và nhân dân quan tâm phản ánh, như: Quản lý đầu tư xây dựng, quản lý tài chính ngân sách, quản lý sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, thực hiện cải cách chính sách xã hội.
Để xử lý chồng chéo giữa kế hoạch của Thanh tra tỉnh với kế hoạch của Thanh tra huyện, thành phố, sở ngành về phạm vi, nội dung, đối tượng thanh tra, hướng dẫn của Thanh tra tỉnh xác định rõ thời gian các tổ chức thanh tra phải gửi Dự thảo Kế hoạch thanh tra đến Thanh tra tỉnh trước ngày 30/10 hàng năm theo đúng quy định tại Điều 22 Luật Thanh tra 2010 và Điều 13 Thông tư số 01/TT-TTCP ngày 23/4/2014 của Thanh tra Chính Phủ quy định việc xây dựng, phê duyệt, định hướng chương trình kế hoạch thanh tra. Sau đó, Thanh tra tỉnh thành lập Tổ rà soát do một đồng chí lãnh đạo Thanh tra tỉnh làm Tổ trưởng, giao Văn phòng chủ trì. Thành phần gồm trưởng các phòng nghiệp vụ để tiến hành rà soát, đối chiếu giữa dự thảo kế hoạch của Thanh tra tỉnh và dự thảo kế hoạch thanh tra của Thanh tra huyện, thành phố, sở, ngành để quyết định xử lý.
Trụ sở Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: Internet)
Sau đó, Thanh tra tỉnh có văn bản gửi Thanh tra sở, ngành, huyện, thành phố nội dung phải điều chỉnh kế hoạch thanh tra. Trên cơ sở rà soát đối chiếu kế hoạch thanh tra của toàn ngành, Thanh tra tỉnh trình UBND tỉnh Kế hoạch thanh tra trước ngày 25/11 hàng năm để tổ chức thực hiện. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thanh tra cùng với Phụ lục phạm vi, nội dung, danh mục đối tượng thanh tra cụ thể. Sau khi UBND tỉnh có quyết định phê duyệt Kế hoạch thanh tra, Thanh tra tỉnh có văn bản gửi các tổ chức thanh tra trong toàn ngành để tiếp tục điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch thanh tra của ngành, cấp mình trước khi trình thủ trưởng sở, ngành, chủ tịch UBND cùng cấp phê duyệt.
Như vậy, với việc rà soát, xây dựng kế hoạch thanh tra theo hai bước như trên, ngành Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc đã khắc phục được tình trạng chồng chéo trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra hàng năm của toàn ngành, được dư luận đồng tình ủng hộ. Công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện theo chương trình kế hoạch được phê duyệt, có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào các lĩnh vực nổi cộm, bức xúc được dư luận quan tâm. Cùng với đó, công tác xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra được thực hiện tốt góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; công tác đôn đốc, kiểm tra thực hiện các quyết định, kết luận thanh tra được tăng cường góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác thanh tra.
Riêng đối với việc thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, ngành Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2018, căn cứ theo Văn bản bản số 2139/TTCP-KHTCTH ngày 30/8/2017 của Thanh tra Chính phủ về việc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2018 và Văn bản bản số 7616/UBND-PC2 ngày 29/9/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2018, Thanh tra tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn Thanh tra các huyện, thành phố, sở ngành xây dựng dự thảo Kế hoạch thanh tra và tổ chức xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp.
Số liệu thống kê của Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, có 1.222 doanh nghiệp được các đơn vị thanh tra, kiểm tra 01 lần/năm 2018; có 71 doanh nghiệp, Thanh tra tỉnh đã đề xuất giao cho cơ quan chủ trì và các cơ quan phối hợp triển khai thanh tra, kiểm tra cùng một thời điểm. Tuy nhiên, việc chồng chéo giữa Kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước khu vực với Quyết định phê duyệt kế hoạch của Chủ tịch UBND tỉnh vẫn còn xảy ra cả về phạm vi, nội dung và đối tượng thanh tra. Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo ngành Thanh tra, các sở, ngành, UBND cấp huyện rà soát, đối chiếu để điều chỉnh Kế hoạch Thanh tra. Thanh tra tỉnh có Văn bản hướng dẫn các Tổ chức thanh tra tiến hành rà soát, đối chiếu với Kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước khu vực, trình Chủ tịch UBND cùng cấp, thủ trưởng sở, ngành ban hành Quyết định điều chỉnh Kế hoạch Thanh tra của năm đó.
Đến nay, việc chỉ đạo, phối hợp để xử lý, giải quyết chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra trên phạm vi địa bàn của tỉnh Vĩnh Phúc đã cơ bản mạch lạc, rõ ràng. Song còn rất khó khăn và thụ động trong việc chồng chéo giữa danh mục theo chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra của tỉnh với danh mục trong chương trình, kế hoạch của cơ quan kiểm toán nhà nước. Trên thực tế, đã có Quy chế phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với Thanh tra Chính phủ nhưng chưa có Quy chế phối hợp để xử lý chồng chéo của toàn ngành Kiểm toán với toàn ngành Thanh tra nên vẫn còn chồng chéo trong hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước tại các địa phương.
Theo Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc, để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực hiện chương trình, kế hoạch Thanh tra, tránh tình trạng trùng lắp, chồng chéo cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, phải chú trọng công tác xây dựng Kế hoạch thanh tra ngay từ khi khảo sát. Theo đó, trước khi khảo sát phải xây dựng kế hoạch xác định rõ phạm vi, nội dung, đối tượng khảo sát để đảm bảo đề xuất Kế hoạch thanh tra năm tiếp theo có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của UBND cùng cấp, thủ trưởng sở, ngành. Khắc phục tình trạng thanh tra tràn lan, nặng về thanh tra vụ việc, thiếu quan tâm chỉ đạo thanh tra chuyên đề, thanh tra trách nhiệm để đánh giá việc thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra. Từ đó, kịp thời phát hiện sở hở, yếu kém, tồn tại về cơ chế, chính sách, trên cơ sở đó kiến nghị, sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách pháp luật. Báo cáo Thanh tra Chính phủ để phối hợp giữa ngành Thanh tra với ngành Kiểm toán Nhà nước nhằm khắc phục và xử lý, giải quyết chồng chéo trong hoạt động thanh tra, hoạt động kiểm toán tại các địa phương.
Hai là, thực hiện tốt công tác nắm tình hình tại các địa bàn để định hướng xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra hàng năm đảm bảo tính toàn diện trong các lĩnh vực. Qua đó, phát huy hiệu quả quản lý nhà nước toàn diện cho thủ trưởng cùng cấp và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đồng thời, phát huy tốt mối quan hệ trong công tác thanh tra hành chính với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng để hoạt động thanh tra hành chính phát huy được hiệu quả của công tác phòng ngừa và phát hiện xử lý hành vi tham nhũng trong công tác phòng, chống tham nhũng; hoạt động thanh tra hành chính bám sát vào những lĩnh vực tồn tại, yếu kém, dư luận, cử tri có nhiều quan tâm để qua thanh tra giải quyết sớm các sai phạm; giải quyết sớm quyền lợi của người dân làm giảm thiểu tối đa những nguyên nhân tiềm ẩn khiếu kiện nhất là những nguyên nhân tiềm ẩn khiếu kiện đông người, phức tạp để cho công tác thanh tra hành chính thực sự hỗ trợ hiệu quả cho nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên toàn địa bàn.
Ba là, trong chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra cần chú trọng việc định hướng để tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành Thanh tra tỉnh trên toàn địa bàn, lĩnh vực, không để tình trạng bỏ trống hoạt động thanh tra chuyên ngành của tỉnh.
Bốn là, đề nghị với Thanh tra Chính phủ tiếp tục nghiên cứu từng bước hoàn thiện pháp luật về thanh tra nhất là các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và các biện pháp cụ thể để xử lý các trường hợp vi phạm và đảm bảo thu hồi kinh tế, tiền, tài sản vi phạm được kiến nghị, xử lý tại các kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra. Đồng thời, nghiên cứu để ban hành Thông tư của Thanh tra Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục trong công tác giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra và công tác thẩm tra văn bản Kết luận thanh tra.
Có thể khẳng định, với những kết quả tích cực đã đạt được từ việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, ngành Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và Thanh tra tỉnh nói riêng đã góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động; góp phần tạo điều kiện cải thiện đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho nhân dân./.
Minh Nguyệt